​Chẩn đoán và điều trị cơn hen phế quản cấp ở người lớn

11/08/2016 In bài viết

Bệnh hen phế quản là tình trạng viêm mạn tính đường thở, làm tăng tính đáp ứng đường thở (co thắt, phù nề, tăng tiết đờm) gây tắc nghẽn, hạn chế luồng khí đường thở, làm xuất hiện các dấu hiệu khò khè, khó thở, nặng ngực và ho tái diễn nhiều lần, thường xảy ra ban đêm và sáng sớm, có thể hồi phục tự nhiên hoặc do dùng thuốc.
Chẩn đoán và điều trị cơn hen phế quản cấp ở người lớn
 
 
1. BỆNH HEN PHẾ QUẢN:
Là tình trạng viêm mạn tính đường thở, làm tăng tính đáp ứng đường thở (co thắt, phù nề, tăng tiết đờm) gây tắc nghẽn, hạn chế luồng khí đường thở, làm xuất hiện các dấu hiệu khò khè, khó thở, nặng ngực và ho tái diễn nhiều lần, thường xảy ra ban đêm và sáng sớm, có thể hồi phục tự nhiên hoặc do dùng thuốc.
 
2. CHẨN ĐOÁN:
2.1. Chẩn đoán xác định: Dựa vào 4 yếu tố sau:
- Tiền sử bản thân, gia đình có bệnh dị ứng như chàm, mày đay, viêm mũi dị ứng, hoặc đã được chẩn đoán hen.
- Cơn ho khò khè, khó thở, nặng ngực thường xuất hiện về đêm, tái phát nhiều lần nhất là khi có tiếp xúc với dị nguyên hoặc khi thay đổi thời tiết. Khi dùng thuốc giãn phế quản thì cơn cải thiện hoặc hết cơn.
- Nghe phổi trong cơn khó thở có ran rít ran ngáy.
- Đo lưu lượng đỉnh (PEF) ở những nơi có điều kiện trang bị dụng cụ đo (peak flow meter): PEF tăng bằng hoặc trên 20% so với trước khi dùng thuốc hoặc PEF thay đổi sáng - chiều bằng hoặc trên 20%, gợi ý chẩn đoán hen.
Ngoài ra điều trị thử bằng thuốc kích thích bê ta 2 và corticoid dạng hít có kết quả (lâm sàng đỡ khó thở, phổi bớt hoặc hết ran, PEF cải thiện) cũng là một chứng cớ để chẩn đoán hen.
2.2. Chẩn đoán phân biệt:
- Cơn hen tim: Tiền sử có bệnh tim, tiền sử có khó thở khi gắng sức (khác với khó thở do hen phế quản thường liên quan tới thời tiết, các yếu tố dị ứng), nghe phổi có ran ẩm thêm vào ran rít ran ngáy, đo huyết áp thường cao nhiều. Nếu chưa phân biệt được chắc chắn, khi xử trí nên dùng thuốc kích thích bê ta đường xịt hoặc khí dung, tránh dùng đường uống.
- Tràn khí màng phổi: Không có tiền sử khó thở, nghe phổi không có ran rít ran ngáy, có hội chứng tràn khí ở một bên phổi.
- Đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Tiền sử khó thở liên tục chứ không thành cơn, khó thở thường không bắt đầu từ nhỏ và thường nam giới nghiện thuốc lá nặng.
- Viêm tiểu phế quản cấp: Thường kèm theo sốt, ho khạc đờm (hen phế quản ho thường là ho khan).
- Dị vật đường hô hấp: ho sặc sụa, tím tái, khó thở.
3. XỬ TRÍ CƠN HEN CẤP TẠI TUYẾN XÃ:
Có 3 bước cần làm:
- Đánh giá mức độ nặng của cơn hen;
- Xử trí ban đầu; và
- Đánh giá kết quả xử trí và hướng tiếp theo.
3.1. Đánh giá mức độ nặng của cơn hen: theo bảng sau
Dấu hiệu Cơn nhẹ Cơn trung bình Cơn nặng
Khó thở Nhẹ (nằm được) Vừa (tăng khi nằm) Nhiều (không nằm được)
Nói Bình thường Từng câu Từng từ
Tần số thở Chậm Chậm >30 lần/ph
Co kéo lõm ức Ít Ít Nhiều
Ran rít Ít (cuối kỳ thở ra) Nhiều Nhiều
Tần số tim <100 100-120 >120
Xử trí ban đầu Kích thích bê ta 2 dạng hít, có thể lặp lại 3 giờ/lần Kích thích bê ta 2 dạng hít và cân nhắc corticoid Kích thích bê ta 2 dạng hít và thêm corticoid
3.2. Xử trí ban đầu
3.2.1. Cơ số thuốc cần có:
- Thuốc kích thích bê ta 2: Ở tuyến xã nên dùng salbutamol (Ventolin) dạng xịt hoặc dạng khí dung, salbutamol viên uống 4mg.
- Prednisolon viên 5mg, mazipredone (Depersolon) ống tiêm 30mg và methylprednisolone ống tiêm 40mg (Tất cả đều có trong Danh mục thuốc dành cho tuyến xã).
3.2.2. Phác đồ xử trí:
- Salbutamol: Là thuốc đầu tay
+ Salbutamol dạng xịt: xịt họng 2 nhát liên tiếp (xịt khi bệnh nhân hít vào). Sau 20 phút nếu chưa đỡ, xịt thêm 2 - 4 nhát nữa. Trong vòng 1 giờ đầu có thể xịt thêm 2-3 lần nữa (mỗi lần 2-4 nhát).
+ Ở nơi có máy khí dung, có thể làm khí dung Ventolin 5mg thay cho thuốc dạng xịt.
+ Nếu không có thuốc dạng xịt, dùng dạng uống: Salbutamol 4mg uống 1 viên, sau 2 giờ có thể uống viên thứ 2 (liều trung bình 4 viên/ngày chia 4 lần)
- Corticoid: Nếu dùng thuốc giãn phế quản tình trạng khó thở vẫn không đỡ, hoặc với cơn hen nặng, dùng thêm corticoid đường toàn thân:
+ Mazipredone (Depersolon) 30 mg x 1 ống tiêm tĩnh mạch, hoặc
+ Methylprednisolon (Solu-Medrol) 40 mg x 1 -2 ống tiêm tĩnh mạch.
+ Lưu ý: Khi dùng aminophylline (Diaphyllin) tiêm tĩnh mạch để điều trị cơn hen phế quản, cần chú ý:
o Chỉ dùng khi không có thuốc kích thích bê ta 2.
o Tiêm chậm trong ít nhất 5 phút
o Không dùng khi bệnh nhân đã dùng theophylline đường uống trước đó
+ Không cần dùng kháng sinh cho bệnh nhân hen, nếu không có nhiễm trùng phối hợp (biểu hiện bằng sốt, ho có đờm đục...)
3.3. Hướng giải quyết tiếp:
Bảng đánh giá đáp ứng điều trị ban đầu cơn hen ở tuyến xã:
Tốt Trung bình Kém
Hết các triệu chứng sau khi dùng thuốc kích thích bê ta và hiệu quả kéo dài trong 4 giờ Triệu chứng giảm nhưng xuất hiện trở lại <3 giờ sau khi dùng thuốc kích thích bê ta 2 ban đầu Triệu chứng tồn tại dai dẳng hoặc nặng lên mặc dù đã dùng thuốc kích thích bê ta 2
Xử trí tiếp
Dùng thuốc kích thích bê ta 2 cứ 3-4 giờ/lần trong 1-2 ngày
Tư vấn bác sĩ chuyên khoa để được theo dõi.
Xử trí tiếp
Thêm corticoid viên
Tiếp tục dùng thuốc kích thích bê ta 2
Chuyển viện
Xử trí tiếp
Thêm corticoid viên hoặc tiêm, truyền
Khí dung thuốc kích thích bê ta 2 và gọi xe cấp cứu chuyển viện.
Lưu ý: Nếu là cơn hen nặng, nên chuyển viện ngay sau khi dùng thuốc xử trí ban đầu, không chờ đánh giá đáp ứng điều trị.
Lược đồ tóm tắt xử trí cơn hen cấp ở tuyến xã:

----------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Hướng dẫn điều trị tập 1 Bộ Y tế, Nhà xuất bản Y học 2005.
2. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hen người lớn. Bộ Y tế - 2009.
 
Ban biên tập Trang thông tin điện tử - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Admin

Tin tức liên quan

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 2

Đặc điểm các biến chứng của bệnh đái tháo đường týp 2 là gắn liền với quá trình phát sinh và phát triển của bệnh. Nên ngay tại thời điểm phát hiện bệnh trên lâm sàng người thày thuốc đã phải tìm các biến chứng của bệnh. Về phân loại biến chứng, có thể phân ra các biến chứng cấp tính, mạn tính. Trong các biến chứng mạn tính lại chia ra các biến chứng mạch máu lớn, mạch máu nhỏ.

Xem chi tiết Next

Các Rối loạn Tâm thần trong Chăm sóc Sức khoẻ Ban đầu

Với quan điểm sức khoẻ tâm thần là một phần quan trọng của sức khoẻ nói chung, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát triển chương trình đào tạo nhằm hỗ trợ người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu trong việc chẩn đoán và điều trị các loại hình rối loạn tâm thần. Chương trình này bao gồm các phần liên quan đến các rối loạn tâm thần thường gặp: trầm cảm, lo âu, rối loạn sử dụng rượu, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi kéo dài (suy nhược) và các rối loạn dạng cơ thể. Những rối loạn này thường gặp ở tuyến cơ sở, và cán bộ y tế cơ sở là những người đóng vai trò chủ chốt trong quá trình phát hiện và quản lý các rối loạn tâm thần trong cộng đồng một cách hiệu quả.

Xem chi tiết Next

Quản lý bệnh đái tháo đường

Theo chương trình phòng chống các bệnh không lây nhiễm của Bộ Y tế, thì nhân viên y tế tuyến cơ sở (tuyến xã) có 4 vai trò sau đây trong phòng chống bệnh đái tháo đường. Thực hiện phòng bệnh cho cộng đồng thông qua giáo dục thay đổi hành vi nguy cơ.

Xem chi tiết Next

Mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống tăng huyết áp

Sáng ngày 13/5, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã tham dự và chủ trì Chương trình Mít tinh Hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống tăng huyết áp 17/5/2017 tại UBND xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội.

Xem chi tiết Next
Thong ke