Bản tin cập nhật Covid-19 ngày 29/7/2021
29/07/2021 In bài viết
Trên thế giới hi nhận trên 196 triệu ca mắc, trên 4,2 triệu ca tử vong. So với tuần trước đó, số mắc mới trên thế giới tăng 7%, tử vong tăng 8%; tại Đông Nam Á dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số mắc gia tăng tại 7/11 quốc gia[1].
Tại Việt Nam: Tính đến 19h00 ngày 29/7/2021, cả nước ghi nhận 128.413 ca mắc, trong đó 126.205 ca ghi nhận trong nước, 31.780 người khỏi bệnh và 863 ca tử vong. Đợt dịch thứ 4 đã ghi nhận 125.561 ca, trong đó có 124.635 ca trong nước (99%), 28.963 người đã khỏi bệnh (23%), 828 ca tử vong. Có 5/62 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới[2], 9 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát[3], có 01 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc (Cao Bằng).
Trong vòng 11 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam (06 ngày giãn cách tại TP. Hà Nội), cả nước ghi nhận 74.434 ca mắc. Cụ thể như sau:
* Tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam:
- TP.Hồ Chí Minh: Ghi nhận tích lũy 81.781 ca, có 50.390 ca mắc trong 11 ngày qua. Các ca mắc liên quan tới 86 chuỗi lây nhiễm/ổ dịch trên địa bàn, trong đó có 30 chuỗi lây nhiễm đang diễn tiến, thêm 01 chuỗi lây nhiễm mới tại khu dân cư tại quận 5.
- Tỉnh Bình Dương: Ghi nhận tích lũy 10.684 ca, có 8.040 ca mắc trong 11 ngày qua. Trong đó: 2.624 ca bệnh phát hiện qua khám tại cơ sở y tế, 5.380 ca bệnh phát hiện trong khu cách ly, 1.460 ca bệnh phát hiện trong khu phong tỏa, 1.169 ca trong cộng đồng (chợ, khu không phong tỏa), 05 ca phát hiện tại chốt kiểm dịch. Số mắc cao ở các địa phương Thuận An, Bàu Bàng, Tân Uyên, Bến Cát.
- Tỉnh Long An: Ghi nhận tích lũy 4.430 ca, có 3.643 ca mắc trong 11 ngày qua. Có 29 chuỗi lây nhiễm trong đó 17 chuỗi cơ bản đã được kiểm soát, 12 chuỗi vẫn đang diễn biến. Số ca mắc mới trong địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng, có sự xuất hiện của các ổ dịch mới. Các ca bệnh ghi nhận chủ yếu là các trường hợp làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, các trường hợp F1 và nằm trong vùng phong tỏa.
- Tỉnh Đồng Nai: Ghi nhận tích lũy 3.310 ca, có 2.481 ca mắc trong 11 ngày qua. Có 9 chuỗi lây nhiễm, trong đó chuỗi lây nhiễm ghi nhận nhiều ca mắc nhất là chuỗi lây nhiễm liên quan đến TP. Hồ Chí Minh như: chợ đầu mối Hoóc Môn và chợ Bình Điền. Ngoài ra, cũng ghi nhận các chuỗi lây nhiễm và ổ dịch mới tại các chợ dân sinh, cơ sở y tế và các khu công nghiệp.
- Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Ghi nhận tích lũy 848 ca, có 683 ca mắc trong 11 ngày qua. Các ca bệnh ghi nhận trên địa bàn tỉnh hầu hết rõ nguồn lây liên quan tới TP. Hồ Chí Minh, chùm ca bệnh Đồng Nai. Có một số trường hợp chưa rõ nguồn lây và có sự lây lan trong cộng đồng, ghi nhận ổ dịch mới phát sinh tại xã Bàu Lâm và cảng cá Cát Lở.
- Tỉnh Bình Phước: Ghi nhận tích lũy 171 ca, có 97 ca mắc trong 11 ngày qua. Các ca mắc trên địa bàn tỉnh đều rõ nguồn lây, chủ yếu xuất phát từ chùm ca bệnh tại Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh.
- Tỉnh Tây Ninh: Ghi nhận tích lũy 1.197 ca, có 1.090 ca mắc trong 11 ngày qua. Có 11 chuỗi lây nhiễm, cơ bản các chuỗi được kiểm soát. Trong tuần ghi nhận 04 ca chưa rõ nguồn lây và đang điều tra dịch tễ.
- Tỉnh Tiền Giang: Ghi nhận tích lũy 1.855 ca, có 1.093 ca mắc trong 11 ngày qua. Số ca mắc có xu hướng gia tăng và xuất hiện thêm các chuỗi lây nhiễm mới tại các nhà máy, chợ dân sinh. Chuỗi lây nhiễm ở nhà may Công Tiến có diễn biến phức tạp, số lượng ca dương tính tăng cao nhất trong các chuỗi lây nhiễm khác, còn các chuỗi ở TP. Mỹ Tho, Cảng cá, chợ Bình Điền vẫn đang diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng. Ngoài ra, xuất hiện thêm chuỗi lây nhiễm mới tại Qươn Long (huyện Chợ Gạo), Hòa Khánh (huyện Cái Bè) và Tân Hòa Tây (huyện Tân Phước).
- Tỉnh Đồng Tháp: Ghi nhận tích lũy 2.798 ca, có 1.478 ca mắc trong 11 ngày qua, số lượng các ca mắc có xu hướng tăng. Các ca mắc ghi nhận chủ yếu liên quan đến ca bệnh đầu tiên của tỉnh. Ngoài ra, Đồng Tháp cũng ghi nhận nhiều ca bệnh có tiền sử về từ vùng dịch và các ổ dịch mới tại các xã và công ty.
- Tỉnh An Giang: Ghi nhận tích lũy 260 ca, có 144 ca mắc trong 11 ngày qua. Các trường hợp ghi nhận trên địa bàn tỉnh có nguồn lây từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vĩnh Long, Cần Thơ, tuy nhiên vẫn ghi nhận các trường hợp mắc chưa rõ nguồn lây (06 ca), trong đó có 04 trường hợp là lái xe chở hàng.
- TP. Cần Thơ: Ghi nhận tích lũy 557 ca, có 474 ca mắc trong 11 ngày qua. Ghi nhận 8 chuỗi lây nhiễm, trong đó 3 chuỗi lây nhiễm cơ bản đã được kiểm soát. Các ca mắc được ghi nhận chủ yếu tại chuỗi lây nhiễm chợ Tân An, tại phường Hưng Phú, tại chợ Trà An, bên cạnh đó ghi nhận một số ca bệnh chưa rõ nguồn lây.
- Tỉnh Hậu Giang: Ghi nhận tích lũy 121 ca, có 92 ca mắc trong 11 ngày qua. Các ca bệnh trên địa bàn đều rõ nguồn lây là các trường hợp thứ phát liên quan tới các chùm ca bệnh thuộc tỉnh khác, liên quan tới TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Dương. Trong những ngày gần đây, số ca mắc có xu hướng tăng nhẹ, các trường hợp mắc mới là các ca F1 hoặc trở về từ vùng dịch.
- Tỉnh Bến Tre: Ghi nhận tích lũy 635 ca, có 471 ca mắc trong 11 ngày qua. Các ca bệnh hầu hết đều rõ nguồn lây, chủ yếu liên quan đến chợ Bình Điền, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang và ổ dịch tại chợ TP. Bến Tre. Tuy nhiên những ngày gần đây xuất hiện thêm ổ dịch mới phát sinh là Bệnh viện Tâm Thần và 02 ca là tài xế test nhanh tầm soát tại chốt kiểm soát dịch.
- Tỉnh Vĩnh Long: Ghi nhận tích lũy 739 ca, có 401 ca mắc trong 11 ngày qua. Các ca bệnh tại địa bàn tỉnh có liên quan chủ yếu tới Đồng Tháp, TP. Hồ Chí Minh, tuy nhiên có một số trường hợp chưa rõ nguồn lây. Trong thời gian vừa qua có ổ dịch tại công ty Tỷ Xuân đang có số mắc ghi nhận gia tăng.
- Tỉnh Trà Vinh: Ghi nhận tích lũy 255 ca, có 195 ca mắc trong 11 ngày qua. Các ca mắc trên địa bàn tỉnh hầu hết rõ nguồn lây, chủ yếu xuất phát từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vĩnh Long, Cần Thơ, Long An, Kiên Giang, Tiền Giang. Có 14 chuỗi lây nhiễm, trong đó 6 chuỗi đang tiếp diễn, 8 chuỗi đã được kiểm soát.
- Tỉnh Sóc Trăng: Ghi nhận tích lũy 121 ca, có 76 ca mắc trong 11 ngày qua. Các trường hợp mắc hầu hết là các trường hợp F1 hoặc sống trong khu phong tỏa liên quan tới TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương và Đồng Nai.
- Tỉnh Bạc Liêu: Ghi nhận tích lũy 28 ca, có 16 ca mắc trong 11 ngày qua. Các ca mắc trên địa bàn hầu hết có nguồn lây từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và ít có sự lây nhiễm trong cộng đồng.
- Tỉnh Cà Mau: Ghi nhận tích lũy 31 ca, có 12 ca mắc trong 11 ngày qua. Chủ yếu các ca mắc liên quan đến chợ Bình Điền, TP. Hồ Chí Minh và các trường hợp trở về từ Bình Dương, được cách ly ngay.
- Tỉnh Kiên Giang: Ghi nhận tích lũy 182 ca, có 137 ca mắc trong 11 ngày qua. Các ca mắc chủ yếu liên quan 4 chuỗi lây nhiễm, trong đó, 1 chuỗi liên quan đến TP. Hồ Chí Minh, 1 chuỗi liên quan đến Bệnh viện đa khoa tỉnh và 2 chuỗi lây nhiễm mới phát hiện qua sàng lọc tại Rạch Giá, An Minh.
* Tại Thành phố Hà Nội
Ghi nhận 938 ca, có 261 ca sau 6 ngày thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 (giảm 33 ca so với 6 ngày trước đó). Tất cả các quận, huyện của Thành phố đều có ghi nhận ca mắc, trong đó có 3 quận ghi nhận số mắc cao tại cộng đồng, gồm: Hoàng Mai (92), Hai Bà Trưng (78), Đông Anh (46). Hiện có 144 điểm đang phong tỏa tại 25 quận, huyện, gồm: Hoàng Mai (23 điểm), Đống Đa (16) và Bắc Từ Liêm (12), Hai Bà Trưng (10), Hoài Đức (10)...
Tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội đang được kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ về dịch bệnh luôn hiện hữu do Hà Nội là đầu mối giao thương, đi lại, có sự giao lưu rất lớn với các địa phương; trên địa bàn Thành phố xuất hiện nhiều ca bệnh chưa xác định được nguồn lây, có thể có các ca bệnh ngoài cộng đồng chưa được phát hiện. Trong thời gian tới, tình hình dịch trên địa bàn Hà Nội có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn, có nguy cơ lây lan dịch bệnh trong các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19:
- Tiếp tục tập trung lực lượng để hỗ trợ dập dịch nhanh nhất, sớm nhất tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Tiếp tục huy động cán bộ y tế, tình nguyện viên, trong những ngày tới sẽ tập trung bổ sung nhân lực cho các cơ sở cách ly, thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19.
- Tiếp tục hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp giảm mắc, giảm lây nhiễm, giảm tử vong, tăng cường năng lực thu dung, điều trị và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
- Tiếp tục hướng dẫn phân luồng, kiểm soát giao thông đảm bảo phòng chống dịch và lưu thông hàng hóa; triển khai các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động trong thời gian thực hiện giãn cách; tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các địa phương.
- Tăng cường công tác truyền thông; huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan truyền thông, báo chí; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội để thông tin kịp thời tới từng người dân và cộng đồng. Đẩy mạnh tuyên truyền người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch, thực hiện khai báo điện tử.
- Triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, hỗ trợ điều trị, chăm sóc người bệnh tại nhà. Hoàn thiện Nền tảng tiêm chủng vắc xin COVID-19, tích cực triển khai hệ thống QR Code cá nhân để tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai báo y tế, giám sát lịch trình di chuyển.
[1]Trong tuần, Lào tăng 77%, Thái Lan tăng 36%, Timor-Leste tăng 35%, Malaysia tăng 30%, Singapore tăng 18%, Philippine tăng 8%.
[2]Yên Bái, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Nam Định.
[3]Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Tuyên Quang, Quảng Trị.
Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng