Tin tức

Tin tức

​Bộ Y tế chủ động tích cực phòng chống dịch bệnh mùa Đông-Xuân

29/01/2015 In bài viết

_

Trong thời gian gần đây, tình hình các bệnh truyền nhiễm trên thế giới diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia và khu vực. Năm 2014 cũng là năm ghi nhận nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Ebola, MERS-CoV, cúm A(H7N9), sởi, sốt xuất huyết…. Dịch bệnh sởi đã xảy ra ở 177/194 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó tập trung tại khu vực Tây Thái Bình Dương, châu Phi. Mỹ là nước đã công bố thanh toán bệnh sởi vào năm 2000, nhưng theo Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), mỗi năm tại Mỹ có khoảng 60 người mắc sởi, năm 2014 đã ghi nhận bùng phát trở lại của bệnh sởi với 644 trường hợp mắc tại 27 Bang của nước Mỹ. Đến ngày 23/01/2015, tại Mỹ vẫn tiếp tục ghi nhận sởi tại khu du lịch Disneyland thuộc Bang California với 68 trường hợp mắc. Theo giới chức y tế, dịch bệnh sởi đã lây truyền trong số những người trước đó chưa được tiêm phòng vắc xin sởi, trong số những người mắc sởi lần này có tới 82% số trường hợp chưa được tiêm phòng vắc xin sởi hoặc chưa đến tuổi tiêm phòng. Bên cạnh đó, bệnh cúm nhóm A cũng đã ghi nhận tại nhiều quốc gia. Dịch bệnh cúm A(H7N9) tại Trung Quốc được ghi nhận đầu tiên vào ngày 31/3/2013, tới nay đã lan ra một số quốc gia khác như Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia và Canada với tổng số 487 trường hợp mắc, trong đó có 185 trường hợp tử vong.

Bệnh cúm A(H5N1), từ năm 2003 đến nay vẫn liên tục ghi nhận các trường họp mắc tại nhiều quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, châu Phi. Năm 2014, tại một số quốc gia láng giềng với Việt Nam như Trung Quốc và Căm Pu Chia tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm cúm A(H5N1). Căm Pu Chia là một trong những nước có nhiều ca nhiễm và tử vong do cúm A(H5N1) gần đây và dịch  bệnh xảy ra ở khu vực tiếp giáp với các tỉnh biên giới Tây Nam nước ta. 
 Ngoài ra tại một số quốc gia cũng đã ghi nhận nhiều ổ dịch cúm trên gia cầm như cúm A(H5N8), A(H5N6), A(H5N2), do đó nguy cơ lây nhiễm vi rút cúm sang người là rất lớn nếu không có các biện pháp phòng chống tích cực, hiệu quả.
Ở nước ta, hiện đang là mùa đông - xuân, nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi, đặc biệt sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn… làm cho cơ thể con người phải tiêu tốn nhiều năng lượng, sức đề kháng giảm, những người sức khỏe yếu, trẻ em hoặc không thích nghi kịp sẽ dễ bị nhiễm bệnh, ốm. Mặt khác, điều kiện môi trường trong khoảng thời gian này cũng rất thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, vi rút) phát triển và lây lan, càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh của con người, nhất là với các bệnh như cúm, bệnh đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi), sởi, rubella, tiêu chảy… Với những người mắc các bệnh mãn tính thì đây cũng là thời gian để bệnh dễ tiến triển thành các đợt cấp, nặng hơn nhất là với người già và trẻ em. Từ đầu năm 2015, cả nước đã ghi nhận một số trường mắc bệnh sởi rải rác, lẻ tẻ tại một số tỉnh, thành phố, nhưng không thành ổ dịch tập trung. Ổ dịch bệnh rubella xuất hiện tại khu công nghiệp Mỹ Phước, tỉnh Bình Dương. Phần lớn các trường hợp này đều chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh.

Với quan điểm công tác phòng chống dịch bệnh cần phải thực hiện một cách chủ động, tích cực, đồng bộ và hiệu quả, để chủ động phòng chống dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập và bùng phát trong mùa đông- xuân, thời gian qua Bộ Y tế đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp:

- Ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa đông-xuân trên toàn quốc: Công văn số 7540/BYT-DP ngày 24/10/2014; Công văn số 9447/BYT-DP ngày 24/12/2014); tăng cường giám sát phòng chống dịch bệnh lan truyền qua biên giới trong mùa đông - xuân và dịp tết nguyên đán (Công văn số 43/DP-KD ngày 16/01/2015); tăng cường phòng chống cúm từ gia cầm lây sang người (Công văn số 598/BYT-DP ngày 26/01/2015); đặc biệt Bộ Y tế gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Công điện tăng cường công tác phòng chống bệnh sởi (Công điện số 53/CĐ-BYT ngày 22/01/2015).
- Tăng cường phối hợp liên ngành, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia cầm có nguy cơ lây nhiễm sang người; ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, thực hiện tốt các hoạt động bắt giữ, tiêu hủy gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, thực phẩm không đảm bảo an toàn.
- Tăng cường các hoạt động giám sát tại cộng đồng và cửa khẩu, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch xâm nhập, lây lan ra diện rộng, tổ chức tốt việc phân tuyến thu dung, cấp cứu điều trị bệnh nhân tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế, hạn chế thấp nhất tử vong. Đồng thời Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương có kế hoạch sẵn sàng và chuẩn bị đầy đủ hóa chất, vật tư, trang thiết bị và nhân lực để sẵn sàng hỗ trợ, triển khai các hoạt động chống dịch kịp thời.
- Phối hợp các đơn vị liên quan đảm bảo an toàn thực phẩm và ngăn ngừa các bệnh truyền qua thực phẩm, tổ chức tốt việc thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm trên địa bàn.
- Đẩy mạnh công tác truyền thông- giáo dục sức khỏe, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng chống bệnh mùa đông - xuân như bệnh sởi, rubella, cúm.., lợi ích của việc tiêm phòng vắc xin phòng bệnh để người dân hiểu, tự bảo vệ cho bản thân và cộng đồng; tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa đông-xuân, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh như sau:

1. Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà…).
2. Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
3. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Hạn chế đến những chỗ đông người.
4. Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.
5. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày.
6. Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa.
7. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử trí kịp thời.

Hiện nay, Bộ Y tế đang triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella cho khoảng hơn 23 triệu trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi tại 63/63 tỉnh, thành phố từ tháng 9/2014. Tính đến ngày 25/01/2015, cả nước đã tiêm vắc xin sởi - rubella cho khoảng hơn 17 triệu trẻ em, hiện các địa phương đang tiến hành triển khai chiến dịch tiêm vắc xin đợt 3 và tổ chức tiêm vét bổ sung. Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả.

 

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

 

Admin

Tin tức liên quan

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế tổ chức hội nghị cán bộ, công chức

PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phát biểu tại hội nghị cán bộ, công chức

Xem chi tiết Next

KHUYẾN CÁO PHÒNG CHỐNG BỆNH VIÊM NÃO DO VI RÚT

Bệnh Viêm não do vi rút có thể bị lây nhiễm qua côn trùng đốt, lây qua đường tiêu hóa hoặc qua đường hô hấp. Trẻ em dưới 15 tuổi là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh.

Xem chi tiết Next

KHUYẾN CÁO PHÒNG BỆNH TIÊU CHẢY CẤP

Bệnh tiêu chảy là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, với các triệu chứng chính là tiêu chảy, nôn, mất nước, rối loạn điện giải, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong

Xem chi tiết Next
Thong ke