_
Ngày 10/3/2015 Cơ quan Đầu mối (NFP) thực hiện Điều lệ y tế quốc tế (IHR) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo: Tại Trung Quốc xác nhận thêm 59 trường hợp nhiễm cúm A(H7N9), trong đó 17 trường hợp tử vong. Thống kê thời gian khởi phát triệu chứng nhiễm bệnh theo tuần như sau:
- Tuần 4 (19/01 – 25/01) 05 trường hợp;
- Tuần 5 (26/01 – 01/02) 13 trường hợp;
- Tuần 6 (02/02 – 08/02) 09 trường hợp;
- Tuần 7 (09/02 – 15/02) 15 trường hợp;
- Tuần 8 (16/02 – 22/02) 14 trường hợp;
- Tuần 9 (24 – 25/02) 03 trường hợp.
Phân tích đánh giá 59 trường hợp cho thấy độ tuổi nhiễm bệnh từ 01 tuổi đến 82 tuổi (tuổi trung bình là 53); 44 trường hợp là nam giới (75%). Phần lớn (49 trường hợp, 83%) sống gần khu vực chợ gia cầm và có tiếp xúc gia cầm sống; 06 trường hợp không rõ tiền sử tiếp xúc hoặc không biết. 01 trường hợp vẫn đang được điều tra. Số người nhiễm bệnh tại các tỉnh: An Huy (4), Phúc Kiến (1), Quảng Đông (35), Quý Châu (1), Hồ Nam (2), Giang Tô (3), Giang Tây (1), Thượng Hải (1) và Chiết Giang (11).
Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra những biện pháp giám sát và kiểm soát sau đây:
1) Tăng cường điều tra dịch tễ học, đánh giá các yếu tố gây bệnh và phân tích tình hình;
2) Giám sát chặt chẽ trường hợp nhiễm bệnh và tăng cường công tác điều trị;
3) Thực hiện nhiều hơn các biện pháp tiêu độc khử trùng khu vực buôn bán gia cầm sống; đóng cửa các chợ gia cầm sống những nơi có trường hợp nhiễm bệnh trên người và triển khai xây dựng các cơ sở giết mổ gia cầm tập trung, chế biến sản phẩm đông lạnh;
4) Truyền thông rộng rãi về phòng chống cúm A(H7N9).
Cập nhật dịch bệnh cúm A(H7N9) đến nay:
Thống kê đến ngày 10/3/2015, Thế giới ghi nhận tổng số 631 trường hợp nhiễm cúm A(H7N9), trong đó ít nhất 221 trường hợp tử vong (221/631 tỷ lệ 35%).
Trong tổng số 631 trường hợp nhiễm cúm A(H7N9): Trung Quốc 628 trường hợp (bao gồm cả Đài Loan 04 trường hợp, Hồng Kông 13 trường hợp), Malaysia 01 trường hợp, Canada 02 trường hợp.
WHO theo dõi chặt chẽ tình hình dịch tễ, tiếp tục tiến hành đánh giá nguy cơ và thông báo thông tin mới nhất về cúm A(H7N9) tới Cơ quan Đầu mối IHR các quốc gia thành viên.
WHO đánh giá và khuyến cáo đối với cúm A(H7N9):
1) Các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) sẽ gia tăng tại khu vực bị ảnh hưởng và các khu vực lân cận. Người từ khu vực bị ảnh hưởng khi đi du lịch có thể khởi phát và phát hiện bệnh ở quốc gia khác trong hoặc sau khi đến.
2) Chưa có bằng chứng vi rút cúm A(H7N9) lây từ người sang người.
3) Khách du lịch tới quốc gia có dịch cúm gia cầm cần:
- Tránh xa các trại nuôi gia cầm hoặc tránh tiếp xúc với gia cầm sống tại các chợ gia cầm;
- Không nên tới khu vực giết mổ gia cầm;
- Không nên tiếp xúc với với các vật dụng bị ô nhiễm bởi phân gia cầm hoặc vật nuôi;
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng;
- Luôn tuân thủ an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hành vệ sinh tốt;
4) Sau khi đi du lịch tới hoặc ngay sau khi trở về từ khu vực đang có dịch bệnh cúm gia cầm, cá nhân nào thấy xuất hiện các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp nghiêm trọng cần xem xét nghĩ tới nhiểm cúm A(H7N9).
5) Chưa cần sàng lọc đặc biệt tại cửa khẩu, không hạn chế thương mại và du lịch tới các quốc gia bị ảnh hưởng.
6) Các quốc gia tiếp tục tăng cường giám sát cúm, bao gồm giám sát các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng (SARI) và xem xét cẩn thận bất kỳ trường hợp nhiễm trùng hô hấp nào khác thường.
7) Duy trì năng lực cốt lõi, báo cáo theo quy định của IHR (2005) và đảm bảo chuẩn bị, sẵn sàng thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh cúm của quốc gia.
Cơ quan Đầu mối IHR, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế.
Admin