BẢN TIN CẬP NHẬT DỊCH BỆNH COVID-19
(Ngày 21/12/2020)
Tính đến 16h30 ngày 21/12/2020, thế giới hiện ghi nhận 77.222.857 ca mắc và 1.700.678 trường hợp tử vong do COVID-19 tại 220 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổng số bệnh nhân COVID-19 hồi phục là 54.129.726 và còn 21.392.453 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 106.311 trường hợp bệnh nặng hoặc nguy kịch. Mỹ là quốc gia có số mắc cao nhất thế giới với 18.267.579 trường hợp mắc và 324.869 trường hợp tử vong. Ấn Độ là quốc gia đứng thứ hai thế giới về số trường hợp mắc với 10.056.248 ca nhiễm (145.843 trường hợp tử vong). Tiếp theo là Brazil với 186.773 trường hợp tử vong trong số 7.238.600 ca nhiễm.
Tại châu Âu, trước thông tin Anh phát hiện một biến thể virus mới, lây nhiễm mạnh hơn và "vượt tầm kiểm soát", hiện nay, quốc gia này đã phong tỏa London và một số vùng đông nam nước Anh. Ngoài ra, một số nước châu Âu đã ra lệnh cấm đi lại với Anh trong một thời hạn ngắn để tiếp tục xem xét. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia châu Âu đã siết chặt các biện pháp hạn chế trước thềm Giáng sin: Đức đóng cửa các cửa hàng không thiết yếu và trường học; các quốc gia thành viên châu Âu khác như Ý, Pháp và Thụy Sĩ cũng đang cân nhắc gia tăng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong các dịp lễ sắp tới. Tổ chức Y tế Thế giới khu vực châu Âu cũng đã kêu gọi các gia đình đeo khẩu trang trong những cuộc tụ tập gia đình vào dịp lễ Giáng sinh sắp tới sau khi cảnh báo nguy cơ dịch bệnh COVID-19 có thể gia tăng hơn nữa vào đầu năm 2021.
Khu vực Châu Á, đứng sau Ấn Độ về số trường hợp mắc là Thổ Nhĩ Kỳ với 2.024.601 trường hợp mắc (18.097 trường hợp tử vong) sẽ áp đặt chế độ phong tỏa toàn quốc trong 5 ngày bắt đầu từ 31/12 để kìm hãm đà lây lan của dịch COVID-19. Đứng thứ ba khu vực là Iran với 53.625 ca tử vong trong số 1.158.384 trường hợp mắc.
Khu vực Đông Nam Á, tại Thái Lan đang bùng phát dịch COVID-19 kỷ lục liên quan đến chợ tôm tỉnh Samut Sakhon xảy ra trong bối cảnh chính phủ đang tìm cách hồi sinh ngành du lịch đang bị đại dịch tàn phá (ngày 17/12, nước này đã nới lỏng các hạn chế để thu hút thêm nhiều khách du lịch nước ngoài quay trở lại). Ngày 20/12, Thái Lan xác nhận 576 ca nhiễm mới, trong đó có 516 ca là công nhân nhập cư được công bố tại địa phương một ngày trước đó, hầu như đều liên quan đến chợ tôm ở tỉnh Samut Sakhon; các ca nhiễm mới cũng bao gồm 19 ca lây truyền tại Bangkok và tỉnh Samut Sakhon - nơi có 516 ca vừa được phát hiện; hầu hết các công nhân nhập cư ở tỉnh Samut Sakhon đến từ Myanmar, nơi chịu ảnh hưởng của đại dịch nặng hơn nhiều so với Thái Lan.
Tình hình chung tại Đông Nam Á: Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 664.930 trường hợp mắc (19.880 trường hợp tử vong) đã thông báo quyết định cấm tổ chức các hoạt động đông người nơi công cộng vào dịp lễ Giáng sinh 2020 và Năm mới 2021 trên phạm vi toàn quốc. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 18/12/2020 đến ngày 08/1/2021. Tiếp theo là Philippines với tổng số 461.505 ca nhiễm (8.957 trường hợp tử vong). Myanmar là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 2.443 ca tử vong và 116.134 ca mắc.
Tại Việt Nam, ngày 21/12/2020 là ngày thứ 20 liên tiếp không ghi nhận ca cộng đồng mới. Trong ngày, Việt Nam ghi nhận 01 ca mắc mới được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Khánh Hòa, cụ thể: nam, 37 tuổi, là thuyền viên người Việt Nam, có địa chỉ tại xã Đào Dương, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Ngày 09/12, bệnh nhân từ Ukraine nhập cảnh cảng hàng hải Nha Trang – Khánh Hòa trên Tàu Navios Marco Polo, được cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại Khánh Hòa. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 21/12, bệnh nhân dương tính với vi rút SAR-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa. Trước đó trên Tàu này đã ghi nhận 02 ca dương tính với vi rút SAR-CoV-2, được cách ly ngay tại Khánh Hòa.
Đến nay, Việt Nam ghi nhận 1.414 trường hợp mắc (trong đó có 754 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, 660 trường hợp mắc trong nước), 35 trường hợp tử vong, là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19:
- Chuẩn bị tài liệu phục vụ cuộc họp Thường trực Chính phủ về vắc-xin COVID-19.
- Chuẩn bị tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 ngày 23/12/2020 với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại hơn 700 điểm cầu.
- Tăng cường thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh tới khám bệnh, chữa bệnh, người đi lại giữa các khoa, phòng để phòng, chống lây nhiễm trong bệnh viện; chú trọng đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện, nhất là tại các khoa điều trị bệnh nhân nặng; đảm bảo công tác quản lý chất thải, vệ sinh môi trường.
- Tăng cường triển khai tiêu chí bệnh viện an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm, bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh an toàn; cập nhật thường xuyên việc thực hiện bệnh viện an toàn thông qua ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về nhập cảnh, giám sát, cách ly y tế, phòng chống COVID-19, đặc biệt là các điều kiện trước khi nhập cảnh (Giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, giấy khai bao y tế...), việc đưa đón từ cửa khẩu, các khu vực cách ly y tế đối với người nhập cảnh (bao gồm khu cách ly trong, ngoài quân đội có thu phí) tuyệt đối không để lây lan trong khu vực cách ly, lây lan ra cộng đồng. Đảm bảo việc xét nghiệm đúng số lượng, thời gian, đối tượng.
- Rà soát, cập nhật các kịch bản phòng chống dịch, chuẩn bị ứng phó với tình huống xấu nhất trong mùa đông năm nay, dịp Giáng sinh, Tết dương lịch và Tết âm lịch sắp tới; thực hiện đúng việc giám sát cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, đặc biệt là chuyên gia nước ngoài, người hồi hương, nhập cảnh.
- Tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn cộng đồng thực hiện đầy đủ các khuyến cáo phòng, chống dịch trong tình hình mới, thực hiện tốt thông điệp 5K gồm khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế.
Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam