BẢN TIN CẬP NHẬT DỊCH BỆNH COVID-19 (Ngày 10/11/2020)
Thế giới hiện ghi nhận 51.287.248 ca và 1.270.080 trường hợp tử vong do COVID-19 tại 218 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổng số bệnh nhân COVID-19 hồi phục là 36.096.534 và còn 13.920.634 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 93.839 trường hợp bệnh nặng hoặc nguy kịch. Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với 244.449 trường hợp tử vong trong tổng số 10.422.026 ca nhiễm; Thống đốc bang Utah của nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp mới nhằm khắc phục tình trạng quá tải tại các bệnh viện trong bối cảnh số bệnh nhân mắc COVID-19 nhập viện tăng mạnh. Tiếp theo là Ấn Độ ghi nhận 8.591.730 ca nhiễm (127.104 trường hợp tử vong). Quốc gia đứng thứ ba thế giới về số trường hợp mắc là Brazil với 5.675.766 ca nhiễm (162.638 trường hợp tử vong)
Châu Âu hiện đang là tâm dịch của COVID-19 với tốc độ lây lan nhanh khó kiểm soát, đặc biệt khi khu vực này sắp bước vào mùa đông. Ngoài Nga còn có Pháp, Tây Ban Nha và Anh đều ghi nhận tổng số hơn 1 triệu ca nhiễm. Nhiều nước trong khu vực đã siết chặt hơn nữa các quy định ngăn dịch bệnh lây lan. Bồ Đào Nha ban bố tình trạng khẩn cấp, áp đặt lệnh giới nghiêm; Hy Lạp thông báo sẽ đóng cửa toàn quốc trong 3 tuần để ngăn chặn tình trạng tái bùng phát số ca nhiễm COVID-19. Ý bắt đầu thực thi lệnh giới nghiêm từ 22 giờ ngày 5/11 đến 3/12 trên toàn quốc. Hy Lạp mở rộng phong toả trên toàn quốc. Châu Âu hiện đứng trước bờ vực khủng hoảng y tế nghiêm trọng khi công suất chăm sóc và điều trị tại các bệnh viện chuẩn bị đạt đến cực hạn, nhân viên y tế phải đối mặt với tình thế chọn lựa sinh tử giữa các bệnh nhân
Khu vực Châu Á, đứng thứ 2 sau Ấn Độ về số trường hợp mắc là Iran với 692.949 trường hợp mắc (38.749 trường hợp tử vong), tiếp theo là Iraq ghi nhận 501.733 trường hợp mắc với 11.380 trường hợp tử vong. Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận mức tăng các ca bênh mới COVID-19 ở mức 3 con số khiến các cơ quan y tế nước này phải xem xét nâng cao mức độ của các biện pháp giãn cách xã hội.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 440.569 trường hợp mắc (14.689 trường hợp tử vong) đã quyết định gia hạn các hạn chế xã hội quy mô lớn tại nhiều thành phố lớn đến ngày 25/11. Tiếp theo là Philippines với tổng số 399.749 ca nhiễm (7.661 trường hợp tử vong). Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 28 ca tử vong và 58.073 trường hợp nhiễm. Nước này đang có kế hoạch áp dụng xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 tại các lễ cưới và các hội nghị doanh nghiệp nhằm nỗ lực nhanh chóng mở cửa trở lại nền kinh tế.
Ngày 10/11/2020 là ngày thứ 69 liên tiếp không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Trong ngày, Việt Nam ghi nhận 11 ca mắc mới, là các ca nhập cảnh, được cách ly ngay tại Bắc Ninh (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (4), Hòa Bình (3), Ninh Thuận (1), Đà Nẵng (1) và Quảng Nam (1). Đến nay, Việt Nam ghi nhận 1.226 trường hợp mắc COVID-19 (trong đó có 569 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, 657 trường hợp mắc trong nước), 35 trường hợp tử vong, là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19:
- Tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát về công tác quản lý nhập cảnh, cách ly và giám sát y tế trong công tác phòng chống dịch COVID-19 đối với chuyên gia nhập cảnh vào Việt Nam làm việc; công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 trong đó tập trung vào các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự, thực hành, quản lý chất lượng xét nghiệm; sử dụng sinh phẩm xét nghiệm; thực hiện báo cáo kết quả xét nghiệm; chi trả kinh phí xét nghiệm, sinh phẩm; những khó khăn, tồn tại, giải pháp và đề xuất trong thời gian tới.
- Bộ Y tế tham dự Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 73 dưới hình thức trực tuyến từ ngày 9-14/11. Với vai trò là chủ tịch ASEAN năm 2020, tại chủ điểm 13.2 về các hoạt động của WHO đối với các hoạt động khẩn cấp về y tế, Việt Nam đã trình bày về các sáng kiến, hợp tác chung của khu vực trong ứng phó với đại dịch COVID-19 trong năm 2020.
- Tiếp tục triển khai “Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19” (www.antoancovid.vn) nhằm kiểm soát dịch bệnh trên quy mô toàn quốc, trước mắt, bản đồ triển khai trong hệ thống các cơ sở y tế và giáo dục sử dụng ứng dụng, cập nhập các công việc đảm bảo môi trường an toàn phòng, chống COVID-19.
- Chỉ đạo thực hiện nghiêm việc kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, yêu cầu tất cả người nhập cảnh bắt buộc phải khai báo y tế; khuyến cáo mạnh mẽ việc cài đặt ứng dụng Bluezone phục vụ truy vết nhanh; giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; tổ chức phân loại các trường hợp phải cách ly phù hợp theo quy định ngay tại cửa khẩu; theo dõi, cập nhật tình hình sức khỏe của người nhập cảnh hằng ngày trong thời gian cách ly, giám sát y tế.
- Tiếp tục phổ biến và hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện tốt thông điệp 5K gồm khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế.
- Phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục quản lý chặt chẽ xuất nhập cảnh qua biên giới, đặc biệt chú trọng quản lý các đối tượng chuyên gia, lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc, các đối tượng nhập cảnh trái phép; đồng thời tiếp tục tổ chức nghiêm việc tổ chức thực hiện cách ly theo hướng dẫn của ngành y tế; rà soát, kiểm tra toàn bộ quy trình thực hiện cách ly không để xảy ra lây nhiễm trong các cơ sở cách ly tập trung.
Cục Y tế dự phòng tiếp tục cập nhật, chia sẻ thông tin diễn biến tình hình dịch trên thế giới và trong nước để cung cấp cho các cơ quan thông tin đại chúng, đăng trên website Bộ Y tế (moh.gov.vn) và Cục Y tế dự phòng (vncdc.gov.vn).
Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam