​Hội thảo tổng kết, chia sẻ kinh nghiệm triển khai sử dụng vắc xin cúm mùa cho nhân viên y tế tại một số tỉnh, thành phố năm 2021 – 2022 và góp ý kế hoạch sử dụng vắc xin cúm mùa cho nhân viên y tế năm 2022 – 2023 khu vực phía Bắc

05/08/2022 In bài viết

         Ngày 23/9/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4523/QĐ – BYT về việc phê duyệt dự án “Triển khai sử dụng vắc xin cúm mùa cho nhân viên y tế tại một số tỉnh, thành phố và hỗ trợ hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng COVID- 19, đến nay 24 tỉnh, thành phố đã hoàn thành việc tiêm vắc xin cúm mùa cho nhân viên y tế. Để tổng kết kết quả tiêm chủng và hoạt động của dự án năm 2021 - 2022, tiếp theo thành công của Hội nghị ở khu vực Miền Trung,  ngày 02/8/2022 Cục Y tế dự phòng tổ chức Hội thảo tổng kết, chia sẻ kinh nghiệm triển khai sử dụng vắc xin cúm mùa cho nhân viên y tế tại một số tỉnh, thành phố năm 2021 – 2022 và góp ý kế hoạch sử dụng vắc xin cúm mùa cho nhân viên y tế năm 2022 – 2023 khu vực phía Bắc.

         Phát biểu tại Hội nghị, TS. Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: “Việt Nam là một trong những điểm nóng trong khu vực về bệnh cúm, bao gồm cả cúm mùa. Hàng năm, Việt Nam ghi nhận 1,6-1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm. Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm trong thời gian gần đây, số trường hợp mắc hội chứng cúm nhập viện có xu hướng gia tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối, trong đó phần lớn là các trường hợp nhiễm cúm A (không phải chủng độc lực cao, từ đầu năm 2022 đến nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm cúm gia cầm A(H5N1))”.

          Nhóm nhân viên y tế là nhóm đối tượng cần thiết phải được tiêm chủng,  để không những bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, bảo vệ sức khoẻ cho gia đình mình mà còn có giá trị lớn trong việc giảm sự lây lan trong bệnh viện. Khi NVYT được tiêm vắc xin cúm sẽ tránh việc lây truyền vi rút cúm sang nhóm bệnh nhân được họ chăm sóc và điều trị. Mặc dù vắc xin cúm mùa tại Việt Nam chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm miễn phí, nhưng từ năm 2017, với sự hỗ trợ của Chương trình hợp tác giới thiệu sử dụng vắc xin cúm (PIVI) do Trung tâm dự phòng, kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ và nhóm hành động vì sức khỏe toàn cầu thiết lập với mục tiêu hỗ trợ các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình có thể tiếp cận vắc xin cúm mùa dễ dàng hơn nhằm giảm tỷ lệ mắc, tử vong do bệnh cúm và nâng cao năng lực ứng phó dịch bệnh Việt Nam đã được cung cấp vắc xin cúm miễn phí để tiêm cho nhóm cán bộ y tế.

          PIVI thiết lập chương trình hợp tác giới thiệu vắc xin cúm mùa từ năm 2011, và đã hỗ trợ trên 15 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Việt Nam bắt đầu nhận  được sự hỗ trợ của PIVI từ năm 2017 và số lượng vắc xin, số đối tượng sẽ giảm dần. Năm 2017, triển khai 11.000 liều vắc xin tại một số cơ sở y tế thuộc 4 tỉnh, thành phố. Năm 2018, chuẩn bị, xây dựng kế hoạch và không hỗ trợ vắc xin. Năm 2019, triển khai tại 4 tỉnh, thành phố với số lượng vắc xin 21.000 liều. Đến năm 2020, số tỉnh thành phố tăng lên 24 tỉnh, thành phố với số lượng vắc xin là 136.000 liều. Năm 2021, tiếp tục triển khai tại 24 tỉnh thành phố với số lượng vắc xin tương tự là 136.000 liều. Năm 2017, 2019, PIVI hỗ trợ vắc xin nhập khẩu và cấp phát trực tiếp cho 4 tỉnh, thành phố. Năm 2020 và 2021, PIVI hỗ trợ vắc xin do Viện vắc xin và sinh phẩm Nha Trang (IVAC) sản xuất và vận chuyển đến 4 Viện khu vực. Đây là vắc xin do Việt Nam nỗ lực để nghiên cứu và sản xuất với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Việc sử dụng vắc xin cúm mùa với sự hỗ trợ của PIVI là hoạt động quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất vắc xin trong nước cũng như nâng cao việc chủ động sử dụng vắc xin cúm mùa cho NVYT tại Việt Nam.

          Theo cam kết của PIVI, PIVI sẽ hỗ trợ vắc xin cúm mùa cho Việt Nam trong vòng 05 năm kể từ năm 2019. Từ năm 2022, sự hỗ trợ của PIVI sẽ giảm dần, và phần đối ứng của chính phủ Việt Nam sẽ tăng dần. Năm 2022, dự kiến mở rộng triển khai tại 30 tỉnh, thành phố trên toàn quốc (24 tỉnh, thành phố năm 2021 và bổ sung thêm 06 tỉnh, thành phố). Năm 2021, ngoài việc triển khai trên các cơ sở y tế công lập, các tỉnh, thành phố đã triển khai trên các cơ sở y tế tư nhân, tuy số lượng vắc xin chưa đáp ứng hết nhu cầu của NVYT nhưng mục tiêu của chương trình này nhằm hướng tới việc sử dụng vắc xin cúm mùa hàng năm nhằm tăng ý thức của cán bộ y tế về việc tiêm vắc xin cúm và tạo thói quen cho cán bộ y tế khi không còn chương trình này nữa thì các tỉnh, thành phố vẫn duy trì việc triển khai tiêm vắc xin cúm mùa với tỷ lệ cao.

          Thời gian vừa qua, với sự hỗ trợ của PIVI, với việc sử dụng vắc xin trong nước hay nhập khẩu thì tỷ lệ sử dụng vắc xin của các địa phương, đơn vị khá cao (hơn 80%), không ghi nhận trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng. Đến nay, năm 2021, các tỉnh, thành phố đã cơ bản hoàn thành việc tiêm chủng. Để chuẩn bị cho năm 2022, Cục YTDP đã xây dựng dự thảo kế hoạch sử dụng vắc xin cúm mùa cho nhân viên y tế với số tỉnh tăng thêm 6 tỉnh là 30 tỉnh, thành phố năm 2022, riêng khu vực miền Bắc tăng 02 tỉnh.

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke