​Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết, tay chân miệng tại An Giang

11/10/2023 In bài viết

Thực hiện Quyết định số 2690/QĐ-BYT ngày 27/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc thành lập 07 Đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết tại các tỉnh/thành phố trọng điểm. Ngày 23/8/2023, Đoàn công tác số 2 của Bộ Y tế đã tổ chức kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết tại tỉnh An Giang do TS.BS. Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế làm Trưởng đoàn. Tham gia đoàn công tác có Lãnh đạo và chuyên viên các phòng thuộc Cục Quản lý Môi trường y tế, Lãnh đạo và cán bộ chuyên trách Bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Thành phố Hồ Chí Minh. Đại diện của Sở Y tế tỉnh An Giang có sự tham gia của Đồng chí Phan Vân Điền Phương, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang; cùng đại diện lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế An Giang; lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (cùng các Khoa: Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Khoa Sức khoẻ môi trường - Y tế trường học, Khoa Truyền thông giáo dục sức khoẻ); lãnh đạo Bệnh viện Sản Nhi An Giang và Trung tâm Y tế huyện Kiên Hải.

Đoàn công tác đã kiểm tra việc thực hiện hoạt động phòng, chống dịch bệnh Tay chân miệng, Sốt xuất huyết tại Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, Trạm Y tế xã An Hoà, Trường mẫu giáo An Hoà, một số hộ gia và Kiểm tra công tác thu dung điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi An Giang.

Tình hình dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết tại An Giang:

- Tay chân miệng: Tích lũy đến tuần 32, ghi nhận 1.973 trường hợp mắc, số mắc giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2022, tập trung nhiều 4 huyện: Chợ Mới, Thoại Sơn, Long Xuyên và Châu Thành. Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp tử vong nhưng đã ghi nhận gia tăng số ca bệnh nặng là 140 ca, Bệnh có chiều hướng gia tăng từ tuần thứ 20 (32 ca/tuần→ >100 ca/tuần), số ca mắc đã vượt ngưỡng dự báo dịch từ tuần thứ 22.

- Sốt xuất huyết: Tích lũy đến tuần 32, ghi nhận 2.919 trường hợp mắc Sốt xuất huyết, chưa ghi nhận trường hợp tử vong; số mắc Sốt xuất huyết giảm 71,7% so cùng kỳ năm 2022, số ca mắc hàng tuần nằm trong ngưỡng dự báo dịch (từ tuần 15 → tuần 32). Các huyện có số ca mắc cao năm 2023: Chợ Mới, Châu Phú, Tịnh Biên và Tri Tôn, tuy nhiên vẫn được kiểm soát, số ca sốt xuất huyết nặng là 141 ca chiếm 4,8%.

* Nhận định tình hình dịch:

Nguy cơ dịch chồng dịch Sốt xuất huyết, Tay chân miệng và các dịch bệnh khác luôn hiện hữu. Số ca mắc sốt xuất huyết hàng tuần còn trong ngưỡng dự báo dịch, tuy nhiên đang vào mùa mưa, thời tiết phù hợp cho muỗi, lăng quăng phát triển là điều kiện thuận lợi bùng phát dịch. Dịch Tay chân miệng có chiều hướng gia tăng từ tuần thứ 20 (32 ca/tuần lên trên 100 ca/tuần), số ca mắc đã vượt ngưỡng dự báo dịch từ tuần thứ 22 đang tiếp tục gia tăng các tuần gần đây. Đồng thời sự xuất hiện của chủng vi rút EV71 (chiếm 71,3%) và phân bố các huyện trên địa bàn dẫn đến nguy cơ dịch sẽ bùng phát mạnh trong thời gian tới nhất mùa tựu trường (từ tháng 9-11/2023).

Trên cơ sở kết quả kiểm tra thực tế, báo cáo của Sở Y tế và các Đơn vị, ý kiến phát biểu của Đồng chí Phó giám đốc Sở Y tế, Đoàn công tác đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh cũng như của Sở Y tế An Giang; công tác chuẩn bị được thực hiện sớm, chủ động và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn. Công tác giám sát, báo cáo phòng, chống dịch đã được thực hiện thường xuyên, điều tra xử lý các ổ dịch kịp thời, hiệu quả. Công tác thu dung, điều trị về cơ bản thực hiện tốt, các bệnh viện tuyến huyện, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh tham gia tích cực vào việc thu dung, điều trị bệnh nhân Sốt xuất huyết, Tay chân miệng. Sở Y tế đã có phương án chỉ đạo các bệnh viện thu dung điều trị kịp thời, đảm bảo không quá tải trong tình huống số lượng bệnh nhân nhiều, dịch bệnh bùng phát.

Tuy nhiên, vẫn còn gặp một số khó khăn. Qua kiểm tra thực tế công tác xử lý, phòng chống dịch và truyền thông tại trạm y tế xã, trường học và các hộ gia đình cho thấy ý thức phòng, chống dịch Sốt xuất huyết, Tay chân miệng của một bộ phận người dân còn chưa tốt, thói quen tích trữ nước trong chum, vại tạo môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh đẻ trứng và phát triển. Có nhiều hộ gia đình, trường học còn để lốp (vỏ) xe cũ không sử dụng để ngoài vườn, chai lọ, chum vại và các vật linh tinh chứa nước đọng không được xử lý, nên muỗi vào đẻ trứng và nhiều lăng quăng/bọ gậy phát triển. Có nhiều hộ gia đình đi làm cả ngày nên công tác tuyên truyền, phòng, chống dịch khó khăn.

Để đẩy mạnh công tác phòng, chống Sốt xuất huyết, Tay chân miệng trên địa bàn tỉnh, đề nghị Sở Y tế:

+ Báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo và huy động chính quyền các cấp, các ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội chủ động phối hợp với ngành Y tế triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Tay chân miệng, Sốt xuất huyết, đặc biệt tập trung vào các khu vực có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu UBND các cấp trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết, Tay chân miệng tại xã/phường; Tăng cường thành lập các đoàn liên ngành cấp tỉnh, huyện, xã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch, kiểm tra sát sao việc thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chỉ đạo của UBND tỉnh trong công tác phòng chống dịch; Tăng cường xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020; Đưa kết quả phòng chống dịch vào kết quả đánh giá thi đua khen thưởng; Bảo đảm kinh phí các tuyến cho công tác phòng chống dịch.

+ Tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, phun hóa chất tại các khu vực nguy cơ cao theo hướng dẫn của các Viện thuộc Bộ Y tế; đảm bảo đủ hóa chất, vật tư, thiết bị phòng chống dịch trên địa bàn.

+ Tiếp tục tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân. Tổ chức tập huấn, tập huấn lại cho cán bộ y tế về giám sát, điều trị Tay chân miệng, Sốt xuất huyết theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuyến trên hỗ trợ cho tuyến dưới, củng cố hệ thống để sẵn sàng thu dung điều trị trong tình huống số lượng bệnh nhân gia tăng. Chỉ đạo các phòng khám tư nhân, các tuyến điều trị tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, theo dõi chuyển tuyến kịp thời, an toàn. Đảm bảo có đủ phương tiện, vật tư, thuốc, trang thiết bị, sẵn sàng tổ chức thu dung cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.

+ Phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo phát động phong trào học sinh tham gia diệt loăng quăng tại nhà hàng tuần. Tăng cường phối hợp liên ngành, huy động các ban, ngành đoàn thể cùng phòng, chống dịch. Tổ chức chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch trên diện rộng, với nhiều hình thức và phương pháp phù hợp với mật độ, đặc điểm dân cư. Củng cố, kiện toàn đội ngũ cộng tác viên trong tuyên truyền, xử lý ổ dịch.

+ Sở Y tế tiếp tục thường xuyên cập nhật diễn biến dịch, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế về phòng chống dịch để có sự tham mưu, chỉ đạo kịp thời.

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke