BẢN TIN CẬP NHẬT DỊCH BỆNH COVID-19
(Ngày 2/1/2021)
Thế giới hiện ghi nhận 84.431.493 ca và 1.836.442 trường hợp tử vong do COVID-19 tại 220 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổng số bệnh nhân COVID-19 hồi phục là 59.723.708 và còn 22.871.343 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 106.620 trường hợp bệnh nặng hoặc nguy kịch. Mỹ là quốc gia có số mắc cao nhất thế giới với 20.617.346 trường hợp mắc và 356.445 trường hợp tử vong. Ấn Độ là quốc gia đứng thứ hai thế giới về số trường hợp mắc với 10.305.788 ca nhiễm (149.218 trường hợp tử vong). Tiếp theo là Brazil với 195.441 trường hợp tử vong trong số 7.700.578 ca nhiễm.
Tại châu Âu, Anh đã kích hoạt lại bệnh viện dã chiến được xây dựng từ khi mới bùng phát dịch COVID-19 để đối phó với tình trạng số các nhiễm vi rút SARS-CoV-2 đang tăng nhanh tại nước này. Thủ tướng Đan Mạch đã gia hạn thời gian phong toả thêm 2 tuần, kéo dài tới 17/1/2021 nhằm hạn chế sự lây lan của vi rút corona. Chính phủ Pháp đã quyết định mở rộng giờ giới nghiêm từ ngày 02/01/2021, giờ giới nghiêm có thể sẽ bắt đầu từ 18h cho đến 6h sáng hôm sau thay vì bắt đầu từ 20 giờ theo quy định hiện tại; dự kiến biện pháp này sẽ áp dụng tại 20 tỉnh, nằm tại các vùng có tình hình dịch phức tạp nhất nước Pháp. Trong khi đó tại Bỉ, Chính phủ đã nghiêm cấm tổ chức các bữa tiệc đoàn viên lớn cuối năm trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn làn sóng dịch COVID-19 thứ ba.
Tại Châu Phi, các chuyên gia y tế Ai Cập cho biết nước này đang xuất hiện 4 chủng virus SARS-CoV-2 gây ra những triệu chứng khác nhau, đồng thời nhận định sốt không còn là triệu chứng cơ bản nhất của người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, thay vào đó là hiện tượng mệt mỏi và suy nhược cơ thể cùng với các triệu chứng về hô hấp.
Khu vực Châu Á, đứng sau Ấn Độ về số trường hợp mắc là Thổ Nhĩ Kỳ với 2.220.855 trường hợp mắc (21.093 trường hợp tử vong) đã ra thông báo tất cả người nước ngoài muốn nhập cảnh vào nước này phải xuất trình chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi hành khách lên máy bay và có hiệu lực kể từ ngày 28/12 tới 1/3/2021. Đứng thứ ba khu vực là Iran với 55.337 ca tử vong trong số 1.231.429 trường hợp mắc; đã mở rộng lệnh giới nghiêm ban đêm tại 330 thành phố và thị trấn trong nỗ lực nhằm duy trì những kết quả tích cực gần đây trong công tác phòng chống dịch bệnh tại nước này. Ngày 2/1, cơ quan chức năng của Hàn Quốc cho biết Chính phủ sẽ kéo dài các quy định giãn cách xã hội đang áp dụng hiện nay ở khu vực thủ đô đến ngày 17/1 tới. Trong khi đó, tại Nhật Bản, chính quyền thủ đô Tokyo có kế hoạch đề nghị chính phủ trung ương một lần nữa tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh số ca nhiễm mới tiếp tục tăng nhanh.
Tại Đông Nam Á, Chính quyền thủ đô Bangkok (Thái Lan) đã quyết định đóng cửa các trường học trong vòng 2 tuần, tạm thời đóng cửa các viện dưỡng lão, phòng tập thể thao, quán bar và các quán massage. Singapore thông báo cấm du khách đến từ Nam Phi nhập cảnh. Ngoài ra, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 758.473 trường hợp mắc (22.555 trường hợp tử vong) đã thông báo quyết định tạm thời đóng cửa đối với công dân nước ngoài từ tất cả các nước đến Indonesia từ ngày 1-14/1/2021 để ngăn chặn sự lây lan biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhanh gấp nhiều lần. Tiếp theo là Philippines với tổng số 476.916 ca nhiễm (9.253 trường hợp tử vong); đã ra thông báo sẽ cấm nhập cảnh từ 20 nước và vùng lãnh thổ từ ngày 30/12 đến ngày 15/1/2021, áp dụng với cả hành khách nước ngoài và công dân Philippines về nước. Myanmar là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 2.697 ca tử vong và 125.042 ca mắc, đã quyết định sẽ mở rộng các hạn chế xã hội cho đến ngày 31/1/2021.
Ngày 02/01/2021 là ngày thứ 32 liên tiếp không ghi nhận ca cộng đồng mới; trong ngày, Việt Nam ghi nhận 08 ca mắc mới, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hưng Yên (02), Tiền Giang (01), Hòa Bình (02), Quảng Ninh (02) và Bạc Liêu (01), cụ thể:
+ Hưng Yên: ghi nhận 02 trường hợp từ Đức nhập cảnh sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN5036 ngày 18/12/2020, được cách ly tại tỉnh Hưng Yên ngay sau khi nhập cảnh. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - cơ sở Đông Anh.
+ Tiền Giang: ghi nhận 01 trường hợp từ Đài Loan nhập cảnh sân bay Cần Thơ trên chuyến bay QH9511 ngày 30/12/2020, được cách ly tại tỉnh Tiền Giang ngay sau khi nhập cảnh. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Long Định, tỉnh Tiền Giang.
+ Hòa Bình: ghi nhận 02 trường hợp từ Pháp nhập cảnh sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN0018 ngày 31/12/2020, được cách ly tại tỉnh Hòa Bình ngay sau khi nhập cảnh. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
+ Quảng Ninh: ghi nhận 02 trường hợp từ Pháp nhập cảnh sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN0018 ngày 31/12/2020, được cách ly tại tỉnh Quảng Ninh ngay sau khi nhập cảnh. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - cơ sở Đông Anh.
+ Bạc Liêu: ghi nhận 01 trường hợp từ Malaysia nhập cảnh sân bay Cần Thơ trên chuyến bay BL188 ngày 31/12/2020, được cách ly tại tỉnh Bạc Liêu ngay sau khi nhập cảnh. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu.
Liên quan đến phát hiện biến thể của SARS-CoV-2 tại Việt Nam: trong ngày, ghi nhận BN1435 là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam nhiễm chủng biến thể VOC 202012/01 - là chủng mới được ghi nhận ở Anh gần đây, đồng thời chủng gây bệnh cho bệnh nhân này cũng có đột biến D614G, vốn là chủng được cho làm lây lan nhanh cách đây 4-5 tháng. Trước đó, BN1435 (nữ, sinh năm 1976, quê Trà Vinh) từ Anh về Việt Nam ngày 22/12/2020 trên chuyến bay VN50, nhập cảnh sân bay Cần Thơ, được cách ly tập trung ngay tại Trà Vinh. Hiện nay, Bộ Y tế đang chỉ đạo tăng cường giám sát, theo dõi chặt chẽ người từ các quốc gia xuất hiện biến chủng SARS-CoV-2.
Đến nay, Việt Nam ghi nhận 1.482 trường hợp mắc (trong đó có 822 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, 660 trường hợp mắc trong nước), 35 trường hợp tử vong, là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19:
- Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về nhập cảnh, giám sát, cách ly y tế, phòng chống COVID-19, đặc biệt là các điều kiện trước khi nhập cảnh (Giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, giấy khai bao y tế...), việc đưa đón từ cửa khẩu, các khu vực cách ly y tế đối với người nhập cảnh (bao gồm khu cách ly trong, ngoài quân đội có thu phí) tuyệt đối không để lây lan trong khu vực cách ly, lây lan ra cộng đồng. Đảm bảo việc xét nghiệm đúng số lượng, thời gian, đối tượng.
- Tiếp tục tăng cường triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin (Bluezone, khai báo y tế tự nguyện NCOVI, khai báo y tế bắt buộc - tokhaiyte.vn, Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19...) để kiểm soát các trường hợp tiếp xúc và tăng cường truy vết, khoanh vùng chống dịch.
- Chỉ đạo tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện cách ly; xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị vi phạm để dịch COVID-19 xâm nhập, lây nhiễm trong cơ sở cách ly và ra cộng đồng.
- Tăng cường thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh tới khám bệnh, chữa bệnh, người đi lại giữa các khoa, phòng để phòng, chống lây nhiễm trong bệnh viện; chú trọng đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện, nhất là tại các khoa điều trị bệnh nhân nặng; đảm bảo công tác quản lý chất thải, vệ sinh môi trường.
5. Tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn cộng đồng thực hiện đầy đủ các khuyến cáo phòng, chống dịch trong tình hình mới, thực hiện tốt thông điệp 5K gồm khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế.
Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam