_
BỆNH VIÊM RUỘT DO GIÁC-ĐI-A
(Enteritis Giardia)
ICD-10 A07.1: Giardiasis
Bệnh viêm ruột do Giác-đi-a (Giardia) thuộc nhóm C trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
1. Đặc điểm của bệnh.
Giardia lamblia (G.Intestinalis và G.Duodenalis) là một loại sinh vật đơn bào, thuộc lớp trùng roi (Trichomonas) là một trong số 6 lớp của ngành Động vật nguyên sinh (Protozoa), chúng kí sinh ở phần đầu ruột non.
Đa số người nhiễm Giardia không biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Những ca có biểu hiện lâm sàng thường có triệu chứng giống hội chứng Lỵ nhưng phân không có máu, ở những ca bệnh giardia nặng (hiếm gặp) có thể có tổn thương ở niêm mạc của tá tràng và hỗng tràng.
1.1. Định nghĩa ca bệnh
- Ca bệnh lâm sàng: Một số ca có các triệu chứng: Tiêu chảy phân lỏng, mỡ, nhạt màu, mùi hôi, đau quặn bụng trên, chướng bụng đầy hơi. Mệt mỏi, khó chịu và sút cân. Có thể bị tiêu chảy kéo dài.
- Ca bệnh xác định: Khi soi tươi bệnh phẩm dưới kính hiển vi tìm thấy các nang trùng (nha bào) hoặc thể tự dưỡng (trophozoite). Cần tiến hành ít nhất 3 lần xét nghiệm trước khi kết luận âm tính
1.2. Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự: Lỵ amíp, viêm đại tràng mạn.
1.3. Xét nghiệm
- Loại bệnh phẩm: Phân, dịch hút tá tràng hoặc niêm mạc ruột non khi sinh thiết
- Phương pháp xét nghiệm: Soi tươi thấy nang trùng hoặc thể tư dưỡng của ký sinh trùng trong bệnh phẩm
2. Tác nhân gây bệnh
- Tác nhân gây bệnh là ký sinh trùng Giardia lamblia (G.Intestinalis và G.Duodenalis)
- Hình thái: đó là các động vật đơn bào có dạng hình thoi, hình trứng, hình cầu, hình trụ... Kích thước từ 2-5 m đến 1 mm. Có cơ quan vận động là roi (một hoặc nhiều roi). Có thể quan sát dễ dàng bằng kính hiển vi thường.
- Khả năng tồn tại ở môi trường: chúng có khả năng sinh nha bào (nang trùng) nên chịu đựng khá tốt ở môi trường ngoại cảnh, xử lý nước bằng Clo hoặc ozon ở nồng độ thông thường không diệt được nha bào nhưng chúng dễ dàng bị diệt khi đun sôi.
3. Đặc điểm dịch tễ học.
- Bệnh lưu hành trên toàn cầu.
- Trẻ em thường bị nhiễm bệnh nhiều hơn
- Những vùng điều kiện vệ sinh kém tỷ lệ mắc bệnh cao.
- Những người bị suy giảm miễn dịch (AIDS) có thể bị bệnh nặng và kéo dài.
- Tỷ lệ xét nghiệm thấy có ký sinh trùng trong phân dao động từ 1- 30% tuỳ cộng đồng và nhóm tuổi nghiên cứu
- Ở một số nước Âu, Mỹ ( Anh, Mehico, Mỹ), bệnh gặp nhiều ở trẻ dưới 5 tuổi hoặc lứa tuổi 25 - 39 và thường tăng cao từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm.
- Những vụ dịch lớn thường liên quan đến nguồn nước bị nhiễm bẩn, những vụ dịch nhỏ thường liên quan đến thức ăn, thực phẩm hoặc ở cùng nhà trẻ.
- Thể tự dưỡng (trophozoite) của Giardia được Leeuwenhoek quan sát mô tả lần đầu tiên vào năm 1681 trong khi quan sát phân tiêu chảy của chính mình
- Vào 1915, ký sinh trùng được đặt tên là Giardia do Giáo sư A.Giard ở Parris. Brian J.Ford, nhà vi trùng học Anh đã cải tiến, chế ra một kính hiển vi gần giống loại Leeuwenhoek đã sử dụng cho phép thấy rõ Giardia.
- Năm 1998, có một báo cáo về sự bùng phát dịch do Giardia và Cryptosporidion ở Sydney, Australia, nhưng nguyên nhân được tìm ra có sự tập trung của vi trùng trong hệ thống cung cấp nước.
- Năm 2004, một vụ dịch bùng phát ở Bergen (Norway) do việc nghiên cứu đưa tia cực tím vào xử lí nước một cách vội vàng.
