BẢN TIN CẬP NHẬT DỊCH BỆNH COVID-19 (Ngày 26/12/2020)
Tính đến 16h30 ngày 26/12/2020, thế giới hiện ghi nhận 80.258.047 ca mắc và 1.758.641 trường hợp tử vong do COVID-19 tại 220 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổng số bệnh nhân COVID-19 hồi phục là 56.519.462 và còn 21.979.944 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 105.758 trường hợp bệnh nặng hoặc nguy kịch. Mỹ là quốc gia có số mắc cao nhất thế giới với 19.210.166 trường hợp mắc và 338.263 trường hợp tử vong. Ấn Độ là quốc gia đứng thứ hai thế giới về số trường hợp mắc với 10.169.818 ca nhiễm (147.379 trường hợp tử vong). Tiếp theo là Brazil với 190.515 trường hợp tử vong trong số 7.448.560 ca nhiễm.
Tại châu Âu, đã có thêm Pháp, Đức ghi nhận các ca bệnh đầu tiên nhiễm biến thể virus corona ở Anh và ít nhất hơn 65 quốc gia đã áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại với Anh. Hiện nay chỉ có một số nước nới lỏng quy định sau 2 ngày đóng cửa: Pháp là quốc gia đầu tiên mở lại biên giới cho hàng hóa và xe cộ tới từ Anh, Hà Lan sau đó cũng thông báo gỡ bỏ lệnh cấm đi lại với Anh và cho phép mọi công dân, bao gồm cả công dân Anh, nhập cảnh với điều kiện có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước đó không quá 72 giờ (các xét nghiệm phải thuộc loại có khả năng phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2). Bên cạnh đó, nhiều quốc gia Châu Âu cũng đã siết chặt các biện pháp hạn chế: Hà Lan đã xếp Đức vào danh sách quốc gia và khu vực nguy cơ cao mắc Covid-19, theo đó tất cả các trường hợp từ Đức tới Hà Lan phải thực hiện cách ly bắt buộc 10 ngày; Chính phủ Séc ngày 23/12 tuyên bố sẽ kích hoạt các biện pháp phòng chống dịch ở cấp độ 5, cấp độ cao nhất trong hệ thống chống dịch PES của nước này bắt đầu từ ngày 27/12 do sự lây lan đột biến số ca COVID-19 mới.
Khu vực Châu Á: Nhật Bản, Singapore, Israel những ngày qua cũng đã ghi nhận có ca nhiễm biến thể virus corona mới ở Anh. Ngoài ra, Trung Quốc bùng phát ổ dịch mới tại Thành phố cảng Đại Liên, đông bắc Trung Quốc đã buộc cơ quan chức năng phải tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho hàng triệu cư dân sau khi phát hiện 7 ca nhiễm mới tại đây trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 12 trường hợp, nhà chức trách địa phương đã cho đóng cửa các trường học và địa điểm công cộng. Về tình hình chung tại Châu Á, đứng sau Ấn Độ về số trường hợp mắc là Thổ Nhĩ Kỳ với 2.118.255 trường hợp mắc (19.371 trường hợp tử vong) đã ra thông báo tất cả người nước ngoài muốn nhập cảnh vào nước này phải xuất trình chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi hành khách lên máy bay, quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 28/12 tới 1/3/2021. Đứng thứ ba khu vực là Iran với 54.440 ca tử vong trong số 1.189.203 trường hợp mắc.
Tại Đông Nam Á: Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 700.097 trường hợp mắc (19.371 trường hợp tử vong) đã thông báo quyết định cấm tổ chức các hoạt động đông người nơi công cộng vào dịp lễ Giáng sinh 2020 và Năm mới 2021 trên phạm vi toàn quốc từ ngày 18/12/2020 đến ngày 8/1/2021. Tiếp theo là Philippines với tổng số 469.055 ca nhiễm (9.067 trường hợp tử vong). Myanmar là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 2.552 ca tử vong và 120.546 ca mắc.
Tại Việt Nam, ngày 26/12/2020 là ngày thứ 25 liên tiếp không ghi nhận ca cộng đồng mới. Trong ngày, Việt Nam ghi nhận 01 ca nhiễm mới, là ca nhập cảnh trái phép; đây là công dân Việt Nam, 32 tuổi từ Myanmar nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở vào 2 giờ sáng ngày 24/12, được cách ly tập trung, lấy mẫu tại Vĩnh Long và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 ngày 26/12. Hiện nay, bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh Vĩnh Long. Tất cả các trường hợp tiếp xúc F1, F2 đã được lập danh sách, tổ chức cách ly theo quy định và các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra mở rộng.
Đến nay, Việt Nam ghi nhận 1.440 trường hợp mắc (trong đó có 780 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, 660 trường hợp mắc trong nước), 35 trường hợp tử vong, là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19:
- Chỉ đạo tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện cách ly; xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị vi phạm để dịch COVID-19 xâm nhập, lây nhiễm trong cơ sở cách ly và ra cộng đồng.
- Chỉ đạo tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại cộng đồng; thực hiện khoanh vùng, cách ly kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng; đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế trong khu vực cách ly.
- Tăng cường thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh tới khám bệnh, chữa bệnh, người đi lại giữa các khoa, phòng để phòng, chống lây nhiễm trong bệnh viện; chú trọng đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện, nhất là tại các khoa điều trị bệnh nhân nặng; đảm bảo công tác quản lý chất thải, vệ sinh môi trường.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về nhập cảnh, giám sát, cách ly y tế, phòng chống COVID-19, đặc biệt là các điều kiện trước khi nhập cảnh (Giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, giấy khai bao y tế...), việc đưa đón từ cửa khẩu, các khu vực cách ly y tế đối với người nhập cảnh (bao gồm khu cách ly trong, ngoài quân đội có thu phí) tuyệt đối không để lây lan trong khu vực cách ly, lây lan ra cộng đồng. Đảm bảo việc xét nghiệm đúng số lượng, thời gian, đối tượng.
- Tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn cộng đồng thực hiện đầy đủ các khuyến cáo phòng, chống dịch trong tình hình mới, thực hiện tốt thông điệp 5K gồm khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế.
Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam