​Bản tin cập nhật Covid-19 ngày 22/8/2022

22/08/2022 In bài viết

TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH TRÊN THẾ GIỚI

Tổng số ca mắc trên thế giới hơn 601,1 triệu ca, trên 6,4 triệu ca tử vong.

Tiêm vắc xin cho trẻ em là giải pháp được quan tâm. Ngày 20/8, giới chức y tế Canada cho phép tiêm mũi tăng cường của vaccine Pfizer-BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi nước này. Đầu tháng 8, Australia cũng phê duyệt tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ nguy cơ cao dưới 5 tuổi. Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) giảm độ tuổi tối thiểu được tiêm vaccine của Sinovac từ 3 tuổi xuống 6 tháng. Israel cũng khởi động chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi.

Song song với các biện pháp phòng chống dịch, một số nước cũng bắt đầu hướng tới việc giảm bớt gánh nặng ngân sách cho cuộc chiến chống COVID-19. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang bắt đầu chuẩn bị chuyển sang giai đoạn người dân và các công ty bảo hiểm chi trả các khoản phí tiêm vaccine, xét nghiệm và điều trị COVID-19 sau gần 3 năm được chính phủ tài trợ. Dự kiến cuối tháng 8, Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ sẽ họp để thảo luận về biện pháp mới. Cuộc họp sẽ có sự tham dự của các bên liên quan lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe, trong đó đại diện của các chuỗi nhà thuốc, cơ quan y tế các bang và các nhà sản xuất thuốc sẽ thảo luận để vạch ra lộ trình và các quy định về quản lý để thực hiện chuyển đổi trên. Các chuyên gia y tế và kinh tế Nhật Bản cũng kêu gọi chính phủ nước này đưa dịch COVID-19 vào nhóm 5 trong danh sách các bệnh truyền nhiễm, tức là ngang với cúm mùa, nhằm giảm bớt gánh nặng cho các bệnh viện và trung tâm y tế công cộng.

TÌNH HÌNH DỊCH COVID-19 TẠI VIỆT NAM

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.386.016 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.771 ca nhiễm).

TÌNH HÌNH ĐIỀU TRỊ

(Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cdc. kcb. vn)

1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:

- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 8.224 ca

- Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.080.681 ca

2. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 128 ca, trong đó:

- Thở ô xy qua mặt nạ: 111 ca

- Thở ô xy dòng cao HFNC: 7 ca

- Thở máy không xâm lấn: 3 ca

- Thở máy xâm lấn: 7 ca

- ECMO: 0 ca

3. Số bệnh nhân tử vong:

- Từ 17h30 ngày 21/8 đến 17h30 ngày 22/8 ghi nhận 1 ca tử vong tại: Quảng Ninh.

- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 1 ca.

- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.106 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

- Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

TÌNH HÌNH TIÊM CHỦNG

Trong ngày 21/8 có 207.401 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 254.570.355 liều, trong đó:

+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 217.949.513 liều: Mũi 1 là 71.371.979 liều; Mũi 2 là 68.895.017 liều; Mũi bổ sung là 15.245.269 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 49.403.218 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 13.034.030 liều.

+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 21.985.687 liều: Mũi 1 là 9.081.875 liều; Mũi 2 là 8.777.878 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 4.125.934 liều.

+ Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 14.635.155 liều: Mũi 1 là 8.963.969 liều; Mũi 2 là 5.671.186 liều.

Một số hoạt động trọng tâm trong thời gian tới

1. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền nâng cao kiến thức người dân hướng đến thay đổi hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe để phòng, chống dịch bệnh và tiêm vắc xin, lợi ích, hiệu quả của vắc xin phòng COVID-19 nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

2. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.

3. Tiếp tục tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; chỉ đạo đẩy mạnh việc vận động, khuyến khích người dân tham gia tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch.

4. Nâng cao vai trò và trách nhiệm của các cấp ngành, địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19; tăng cường sự phối hợp giữa các bên thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp khác: thuốc, điều trị, công nghệ, ý thức người dân,… với các trụ cột cách ly, xét nghiệm, điều trị và kêu gọi sự ủng hộ của người dân tuân thủ các quy định, làm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke