Tin tức

Tin tức

​Bộ Y tế họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh MERS-CoV trực tuyến Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh

26/06/2015 In bài viết

_

Chiều ngày 25/6, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo phòng chống dịch MERS-CoV giữa 2 điểm cầu Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh để đánh giá tình hình dịch bệnh MERS-CoV trên thế giới và khu vực, đồng thời đánh giá công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh MERS-CoV, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó các tình huống dịch bệnh trong phòng chống lây nhiễm bệnh viện, thu dung, cách ly và điều trị tại Việt Nam.
Toàn cảnh buổi họp trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội.
 
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế chủ  trì cuộc họp tại điểm cầu Hà Nội. Thành phần tham dự buổi họp trực tuyến tại Hà Nội có: GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế; Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng; Cục Quản lý khám chữa bệnh; Đại diện y tế các Bộ, Ngành, cơ quan liên quan; Các thành viên của Văn phòng EOC Việt Nam; Thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh; Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới, Đại diện Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ.
Đầu cầu thành phố Hồ Chí Minh có sự tham gia của: Lãnh đạo của Sở Y tế Tp.Hồ Chí Minh và Lãnh đạo các bệnh viện trên địa bàn thành phố.

Thay mặt cho Văn phòng EOC, Tiểu ban giám sát, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng báo cáo tình hình dịch bệnh MERS-CoV trên thế giới tính đến ngày 25/6. Theo đó, hiện nay WHO đã ghi nhận 1.353 trường hợp mắc MERS-CoV, 481 trường hợp tử vong tại 27 quốc gia. Hàn Quốc đang là quốc gia có số ca nhiễm MERS-CoV nhiều nhất tính đến thời điểm hiện nay trong năm 2015. Đặc biệt, Bộ Y tế Hàn Quốc mới ghi nhận một trường hợp đầu tiên nhiễm MERS-CoV ngoài môi trường bệnh viện.
Cục trưởng Trần Đắc Phu cũng cho biết trong thời gian vừa qua, thực hiện giám sát tại cửa khẩu và trong cộng đồng đúng quy trình đã kịp thời phát hiện, xét nghiệm 65 trường hợp nghi nhiễm MERS-CoV theo đúng quy định của Bộ Y tế Việt Nam. Kết quả tất cả các trường hợp trên đều cho kết quả âm tính với MERS-CoV. Một số tin đồn không có căn cứ về trường hợp bị nhiễm MERS-CoV ở Keangnam và Lâm Đồng gây xôn xao trong xã hội đã sớm được bác bỏ, không gây hoang mang trong dư luận. Để nâng cao nhận thức và thực hành của cán bộ y tế, cán bộ truyền thông, những cán bộ tham gia thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh MERS-CoV, Cục y tế dự phòng hiện đang biên soạn Sổ tay hướng dẫn phòng chống dịch bệnh MERS-CoV.
Về công tác tập huấn cho cán bộ y tế, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh khẳng định công tác tập huấn đang được đẩy mạnh và hướng đến mục tiêu cán bộ y tế trên cả nước sẵn sàng ứng phó các tình huống dịch bệnh. Bên cạnh đó, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã họp với các chuyên gia đầu ngành về bệnh truyền nhiễm để xây dựng Sổ tay hướng dẫn phòng chống lây nhiễm MERS-CoV trong cơ sở y tế để sớm cho xuất bản, nhằm hướng dẫn chi tiết các bước sát khuẩn, rửa tay, thay giặt đồ dùng cá nhân, chăm sóc người bệnh, xử lý rác thải y tế, xử lý môi trường y tế, v.v..
Hà Nội sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh, Sở Y tế Hà Nội báo cáo hiện nay đã thiết lập 65 đội cấp cứu cơ động, gồm có: 5 đội thuộc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, 60 đội thành lập từ các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Các hoạt động khác cũng được Sở Y tế nhanh chóng triển khai như thiết lập đường dây nóng chờ cuộc gọi và tư vấn cho cộng đồng, trong đó có đường dây tư vấn bằng tiếng Hàn Quốc; In ấn 16.000 tờ rơi thông tin về dịch bệnh MERS-CoV để cung cấp cộng đồng và tại cửa khẩu.
 
Hình ảnh điểm cầu tại Tp.Hồ Chí Minh.
 
Đầu cầu trực tuyến Tp.Hồ Chí Minh, đại diện Sở Y tế Tp.HCM cho biết hiện nay thành phố đang tiếp tục triển khai công tác giám sát đồng bộ tại 3 khu vực: Giám sát tại các cửa khẩu sân bay quốc tế; Giám sát tại các bệnh viện; Giám sát tại khu vực cộng đồng. Ba Bệnh viện lớn tại Tp.Hồ Chí Minh sẵn sàng cho thu dung, điều trị bệnh nhân nhiễm MERS-CoV là Bệnh viện bệnh nhiệt đới Tp. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng I và Bệnh viện Nhi đồng II. Về công tác truyền thông, Hồ Chí Minh đã xây dựng bản tin tổng hợp cập nhật tình hình dịch bệnh thường xuyên để gửi đến cộng đồng thông qua các Website chính thức của Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng Tp.Hồ Chí Minh; Lập hòm thư điện tử để trao đổi, cung cấp thông tin dịch bệnh riêng cho báo chí. Về công tác tập huấn, Tp.Hồ Chí Minh triển khai tập huấn cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau như: đội ngũ y bác sỹ; nhóm điều dưỡng, hộ lý phục vụ tại các bệnh viện; Vệ sinh công nghiệp; nhóm lãnh đạo, quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp có nhiều người Hàn Quốc làm việc trên địa bàn thành phố; nhóm cộng đồng,…
 
Tại cuộc họp, Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá cao công tác tập huấn khẩn trương và giám sát chặt chẽ nhằm phòng, chống MERS-CoV có thể xâm nhập vào Việt Nam. Đại diện Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh Việt Nam nên chú trọng việc xét nghiệm đúng quy trình để đảm bảo phát hiện sớm, chính xác ca nhiễm MERS-CoV đầu tiên và cách ly kịp thời.
Kết thúc cuộc họp, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo và yêu cầu các đơn vị triển khai công tác tập huấn cần phải ưu tiên chú trọng các nội dung: (1) Giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu và cộng đồng. (2) Tích cực triển khai các hoạt đông truyền thông. (3) Tăng cường năng lực phát hiện sớm ca bệnh; (4) Chuẩn bị sẵn sàng thu dung, cách ly người bệnh; (5) chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện, lây nhiễm cho cán bộ y tế, người nhà bệnh nhân và bệnh nhân khác trong bệnh viện. Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị cần tập huấn bao phủ cho 100% cán bộ y tế tại các Bệnh viện, Khoa có điều trị bệnh truyền nhiễm của các Bệnh viện trên toàn quốc.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới nhằm đẩy mạnh công tác tập huấn kỹ năng phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện cho các cán bộ y tế.
 
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Admin

Thong ke