Thế giới hiện ghi nhận 109.430.385 ca và 2.412.426 trường hợp tử vong do COVID-19 tại 221 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổng số bệnh nhân COVID-19 hồi phục là 81.680.721 và còn 25.337.238 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 98.457 trường hợp bệnh nặng hoặc nguy kịch. Mỹ là quốc gia chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh với 28.261.470 trường hợp mắc và 497.174 trường hợp tử vong. Ấn Độ là quốc gia đứng thứ hai thế giới về số trường hợp mắc với 10.916.589 ca nhiễm (155.764 trường hợp tử vong). Tiếp theo là Brazil với 239.294 trường hợp tử vong trong số 9.834.513 ca nhiễm.
Tại châu Âu, Cộng hoà Séc đã ban bố tình trạng khẩn cấp mới kéo dài 2 tuần kể từ ngày 15/2. Trước đó, ngày 11/2 Bộ Y tế Pháp đã thông báo số ca dương tính với biến thể của SARS-CoV-2 tại Anh chiếm 25% tổng số ca nhiễm mới tại Pháp, trong khi đó số ca dương tính với biến thể tại Nam Phi và Brazil chỉ chiếm 4% đến 5%; nước này hiện cũng đang cân nhắc khả năng siết chặt các biện pháp phòng dịch COVID-19 trong vài tuần tới. Tại Đức, từ ngày 14/2 sẽ cấm nhập cảnh từ các vùng biên giới với Séc và Tyrol (Áo) do số ca nhiễm mới liên quan biến thể mới của SARS-CoV-2 gia tăng tại các vùng dịch này. Anh sẽ áp đặt biện pháp kiểm soát biên giới mới cho đến khi toàn bộ người cao tuổi ở nước này được tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19.
Khu vực Châu Á, đứng sau Ấn Độ về số trường hợp mắc là Thổ Nhĩ Kỳ với 2.586.183 trường hợp mắc (27.471 trường hợp tử vong). Đứng thứ ba khu vực là Iran với 58.945 ca tử vong trong số 1.518.263 trường hợp mắc; ngày 14/2 nước này đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ làn sóng thứ 4 của dịch bệnh COVID-19 sau khi phát nhiện một số ca nhiễm biến thể của SARS-CoV-2 tại nhiều địa phương.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.223.930 trường hợp mắc (33.367 trường hợp tử vong). Tiếp theo là Philippines với tổng số 550.860 ca nhiễm (11.517 trường hợp tử vong). Đứng thứ ba khu vực là Malaysia với 975 trường hợp tử vong trong số 266.445 ca mắc, hiện vẫn đang trong làn sóng dịch mới kéo dài và chưa có dấu hiệu giảm.
Về tiến trình triển khai vắc xin phòng COVID-19, ngày 15/2 Indonesia đang chuẩn bị bước vào giai đoạn 2 tiêm chủng vắc xin COVID-19, theo kế hoạch, giai đoạn hai của chương trình tiêm chủng mở rộng vắc xin COVID-19 miễn phí toàn dân sẽ ưu tiên người cao tuổi, công chức nhà nước, thương nhân, nhà giáo dục, phóng viên báo chí, lãnh đạo tôn giáo, lực lượng an ninh, lao động ngành giao thông vận tải và các vận động viên.
Từ ngày 25/01/2021 đến nay đã ghi nhận 677 trường hợp mắc trong nước tại 13 tỉnh, thành phố gồm Hải Dương (499), Quảng Ninh (59), Hồ Chí Minh (36), Hà Nội (33), Gia Lai (27), Bình Dương (06), Bắc Ninh (05), Điện Biên (03), Hưng Yên (03), Hòa Bình (02), Bắc Giang (02), Hải Phòng (01), Hà Giang (01). Tổng số tích lũy trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 của Việt Nam là 2.234, trong đó có 1.302 ca trong nước.
Từ 18h00 ngày 14/02 đến nay, Việt Nam ghi nhận thêm 41 trường hợp mắc mới tại Hải Dương (38) và Hà Nội (03), cụ thể:
- Hải Dương: ghi nhận 38 trường hợp đều là F1 đã được cách ly tập trung trước đó, liên quan Cẩm Giàng (3), TP. Hải Dương (3), Nam Sách (1), Bình Giang (1) và Chí Linh (30).
- Hà Nội: ghi nhận 03 trường hợp, trong đó:
+ 01 trường hợp nhập cảnh là chuyên gia Nhật Bản đã đột tử tại khách sạn Summerset Westpoint (Hà Nội) vào ngày 13/02, trước đó chuyên gia này nhập cảnh đã qua cách ly tập trung14 ngày và có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV2 (lần 1 ngày 17/1/2021, lần 2 ngày 31/1/2021), sau đó có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 14/02.
+ 02 trường hợp là F1 của BN2229 (chuyên gia Nhật Bản nêu trên), đã được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm ngày 14/2 và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19:
- Chuẩn bị tài liệu báo cáo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19. Tham dự có lãnh đạo một số bộ, 26 địa phương tại các điểm cầu truyền hình trực tuyến.
- Công văn số 984/CV-BCĐ ngày 15/02/2021 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tích cực rà soát, lấy mẫu, xét nghiệm, giám sát sức khỏe người về từ huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
- Chỉ đạo Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục hỗ trợ tập huấn, chuẩn bị bộ máy nhân sự của Bệnh viện Dã chiến số 3 và hỗ trợ máy móc, nhân sự để tăng cường xét nghiệm tại Hải Dương. Bộ Y tế cũng tiếp tục điều động 03 đơn vị Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục hỗ trợ và tổ chức thiết lập ngay các phòng xét nghiệm tại các địa bàn TP. Hải Dương, TP. Chí Linh và huyện Cẩm Giàng, đẩy nhanh hơn nữa công tác lấy mẫu, xét nghiệm tại các địa bàn này.
- Đoàn công tác phòng chống dịch COVID-19 tại tỉnh Hải Dương của Ban Chỉ đạo Quốc gia (thành lập theo Quyết định số 1124/QĐ-BCĐ ngày 08/02/2021) tiếp tục cắm chốt, hỗ trợ tỉnh Hải Dương trong công tác giám sát, khoanh vùng, truy vết, cách ly, xét nghiệm, điều trị, truyền thông phòng chống dịch.
- Phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông, các đơn vị công nghệ thông tin xây dựng và hoàn thiện công cụ khai báo y tế cho người dân khi đến các địa điểm công cộng, khu vực tập trung đông người đảm bảo phù hợp, khả thi, hiệu quả và thuận lợi cho người dân, các tổ chức, đơn vị khi triển khai thực hiện.
- Tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, không tụ tập đông người và thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng chống dịch tại công sở, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất đảm bảo an toàn khi làm việc; tăng cường việc thanh tra, kiểm tra và yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Tiếp tục chỉ đạo rà soát triệt để các trường hợp đi về từ khu vực có dịch, các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh, các trường hợp nhập cảnh trái phép qua biên giới; thực hiện việc truy vết thần tốc, khoang vùng dập dịch triệt để, tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm trên diện rộng và yêu cầu thực hiện nghiêm việc cách ly, giám sát y tế theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Cập nhật thông tin hằng ngày về tình hình dịch bệnh; phối hợp với cơ quan viễn thông gửi tin nhắn cho tất cả các thuê bao di động trên cả nước về phòng, chống COVID-19. Xây dựng các thông báo về truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với ca nhiễm COVID-19.
- Cập nhật, cung cấp thông tin kịp thời, minh bạch về dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch cho các cơ quan đài báo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam