Tin tức

Tin tức

​Bộ Y tế lên kế hoạch phòng chống vi rút Zika xâm nhập Việt Nam

29/01/2016 In bài viết

_

Chiều ngày 29/1/2016, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì buổi họp khẩn cấp tại Văn phòng EOC – Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, để đưa ra các phương án phòng chống dịch Zika xâm nhập vào Việt Nam.
Tham dự cuộc họp chiều nay có sự tham gia của các thành viên Văn phòng EOC Việt Nam, các Vụ, Cục trực thuộc Bộ Y tế, đại điện Tổ chức WHO tại Việt Nam, đại diện Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ (CDC US) tại Việt Nam cùng các cơ quan thông tấn báo chí trong nước.
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Đặng Quang Tấn, cho biết vi rút Zika đã được phát hiện lần đầu tiên trên động vật tại rừng Rika của Uganda vào năm 1947. Nhưng kể từ khi được phát hiện tại Braxin vào tháng 5/2015, nó đã bùng phát và lây lan nhanh chóng. Tính đến ngày 23/1/2016, vi rút này đã lan truyền đến 21 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực châu Mỹ.
Tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm bệnh, tuy nhiên, chúng ta không loại trừ khả năng nguy cơ vi rút Zika xâm nhập vào nước ta. Thứ nhất là do trong nước đang có sẵn vecto truyền bệnh sốt xuất huyết và vi rút Zika hoàn toàn có thể lây truyền nơi có muỗi Aedes lưu hành. Thứ hai là chúng ta chưa có miễn dịch cộng đồng căn bệnh này, đây là loại vi rút mà thế giới chưa có vắc xin và thuốc đặc trị. Vì thế, chỉ cần một trường hợp bệnh xuất hiện tại Việt Nam, nguy cơ dịch bệnh lan rộng là điều có thể xảy ra. Do đó, Bộ Y tế đang lên các phương án phòng chống dịch bệnh xâm nhập tại Việt Nam và đáp ứng các tình huống khẩn cấp trong y tế công cộng.

Khó khăn lớn nhất trong việc phát hiện ca bệnh nhiễm vi rút Zika hiện nay là 80% triệu chứng bệnh không điển hình, các dấu hiệu gần giống với triệu chứng bệnh sốt xuất huyết, do đó việc chẩn đoán bệnh không hề dễ dàng đối với cả các nhân viên y tế.

Ông Kato, đại diện Tổ chức WHO tại Việt Nam, cho biết có sự liên quan giữa vi rút Zika và hội chứng teo não ở trẻ sơ sinh, dù mối liên hệ này vẫn đang được các nhà khoa học nghiên cứu rõ hơn.

Cũng theo ông Kato, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Tổ chức y tế Thế giới sẽ họp khẩn cấp các quốc gia trong Điều lệ Y tế quốc tế vào thứ 2 tuần sau, tức ngày 1/2/2016, để bàn phương án ngăn chặn dịch bệnh. Việt Nam cần chuẩn bị tốt các phương án ứng phó kịp thời và nâng cao hệ thống chẩn đoán, đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực nhân viên y tế để chuẩn bị cho khả năng xấu nhất khi phát hiện ra ca bệnh nhiễm vi rút tại bệnh viện, tránh lây nhiễm chéo.

Ông Anthony, Giám đốc trung tâm Phòng chống và Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ (CDC US), khẳng định sẽ hỗ trợ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nâng cao khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh qua các công cụ cần thiết và đội ngũ chuyên gia đến từ Hoa Kỳ.

Kết luận tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các đơn vị Vụ, Cục cần cùng phối hợp lên kế hoạch phòng chống dịch toàn diện từ kịch bản phòng chống dịch bệnh mới nổi sẵn có, đồng thời cung cấp đầy đủ các thông tin, khuyến cáo chi tiết cho người dân. Trong đó, quy trình giám sát, phát hiện và hướng dẫn xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị phải được đặc biệt chú trọng. Bộ Y tế sẽ công bố danh sách các quốc gia đang có dịch bệnh trên website chính thức của Bộ Y tế và Cục Y tế dự phòng, cập nhật các thông tin cần thiết đến với người dân. Thứ trưởng cũng khuyến cáo người dân, nhất là phụ nữ đang trong thai kỳ, hạn chế đến các vùng đang lưu hành dịch.

Thứ trưởng Long nhấn mạnh Bộ Y tế sẽ nỗ lực hết mình trong công tác phòng chống dịch do vi rút Zika và phối hợp toàn diện với WHO và CDC Hoa Kỳ trong việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phòng chống dịch, đảm bảo an ninh dịch bệnh cho người dân./.

 
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
 

Admin

Tin tức liên quan

Tiêm vaccine Pentaxim đợt 2: Trật tự, nhanh chóng

Hôm nay (28.1) là ngày đầu tiên TPHCM triển khai đợt tiêm chủng vaccine Pentaxim đợt 2. Ghi nhận tại một số điểm tiêm trên địa bàn TPHCM, tình hình tiêm chủng vaccine khá ổn định, nhiều phụ huynh ủng hộ cách đăng ký tiêm qua tổng đài 1080.

Xem chi tiết Next

Danh sách các nước có dịch do vi rút Zika xâm nhập hoặc lưu hành đến ngày 29 tháng 01 năm 2016

Theo thông báo của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (eCDC) đến ngày 28/01/2016 có 31 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận vi rút Zika, cụ thể:

Xem chi tiết Next
Thong ke