​Bản tin cập nhật COVID-19 ngày 28/6/2021

28/06/2021 In bài viết

Tổng số ca bệnh từ đầu dịch đến nay ghi nhận gần 181,9 triệu ca, trong đó hơn 3,9 triệu ca tử vong và hơn 166 triệu trường hợp hồi phục. Indonesia ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất từ trước tới nay, với 21.342 ca, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên là 2.115.304 ca. Trong khi đó, số ca tử vong vì Covid-19 tại Indonesia cũng tăng thêm 409 ca lên tổng cộng là 57.138 ca. Hiện Indonesia là quốc gia có tổng số ca bệnh và ca tử vong vì Covid-19 cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Tại Malaysia, nước này không dỡ bỏ Lệnh phong tỏa toàn diện (FMCO) vào ngày 28/6 như dự kiến ban đầu. Giai đoạn 1 của Kế hoạch Phục hồi Quốc gia sẽ kéo dài tới khi đạt được chỉ tiêu đề ra, bao gồm số ca mắc Covid-19 ở mức dưới 4.000 ca/ngày, số ca phải điều trị tích cực về mức trung bình và 10% dân số hoàn thành tiêm chủng. Sau 4 tuần thực hiện FMCO kể từ ngày 1/6, số ca Covid-19 mới tại Malaysia đã giảm từ trên 8.000 ca/ngày xuống trên dưới 5.000 ca/ngày nhưng vẫn còn nhiều chỉ số đáng ngại.

Tại Lào, ngày 27/6 ghi nhận 10 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 1 ca cộng đồng tại thủ đô Vientiane và 9 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại các tỉnh khác sau 48 giờ không có ca mắc mới trong cộng đồng. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 2.110 ca nhiễm Covid- 19, trong đó có 3 ca tử vong.

Tại Campuchia, ngày 27/6 ghi nhận thêm 839 ca mắc Covid-19, bao gồm 76 ca nhập cảnh và thêm 17 ca tử vong vì đại dịch, nâng tổng số người mắc bệnh lên 47.649 ca, trong đó có 42.157 người đã khỏi bệnh và 540 người tử vong. Tại Siem Reap, “điểm nóng” mới về Covid-19 tại Campuchia, ngày 26/6, chính quyền tỉnh thông báo kéo dài lệnh giới nghiêm ban đêm (từ 22h-4h) đến ngày 10/7 và có thể tiếp tục kéo dài lệnh này nếu số ca mắc mới Covid-19 không giảm. Bộ Y tế Campuchia cũng xác nhận biến thể Delta và Beta đã xuất hiện ở Campuchia, song chưa rõ số liệu cụ thể là bao nhiêu ca nhiễm biến thể này và tỷ lệ tử vong ra sao.

Tổng số tích lũy ca mắc Covid-19 cả nước từ đầu dịch đến 17h00 ngày 28/6/2021 là 16.041 trường hợp, trong đó có 14.263 trường hợp ghi nhận trong nước và 76 trường hợp tử vong.

Từ 17h00 ngày 27/6 đến 17h00 ngày 28/6/2021, ghi nhận 391 ca mắc mới trong đó có 382 ca trong nước, hầu hết là các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đã được cách ly hoặc trong khu vực phong tỏa (tại Hồ Chí Minh: 218, Bình Dương: 40, Bắc Giang: 26, Quảng Ngãi: 20, Bắc Ninh: 16, Nghệ An: 11, Đồng Nai: 11, Phú Yên: 10, Hà Tĩnh: 7, Long An: 6, Bình Thuận: 6, Hưng Yên: 2, Lạng Sơn: 2, Quảng Ninh: 2, Đà Nẵng: 1, Hòa Bình: 1, Đồng Tháp: 1, Hải Phòng: 1, Đắk Lắk: 1) và 9 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Kiên Giang (3), Tây Ninh (3), Khánh Hòa (1), Quảng Trị (1), An Giang (1).

Bắc Giang ghi nhận bổ sung 07 ca, đã được phát hiện trước đó tại các khu vực phong toả, hiện nay rà soát hoàn thành thông tin xét nghiệm.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19:

- Tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”; thống nhất trong lãnh đạo chỉ đạo, các quan điểm xuyên suốt về phòng chống dịch được tiếp tục với chiến lược 5K+Vắc xin và tăng cường ứng dụng công nghệ. Luôn chuẩn bị kịch bản cho các tình huống xấu và đáp ứng nhanh hơn và cao hơn một mức.

- Thường xuyên cập nhật đánh giá các mức độ nguy cơ theo Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021 để áp dụng các biện pháp đáp ứng phù hợp. Chủ động, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bùng phát trong cộng đồng để tiếp tục thực hiện mục tiêu vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế xã hội.

- Tiếp tục chỉ đạo kiểm soát chặt biên giới, phát hiện kịp thời người nhập cảnh trái phép để đưa đi cách ly y tế; tuyên truyền, vận động người dân thông báo kịp thời cho các cơ quan chức năng các trường hợp nghi ngờ, nhập cảnh trái phép trên địa bàn.

- Thực hiện nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về quản lý nhập cảnh, truy vết, cách ly, sau cách ly, xét nghiệm và điều trị; đảm bảo hậu cần theo phương châm 4 tại chỗ và chủ động nâng cao năng lực xét nghiệm, cách ly, điều trị, chuẩn bị kịch bản cho tình huống có nhiều ca mắc trong cộng đồng và đảm bảo an toàn cao nhất với các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

- Nâng cao năng lực xét nghiệm, đảm bảo xét nghiệm mẫu đơn khoảng 3.000 mẫu/ngày. Thiết lập bổ sung các khu cách ly tập trung cho 5.000 người và khu điều trị bệnh nhân cho khoảng 1.000 người.

- Song song với phòng, chống dịch COVID-19, các địa phương vẫn phải quan tâm phòng, chống các dịch bệnh lưu hành như sốt rét, bạch hầu..., các bệnh có vắc xin phòng chống khác như sởi, viêm gan vi rút.

- Tiếp tục triển khai tốt công tác tiêm chủng đảm bảo an toàn, hiệu quả, đúng tiến độ và chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng.

- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, truyền thông phản ánh những nỗ lực chống dịch trên mọi mặt, nhấn mạnh thông điệp truyền thông “5K + vắc xin” và tăng cường ứng dụng công nghệ; khuyến khích, huy động người dân tham gia thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong công tác phòng chống dịch; đồng thời khen thưởng, biểu dương, nhân rộng kịp thời tập thể, cá nhân làm tốt, có hiệu quả trong phòng, chống dịch.

Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam

Admin

Thong ke