Tình hình dịch cúm toàn cầu hiện có một số đặc điểm cần phải được theo dõi chặt chẽ, bao gồm: tăng sự đa dạng của việc cùng lưu hành vi rút cúm ở động vật và trao đổi vật liệu di truyền, tạo ra chủng vi rút mới; tiếp tục ghi nhận các trường hợp nhiễm cúm H7N9 ở người tại Trung Quốc; và ghi nhận sự gia tăng cao gần đây các trường hợp nhiễm cúm H5N1 ở người tại Ai Cập; những thay đổi về vi rút cúm mùa H3N2 đã ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ của các vắc xin hiện tại cũng là điều cần đặc biệt quan tâm.
Trong một vài năm trở lại đây nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã bùng phát tại nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt trong năm 2014 đã ghi nhận sự xuất hiện và tái bùng phát của nhiều chủng cúm mới như H5N1, H7N9, H5H6, H9N2, H5N2, H5N3, và H5N8…, các chủng cúm vi rút cúm có đặc tính biến đổi thường xuyên. Tháng 02/2015, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có đánh giá và nhận định về các dấu hiệu cảnh báo sự thay đổi của vi rút cúm. Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế tóm lược và giới thiệu đánh giá này:
Tình hình dịch cúm toàn cầu hiện có một số đặc điểm cần phải được theo dõi chặt chẽ, bao gồm: tăng sự đa dạng của việc cùng lưu hành vi rút cúm ở động vật và trao đổi vật liệu di truyền, tạo ra chủng vi rút mới; tiếp tục ghi nhận các trường hợp nhiễm cúm H7N9 ở người tại Trung Quốc; và ghi nhận sự gia tăng cao gần đây các trường hợp nhiễm cúm H5N1 ở người tại Ai Cập; những thay đổi về vi rút cúm mùa H3N2 đã ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ của các vắc xin hiện tại cũng là điều cần đặc biệt quan tâm.
1. Vi rút ở chim hoang dã và chim nuôi
Kể từ khi có các phương pháp hiện đại để phát hiện vi rút, người ta đã xác định được sự đa dạng và phân bố theo khu vực địa lý của các chủng vi rút cúm đang lưu hành hiện nay ở các loài chim hoang dã và chim nuôi. Sự đa dạng này chưa từng được ghi nhận trước đó. Đây là một trong những đặc điểm mà thế giới cần phải quan tâm.
Phân typ vi rút H5 và H7 cần được quan tâm nhiều nhất, do chúng có thể nhanh chóng biến đổi từ chủng gây bệnh nhẹ ở chim thành chủng gây bênh nặng và tử vong trên đàn gia cầm, gây ra dịch bệnh làm thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi gia cầm và đời sống của nông dân.
Kể từ đầu năm 2014, Tổ chức Thú y thế giới (OIE) đã thông báo về 41 vụ dịch do phân typ vi rút H5 và H7 ở chim liên quan đến 7 loại vi rút khác nhau tại 20 quốc gia ở châu Phi, châu Mỹ, châu Á, Úc, châu Âu và Trung Đông. Một vài chủng vi rút mới xuất hiện và lây lan trong các loài chim hoang dã hoặc gia cầm chỉ trong vài năm qua. Một số các dịch bệnh được thông báo cho OIE chỉ có liên quan tới chim hoang dã. Các thông báo này là kết quả của việc tăng cường giám sát và khả năng chẩn đoán, phát hiện vi rút trong phòng xét nghiệm sau những vụ dịch lớn của vi rút gia cầm H5N1 khởi đầu ở châu Á vào cuối năm 2003.
Việc phát hiện vi rút cúm gia cầm độc lực cao ở các loài chim hoang dã cho thấy cần thiết phải tăng cường giám sát taị các trang trại chăn nuôi gia cầm. Chim nước di cư và khả năng miễn dịch là nguyên nhân làm lây lan vi rút cúm gia cầm tới các khu vực mới một cách nhanh chóng. Những chim nước di cư này sau đó tiếp xúc và gây bệnh cho chim hoang dã tại địa phương và gia cầm.
2. H7N9: không có thay đổi trong dịch tễ học trên người
Ba trường hợp nhiễm cúm H7N9 đầu tiên trên thế giới được ghi nhận tại Trung quốc vào ngày 31/3/2013. Các điều tra sau này cho thấy những trường hợp này có khởi phát triệu chứng từ giữa tháng hai. Đây là sự kiện đánh dấu lần đầu tiên vi rút cúm H7N9 được phát hiện gây bệnh trên người, gia cầm.
Phân tích dịch tễ trong năm 2013 cho thấy các trường hợp ghi nhận trên người tăng cao vào tháng 3 và tháng 4 sau đó giảm dần và chỉ có 2 trường hợp được ghi nhận trong những tháng mùa hè. Việc đóng cửa chợ gia cầm sống tại các tỉnh trong tháng 4/2013 có thể đã làm giảm các trường hợp mắc. Đợt bùng phát dịch thứ hai được bắt đầu từ tháng 10/2013. Tuy nhiên trong đợt dịch này, các trường hợp mắc được ghi nhận tăng cao, sớm hơn vào tháng 1 và ghi nhận nhiều ca hơn vào mùa xuân so với đợt dịch năm 2013. Các trường hợp mắc không được ghi nhận trong mùa hè nhưng sau đó tăng chậm vào tháng 11/2014 và tiếp tục tăng năm 2015, tuy nhiên không tăng cao như cùng kỳ năm 2014.
Giống như vi rút cúm H5N1 thì vi rút H7N7 gây bệnh nặng trên người nhưng không gây bệnh hoặc chết trên các loài chim, gia cầm. Do gia cầm không có biểu hiện các triệu chứng khi nhiễm bệnh nên dễ bỏ qua các dấu hiệu để tăng cường giám sát cúm trên người. Do đó, sau khi đã ghi nhận các trường hợp mắc cúm H7N9 trên người mới tiến hành điều tra vi rút trên chim và gia cầm.
Theo thống kê, một số lượng lớn các trường hợp nhiễm vi rút có tiền sử phơi nhiễm với gia cầm sống hoặc môi trường bị ô nhiễm, kể cả chợ gia cầm sống. Ngoài ra, các nghiên cứu sâu hơn cho thấy việc phơi nhiễm với gia cầm sống và chợ gia cầm là yếu tố nguy cơ làm lây nhiễm vi rút cúm H7N9.
Đến nay, nhiều bằng chứng cho thấy vi rút cúm H7N9 không dễ lây lan từ người sang người, mặc dù nó có thể lây truyền từ gia cầm sang người dễ dàng hơn so với vi rút cúm H5N1. Trong một vài chùm ca bệnh nhỏ người ta vẫn chưa loại trừ được khả năng lây truyền hạn chế từ người sang người. Tỷ lệ tử vong là khoảng 36%, tuy nhiên có một số lượng đáng kể các trường hợp nhiễm vi rút mà không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ không bị phát hiện tại cộng đồng.
3. Vi rút H5: mối đe dọa rõ ràng nhất cho sức khỏe con người hiện nay
Vi rút cúm gia cầm H5N1 độc lực cao là nguyên nhân gây ra dịch bệnh trên gia cầm ở châu Á liên tiếp từ năm 2003 và hiện vẫn đang gây dịch tại nhiều quốc gia. Dịch bệnh vẫn là mối lo ngại đối với sức khỏe con người. Từ cuối năm 2003 đến tháng 1/2015, đã ghi nhận 777 trường hợp nhiễm vi rút cúm H5N1 tại 16 quốc gia, trong đó có 428 trường hợp tử vong (chiếm 55,1%).
Trong hai năm qua, đã phát hiện các chủng H5N2, H5N3, H5N6 và H5N8. Tất cả chủng này hiện đang lưu hành ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Ở Trung Quốc, H5N1, H5N2, H5N6 và H5N8 hiện đang lưu hành trên các loài chim cùng với H7N9 và H9N2. Trong đó vi rút cúm H9N2 đóng vai trò quan trọng trong việc kết hợp các gen cho các vi rút H5N1 và H7N9.
Trong 4 tháng qua, đã ghi nhận 02 trường hợp mắc H9N2 xảy ra ở Trung Quốc. Cả 02 trường hợp này đều có triệu chứng nhẹ và đã hồi phục hoàn toàn. Trung Quốc cũng đã ghi nhận trường hợp nhiễm vi rút cúm H5N6 đầu tiên và tử vong vào tháng 4/2014. Trường hợp tiếp theo được ghi nhận vào tháng 12/2014. Trường hợp thứ ba được ghi nhận vào ngày 9/02/2015 và đã tử vong.
Các nhà vi rút học giải thích sự gia tăng gần đây của vi rút gây bệnh mới nổi như một dấu hiệu cho thấy các vi rút cúm cùng lưu hành đang nhanh chóng trao đổi vật liệu di truyền để tạo thành chủng vi rút mới.
Sự xuất hiện của rất nhiều vi rút mới đã tạo ra một nguồn gen đa dạng tạo nên những biến đổi đặc biệt do sự trao đổi gen giữa các chủng vi rút cúm khác nhau. Do vậy, những hậu quả ảnh hưởng tới sức khỏe con người và vật nuôi là không thể đoán trước được và rất đáng lo ngại.
4. Nhiễm cúm H5N1 ở Ai Cập
Sự gia tăng đột biến về số trường hợp nhiễm cúm H5N1 tại Ai Cập bắt đầu vào tháng 11/2014 và tiếp tục trong tháng 1, 2 năm 2015 là điều đáng quan tâm. Tính từ đầu tháng 11/2014 đến 23/2/2015, Ai Cập đã ghi nhận 108 trường hợp mắc cúm H5N1 trong đó có 35 trường hợp tử vong. Số lượng các trường hợp mắc trong giai đoạn này được ghi nhận lớn hơn tổng các trường hợp được ghi nhận trong mỗi năm ở tất cả các quốc gia.
Theo FAO, từ 18/01 đến 07/02/2015 Ai Cập đã ghi nhận 76 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại 20 trong tổng số 27 tỉnh của nước này. Phần lớn các ổ dịch xảy ra tại các hộ chăn nuôi trong gia đình (66 ổ).
Mặc dù vi rút cúm luôn luôn biến đổi theo thời gian, song các xét nghiệm ban đầu chưa phát hiện được những thay đổi cơ bản trong vật liệu di truyền của vi rút được phân lập từ bệnh nhân hoặc động vật so với các chủng lưu hành trước đây. Điều này giải thích được vì sao số lượng trường hợp mắc cúm gia cầm trên người gia tăng đột biến.
Các cơ quan y tế và nông nghiệp ở Ai Cập cho rằng sự lưu hành rộng rãi của vi rút H5N1 trên gia cầm trong thời gian này, cùng với nhiều hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu hiểu biết về nguy cơ lây nhiễm vi rút cúm dẫn tới việc gia tăng cao các trường hợp mắc cúm H5N1.
5. Khả năng bảo vệ của vắc xin phòng cúm mùa bị giảm
Các chuyên của WHO đã nhóm họp và đưa ra quyết định về thành phần của các vắc xin cúm mùa sử dụng cho Bắc bán cầu vào tháng hai hàng năm. Vì vậy, các công ty sản xuất vắc xin có đủ thời gian để sản xuất vắc xin trước khi vào mùa cúm mới, thông thường vào tháng 10 hoặc 11. Kể từ tháng 02/2014, các đặc điểm về kháng nguyên và kháng thể của vi rút H3N2 thay đổi đáng kể, đây là các vi rút cúm mùa lưu hành chủ yếu ở Bắc Mỹ và châu Âu. Sự thay đổi này cho phép hầu hết các vi rút lưu hành trong mùa cúm có thể làm cho vắc xin cúm mùa không có khả năng bảo vệ chống lại vi rút đã thay đổi này.
6. Tình trạng ứng phó toàn cầu trước đại dịch cúm
Thế giới đang chuẩn bị tốt hơn bao giờ hết để ứng phó với đại dịch cúm trên nhiều cấp độ. Với sự tăng cường hệ thống giám sát vi rút, mức độ cảnh báo đại dịch cúm ở người và động vật đã được đặc ở mức cao. Trong năm 2014 có 142 phòng xét nghiệm ở 112 quốc gia trên toàn cầu đã xét nghiệm hơn 1,9 triệu mẫu bệnh phẩm lâm sàng. Bằng cách giám sát chặt chẽ sự biến đổi không ngừng của vi rút, các phòng xét nghiệm này đã hoạt động như là một hệ thống cảnh báo sớm có độ nhạy cao để phát hiện các vi rút cúm có khả năng gây ra đại dịch.
Nhiều phòng thí nghiệm quốc gia đã được bố trí trang thiết bị, nhân viên được đào tạo để có thể phát hiện sớm, phân lập và xác định đặc tính của vi rút. Dựa trên sự hỗ trợ từ các phòng thí nghiệm của WHO, WHO cung cấp miễn phí cho tất cả các phòng xét nghiệm trên thế giới các hoá chất và kit xét nghiệm vi rút cúm mùa và vi rút phân H5 và H7.
Nhiều loại thuốc kháng vi rút, bao gồm cả peramivir và laninamivir cũng như oseltamivir và zanamivir, hiện đã có sẵn để điều trị cúm, giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của nhiễm khuẩn.
Khung kế hoạch sẵn sàng ứng phó với đại dịch cúm của WHO có hiệu lực từ tháng 5/2011 đã đưa ra các cơ chế nhằm đảm bảo rằng các thông tin và lợi ích có được từ việc chia sẻ mẫu vi rút, sản phẩm sinh học được thực hiện một cách công bằng. Khung kế hoạch cũng bao gồm các điều khoản quy định cho các nhà sản xuất vắc xin, sinh phẩm phải chia sẻ một tỷ lệ nhất định vắc xin cúm đại dịch của họ với WHO.
7. Cảnh báo: chuẩn bị sẵn sàng cho những tình huống bất ngờ
Mặc dù thế giới đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó tốt hơn cho một đại dịch tiếp theo, nhưng vẫn có nguy cơ cao xảy ra đại dịch đặc biệt là với dịch bệnh nguy hiểm như cúm. Không thể dự đoán trước được gì về bệnh cúm bao gồm nơi xảy ra và chủng vi rút gây đại dịch.
WHO và các phòng thí nghiệm cộng tác tiếp tục giúp các nước tăng cường năng lực cảnh báo, giám sát và ứng phó. Một chương trình bảo đảm chất lượng đã được WHO triển khai từ năm 2007 để duy trì khả năng phát hiện vi rút cúm trong phòng xét nghiệm trên toàn cầu trong đó WHO cung cấp miễn phí các vật liệu xét nghiệm cho các nước một lần hoặc hai lần mỗi năm.
Nhiều nghiên cứu về vi rút đã được thực hiện nhằm hỗ trợ việc phát hiện và nâng cao hiểu biết về các chủng vi rút mới, đánh giá nguy cơ dịch bệnh và theo dõi sự lây lan quốc tế. Tuy nhiên, các nghiên cứu loại này vẫn cần phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới bao gồm cả các nghiên để phát triển vắc xin có hiệu quả hơn và rút ngắn thời gian sản xuất.
Cơ quan đầu mối IHR - Cục Y tế dự phòng
Lược dịch theo thông tin từ WHO
Admin