​Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)

14/03/2023 In bài viết

          Tính đến ngày 09/02/2023 toàn thế giới có hơn 755 triệu ca nhiễm và hơn 6,8 triệu trường hợp tử vong. Từ giữa tháng 9/2022 đến nay, trung bình mỗi tuần trên toàn cầu có khoảng 10.000-14.000 ca tử vong do COVID-19 được ngi nhận. Trong bài phát biểu, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới cho rằng “thế giới không thể chấp nhận con số tử vong này khi đã có trong tay nhiều công cụ phòng, chống”.

          Trong 4 tuần qua, thế giới đã ghi nhận hơn 170.000 ca tử vong liên quan đến COVID-19, số lượng ca tử vong vì COVID-19 vẫn được coi là cao so với các bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp khác. Trong vòng 28 ngày từ ngày 09/01 - 05/02/2023, toàn cầu có thêm gần 10,5 triệu ca mắc mới (giảm 89%) và trên 90.000 ca tử vong (giảm 8%) so với 28 ngày trước đó. Trung Quốc là quốc gia có số ca mắc cao nhất trong 28 ngày qua với 3.485.265 ca mắc giảm 96% so với giai đoạn trước, sau đó là Nhật Bản với 2.429.215 ca mắc giảm 42%, Mỹ với 1.328.654 ca giảm 27%, Hàn Quốc 736.811 ca giảm 59%. Số ca tử vong cao nhất trong 28 ngày qua là tại Trung Quốc (40.812 ca giảm 11% so với giai đoạn trước), Mỹ (15.294 ca tăng 40%), Nhật (9.874 ca tăng 28%), Anh (2.761 ca giảm 32%). Tổ chức Y tế thế giới cho rằng số lượng ca nhiễm ghi nhận thấp hơn số thực tế điều tra, do đó cần cẩn trọng khi phân tích các số liệu này.

          Biến thể Omicron XBB.1.5 đã được phát hiện tại 38 quốc gia, hầu hết đến từ Mỹ (82,2%), Anh (8,1%) và Đan Mạch (2,2%). Dựa vào các đặc điểm di truyền và tốc độ lây lan, Tổ chức Y tế thế giới đánh giá biến thể XBB.1.5 có tốc độ lây lan nhanh, tuy nhiên đây mới chỉ là đánh giá sơ bộ do chỉ dựa vào dữ liệu của Mỹ cung cấp. Tổ chức Y tế thế giới cũng cho rằng chưa có bất cứ dữ liệu nào về mức độ nghiêm trọng của XBB.1.5.

          Bên cạnh đó thế giới đồng thời phải chống chọi với các dịch bệnh khác như cúm mùa hay vi rút hợp bào hô hấp (RVS), trong khi lượng bác sĩ ngày càng thiếu hụt. Các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt người cao tuổi và nhân viên y tế tại các nước thu nhập thấp và trung bình tiếp tục gặp khó khăn trong việc tiếp cận các sản phẩm y tế như vắc xin, các biện pháp chẩn đoán và điều trị. Đến nay tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vắc xin vẫn tiếp diễn, chỉ 1/5 người ở các nước thu nhập thấp được tiêm chủng. WHO cũng lo ngại về việc dù đã thúc đẩy để 15 nước được chọn để tiếp cận công nghệ sản xuất vắc xin mRNA nhưng đến nay các nhà sản xuất lớn vẫn chưa cấp phép cho trung tâm tiếp nhận công nghệ chính đặt tại Nam Phi.

          Theo WHO, nhiều quốc gia tạm ngừng theo dõi và báo cáo số lượng ca nhiễm, nhập viện và tử vong vì COVID-19, giảm giải trình tự gien các ca bệnh, buông lỏng các biện pháp phòng ngừa nơi công cộng như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Trong khi đó, việc nhiều người dân do dự không tiêm vắc xin và thông tin giả cũng gây cản trở cho các biện pháp phòng, chống dịch.

          Từ tình hình trên, Ủy ban tình trạng khẩn cấp về đại dịch COVID-19 cho rằng COVID-19 tiếp tục là một dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng gây ra thiệt hại lớn đến sức khỏe người dân và hệ thống y tế. Tổng giám đốc WHO đã đồng ý với khuyến nghị của Ủy ban, quyết định COVID-19 tiếp tục là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.

          Khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới

          1. Khuyến nghị tạm thời đối với các quốc gia

          - Duy trì đà tiêm chủng COVID-19 để đạt được tỷ lệ bao phủ 100% cho các nhóm ưu tiên cao theo khuyến nghị của Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng (SAGE) về việc sử dụng các liều nhắc lại. Các quốc gia nên lập kế hoạch lồng ghép tiêm chủng COVID-19 vào một phần của tiêm chủng số đời.

          - Tăng cường việc báo cáo dữ liệu giám sát SARS-CoV-2 cho WHO. WHO cần có dữ liệu đầy đủ hơn để phát hiện, đánh giá và giám sát các biến thể mới, xác định những thay đổi đáng kể đối với đặc điểm dịch tễ học của COVID-19 vè để bám sát tình hình COVID-19 ở tất cả các khu vực.

          - Tăng cường các biện pháp sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Các quốc gia nên tăng cường khả năng tiếp cận với vắc xin COVID-19, phương pháp chẩn đoán và điều trị…

          - Duy trì năng lực ứng phó mạnh mẽ của quốc gia và chuẩn bị cho các sự kiện trong tương lai để tránh bị động. Các quốc gia nên xem xét cách thức tăng cường tính sẵn sàng ứng phó với các đợt bùng phát, bao gồm tăng cường năng lực của lực lượng y bác sĩ, phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng và chẩn vị tài chính cho việc dự phòng và ứng phó với mầm bệnh đường hô hấp và bệnh không phải đường hô hấp.

          - Tiếp tục điều chỉnh các biện pháp liên quan đến du lịch quốc tế dựa trên đánh giá rủi ro và không cần yêu cầu bằng chứng tiêm phòng COVID-19.

          - Tiếp tục nghiên cứu các loại vắc xin cải tiến giúp giảm lây truyền và các khả năng ứng dụng rộng rãi, cũng như nghiên cứu để hiểu toàn bộ phạm vi, tỉ lệ mắc bệnh và tác động của tình trạng hậu COVID-19, đồng thời phát triển các lộ trình chăm sóc sức khỏe tích hợp có liên quan.

          Một số khuyến nghị cụ thể:

          - Khẩu trang tiếp tục là công cụ quan trọng chống COVID-19. Trước đây, WHO khuyến nghị sử dụng khẩu trang dựa trên tình hình dịch bệnh tại chỗ. Khuyến nghị mới của WHO khác trước là nên sử dụng khẩu trang trong các tình huống cụ thể mà không phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh tại chỗ, các tình huống cụ thể là mới bị nhiễm, có nguy cơ cao bị COVID-19 nặng, ở trong không gian kín, ít thông gió và đông người.

          Ngoài ra như trước đây, WHO khuyến nghị sử dụng khẩu trang dựa trên đánh giá rủi ro liên quan tới chiều hướng của dịch bệnh, tình trạng nhập viện do COVID-19 gia tăng, độ bao phủ vắc xin, miễn dịch cộng đồng và môi trường xung quanh.

          - Giảm thời gian cách ly đối với bệnh nhân COVID-19. Với bệnh nhân có triệu chứng, hướng dẫn mới của WHO là cách ly 10 ngày kể từ ngày xuất hiện triệu chứng (trước đây, WHO khuyến nghị cách ly 10 ngày kể từ ngày xuất hiện triệu chứng và ít nhất 03 ngày kể từ khi hết triệu chứng). Đối với những người xét nghiệm dương tính với COVID-19 nhưng không có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng gì, WHO khuyến cáo cách ly 5 ngày (khuyến cáo trước đây của WHO là 10 ngày). Bệnh nhân được kết thúc cách ly sớm hơn nếu có kết quả âm tính khi xét nghiệm nhanh dựa trên kháng nguyên; không cần xét nghiệm đối với những bệnh nhân có triệu chứng và chỉ nên cách ly 10 ngày từ lúc phát bệnh.

       - Về điều trị, WHO tiếp tục khuyến nghị mạnh mẽ việc sử dụng nirmatrelvir-ritanavir (Paxlovid) cho bệnh nhân mắc COVID-19 ở thể chế nhẹ, hoặc trung bình và có nguy cơ nhập viện cao. Đối với phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú bị nhiễm COVID-19 không nghiêm trọng thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ về việc có nên dùng thuốc Paxlovid hay không.

 

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke