Bộ Y tế nỗ lực đàm phán, trao đổi hơn 200 cuộc để có 130 triệu liều vắc xin phòng COVID-19
06/06/2021 In bài viết
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Để có thể tiếp cận được nguồn vắc xin trong bối cảnh khan hiếm trên quy mô toàn cầu, Bộ Y tế đã hết sức nỗ lực, cố gắng đưa vắc xin về Việt Nam. Hơn 200 cuộc trao đổi, làm việc, đàm phán với các tổ chức, nhà sản xuất vắc xin được Bộ Y tế bền bỉ thực hiện suốt từ giữa năm 2020 đến nay đã giúp Việt Nam có được 130 triệu liều vắc xin COVID-19 trong năm 2021.
Bộ Y tế tiếp tục nỗ lực đàm phán để có 150 triệu liều vắc xin nhằm tạo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021
Phát biểu tại sự kiện ra mắt Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19 tối ngày 5/6 tại Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân... , GS.TS Nguyễn Thanh Long, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Một năm rưỡi trôi qua, đại dịch COVID-19 đã hoành hành trên thế giới, gây ra những tổn thất nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người và đảo lộn đời sống, kinh tế, xã hội của các quốc gia.
Đại dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm; giải pháp vắc xin COVID-19 là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ tính mạng của người dân và đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Hầu hết các quốc gia đã và đang phấn đấu thực hiện mục tiêu bao phủ vắc xin cho ít nhất 2/3 dân số đến hết năm 2021, trong đó có Việt Nam chúng ta.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Việc sử dụng hiệu quả từng đồng vốn của Quỹ vắc xin là lương tâm, trách nhiệm, nghĩa vụ của Bộ Y tế, Bộ Tài chính,
Chính quyền các cấp và các Bộ, ngành liên quan. Ảnh VGP
"Tối ngày hôm nay, Thủ tướng Chính phủ chính thức công bố Quỹ Vắc xin phòng, chống COVID-19, kêu gọi toàn dân ủng hộ, đóng góp để bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho cuộc chiến chống lại COVID-19 ở nước ta. Nhìn lại chặng đường lịch sử hào hùng của dân tộc, dù thời chiến hay thời bình trước những cam go và thách thức, tinh thần đoàn kết dân tộc luôn được phát huy, đưa đất nước dành mọi thắng lợi. Những hình ảnh mà chúng ta vừa chứng kiến là minh chứng hùng hồn, tô đẹp thêm truyền thống đoàn kết, yêu nước, nhân ái của nhân dân ta"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 cũng vậy, rất nhiều cá nhân, tổ chức đã thể hiện tinh thần trách nhiệm với xã hội, với đồng bào. Hình ảnh những người nông dân chia sẻ từng mớ rau, cân gạo cho lực lượng chống dịch, hay bà mẹ liệt sỹ đến trụ sở chính quyền ủng hộ những đồng tiền do mình chắt chiu, dành dụm đã đi sâu vào tâm trí chúng ta; hình ảnh các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp kinh phí, trí tuệ, công sức đã thể hiện trách nhiệm xã hội cao đẹp đối với đất nước.
"Là lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, chúng tôi thật sự cảm động và trân trọng sự sẻ chia, đồng hành của toàn dân và toàn xã hội; đây là động lực tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó"- người đứng đầu ngành y tế bày tỏ.
Tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Để có thể tiếp cận được nguồn vắc xin trong bối cảnh khan hiếm trên quy mô toàn cầu, Bộ Y tế đã hết sức nỗ lực, cố gắng đưa vắc xin về Việt Nam. Hơn 200 cuộc trao đổi, làm việc, đàm phán với các tổ chức, nhà sản xuất vắc xin được Bộ Y tế bền bỉ thực hiện suốt từ giữa năm 2020 đến nay đã giúp Việt Nam có được 130 triệu liều vắc xin trong năm 2021.
"Bộ Y tế hiện vẫn đang tiếp tục trao đổi nhằm đạt mục tiêu 150 triệu liều để tạo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021. Tất cả các vắc xin được Bộ Y tế cấp phép sử dụng và đưa về Việt Nam đều đảm bảo an toàn và hiệu quả"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.
Hơn 12.000 cơ sở y tế và hàng vạn cán bộ y tế thực hiện chiến dịch tiêm chủng lớn nhất với 3 phương châm "tiêm đến đâu an toàn đến đó", “không bỏ phí bất cứ một liều vắc xin nào” và “không lãng phí bất cứ đồng nào từ Quỹ Vắc xin phòng, chống COVID-19 của Việt Nam”
Cũng theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, ngành Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm chủng với quy mô lớn nhất trong lịch sử của ngành, trong đó ưu tiên về an toàn tiêm chủng được lên hàng đầu; đây cũng là điểm khác biệt của Việt Nam so với các quốc gia khác. Đến nay hơn 1,3 triệu liều vắc xin đã được tiêm chủng cho các đối tượng theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chia sẻ: Có lẽ chưa có khi nào ngành y tế đồng thời tiến hành nhiều nhiệm vụ cùng lúc như bây giờ: vừa thần tốc chống dịch với lực lượng ở mọi chiến tuyến, vừa nỗ lực khám, chữa bệnh tại tất cả các cơ sở y tế để bảo vệ sức khỏe của người dân, vừa khẩn trương triển khai tiêm chủng an toàn, đảm bảo độ bao phủ cho người dân.
Trong những ngày tới, khi nguồn cung vắc xin dồi dào hơn, ngành y tế sẽ huy động tổng lực với hơn 12 nghìn cơ sở y tế và hàng vạn cán bộ y tế trong cả nước thực hiện khẩn trương và hiệu quả chiến dịch tiêm chủng với phương châm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”, “không bỏ phí bất cứ một liều vắc xin nào” và “không lãng phí bất cứ đồng nào từ Quỹ Vắc xin phòng, chống COVID-19 của Việt Nam”.
"Quỹ Vắc xin phòng, chống COVID-19 là sự chắt chiu của người dân, là truyền thống nhân ái của dân tộc. Nhân dân đã trao cho chúng ta sự tin tưởng, vì vậy việc sử dụng hiệu quả từng đồng vốn của Quỹ là lương tâm, trách nhiệm, nghĩa vụ của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Chính quyến các cấp và các Bộ, ngành liên quan.
Thay mặt ngành y tế, tôi chân thành cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sự hỗ trợ, ủng hộ kịp thời của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức doanh nghiệp và toàn thể người dân dành cho các lực lượng chống dịch trong thời gian vừa qua"- GS.TS Nguyễn Thanh Long nói.
Nguồn: Báo sức khoẻ đời sống
Admin