Bản tin cập nhật COVID-19 ngày 25/6/2021
25/06/2021 In bài viết
Tổng số ca bệnh từ đầu dịch đến nay là hơn 180 triệu ca, trong đó hơn 3,9 triệu ca tử vong, hơn 165 triệu trường hợp hồi phục. Mỹ là có số mắc cao nhất thế giới với trên 34,4 triệu ca mắc và hơn 618.500 trường hợp tử vong, trong ngày qua nước này ghi nhận thêm hơn 8.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2; Biến thể Delta (B.1.617.2) đã được phát hiện ở 49 bang tại Mỹ, ước tính biến thể này chiếm khoảng 20% tổng số ca nhiễm mới tại nước này.
Israel đang đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch lần thứ 4 với số ca mắc mới trong vài ngày qua liên tục vượt 100 người/ngày. Trong những ngày qua, biến thể Delta đã lây lan nhanh chóng ở Israel. Đáng chú ý, một số trường hợp nhiễm mới được báo cáo là ở những người đã được tiêm phòng COVID-19.
Campuchia ghi nhận thêm 655 ca và 18 người tử vong trong ngày 24/6, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên hơn 45.300 trường hợp và 493 tử vong. Tính đến ngày 23/6 đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho hơn 3,5 triệu người, đạt gần 35% kế hoạch tiêm chủng cho hơn 10 triệu người từ 18 tuổi trở lên.
Lào ghi nhận 4 ca mới trong ngày qua, trong đó có 3 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại thủ đô Vientiane và 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Tới nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng hơn 2.000 ca mắc, trong đó có 3 ca tử vong. Hiện nay đã có trên 853.000 người được tiêm mũi 1 vaccine ngừa COVID-19, tương đương 11,64% dân số, trong khi gần 500.000 người đã được tiêm mũi thứ 2, chiếm khoảng 6,7% dân số. Với trên 1,3 triệu mũi đã tiêm, Lào ghi nhận 104 ca có biến chứng và hầu hết là triệu chứng nhẹ, không có ca tử vong.
Tổng số tích lũy ca mắc Covid-19 cả nước từ đầu dịch đến 17h00 ngày 25/6/2021 là 15.100 trường hợp, trong đó có 13.351 trường hợp ghi nhận trong nước và 74 trường hợp tử vong, cụ thể:
- Từ khi có dịch đến ngày 26/4/2021 có 2.852 ca, trong đó: số mắc trong nước: 1.570; số mắc nhập cảnh: 1.282; số ca đã khỏi, ra viện: 2.709; số ca đang điều trị: 108; số ca tử vong: 35
- Từ ngày 27/4/2021 đến 17h00 ngày 25/6/2021 có 12.248 ca, trong đó: số mắc trong nước: 11.781; số mắc nhập cảnh: 467; số ca đã khỏi, ra viện: 4.011; số ca đang điều trị: 8.198; số ca tử vong: 39
Từ 17h00 ngày 24/6 đến 17h00 ngày 25/6/2021, ghi nhận 868 ca mắc mới trong đó có 845 ca trong nước, hầu hết là các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đã được cách ly hoặc trong khu vực phong tỏa (tại TP. Hồ Chí Minh: 724, Bình Dương: 30, Bắc Giang: 22, Long An: 22, Tiền Giang: 8, Nghệ An: 6, Bắc Ninh: 6, Đà Nẵng: 5, Bình Thuận: 5, Hải Phòng: 3, Hưng Yên: 3, Đồng Tháp: 2, Phú Yên: 2, Gia Lai: 2, Quảng Ninh: 2, Lạng Sơn: 1, Thái Bình: 1, Khánh Hòa:1) và 23 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Tây Ninh (13), Hồ Chí Minh (4), Quảng Nam (3), An Giang (1), Kiên Giang (1), Quảng Ninh (1).
Có 47 tỉnh, thành phố ghi nhận, trong đó:
- 13 địa phương đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong nước, gồm: Yên Bái, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Bạc Liêu, Điện Biên, Đắk Lắk, Vĩnh Phúc.
- 12 địa phương không có lây nhiễm thứ phát, gồm: Hòa Bình, Nam Định, Phú Thọ, Quảng Nam, Bắc Kạn, An Giang, Trà Vinh, Hưng Yên, Gia Lai, Kiên Giang, Hải Phòng, Khánh Hòa.
- 22 địa phương chưa qua 14 ngày với tổng số 10.742 ca mắc. Trong đó, 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao: Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng. Các trường hợp mắc mới hầu hết là các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đã được cách ly từ trước hoặc trong khu vực đã phong tỏa.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19:
- Tập trung hỗ trợ dập dịch nhanh nhất, sớm nhất tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng và một số địa phương đang có dịch, không để dịch lan rộng ra các địa phương khác.
- Các tỉnh thường xuyên cập nhật đánh giá các mức độ nguy cơ theo Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021 để áp dụng các biện pháp đáp ứng phù hợp.
- Tiếp tục khẩn trương đẩy nhanh tiến độ cung ứng, tiếp cận tất cả các nguồn vắc xin để người dân được tiêm vắc xin nhanh nhất, nhiều nhất nhằm kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng và đưa cuộc sống trở lại bình thường. Thúc đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, phát triển vắc xin sản xuất trong nước, mua và chuyển giao công nghệ để từng bước tự chủ vắc xin vào năm 2022. Tổ chức triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm chủng9.
Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam
Admin