Bản tin cập nhật Covid-19 ngày 01/7/2021
01/07/2021 In bài viết
Tổng số ca bệnh từ đầu dịch đến nay ghi nhận hơn 183 triệu ca, trong đó hơn 3,9 triệu ca tử vong và hơn 167 triệu trường hợp hồi phục. Ngày 1/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố bản cập nhật dịch bệnh hằng tuần, trong đó cho biết biến thể Delta của SARS-CoV-2 vốn được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ đã xuất hiện ở 96 quốc gia, tăng thêm 11 quốc gia so với tuần trước đó. Trong khi đó, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo biến thể Delta đã cho thấy khả năng lây lan mạnh hơn (tăng 60% so với biến thể Alpha) và gây bệnh nặng hơn (cao gấp 2,6 lần), đặc biệt ở những người chưa tiêm vaccine.
Tại Campuchia phát hiện số ca nhiễm mới cao, đã ghi nhận thêm 1.130 ca nhiễm mới và 27 trường hợp tử vong trong 24h qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong ở nước này lên lần lượt 50.385 ca mắc và 602 ca tử vong. Và số ca nhiễm mới hiện đạt ngưỡng chính quyền nước này gọi là “lằn ranh đỏ” trong việc tái áp đặt lệnh phong tỏa phòng dịch.
Tổng số tích lũy ca mắc Covid-19 cả nước từ đầu dịch đến 17h00 ngày 01/7/2021 là 17.576 trường hợp, trong đó có 15.758 trường hợp ghi nhận trong nước và 81 trường hợp tử vong, cụ thể:
- Từ khi có dịch đến ngày 26/4/2021 có 2.852 ca, trong đó: số mắc trong nước: 1.570; số mắc nhập cảnh: 1.282; số ca đã khỏi, ra viện: 2.709; số ca đang điều trị: 108; số ca tử vong: 35
- Từ ngày 27/4/2021 đến 17h00 ngày 01/7/2021 có 14.724 ca, trong đó: số mắc trong nước: 14.188; số mắc nhập cảnh: 536; số ca đã khỏi, ra viện: 5.034; số ca đang điều trị: 9.644; số ca tử vong: 46
Từ 17h00 ngày 30/6 đến 17h00 ngày 01/7/2021, ghi nhận 713 ca mắc mới trong đó có 693 ca trong nước, hầu hết là các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đã được cách ly hoặc trong khu vực phong tỏa (tại Hồ Chí Minh: 464, Bình Dương: 90, Tiền Giang: 38, Long An: 28, Phú Yên: 26, Hưng Yên: 11, Quảng Ngãi: 9, Hà Tĩnh: 5, Bắc Giang: 5, An Giang: 5, Đà Nẵng: 3, Nghệ An: 3, Bắc Ninh: 3, Đồng Tháp: 1, Vĩnh Long: 1, Bình Phước: 1) và 20 ca nhập cảnh tại Tây Ninh (12), An Giang (3), Kiên Giang (2), Đà Nẵng (2), Hà Nội (1).
Có 51 tỉnh, thành phố ghi nhận, trong đó:
- 14 địa phương đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong nước, gồm: Yên Bái, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Bạc Liêu, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Phú Thọ, Hà Nam.
- 10 địa phương không có lây nhiễm thứ phát, gồm: Nam Định, Quảng Nam, Trà Vinh, Bắc Kạn, Gia Lai, Kiên Giang, Khánh Hòa, Cần Thơ, Đắk Lắk, Bình Phước.
- 27 địa phương chưa qua 14 ngày với tổng số 13.673 ca mắc. Trong đó, 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao: Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Dương, Hà Nội. Các trường hợp mắc mới hầu hết là các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đã được cách ly từ trước hoặc trong khu vực đã phong tỏa.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19:
- Xây dựng các kịch bản về chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình dịch bệnh. Chủ động, linh hoạt áp dụng các giải pháp để thực hiện mục tiêu kép, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chống dịch và phát triển kinh tế. Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, đánh giá đúng mức độ nguy cơ và thực hiện các biện pháp giãn cách phù hợp theo mức độ nguy cơ dịch bệnh.
- Tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm; chủ động thực hiện phương châm 4 tại chỗ, sẵn sàng sinh phẩm xét nghiệm, xây dựng kế hoạch điều phối lấy mẫu, xét nghiệm trên địa bàn, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều phối, triển khai xét nghiệm ngay từ khâu lấy mẫu, xét nghiệm, trả kết quả đảm bảo nhanh chóng, chính xác, kịp thời.
- Ngăn chặn, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh tại các khu công nghiệp; triển khai đánh giá, cập nhật thông tin phòng chống dịch bệnh lên hệ thống an toàn COVID; thực hiện nghiêm các biện pháp khai báo y tế, phòng, chống dịch tại khu vực ăn uống, nơi lưu trú của công nhân, phân luồng, phân ca làm việc đảm bảo khoảng cách an toàn...
- Chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm chủng, tập huấn an toàn tiêm chủng, quy trình tiêm chủng để đảm bảo tiêm an toàn, không để lây nhiễm tại các điểm tiêm chủng.
- Tăng cường công tác giám sát việc thực hiện cách ly tại các khu cách ly tập trung, theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú. Đồng thời, nâng cao điều kiện cách ly trong điều kiện có thể để người cách ly có tâm lý thoải mái, giảm căn thẳng, thực hiện tốt các quy định trong thời gian cách ly.
- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, truyền thông phản ánh những nỗ lực chống dịch trên mọi mặt, nhấn mạnh thông điệp truyền thông “5K + vắc xin” và tăng cường ứng dụng công nghệ; khuyến khích, huy động người dân tham gia thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng