​Một số lưu ý khi sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân

26/05/2022 In bài viết

Đến nay tổng số ca mắc trên thế giới vượt 529,1 triệu ca, trên 6,3 triệu ca tử vong. Tại Việt Nam tính đến ngày 25/5/2022, cả nước ghi nhận 10.712.733 ca mắc, trong đó 10.706.545 ca trong nước. Đến nay đã có 9.414.862 người khỏi bệnh, 43.076 ca tử vong. Trong đợt dịch thứ 4 đã ghi nhận 10.709.881 ca, trong đó có 10.704.975 ca trong nước, 9.412.045 người đã khỏi bệnh (87,9%), 43.041 tử vong tại 60 tỉnh, thành phố.  

Trong một nghiên cứu của Hội đồng Khoa học quốc tế (ISC) vừa công bố, các nhà nghiên cứu đã phân tích và đưa ra 3 viễn cảnh dịch bệnh COVID-19 trong 5 năm tới.

Theo đó, viễn cảnh 1, vào năm 2027, COVID-19 sẽ trở thành căn bệnh đặc hữu mà con người có thể sống chung nhưng vẫn sẽ gây ra những đợt dịch theo mùa, đòi hỏi phải có các loại vaccine cập nhật để ứng phó. Phần lớn dân số chưa tiêm phòng COVID-19 trên thế giới chủ yếu vẫn sẽ nằm ở các quốc gia có thu nhập thấp, nơi có nguy cơ mất an ninh lương thực và hệ thống y tế có thể sụp đổ. Với tiến trình phục hồi và tỷ lệ tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 không đồng đều giữa các quốc gia, nghiên cứu cảnh báo tình trạng bất bình đẳng ngày càng trầm trọng trên thế giới.

Trong một viễn cảnh bi quan hơn vào năm 2027, thế giới có chưa đến 70% dân số đã tiêm phòng COVID-19 và các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt như phong tỏa diện rộng sẽ được áp dụng ở một số quốc gia. Các nhà nghiên cứu cho rằng thế giới vẫn sẽ phải đối mặt với những biến động xã hội nghiêm trọng như trường học đóng cửa, tỷ lệ thất nghiệp cao trong thời gian dài, trong khi chủ nghĩa dân tộc ngày càng dâng cao sẽ cản trở nỗ lực tiêm chủng và làm phát sinh thêm xung đột. Thậm chí, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng tồi tệ, nhiều quốc gia sẽ chuyển sang đảo ngược các chính sách bảo vệ môi trường nhằm khắc phục tác động kinh tế do COVID-19 gây ra.

Kịch bản thứ ba và lạc quan nhất, đó là nỗ lực hợp tác toàn cầu sẽ khiến COVID-19 trở thành một căn bệnh dễ kiểm soát hơn và không còn là căn bệnh được ưu tiên giải quyết cấp bách. Vaccine ngừa COVID-19 đã được phân phối công bằng hơn trên toàn cầu - bao phủ hơn 80% dân số - trong khi không còn cần phải đóng cửa các trường học cũng như áp đặt các biện pháp hạn chế để phòng dịch. Các chuyên gia cho rằng nhờ nỗ lực hợp tác chặt chẽ hơn giữa các quốc gia, thế giới có khả năng giải quyết tốt hơn các cuộc khủng hoảng khác như khủng hoảng an ninh lương thực và biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh hiện nay, ngày 24/5/2023, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1341/QĐ-BYT về việc Hướng dẫn lựa chọn và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trong phòng, chống bệnh dịch COVID-19, hướng dẫn này được ban hành thay thế hướng dẫn tại Quyết định số 4195/QĐ-BYT ngày 28/8/2021 của Bộ Y tế.

Quyết định nêu rõ các tiêu chuẩn của phương tiện phòng hộ cá nhân: găng tay y tế, khẩu trang y tế, khẩu trang hiệu suất lọc cao (N95), áo choàng và tấm che mặt hoặc kính bảo hộ; chỉ định sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân tối thiểu theo nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 và cách thức sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân.

Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân:

1. Phương tiện phòng hộ cá nhân chỉ hiệu quả khi áp dụng cùng với những biện pháp phòng ngừa lây nhiễm và kiểm soát nhiễm khác.

2. Luôn có sẵn phương tiện phòng hộ cá nhân và được đảm bảo đúng quy định. Có kiểm tra số lượng hằng ngày để bảo đảm không thiếu phương tiện phòng hộ cá nhân ngay cả tình huống khẩn cấp.

3. Nhân viên y tế phải được đào tạo kỹ về sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trước khi làm việc. Nội dyng đào tạo bao gồm cả mang và tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân.

4. Lựa chọn đúng chủng loại phương tiện phòng hộ cá nhân theo từng tình huống công việc, kích cỡ phù hợp với người sử dụng.

5. Tuân thủ tuyệt đối quy trình mang và tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân.

6. Tuyệt đối không mang trang phục phòng hộ cá nhân trong ngủ, nghỉ, sinh hoạt, ăn uống.

7. Tuyệt đối không phun hóa chất khử khuẩn lên bề mặt trang phục phòng hộ cá nhân trong bất kỳ tình huống nào và chỉ tái sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

8. Không mặc bộ trang phục phòng hộ cá nhân cho người bệnh, người nhà người bệnh trong bất kỳ tình huống nào.

9. Phương tiện phòng hộ cá nhân sau sử dụng là chất thải lây nhiễm, phải được thu gom và xử lý như chất thải lây nhiễm.

10. Bộ trang phục phòng hộ cá nhân dạng liền hoặc rời hoặc áo choàng chống dịch chỉ sử dụng một lần, thải bỏ ngay khi không còn làm việc hoặc đi ra khỏi khu vực có được thay ngay sau khi ra khỏi khu vực cách ly và được thu gom xử lý đúng quy định. Khu vực mang áo và tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân riêng biệt. Xử lý tập trung bộ quần áo mặc trong bộ trang phục phòng hộ cá nhân.

- Việc sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân phải được kiểm tra giám sát thường xuyên, đối với các hoạt động trong cơ sở khám chữa bệnh: khoa/bộ phận kiểm soát nhiễm khuẩn chịu trách nhiệm đào tạo và kiểm tra, giám sát việc sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân của nhân viên y tế, còn đối với các hoạt động phòng, chống dịch tại cộng đồng: đơn vị tổ chức hoạt động phân công cá nhân có kinh nghiệm giám sát, hỗ trợ việc sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân của những người tham gia hoạt động các nội dung sau:

  1. Luôn có sẵn phương tiện phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế sử dụng khi cần;
  2. Nhân viên y tế sử dụng để và đúng các phương tiện phòng hộ cá nhân theo chỉ định.
  3. Nhân viên y tế thực hiện đúng quy trình mang và tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân.
  4. Phân loại, thu gom, xử lý phương tiện phòng hộ cá nhân đã qua sử dụng.

Có thể thực hiện công tác giám sát bằng quan sát trực tiếp và ghi phiếu giám sát hoặc phần mềm được thiết lập qua điện thoại.

Sau khi tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân cần lưu ý một số điều sau:

- Các phương tiện phòng hộ cá nhân được tháo bỏ tại phòng đệm và cho ngay vào thùng chất thải lây nhiễm sau khi tháo bỏ. Luôn vệ sinh tay khi tháo bỏ từng phương tiện phòng hộ cá nhân.

- Khu vực mặc và tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân phải là hai khu vực riêng biệt.

- Bộ quần áo mặc trong trang phục phòng hộ cá nhân được thay và giặt tập trung sau mỗi ca làm việc.

 

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke