​Bản tin cập nhật Covid-19 ngày 17/10/2022

17/10/2022 In bài viết

Tình hình dịch bệnh trên thế giới

Tổng số ca mắc trên thế giới hơn 630 triệu ca, trên 6,57 triệu ca tử vong.

Tính đến ngày 3/10, Canada ghi nhận 5.070 ca mắc COVID-19 phải nhập viện điều trị, cao hơn gấp đôi so với con số cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, 18.478 ca mắc mới COVID-19 đã được báo cáo trên toàn quốc trong tuần từ ngày 25/9 - 1/10. Bên cạnh đó, chiến dịch tiêm chủng phòng COVID-19 trên diện rộng, các làn sóng lây nhiễm trước đó và các loại vaccine được cập nhật để ứng phó với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đồng nghĩa nhiều người Canada có khả năng miễn dịch cao hơn những năm trước. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá trong cuộc chiến chống COVID-19, Canada đang ở trạng thái bấp bênh hơn, trong bối cảnh nhân lực ngành y tế thiếu hụt nghiêm trọng. Đáng chú ý, các đợt bùng phát dịch COVID-19 cũng như các bệnh đường hô hấp theo mùa được dự báo sẽ quay lại trong mùa Đông này, khi các biện pháp phòng ngừa về sức khỏe cộng đồng không còn là quy định bắt buộc.

Tình hình dịch bệnh tại Việt Nam

Tính đến 16h00 ngày 17/10/2022, cả nước ghi nhận 11.493.271 ca mắc, trong đó 11.486.936 ca trong nước. Đến nay đã có 10.599.201 người khỏi bệnh, 43.157 ca tử vong. Trong đợt dịch thứ 4 đã ghi nhận 11.490.419 ca, trong đó có 11.485.366 ca trong nước, 10.596.384 người đã khỏi bệnh (92,2%), 43.122 tử vong tại 60 tỉnh, thành phố.

Số ca mắc mới trong ngày    

Ghi nhận 673 ca trong nước tại 44 tỉnh thành phố: Hà Nội (180), Bắc Ninh (73), Thái Nguyên (44), Hải Phòng (38), Hồ Chí Minh (29), Hải Dương (27), Yên Bái (19), Lạng Sơn (19), Đà Nẵng (15), Thanh Hóa (14), Quảng Ngãi (14), Phú Thọ (14), Nam Định (13), Vĩnh Phúc (13), Điện Biên (12), Hưng Yên (12), Bình Dương (11), Cà Mau (11), Bắc Giang (11), Phú Yên (9), Long An (8), Thái Bình (8), Bến Tre (7), Khánh Hòa (7), Quảng Bình (6), Bình Thuận (6), Cao Bằng (5), Tuyên Quang (5), Lâm Đồng (4), Hòa Bình (4), Bà Rịa - Vũng Tàu (4), Lào Cai (4), Bắc Kạn (3), Ninh Bình (3), Bình Định (3), Nghệ An (3), Hà Giang (3), Hà Nam (3), Bình Phước (2), Tây Ninh (2), Ninh Thuận (2), Đắk Lắk (1), Sơn La (1), Trà Vinh (1).

Kết quả giám sát điều trị

(Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cdc. kcb. vn)

1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:

- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 227 ca

- Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.599.201 ca

2. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 92 ca, trong đó:

- Thở ô xy qua mặt nạ: 69 ca

- Thở ô xy dòng cao HFNC: 7 ca

- Thở máy không xâm lấn: 0 ca

- Thở máy xâm lấn: 16 ca

- ECMO: 0 ca

3. Số bệnh nhân tử vong:

- Ngày 16/10 ghi nhận 2 ca tử vong tại: Bình Thuận (1), Tây Ninh (1).

- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 1 ca.

- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.157 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

- Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 138/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

TÌNH HÌNH TIÊM CHỦNG:

Trong ngày 16/10 có 28.425 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 260.580.616 liều, trong đó:

+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 220.708.191 liều: Mũi 1 là 71.056.320 liều; Mũi 2 là 68.654.199 liều; Mũi bổ sung là 14.501.013 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 50.902.201 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 15.594.458 liều.

+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.103.365 liều: Mũi 1 là 9.105.596 liều; Mũi 2 là 8.864.216 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.133.553 liều.

+ Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 16.769.060 liều: Mũi 1 là 9.874.298 liều; Mũi 2 là 6.894.762 liều.

Nhận định

Trên thế giới, biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn các biến thể trước[1] đã ghi nhận tại nhiều quốc gia. Các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.74, BA.2.75, BA.2.76, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm hiệu quả của vắc xin cũng như né tránh miễn dịch, dẫn đến nguy cơ dịch bùng phát trở lại.

Trong nước, mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên số ca mắc mới, số ca phải nhập viện, ca nặng đang có xu hướng gia tăng; nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của Omicron với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc; tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi còn thấp. Tốc độ gia tăng số mắc hàng ngày của COVID-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như bản chất của biến thể về khả năng lây nhiễm (vi rút SARS-CoV-2 thường xuyên biến đổi, không ổn định); khả năng bảo vệ miễn dịch (mắc phải hoặc do tiêm vắc xin) giảm theo thời gian và độ bao phủ vắc xin; khối cảm nhiễm; khả năng đáp ứng và các biện pháp phòng, chống dịch, do đó khó dự báo được mức độ tăng cụ thể trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra “dịch chồng dịch” do một số bệnh lưu hành (sốt xuất huyết, tay chân miệng, adenovirus…) đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi khác (đã ghi nhận 01 ca bệnh đầu mùa khỉ xâm nhập từ nước ngoài). Hệ thống đáp ứng phòng, chống dịch từ trung ương đến địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là tiêm vắc xin phòng COVID-19 và truyền thông nâng cao trách nhiệm, ý thức người dân, cộng đồng và xã hội.

Một số hoạt động trọng tâm trong thời gian tới

 Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.

Tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả;

Tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người dân trong phòng, chống dịch, đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh thông tin về tác dụng, hiệu quả của vắc xin trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong, khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; tổ chức triển khai hiệu quả chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới “Vì một Việt Nam vững vàng, khỏe mạnh” với thông điệp “Thực hiện - 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc-xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác”.

 


[1] https://www.ecdc.europa.eu/en/news-events/epidemiological-update-sars-cov-2-omicron-sub-lineages-ba4-and-ba5

Admin

Thong ke