- Tháng 10/2007, Giardia được tìm thấy trong hệ thống cung cấp nước cho nhiều khu vực ở Oslo, chính quyền khuyến cáo người dân nên uống nước đun sôi.
- Năm 2008, Giardia được xác định là một trong những nguyên nhân gây bệnh kiết lỵ cho những đội thập tự quân ở Palestine vào thế kỷ 12 và 13.
4. Nguồn truyền nhiễm
- Ổ chứa:
+ Người
+ Một số loài động vật gần người như mèo, chó, bò hoặc ở một số động vật hoang dã như hải ly, hươu, cừu và chim .
- Thời gian ủ bệnh: trung bình 7 - 10 ngày (từ 3 - 25 ngày hoặc dài hơn)
- Thời kỳ lây truyền: Toàn bộ thời gian mắc bệnh (thường kéo dài nhiều tháng)
5. Phương thức lây truyền: Lây truyền qua đường phân - miệng.
- Nang trùng Giardia lamblia từ ruột đào thải theo phân nhiễm vào nước, thức ăn,vật dụng rồi lây nhiễm cho người khác hoặc chính thân chủ. Đặc biệt là ở trẻ nhỏ rất dễ lây truyền theo đường tay - miệng.
- Khi nang trùng vào cơ thể sẽ biến đổi thành thể tự dưỡng (trophozoite), thích ký sinh ở phần đầu ruột non và chính thể này mới có khả năng sinh sản và gây bệnh.
- Ký sinh trùng xâm thực niêm mạc ruột, phá huỷ các nhung mao dẫn đến giảm khả năng hấp thu của ruột làm cho cơ thể suy nhược, gầy mòn, sút cân.
6. Tính cảm nhiễm và miễn dịch: Mọi người đều có khả năng bị nhiễm bệnh, trẻ em bị nhiễm nhiều hơn. Bệnh thường tự giới hạn.
7. Các biện pháp phòng, chống
7.1. Biện pháp phòng bệnh.
- Tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ: Thực hiện các biện pháp phòng chống chung như phòng chống các bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa
- Vệ sinh phòng bệnh:
+ Thực hiện rửa tay trước khi ăn, trước khi cho trẻ ăn, trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi cầu hoặc sau khi dọn vệ sinh cho trẻ.
+ Thực hiện ăn chín, uống sôi
+ Cung cấp nước sạch, tránh làm nhiễm bẩn nguồn nước, tiến hành lọc các nguồn nước nhiễm phân người hoặc súc vật.
+ Sử dụng hố xí, xử lí phân trẻ hợp vệ sinh.
- Quản lí người lành mang trùng: Định kỳ kiểm tra, xét nghiệm phân của người nhà, người tiếp xúc, người chế biến thực phẩm, thức ăn ở các nhà trẻ, nhà hàng nếu phát hiện có nang trùng hoặc ký sinh trùng thì tổ chức cách ly, điều trị ngay. Nếu cần cho chuyển nghề.
- Xử lý môi trường: Chú ý xử lý sát khuẩn, tẩy uế nguồn phân
7.2. Điều trị:
- Bệnh nhẹ:
Diloxanide (500 mg/viên): uống 1 viên/lần x 3 lần/ngày, trong 10 ngày.
Paromomycin (500 mg/viên): uống 1 viên/lần x 3 lần/ngày, trong 10 ngày.
- Bệnh nặng:
Metronidazole (Flagyl, Klion): 750 mg/lần x 3 lần/ngày. Uống 5-10 ngày, Trẻ em dùng 40-50mg/kg chia 4 lần/ngày
Sau đó cần uống một đợt 20 ngày Diiodohydroxyquin để loại trừ tình trạng mang mầm bệnh trong ruột
Tinidazole (Tindamax): 500mg/lần x 4 lần/ngày (uống sau bữa ăn) x 3 ngày
Dehydroemetine (hiệu quả như metronidazole, nhưng độc cho tim): 1 - 1,5 mg/kg /ngày, Tiêm bắp trong 5 - 10 ngày.
Chloroquine: ít hiệu quả hơn): uống 200 mg/lần x 3 lần/ngày x 2 ngày, sau đó 200 mg/ngày uống trong 2-3 tuần
(liều trẻ em: 10 mg/kg/ngày tối đa 300 mg/ngày)
Thận trọng: Không có thuốc nào được xem là an toàn cho thai phụ, tuy nhiên vẫn phải điều trị nếu bệnh nặng.
7.3. Kiểm dịch y tế biên giới : Không
Admin