​Bệnh Ho gà

27/05/2016 In bài viết

Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch. Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn ho gà (Bordetella pertussis). Bệnh lây theo đường hô hấp, biểu hiện lâm sàng bằng những cơn ho dữ dội đặc biệt và có nhiều biến chứng. Nhờ triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh trong 30 năm qua, bệnh ho gà tại Việt Nam đã được khống chế, tỉ lệ mắc bệnh năm 2014 đã giảm 249,4 lần so với trước khi triển khai.
Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch. Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn ho gà (Bordetella pertussis). Bệnh lây theo đường hô hấp, biểu hiện lâm sàng bằng những cơn ho dữ dội đặc biệt và có nhiều biến chứng. Nhờ triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh trong 30 năm qua, bệnh ho gà tại Việt Nam đã được khống chế, tỉ lệ mắc bệnh năm 2014 đã giảm 249,4 lần so với trước khi triển khai. Tuy nhiên Ho gà vẫn là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có tỷ lệ biến chứng cao, đặc biệt ở trẻ nhỏ.
 Đường lây: Bệnh chủ yếu lây theo đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp  qua giọt nước bọt khi người nhiễm vi khuẩn ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch tiết đường hô hấp. 
 
 Nguồn lây: Ho gà là bệnh có khả năng lây nhiễm cao trong giai đoạn đầu nhiễm bệnh, khi đó 80% những người tiếp xúc cùng hộ gia đình có thể bị lây bệnh. Người là ổ chứa duy nhất. Trường hợp người mang trùng là không phổ biến và tập trung ở nhóm vị thành niên, người lớn. Đây là nguồn lây nhiễm chủ yếu cho trẻ nhỏ. Bệnh lây nhiễm mạnh nhất trong thời gian 2 tuần đầu kể từ khi khởi phát bệnh. Tuy nhiên, sau 5 ngày điều trị kháng sinh phù hợp, bệnh nhân có thể không gây lây nhiễm.
 
Nhóm nào có nguy cơ mắc bệnh?
Các đối tượng ở mọi lứa tuổi, giới, dân tộc, vùng địa lý đều có thể bị ho gà. Tuy nhiên, có hơn 90% số ca mắc là trẻ em dưới 1 tuổi chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ 3 mũi cơ bản. Kết quả giám sát năm 2015 cho thấy có 88,4% số ca mắc bệnh không được tiêm vắc xin, 6,6% số ca chỉ được tiêm 1 mũi vắc xin. 
 Trẻ càng nhỏ tuổi bệnh diễn biến càng nặng và có nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm. Trẻ khi sinh ra từ các bà mẹ không có kháng thể phòng bệnh có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với trẻ nhận được kháng thể từ mẹ.
 
Chiều hướng của bệnh trong các năm gần đây?
Bệnh thường xảy ra quanh năm. Bệnh được ghi nhận ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Cùng với sự ra đời của các phương pháp chẩn đoán chính xác hơn, số lượng ca bệnh báo cáo tại nhiều quốc gia có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây.
Miễn dịch sau mắc bệnh không bền vững suốt đời. Miễn dịch sau tiêm vắc xin thường suy giảm theo thời gian. Số ca mắc tăng vào các tháng mùa hè thu.
 
 Các dấu hiệu của bệnh ho gà?
Bệnh ho gà tiến triển qua các giai đoạn sau:
Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 6-20 ngày (trung bình 9-10 ngày).
Giai đoạn tiền triệu (viêm long): kéo dài 1-2 tuần, gồm các triệu chứng sốt nhẹ, chảy nước mũi, hắt hơi, ho húng hắng. Cuối giai đoạn này ho nặng lên thành cơn. 
Giai đoạn khởi phát: kéo dài 1-6 tuần, trường hợp đặc biệt có thể trên 10 tuần. Cơn ho điển hình xuất hiện đột ngột, bất kỳ thời điểm nào nhưng thường nặng lên về đêm. 
Ho: Ho rũ rượi, thành cơn, mỗi cơn từ 15-20 tiếng ho liên tiếp, càng về sau càng yếu và giảm dần. Ho nhiều làm trẻ thở yếu dần có lúc như ngừng thở do thiếu ô-xy, mặt tím tái, mắt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt nước mũi.
 Thở rít vào: Xuất hiện cuối cơn ho hoặc xen kẽ sau mỗi tiếng ho, trẻ thở rít vào nghe như tiếng gà rít.
 Khạc đờm: Khi trẻ khạc đờm trắng, màu trong, dính như lòng trắng trứng là lúc kết thúc một cơn ho. Trong đờm có trực khuẩn ho gà.
 Trong 2 tuần đầu, tần suất cơn ho khoảng 15 cơn/ngày, sau đó giảm dần. Bệnh có thể kéo dài hơn 3 tuần nếu không được điều trị. Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi có thể không có tiếng rít trong cơn ho. 
 Sau mỗi cơn ho trẻ bơ phờ mệt mỏi, có thể nôn, vã mồ hôi, mạch nhanh, thở nhanh. Có thể kèm theo một số triệu chứng sau: Sốt nhẹ, mặt và mi mắt nặng, loét hãm lưỡi, nghe phổi trong cơn ho có thể thấy một số ran phế quản (ran rít, ngáy).
Giai đoạn hồi phục: kéo dài 2-3 tuần, cơn ho ít dần, bệnh nhân giảm sốt. Tuy nhiên, nhiều tháng sau đó, ho có thể tái diễn gây ra viêm phổi. 
Ở trẻ vị thành niên và người lớn, triệu chứng thường nhẹ, ít gặp cơn ho điển hình hoặc không có triệu chứng. Thường có ho kéo dài trên 7 ngày. Có tỷ lệ nhỏ trẻ đã từng tiêm vắc xin nhưng vẫn mắc bệnh, tuy nhiên ở những bệnh nhân này bệnh thường nhẹ, nhanh khỏi.
 
 Bệnh có những biến chứng gì?
Biến chứng thường gặp ở trẻ nhỏ. Viêm phế quản, viêm phế quản-phổi do bội nhiễm, ho kéo dài, ngừng thở là biến chứng hay gặp nhất và dễ gây tử vong, đặc biệt ở trẻ dưới 1 tuổi. Bệnh nhân cũng có thể gặp lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng. Trường hợp nặng có thể gặp vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc tràn khí màng phổi. Viêm não (0,1%) là một biến chứng nặng của bệnh ho gà, tỷ lệ di chứng và tử vong cao.
 
 Lịch tiêm chủng phòng bệnh ho gà?
Để đạt được hiệu quả phòng bệnh cao, trẻ em cần tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà theo lịch sau: 
 
 - Tiêm mũi 1 vắc xin phối hợp bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B-Hib (DPT-VGB-Hib): khi trẻ 2 tháng tuổi 
 - Tiêm mũi 2 vắc xin DPT-VGB-Hib: khi trẻ 3 tháng tuổi 
 - Tiêm mũi 3 vắc xin DPT-VGB-Hib: khi trẻ 4 tháng tuổi 
 - Tiêm nhắc vắc xin DPT mũi 4 khi trẻ 18 tháng tuổi. 
 
Các vắc xin này được cung cấp miễn phí cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng tại tất cả các trạm y tế xã phường trên toàn quốc. 
Ngoài ra, để chủ động phòng bệnh cho trẻ nhỏ trước khi bước vào độ tuổi tiêm chủng, các bà mẹ có thể tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh uốn ván-bạch hầu-ho gà (Tdap) trong thời gian mang thai. 
 
Tiêm chủng đủ mũi, đúng lịch là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh ho gà.
Ban biên tập vncdc.gov.vn


 

Admin

Tin tức liên quan

Tiêm chủng phòng bệnh viêm não nhật bản

Bệnh nhân mắc viêm não Nhật bản có thể xuất hiện những biến chứng sớm như: viêm phế quản, viêm phổi. Hoặc quá trình điều trị có thể bị viêm bể thận, bàng quang do thông tiểu hoặc đặt sonde dẫn lưu; loét và viêm tắc tĩnh mạch do nằm lâu và rối loạn dinh dưỡng. Những di chứng sớm có thể gặp là: bại hoặc liệt nửa người, mất ngôn ngữ, múa giật, múa vờn, rối loạn phối hợp vận động, giảm trí nhớ nghiêm trọng, rối loạn tâm thần. Những di chứng muộn có thể gặp là động kinh, nghe kém hoặc điếc, rối loạn tâm thần…

Xem chi tiết Next

Những điều cần biết về bệnh do vi rút Zika

Bệnh do vi rút Zika là bệnh mới nổi, lây truyền qua muỗi lần đầu được phát hiện ở Uganda năm 1947 ở Khỉ Rhesus thông qua mạng lưới giám sát bệnh sốt vàng Sylvatic. Sau đó bệnh được xác định trên người năm 1952 tại Uganda và nước Cộng Hòa Tanzania. Ổ dịch bệnh do vi rút Zika được ghi nhận ở Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Á và Thái Bình Dương.

Xem chi tiết Next

Sử dụng vắc xin kịp thời là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh Dại

Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, gặp ở mọi lứa tuổi và hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không tiêm vắc xin. Hiện nay chưa có thuốc đặc trị để điều trị bệnh, tuy nhiên có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc xin phòng bệnh dại kịp thời cho người bị chó nghi dại cắn là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại ở người.

Xem chi tiết Next

Những điều cần biết về bệnh cúm A (H1N1)

Bệnh Cúm A(H1N1) chủng đại dịch 2009 là một trong các bệnh cúm mùa hiện nay. Bệnh gây ra bởi cơ thể nhiễm vi rút cúm A (H1N1), một loại vi rút cúm được phát hiện vào năm 2009 và đôi khi còn được gọi là cúm lợn vì ban đầu các nhà khoa học cho rằng chủng cúm này có nguồn gốc từ lợn (khác với chủng cúm A(H1N1) trước đó). Cúm A(H1N1) bùng phát mạnh vào năm 2009 và có tốc độ lây lan rất nhanh.

Xem chi tiết Next
Thong ke