_
Báo cáo khoa học
Đánh giá quần thể véc tơ và sự có mặt của vi rút chikungunya ở muỗi và người tại một số địa phương có biên giới với Lào và Campuchia 2012-2014
Mở đầu
Bệnh Chikungunya (CHIK) hiện nay đang là vấn đề y tế công cộng quan trọng trên toàn cầu do khả năng lây lan nhanh chóng của dịch bệnh trong những năm gần đây[9],[20],[22],[25]. Đây là bệnh nhiễm vi rút cấp tính do muỗi truyền và có thể chuyển thành dịch lớn. Trong những năm gần đây bệnh dịch xuất hiện tại rất nhiều quốc gia/lãnh thổ trên thế giới đặc biệt là khu vực Châu Á. Tại Ấn Độ, chỉ trong giai đoạn ngắn từ năm 2005-2007 đã ghi nhận hơn 1,3 triệu người bị mắc loại dịch bệnh này. Bệnh còn ghi nhận nhiều tại các vùng dân cư sống trên các hòn đảo tại Ấn Độ Dương như La Réunion, Seychelles, Mauritius, Mayotte, Comoros và Madagascar. Trong những năm gần đây, các nước thuộc khu vực Đông Nam Á và láng giềng quanh Việt Nam như: Malaysia, Singapore, Thái Lan, Lào và Campuchia đều đã ghi nhận các vụ dịch vừa và nhỏ[7],[10],[12],[13],[23],[26].
Trên thế giới, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có 2 loài muỗi quan trọng truyền bệnh là muỗi Ae. aegypti và muỗi Ae. albopictus. Muỗi Ae. Aegypti phân bố trong vùng nhiệt đới và ôn đới của các châu lục, giữa 45o vĩ tuyến Bắc và 35o vĩ tuyến Nam, trong khoảng nhiệt từ 100C trở lên và ở độ cao từ 0 - 1200 mét. Muỗi Ae. albopictus phân bố rộng ở nhiều châu lục, giữa 35o vĩ tuyến Bắc và 35o vĩ tuyến Nam, cũng trong khoảng nhiệt từ 100C trở lên. Hiện nay việc phòng chống Chikungunya trên thế giới là vô cùng khó khăn vì chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng chống chủ yếu và có hiệu quả là dựa vào kiểm soát véc tơ truyền bệnh. Do muỗi Ae. aegypti và Ae. albopictus có các đặc điểm sinh học, dân cư và tập tính rất khác nhau, muỗi Ae. aegypti ưa sống trong nhà, trong khi đó Ae. albopictus lại ưa sống ngoài nhà ở các bụi cây nên các biện pháp và chiến lược phòng chống hai loài muỗi này cũng phải có những đặc thù riêng thì mới đạt được hiệu quả.
Cho đến thời điểm này, tại Việt Nam chưa có ghi nhận nào về ca bệnh Chikungunya trên người. Bên cạnh đó các nghiên cứu về vai trò của các loại muỗi trong việc duy trì và lan truyền bệnh dịch này cũng chưa được thực hiện. Tuy nhiên với mức độ du lịch, giao thông đi lại, thương mại giữa các quốc gia hiện nay là rất lớn thì khả năng xâm nhập vi rút Chikungunya vào Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là tại các khu vực vùng biên giới giáp với Lào, Campuchia và Trung Quốc. Vì vậy, việc xác định quần thể véc tơ truyền bệnh, sự có mặt của vi rút cũng như đã thực sự có bệnh nhân hay chưa là những vấn đề cần phải được tìm hiểu. Nghiên cứu về sự có mặt của vi rút Chikungunya trên người cũng như véc tơ truyền bệnh là hết sức quan trọng và cần thiết để giúp các nhà quản lý và các nhà chuyên môn trong việc chỉ đạo, lập kế hoạch phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này trên người trong thời gian tới ở nước ta. Chính vì những lý do trên, chúng tôi đề xuất đề tài nghiên cứu khoa học: "Đánh giá quần thể véc tơ và sự có mặt của vi rút Chikungunya ở muỗi và người tại một số địa phương có biên giới với Lào và Campuchia, 2012-2014"
Nghiên cứu có các mục tiêu sau:
1. Mô tả sự phân bố quần thể của hai loài Aedes aegypti và Aedes albopictus tại các điểm nghiên cứu.
2. Xác định sự có mặt của vi rút Chikungunya trên quần thể muỗi Aedes aegypti và Aedes albopictus thu được từ các điểm nghiên cứu.
3. Xác định sự có mặt của vi rút Chikungunya trên bệnh nhân nghi mắc tại các điểm nghiên cứu.
Dưới đây là chi tiết nội dung của báo cáo khoa học này:
Ban biên tập Trang thông tin điện tử - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
Admin