BẢN TIN CẬP NHẬT DỊCH BỆNH COVID-19 (Ngày 24/12/2020)
Tính đến 16h30 ngày 24/12/2020, Thế giới hiện ghi nhận 79.132.157 ca mắc và 1.739.149 trường hợp tử vong do COVID-19 tại 220 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổng số bệnh nhân COVID-19 hồi phục là 55.728.707 và còn 21.664.301 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 106.453 trường hợp bệnh nặng hoặc nguy kịch. Mỹ là quốc gia có số mắc cao nhất thế giới với 18.917.152 trường hợp mắc và 334.218 trường hợp tử vong; Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã kêu gọi người dân nước này hạn chế đi lại và chỉ nên tận hưởng kỳ nghỉ lễ Giáng sinh ở nhà để hạn chế dịch COVID-19 lây lan. Ấn Độ là quốc gia đứng thứ hai thế giới về số trường hợp mắc với 10.123.778 ca nhiễm (146.778 trường hợp tử vong). Tiếp theo là Brazil với 189.264 trường hợp tử vong trong số 7.366.677 ca nhiễm.
Tại châu Âu, kể từ sau khi Anh thông báo phát hiện biến thể mới của virus SASR-CoV-2, hơn 40 quốc gia trên thế giới đã cấm hoặc hạn chế đi lại với nước này nhằm ngăn chặn lây lan biến thể mới. Ủy ban châu Âu vừa qua đã kêu gọi các nước thành viên mở cửa trở lại biên giới với Anh và thay thế lệnh phong tỏa bằng việc yêu cầu xét nghiệm bắt buộc khi nhập cảnh. Trong đó, chỉ có Pháp là đã nới lỏng biên giới cho những người dân đến từ Anh với điều kiện phải có chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước đó không quá 72 giờ và các xét nghiệm phải thuộc loại có khả năng phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Khu vực Châu Á, đứng sau Ấn Độ về số trường hợp mắc là Thổ Nhĩ Kỳ với 2.082.610 trường hợp mắc (18.861 trường hợp tử vong) sẽ áp đặt chế độ phong tỏa toàn quốc trong 5 ngày bắt đầu từ 31/12 để kìm hãm đà lây lan của dịch COVID-19. Đứng thứ ba khu vực là Iran với 54.156 ca tử vong trong số 1.177.004 trường hợp mắc.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất với 692.838 trường hợp mắc (20.589 trường hợp tử vong) đã thông báo quyết định cấm tổ chức các hoạt động đông người nơi công cộng vào dịp lễ Giáng sinh 2020 và Năm mới 2021 trên phạm vi toàn quốc từ ngày 18/12/2020 đến ngày 8/1/2021. Tiếp theo là Philippines với tổng số 465.724 ca nhiễm (9.055 trường hợp tử vong). Myanmar là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 2.507 ca tử vong và 118.869 ca mắc. Singapore là quốc gia mới nhất ghi nhận sự xuất hiện của chủng virus B.1.1.7 (còn có tên VUI-202012/01) – biến thể của SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại Anh.
Tại Việt Nam, ngày 24/12/2020 là ngày thứ 23 liên tiếp không ghi nhận ca cộng đồng mới. Trong ngày, Việt Nam ghi nhận 12 ca nhiễm mới được cách ly ngay sau nhập cảnh tại Hà Nội (7), Vĩnh Long (4) và Đà Nẵng (1), cụ thể:
+ Hà Nội: ghi nhận 6 công dân Việt Nam và 01 chuyên gia người Nam Phi, trong đó: ngày 21/12, 6 công dân Việt Nam từ Mỹ, quá cảnh Hàn Quốc, nhập cảnh sân bay Nội Bài trên chuyến bay VN415; ngày 19/12, 01 chuyên gia quốc tịch Nam Phi từ Nam Phi nhập cảnh sân bay Nội Bài trên chuyến bay QR976.
+ Vĩnh Long: ghi nhận 04 công dân Việt Nam liên quan chuyến bay VN50 từ Anh nhập cảnh sân bay Cần Thơ ngày 22/12.
+ Đà Nẵng: ghi nhận 01 công dân Việt Nam liên quan chuyến bay VN319 từ Mỹ, quá cảnh Nhật Bản, nhập cảnh sân bay Đà Nẵng ngày 06/12.
- Đến nay, Việt Nam ghi nhận 1.433 trường hợp mắc (trong đó có 773 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, 660 trường hợp mắc trong nước), 35 trường hợp tử vong, là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19:
- Bộ Y tế tổ chức cuộc họp tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia với các đơn vị liện quan về Kế hoạch diễn tập công tác y tế phục vụ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
- Tăng cường thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh tới khám bệnh, chữa bệnh, người đi lại giữa các khoa, phòng để phòng, chống lây nhiễm trong bệnh viện; chú trọng đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện, nhất là tại các khoa điều trị bệnh nhân nặng; đảm bảo công tác quản lý chất thải, vệ sinh môi trường.
- Tăng cường triển khai tiêu chí bệnh viện an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm, bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh an toàn; cập nhật thường xuyên việc thực hiện bệnh viện an toàn thông qua ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về nhập cảnh, giám sát, cách ly y tế, phòng chống COVID-19, đặc biệt là các điều kiện trước khi nhập cảnh (Giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, giấy khai bao y tế...), việc đưa đón từ cửa khẩu, các khu vực cách ly y tế đối với người nhập cảnh (bao gồm khu cách ly trong, ngoài quân đội có thu phí) tuyệt đối không để lây lan trong khu vực cách ly, lây lan ra cộng đồng. Đảm bảo việc xét nghiệm đúng số lượng, thời gian, đối tượng.
- Tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn cộng đồng thực hiện đầy đủ các khuyến cáo phòng, chống dịch trong tình hình mới, thực hiện tốt thông điệp 5K gồm khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế.
Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam