​Đánh giá kết quả thực hiện các năng lực cơ bản theo yêu cầu của IHR (2005) của Việt Nam năm 2023

12/03/2024 In bài viết

Điều lệ Y tế quốc tế (IHR,2005) là một văn bản pháp lý quốc tế được thông qua tại Đại Hội đồng Tổ chức Y tế thế giới lần thứ 58 và có hiệu lực từ ngày 15/6/2007 đối với tất cả các quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam. Mục tiêu của Điều lệ là nhằm ngăn ngừa, bảo vệ và đáp ứng với các sự kiện y tế công cộng gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng quốc tế. Theo yêu cầu, từ năm 2012, các quốc gia phải tổ chức tự đánh giá việc thực hiện IHR (2005) hằng năm với sự tham gia của các đơn vị thuộc Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan nhằm tiếp tục củng cố và tăng cường các năng lực cơ bản trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và các sự kiện y tế công cộng. Ngày 05/3/2024, Cục Y tế dự phòng phối hợp với Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam tổ chức Cuộc họp tự đánh giá kết quả thực hiện các năng lực cơ bản theo yêu cầu của IHR (2005) của Việt Nam năm 2023. Tham dự và chủ trì cuộc họp có TS. Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Đại diện các đơn vị thuộc Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan khác; Đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam tham gia hoạt động liên quan đến IHR (2005).

Phát biểu tại cuộc họp, TS. Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết việc đánh giá năng lực thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế đã được thực hiện hàng năm tại Việt Nam từ năm 2012 đến nay với sự tham gia của các đơn vị thuộc các Bộ, ngành liên quan và các tổ chức quốc tế nhằm xác định thực trạng, phát hiện những khó khăn, tồn tại, thách thức để kịp thời củng cố và tiếp tục hoàn thiện các năng lực chủ động đáp ứng với các sự kiện y tế công cộng.

TS. Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phát biểu tại cuộc họp

Kết quả đánh giá thực hiện IHR năm 2022 cho thấy, ngoài những việc đã là được, chúng ta vẫn còn những chỉ số còn ở mức thấp (mức 2) trong thang điểm 5 mức như: Chỉ số về Kế hoạch y tế khẩn cấp đối với các tất cả các mối nguy y tế công cộng (C7.1); Chỉ số về Cơ chế đáp ứng đa ngành dựa trên mối nguy đối với khách đi lại quốc tế (C11.3); Chỉ số về Hợp tác Một sức khỏe với sự tham gia của ngành Môi trường (C12.1).  

Các đại biểu tham dự họp

Trong năm 2023, dịch COVID-19 đã được kiểm soát và cuộc sống người dân đã trở về trạng thái “bình thường mới”; các dịch bệnh truyền nhiễm, sự kiện y tế công cộng cơ bản cũng được giám sát, kiểm soát, xử lý kịp thời, không để ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, cuộc sống người dân. Bài học từ việc đáp ứng dịch COVID-19 cho thấy việc củng cố năng lực đáp ứng với các sự kiện y tế công cộng là việc thường xuyên, liên tục với sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, không chỉ là công việc của ngành y tế và các văn bản hướng dẫn, các cơ chế chính sách cũng phải thường xuyên được cập nhật để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, đáp ứng với tình hình thực tiễn.

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke