Tin tức

Tin tức

​Bản tin cập nhật COVID-19, ngày 12/6/2021

13/06/2021 In bài viết

Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay là hơn 176 triệu ca, trong đó trên 3,8 triệu ca tử vong và hơn 159 triệu trường hợp hồi phục. Theo số liệu thống kê của Đại học John Hopkins, số ca tử vong trung bình trong 7 ngày trên toàn cầu trong những tuần vừa qua có xu hướng giảm xuống dưới 10.000 ca mỗi ngày, thấp hơn nhiều so với mức trên 14.000 ca/ngày hồi cuối tháng 1/2021.

Tại châu Á, chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) tuyên bố các biện pháp giãn cách xã hội hiện nay sẽ tiếp tục duy trì thêm 14 ngày, trong đó có lệnh hạn chế tụ tập và đeo khẩu trang, cho đến ngày 23/06. Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản quyết định dỡ bỏ các biện pháp đặc biệt được áp dụng để phòng dịch COVID-19 đối với 3 tỉnh Gunma, Ishikawa, Kumamoto từ ngày 10/6, sớm hơn 3 ngày so với dự kiến, quyết định này được đưa ra sau khi số ca mắc mới tại những địa phương này đã giảm đáng kể trong thời gian gần đây.

Liên quan tới chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, Chính phủ Nhật Bản ngày 9/6 đã thông báo mục tiêu hoàn thành chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân vào tháng 11/2021, trong nỗ lực thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng vốn được đánh giá là chậm chạp hiện nay của nước này. Tính đến ngày 08/6, chưa đến 4% trong tổng số 126 triệu dân tại Nhật Bản đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.

Tổng số tích lũy ca mắc Covid-19 cả nước từ đầu dịch đến 17h00 ngày 12/6/2021 là 10.241 trường hợp, trong đó có 8.609 trường hợp ghi nhận trong nước và 58 trường hợp tử vong, cụ thể:

Từ khi có dịch đến ngày 26/4/2021, tổng số có 2.852 ca, trong đó: Số mắc trong nước: 1.570; số mắc nhập cảnh: 1.282; Số ca đã khỏi, ra viện: 2.723; Số ca đang điều trị: 94; Số ca tử vong: 35

Từ ngày 27/4/2021 đến 17h00 ngày 12/6/2021, Tổng số có 7.389 ca, trong đó số mắc trong nước: 7.039; số mắc nhập cảnh: 350; Số ca đã khỏi, ra viện: 1.238; Số ca đang điều trị: 6.128; Số ca tử vong: 23

Từ 17h00 ngày 11/6 đến 17h00 ngày 12/6/2021, ghi nhận 261 ca mắc mới trong đó có 259 ca trong nước, hầu hết là các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đã được cách ly hoặc trong khu vực phong tỏa (tại Bắc Giang: 125, TP. Hồ Chí Minh: 84, Bắc Ninh: 34, Tiền Giang: 10, Hà Tĩnh: 5, Lạng Sơn: 1) và 02 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại An Giang (1), Tây Ninh (1).

Có 39 tỉnh, thành phố ghi nhận, trong đó:

- 21 địa phương đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, gồm: Yên Bái, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng, Tây Ninh, Gia Lai, Bạc Liêu.

- 3 địa phương không có lây nhiễm thứ phát, gồm: Đồng Tháp, Trà Vinh, Đắk Lắk.

- 15 địa phương chưa qua 14 ngày với tổng số 6.775 ca mắc. Trong đó, 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao: Bắc Giang, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng. Các trường hợp mắc mới hầu hết là các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đã được cách ly từ trước hoặc trong khu vực đã phong tỏa.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19:

- Nâng cao mức độ cảnh báo, không được chủ quan, lơ là, thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; yêu cầu thực hiện bắt buộc 5K, nhất là đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; hạn chế tập trung đông người; xét nghiệm sàng lọc chủ động với các đối tượng có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh, các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh... và các trường hợp có biểu hiện ho, sốt...

- Đảm bảo an toàn cao nhất với các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; tổ chức lại sản xuất, thực hiện phân ca, phân luồng, giãn cách để đảm bảo công tác phòng chống dịch; yêu cầu thực hiện xét nghiệm tối thiểu 02 lần với kết quả âm tính với SARS-CoV-2 trước khi tổ chức sản xuất, kinh doanh và xét nghiệm nhanh hàng tuần với công nhân, người lao động, người phục vụ của các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

- Tại cộng đồng, tiếp tục truy vết thần tốc; thực hiện cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm với tất cả các trường hợp F1 và các trường hợp liên quan, tuyệt đối không để bỏ sót và yêu cầu quản lý ngay các trường hợp F2, thực hiện cách ly, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú. Thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm diện rộng xác định khu vực nguy cơ và áp dụng mạnh mẽ, quyết liệt các biện pháp phong tỏa, giãn cách phù hợp.

- Tiếp tục chỉ đạo tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 an toàn, hiệu quả và đảm bảo độ bao phủ tiêm chủng. Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ tiến độ nghiên cứu, phát triển vắc xin sản xuất trong nước; hoàn thiện đề án nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 và bố trí, huy động nguồn lực để thực hiện và bảo đảm nguồn tài chính bền vững, công bằng trong tiếp cận vắc xin đối với tất cả người dân với ngân sách Nhà nước và huy động ủng hộ, hỗ trợ qua Quỹ vắc xin phòng Covid-19.

- Các địa phương chủ động cập nhật số liệu và tự đánh giá mức độ nguy cơ để đưa ra các đáp ứng phù hợp. Đề nghị Tổ thông tin đáp ứng nhanh cập nhật bản đồ nguy cơ dịch antoancovid.vn theo quyết định đã ban hành.

Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam

Admin

Thong ke