Tin tức

Tin tức

​Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015-2025

20/10/2016 In bài viết

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong phòng chống các bệnh dịch truyền nhiễm, đồng thời quan tâm đầu tư cho lĩnh vực phòng chống BKLN. Các dự án phòng chống BKLN đã được đưa vào CTMTQG về y tế. Một số văn bản luật, chính sách liên quan đã được ban hành như Luật phòng chống tác hại thuốc lá, Chính sách quốc gia phòng chống tác hại do lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020.
ĐẶT VẤN ĐỀ

Các BKLN chủ yếu gồm bệnh tim mạch, ung thư, ĐTĐ và COPD đang là mối đe dọa lớn nhất với sức khỏe toàn cầu, gây ra số trường hợp tử vong lớn hơn tổng số tử vong do tất cả các loại bệnh khác cộng lại. Trong tháng 9 năm 2011, Hội nghị cấp cao Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã ra Tuyên bố chính trị khẳng định các bệnh không lây nhiễm chủ yếu gồm bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và COPD là một thách thức lớn của thế kỷ XXI, làm suy giảm sự phát triển kinh tế toàn cầu và đe dọa tiến trình thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Liên hợp quốc đã kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên cần nỗ lực xây dựng và thực thi kế hoạch quốc gia để dự phòng và kiểm soát các BKLN nói trên.

Mặc dù rất nguy hiểm nhưng các bệnh ung thư, tim mạch, ĐTĐ, COPD và các BKLN khác có thể được phòng chống hiệu quả thông qua kiểm soát các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, chế độ dinh dưỡng không hợp lý và ít hoạt động thể lực cùng với việc tăng cường năng lực hệ thống y tế để phát hiện sớm, quản lý điều trị và chăm sóc người bệnh. 

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong phòng chống các bệnh dịch truyền nhiễm, đồng thời quan tâm đầu tư cho lĩnh vực phòng chống BKLN. Các dự án phòng chống BKLN đã được đưa vào CTMTQG về y tế. Một số văn bản luật, chính sách liên quan đã được ban hành như Luật phòng chống tác hại thuốc lá, Chính sách quốc gia phòng chống tác hại do lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép, trong khi tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm đã giảm, các BKLN chủ yếu gồm bệnh tim mạch, ung thư, ĐTĐ và COPD đang gia tăng nhanh, chiếm tới 73% tổng số tử vong, 66% tổng gánh nặng bệnh tật. Các BKLN nói trên như một bệnh dịch là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quá tải tại các bệnh viện; gây thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, xã hội của đất nước do bệnh phải điều trị suốt đời làm tăng chi phí y tế, giảm năng xuất lao động và sản phẩm xã hội, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe cộng đồng. 

Trước tình hình trên, việc xây dựng Chiến lược quốc gia phòng chống các bệnh ung thư, tim mạch, ĐTĐ, COPD, hen phế quản và các BKLN khác là hết sức cần thiết nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động theo hướng toàn diện, lồng ghép, dựa vào cộng đồng và để huy động sự tham gia chủ động của các Bộ, ngành, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030.

Phần 1

BỐI CẢNH BAN HÀNH CHIẾN LƯỢC

I. THÔNG TIN CHUNG VỀ BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM 

Hiện nay, hoạt động phòng chống BKLN của Việt Nam đang tập trung vào các nhóm bệnh chính gồm: THA, bệnh tim mạch (đột quỵ, suy tim, bệnh mạch vành…), ĐTĐ, các bệnh ung thư và COPD. Đây là những BKLN có tỷ lệ mắc cao và là nguyên nhân chủ yếu gây tàn tật và tử vong ở người trưởng thành. Bên cạnh đó, những bệnh này có chung một số yếu tố nguy cơ có thể phòng, tránh được, vì vậy kiểm soát những yếu tố nguy cơ chung có thể phòng ngừa được đồng thời các bệnh. BKLN còn được gọi là “bệnh mạn tính” bởi vì quá trình hình thành bệnh diễn ra trong nhiều năm, thường là bắt đầu từ tuổi trẻ, bệnh tiến triển kéo dài, đòi hỏi việc điều trị có hệ thống và lâu dài, thậm chí cả cuộc đời.

Đối với các BKLN thường không xác định được nguyên nhân cụ thể mà chỉ có một nhóm yếu tố nguy cơ góp phần làm bệnh phát triển gồm: Yếu tố về hành vi lối sống như hút thuốc lá, lạm dụng rượu, bia, dinh dưỡng không hợp lý và ít hoạt động thể lực. Các yếu tố nguy cơ về hành vi sẽ dẫn tới các biến đổi về sinh lý/chuyển hóa (hay còn gọi là yếu tố nguy cơ trung gian/tình trạng tiền bệnh) bao gồm: THA, thừa cân béo phì, tăng đường máu và rối loạn lipid máu. Sâu xa hơn, nguyên nhân gốc rễ sự gia tăng các yếu tố nguy cơ trên liên quan đến các yếu tố môi trường, kinh tế, xã hội… 

Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ chung của các bệnh ung thư, tim mạch, ĐTĐ, bệnh phổi mạn tính:

Hút thuốc lá: Hút thuốc ước tính là nguyên nhân của 71% số trường hợp ung thư phổi; 42% số trường hợp bệnh phổi mạn tính; và 10% các bệnh tim mạch . Hút thuốc còn là yếu tố nguy cơ của một số bệnh nhiễm trùng như lao phổi và nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới. Nhai sợi thuốc có thể gây ra ung thư khoang miệng, THA, các bệnh tim mạch và một số bệnh lý khác. Thuốc lá không những gây tác hại cho người trực tiếp hút thuốc mà còn gây tác hại cho những người hút thuốc thụ động. Trên thế giới mỗi năm có khoảng 6 triệu người tử vong do thuốc lá, bao gồm cả do hút thuốc thụ động. Đến năm 2020 con số này sẽ tăng lên đến 7,5 triệu người, chiếm khoảng 10% tổng số tử vong toàn cầu. Thuốc lá còn gây ra những tổn hại về kinh tế cho gia đình, đói nghèo và hủy hoại môi trường. 

Sử dụng rượu, bia ở mức có hại: Rượu, bia và các đồ uống có cồn khác là chất gây nghiện, vì vậy WHO đã khuyến cáo để đảm bảo cho sức khỏe tốt nhất là không uống rượu, bia. Theo khuyến nghị của WHO, nếu uống thì nam giới không nên uống quá 2 đơn vị rượu/ngày (20g rượu nguyên chất) và nữ giới không nên uống quá 1 đơn vị rượu (10g) mỗi ngày . Tuy nhiên, mức độ sử dụng này vẫn được coi là có nguy cơ ở mức thấp với sức khỏe. Sử dụng rượu bia ở mức nguy cơ cao hơn gồm có uống ở mức có hại (Hazardous use of alcohol) và ở mức nguy hiểm. Nghiện rượu bia là tình trạng lệ thuộc vào rượu bia được đặc trưng bởi sự thèm muốn, mất kiểm soát, tăng mức độ dung nạp, ảnh hưởng đến thể chất… Nghiện rượu được liệt kê vào nhóm rối loạn hành vi và tâm thần do sử dụng các chất tác động hướng thần (F10.2- ICD-10). Sử  dụng rượu, bia ở mức có hại là nguyên nhân chính hoặc là một trong những nguyên nhân gây ra hơn 200 bệnh tật và chấn thương theo phân loại bệnh tật quốc tế ICD10, trong đó 30 bệnh ngay trong tên gọi đã có từ rượu như  “loạn thần do rượu” hay “rối loạn do rượu”. Điều này có nghĩa là 30 bệnh này hoàn toàn có thể tránh khỏi nếu người sử dụng không uống rượu, bia ở mức có hại. Năm 2012 có 5,9% số trường hợp tử vong toàn cầu, tương đương 3,3 triệu người, là do sử dụng rượu, bia, trong đó phần lớn là hậu quả của các nhóm bệnh không lây nhiễm gồm: tim mạch, đái tháo đường (33,4%), 09 loại bệnh ung thư (12,5%), bệnh về hệ tiêu hóa (16,2%), chấn thương (25,8%) và rối loạn phát triển bào thai và các biến chứng sinh non do rượu (0,1%). Sử dụng  rượu, bia ở mức có hại là nguyên nhân của 50% trường hợp tử vong do xơ gan, của 22% đến 25%  trường hợp tử vong do ung thư răng miệng, hầu họng, thanh quản hay thực quản, 30% các trường hợp tử vong vì viêm tụy . Về gánh nặng bệnh tật, năm 2012 có 5,1% số năm sống hiệu chỉnh do bệnh tật (DALYs) (tương đương với 139 triệu năm sống) mất đi do sử dụng rượu, bia. Khác với tử vong, rối loạn tâm thần kinh là nhóm bệnh gây ảnh hưởng nặng nhất (24,6%), tiếp đến là chấn thương (30,7%), bệnh tim mạch và đái tháo đường (15,5%), ung thư (8,6%), chết chu sinh (6,8%) và các bệnh lây nhiễm (15,5%).

Dinh dưỡng không hợp lý: Ăn ít rau và trái cây được quy cho là nguyên nhân của 1,7 triệu trường hợp tử vong, chiếm 2,8% tổng số tử vong trên thế giới. Ăn ít rau và trái cây ước tính là nguyên nhân của 19% số ung thư dạ dày ruột, 31% các bệnh thiếu máu tim cục bộ, và 11% số trường hợp đột quỵ. Ăn ít nhất 400 gam rau và trái cây (tương đương với 5 đơn vị chuẩn) mỗi ngày giúp phòng chống các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng như các bệnh tim mạch, ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng1. Các bằng chứng khoa học cho thấy ăn nhiều thức ăn giàu năng lương, ví dụ như thực phẩm chế biến sẵn có nhiều chất béo và đường, làm tăng nguy cơ béo phì và tác hại cũng giống như ăn ít rau và trái cây. Ăn thực phẩm có nhiều chất béo no (có nhiều trong mỡ động vật) và chất béo chuyển hóa (Trans fatty acid - có thể có trong thực phẩm chế biến sẵn) làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và bệnh ĐTĐ. Lượng muối tiêu thụ hàng ngày là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến mức huyết áp cũng như nguy cơ các bệnh tim mạch. Ăn nhiều muối là nguy cơ của đột quỵ, THA, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh tim mạch khác. WHO khuyến cáo không nên ăn quá 5 gam muối/ngày để phòng chống các bệnh tim mạch.

Ít hoạt động thể lực: Ít hoạt động thể lực là yếu tố nguy cơ đứng hàng thứ tư của tử vong (WHO). Một người ít vận động sẽ tăng từ 20-30% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân nếu so sánh với một người vận động cường độ vừa phải ít nhất 30 phút mỗi ngày trong hầu hết các ngày của tuần. Nếu hoạt động thể lực mức độ vừa phải 150 phút/tuần ước tính có thể giảm 30% nguy cơ bệnh tim thiếu máu cục bộ, giảm 27% nguy cơ ĐTĐ, và giảm 21-25% nguy cơ ung thư vú và ung thư đại tràng. Hoạt động thể lực còn làm giảm nguy cơ đột quỵ, THA, trầm cảm, và giúp kiểm soát cân nặng1. Theo khuyến cáo của WHO, nên hoạt động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày, cường độ hoạt động thể lực tối thiểu ở ngưỡng trung bình, ví dụ như đi bộ nhanh và sẽ đạt được hiệu quả sức khỏe hơn nữa nếu lượng vận động hay cường độ vận động hàng ngày vượt quá ngưỡng này.

Mặc dù rất nguy hiểm nhưng BKLN có thể phòng chống hiệu quả thông qua kiểm soát các yếu tố nguy cơ (nguyên nhân) có thể phòng tránh được như hút thuốc lá, dinh dưỡng không hợp lý, ít hoạt động thể lực và lạm dụng rượu bia. Bằng chứng khoa học cho thấy nếu loại trừ được các yếu tố nguy cơ này sẽ phòng được ít nhất 80% các bệnh tim mạch, đột quỵ, ĐTĐ týp II và trên 40% các bệnh ung thư  . Sâu xa hơn, chúng ta cần phải giải quyết các yếu tố kinh tế-xã hội thúc đẩy sự gia tăng của các yếu tố nguy cơ BKLN bao gồm vấn đề toàn cầu hóa, đô thị hóa, già hóa, nghèo đói, thiếu kiến thức, phong tục tập quán lạc hậu…

Hình 1: Mô tả Chuỗi nguyên nhân bệnh không lây nhiễm

Các yếu tố nguy cơ khác:

Ngoài 4 hành vi nguy cơ phổ biến có thể thay đổi được ở trên, còn những yếu tố nguy cơ quan trọng khác cần được kiểm soát hiệu quả để dự phòng các BKLN, đặc biệt là đối với dự phòng bệnh ung thư và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính:

- Nhiễm trùng mạn tính do một số loại vi rút như vi rút viêm gan B, C (gây ung thư gan), vi rút HPV (gây ung thư cổ tử cung…).

- Có nhiều yếu tố liên quan đến ô nhiễm môi trường, thực phẩm và nghề nghiệp như asbestos, benzene, arsenic, chất phóng xạ…là các tác nhân làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư. Ước tính có khoảng 50 yếu tố liên quan đến công việc và nghề nghiệp là tác nhân gây ung thư  .

- Bên cạnh nguy cơ do hút thuốc lá, ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời, bụi và hóa chất nghề nghiệp, viêm nhiễm đường hô hấp dưới thường xuyên ở trẻ em là những tác nhân quan trọng là tăng nguy cơ mắc bệnh phổi mạn tính.

II. GÁNH NẶNG BỆNH TẬT, TỬ VONG DO BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM.

1. Trên thế giới

Các BKLN hiện nay gây ra số trường hợp tử vong lớn nhất trên toàn cầu, lớn hơn tổng số tử vong do tất cả các loại bệnh khác cộng lại. Năm 2008, trong tổng số 57 triệu trường hợp tử vong trên toàn thế giới có 36 triệu (63%) là tử vong do các BKLN. Gần 80% số tử vong của các BKLN (29 triệu) xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình thấp .

Trong số tử vong do BKLN, tử vong chủ yếu là do các bệnh tim mạch (17 triệu người, tương ứng với 48% tử vong của các BKLN); sau đó đến ung thư (7,6 triệu người, tương ứng với 21%); và bệnh phổi mạn tính (4,2 triệu người), bao gồm hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Đái tháo đường gây ra 1,3 triệu tử vong .

Tử vong do các BKLN đang ngày càng ở độ tuổi trẻ hơn. Theo số liệu của WHO năm 2011, đa số trường hợp tử vong sớm do BKLN trong độ tuổi từ 30-70 xảy ra ở các nước đang phát triển (chiếm 85%, tương đương khoảng 11,8 triệu người). Xác suất tử vong sớm từ 30-70 tuổi do các BKLN chính giao động từ 10% ở các nước phát triển đến 60% ở các nước đang phát triển . 

Tử vong do các BKLN có xu hướng ngày càng tăng cao. Dự báo của WHO cho thấy trên toàn cầu, tỷ lệ tử vong do BKLN sẽ tăng 15% trong giai đoạn 2010-2020 (sẽ là khoảng 44 triệu trường hợp tử vong). Khu vực có số tử vong do BKLN cao nhất vào năm 2020 là Đông Nam Á (10,4 triệu ca) .

Trước sự đe dọa sức khỏe trên toàn cầu, trong tháng 9 năm 2011 Hội nghị cấp cao Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã ra Tuyên bố chính trị khẳng định các BKLN chủ yếu gồm bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và COPD là một thách thức lớn của thế kỷ XXI, làm suy giảm sự phát triển kinh tế toàn cầu và đe dọa thành tựu thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ . Liên hợp quốc đã kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên cần nỗ lực xây dựng và thực thi chính sách, kế hoạch quốc gia để dự phòng và kiểm soát BKLN.

2. Tại Việt Nam

Việt Nam cũng đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các BKLN. Cùng với sự thay đổi cấu trúc dân số, toàn cầu hóa, đô thị hóa và di dân, thay đổi môi trường, biến đổi khí hậu và thói quen sống, mô hình bệnh tật cũng có nhiều sự thay đổi. Trong khi tỷ lệ mắc các bệnh do nguyên nhân nhiễm trùng đang giảm thì tỷ lệ mắc BKLN lại gia tăng đến mức báo động. Theo thống kê tại bệnh viện, trong khi tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm giảm từ 55,5% (năm 1976) xuống còn 19,8% (năm 2010) thì tỷ lệ mắc BKLN đang tăng nhanh từ 42,6% trong năm 1976 lên tới 71,6% trong năm 2010 .

WHO ước tính trong năm 2012 cả nước có 520.000 trường hợp tử vong do tất cả các nguyên nhân, trong đó tử vong do các BKLN chiếm tới 73% (379.600 ca). Trong số này các bệnh tim mạch chiếm 33%, ung thư chiếm 18%, COPD chiếm 7% và ĐTĐ chiếm 3% . Ước tính năm 2012, gánh nặng (DALYs) của BKLN chiếm 66,2% tổng gánh nặng bệnh tật do tất cả các nguyên nhân tại Việt Nam . 

Bệnh tim mạch  

Trong năm 2012, gánh nặng bệnh tật (DALYs) do các bệnh tim mạch chiếm tỷ lệ lớn nhất (13,4%) trong tổng gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Các bệnh tim mạch cũng chiếm tỷ lệ tử vong lớn nhất (33%) trong tổng số tử vong. Đột quỵ, nhồi máu cơ tim và bệnh tim do tăng huyết áp là 3 trong số 20 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu . Theo kết quả nghiên cứu từ giám sát tử vong dựa trên chọn mẫu điểm toàn quốc năm 2009, tử vong do các bệnh mạch máu não chiếm hàng đầu (ở nam và nữ tương đương là 16,6% và 18% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân); tử vong do thiếu máu cơ tim ở nam và nữ tương ứng là 3,7% và 3,5% trong tổng số tử vong . 

Tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ chính dẫn đến các biến cố tim mạch nặng nề như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận và mù lòa…Trong một nghiên cứu của Nguyễn Văn Đăng và cộng sự năm 1996 cho thấy THA là nguyên nhân chính (chiếm 59,3% các nguyên nhân) gây ra tai biến mạch máu não . Ước tính có khoảng 15.990 người bị liệt, tàn phế, mất sức lao động do tai biến mạch máu não hàng năm. Điều tra dịch tễ học suy tim và một số nguyên nhân chính tại các tỉnh phía bắc Việt Nam năm 2003 do Viện Tim mạch phối hợp với WHO thực hiện cho thấy nguyên nhân hàng đầu gây suy tim tại cộng đồng là do tăng huyết áp (chiếm 10,2%), sau đó là do bệnh van tim do thấp (0,8%).

Bệnh ung thư

Theo số liệu năm 2012 của WHO, gánh nặng tử vong do ung thư chiếm hàng thứ hai sau các bệnh tim mạch, ở nam và nữ tương ứng là 13,5% và 11%. Các bệnh ung thư là nguyên nhân của 18% số trường hợp tử vong trong cả nước. Ung thư gan, ung thư phổi và khí phế quản, ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng nằm trong số 20 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam17. 

Theo số liệu thống kê thông qua mạng lưới ghi nhận ung thư, ước tính mỗi năm có 100.000-150.000 trường hợp mới mắc và khoảng 75.000 trường hợp tử vong do ung thư. Riêng năm 2010, ước tính có khoảng 126.307 trường hợp mới mắc ung thư, trong đó số mới mắc ở nam giới và nữ giới tương ứng là 71.940 và 54.367. WHO khuyến cáo rằng từ năm 2010 trở đi tại Việt Nam mỗi năm có thể có đến 200.000 trường hợp mới phát hiện ung thư và sẽ có khoảng 100.000 chết .

Các loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới là phổi, dạ dày, gan, đại trực tràng, thực quản, vòm, hạch, máu, tiền liệt tuyến và khoang miệng. Ở nữ giới các loại ung thư phổ biến nhất gồm: vú, đại trực tràng, phế quản phổi, cổ tử cung, dạ dày, giáp trạng, gan, buồng trứng, hạch và máu.

Bệnh đái tháo đường

Tình hình mắc bệnh ĐTĐ tại Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp phát triển. Vào những năm đầu 90 của thế kỷ trước, tỷ lệ ĐTĐ ở một số thành phố lớn là Hà Nội, Huế và TP. Hồ Chí Minh chỉ vào khoảng 1 – 2,5%. Đến năm 2000 một điều tra ở khu vực nội thành của 4 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh cho thấy tỷ lệ ĐTĐ ở độ tuổi 30 – 64 là 4,0%. Năm 2002, Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiến hành nghiên cứu ở một số vùng sinh thái cho thấy, tỷ lệ ĐTĐ ở độ tuổi này là 4,4% ở thành phố, 2,7% ở vùng đồng bằng, 2,2% ở vùng trung du-ven biển và 2,1% ở vùng miền núi . Bệnh ĐTĐ týp II phát triển qua giai đoạn không có triệu chứng lâm sàng nên thường được phát hiện muộn. Ở Việt Nam, năm 2002 tỷ lệ ĐTĐ không được phát hiện trong cộng đồng vào khoảng 65%. Cũng do phát hiện muộn, các biến chứng của ĐTĐ đã có với một tỷ lệ đáng kể ở bệnh nhân ĐTĐ týp II ngay vào thời điểm chẩn đoán ĐTĐ. 

Theo kết quả Điều tra lập bản đồ dịch tễ học ĐTĐ toàn quốc năm 2012 do Bệnh viện Nội tiết Trung ương thực hiện, tỷ lệ ĐTĐ lứa tuổi 30 – 69 là 5,4%, vùng có tỷ lệ ĐTĐ thấp nhất là Tây Nguyên (3,8%), vùng có tỷ lệ ĐTĐ cao nhất là Tây Nam Bộ (7,2%). Tỷ lệ mắc bệnh phản ảnh khá rõ tốc độ phát triển kinh tế và đời sống của người dân các vùng kinh tế khác nhau. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ ĐTĐ tăng rất nhanh. Sau 10 năm, từ 2002 đến 2012, tỷ lệ bệnh ĐTĐ tăng trên 2 lần, từ 2,7% lên 5,4%. Điều tra cũng chỉ ra một thực trạng đáng quan tâm ở nước ta, tỷ lệ người bệnh mắc ĐTĐ trong cộng đồng không được phát hiện vẫn rất cao (là 63,6%) so với năm 2002 (64%).

Gánh nặng tử vong và tàn phế do ĐTĐ cũng rất lớn. ĐTĐ nằm trong số 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nữ giới, nằm trong 10 nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu ở cả nam và nữ giới năm 200814. 

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Ở Việt Nam mới chỉ có một số nghiên cứu về dịch tễ học COPD được tiến hành trên quy mô nhỏ. Theo nghiên cứu của Ngô Quý Châu và cộng sự (năm 2005), tỷ lệ mắc COPD trong dân cư thành phố Hà Nội là 2%, thành phố Hải Phòng là 5,65%. Thống kê tại bệnh viện Bạch Mai cho thấy từ năm 1981-1984 bệnh nhân viêm phế quản mạn chiếm 12,1% tổng số bệnh nhân nhập khoa hô hấp; Từ năm 1996-2000 tỷ lệ bệnh nhân mắc COPD vào điều trị chiếm 25,1%, đứng đầu các bệnh lý về phổi.

Theo kết quả nghiên cứu dịch tễ học ở Việt Nam của Đinh Ngọc Sỹ và cộng sự năm 2007, tỷ lệ mắc COPD trong cộng đồng dân cư từ 15 tuổi trở lên là 2,2%, trong đó nam 3,5% và nữ: 1,1%. Tỷ lệ mắc COPD trong cộng đồng dân cư từ 40 tuổi trở lên là 4,2%; trong đó nam 7,1% và nữ 1,9%; khu vực nông thôn 4,7%, thành thị 3,3%, miền núi 3,6%. 

Tử vong do COPD cũng rất lớn, chiếm 5% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân. COPD nằm trong số 20 nguyên nhân tử vong hàng đầu ở Việt Nam năm 2012 .

III. THỰC TRẠNG CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ GÂY BỆNH

Các yếu tố nguy cơ của BKLN được quy cho là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong và tàn tật ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Những yếu tố sau nằm trong nhóm 10 yếu tố nguy cơ hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật và gây tử vong trên toàn cầu: tăng huyết áp, hút thuốc, ăn ít rau và trái cây, sử dụng rượu bia ở mức có hại, thừa cân béo phì, tăng đường máu, thiếu hoạt động thể lực và ăn nhiều muối .

Yếu tố nguy cơ của BKLN Các BKLN chủ yếu

Tim mạch Đái tháo đường Ung thư COPD và hen phế quản

Hành vi nguy cơ

Hút thuốc + + + +

Dinh dưỡng không hợp lý + + +

Ít hoạt động thể lực + + +

Sử dụng rượu, bia ở mức có hại + + +

Yếu tố nguy cơ sinh/chuyển hóa

Béo phì + + +

Tăng huyết áp + + +

Tăng đường huyết + + +

Rối loạn lipid máu + + +

Hình 2: Các yếu tố nguy cơ phổ biến của các BKLN

Nguồn: Nick Banatvala: Noncommunicable Diseases - Epidemiology and Pubic Health (Sixth International WHO IUMSP NCD Managers Seminar, May 2012).

1. Hút thuốc lá

Việt Nam là một trong 15 nước có số người sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới (khoảng 16 triệu người). Theo kết quả điều tra năm 2010, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới từ 15 tuổi trở lên chỉ giảm 2% so với năm 2006, vẫn còn ở mức 47,4%, so với mục tiêu 20%. Trong số những người không hút thuốc, có 55,9% số người đang đi làm có tiếp xúc với khói thuốc tại nơi làm việc; tỷ lệ tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc tại gia đình là 67,6% . Đặc biệt, tỷ lệ hút thuốc lá của thanh thiếu niên Việt Nam vẫn ở mức cao và độ tuổi bắt đầu hút thuốc lá ngày càng trẻ. Có 43,6% nam thanh thiếu niên cho biết đã từng hút thuốc với độ tuổi trung bình khi bắt đầu hút thuốc lá là 16,9. Trong số những nam thanh niên đã từng hút thuốc, có tới 71,7% hiện nay vẫn đang hút.  

Một nghiên cứu của Trường Đại học YTCC Hà Nội năm 2010 cho thấy nồng độ nicotin trong không khí được phát hiện ở tất cả các điểm nghiên cứu, cao nhất ở các điểm vui chơi giải trí (2.5 μg/m3 tại khu vực hút thuốc và 1.3 μg/m3 tại khu vực không hút thuốc) và cao nhất tại các trường học (0.03 μg/m3) 

Mỗi năm, sử dụng thuốc là nguyên nhân gây tử vong của hơn 40.000 người Việt Nam, tức là khoảng hơn 100 người trong 1 ngày. Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030 .

2. Sử dụng rượu, bia ở mức có hại

Trong khi mức tiêu thụ của thế giới đang chững lại thì Việt Nam là một trong số ít quốc gia có xu hướng gia tăng nhanh về mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân đầu người. Theo số liệu quy hoạch ngành rượu bia, nước giải khát, mức tiêu thụ rượu, bia bình quân đầu người (trên 15 tuổi) quy đổi theo rượu nguyên chất đã tăng 300% sau 10 năm từ 2001 đến 2010. Theo ước tính của WHO, năm 2010 mức tiêu thụ rượu bia bình quân đầu người của Việt Nam đã ở mức 6,6 lít, cao hơn mức trung bình của thế giới. Số liệu của các công ty nghiên cứu thị trường đồ uống có cồn quốc tế cho thấy từ năm 2010 đến nay, Việt Nam luôn nằm trong nhóm các quốc gia có mức tăng trưởng tiêu thụ bia hàng năm cao nhất, mức tăng trưởng tiêu thụ bia năm 2011 so với năm 2010 cao nhất thế giới, với 14,8%. 

Đặc biệt, tình trạng sử dụng rượu, bia ở mức có hại ở nam giới và tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở vị thành niên, thanh niên và nữ giới đang tăng nhanh và hiện ở mức cao. Theo điều tra năm 2009-2010 trong nhóm tuổi 25-64, tỷ lệ nam giới có uống ít nhất 5 đơn vị rượu/bia trong 1 ngày bất kỳ trong tuần vừa qua chiếm 25,2% . Theo Điều tra thanh thiếu niên Việt Nam, tỷ lệ sử dụng rượu, bia trong vị thành niên và thanh niên đã tăng gần 10% sau 5 năm (2003-2008). Năm 2008, tỷ lệ có sử dụng rượu, bia là 79,9% đối với nam và 36,5% đối với nữ vị thành niên, trong đó có 60,5% nam và 22% nữ cho biết đã từng say rượu/bia; tỷ lệ có sử dụng rượu, bia trong độ tuổi pháp luật không cho phép (14-17 tuổi) là 47,5%; trong độ tuổi 18-21 là 67%. 

 

Hình 3. Tiêu thụ rượu (quản lý được) bình quân đầu người trên 15 tuổi từ 1960 đến 2010 (quy đổi thành lít cồn nguyên chất) 

Năm 2012, 8,3% số trường hợp tử vong cả nước có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia . Có 71,7% trường hợp tử vong do xơ gan ở nam và 36,2% trường hợp tử vong do tai nạn giao thông ở nam là do sử dụng rượu bia.

Điều tra toàn quốc ở người trưởng thành 24-64 tuổi của Viện Dinh dưỡng cho thấy nguy cơ mắc THA tăng gấp 1,6 lần ở nam giới uống trên 3 đơn vị rượu/ngày.   

3. Dinh dưỡng không hợp lý

Tại Việt Nam, số liệu các cuộc Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc trong giai đoạn 1989 – 2010 của Viện Dinh dưỡng cho thấy mức tiêu thụ rau và trái cây trung bình là khoảng 250g/người/ngày (đạt 62,5% nhu cầu khuyến nghị) . Theo kết quả điều tra STEPS năm 2009-2010, có 80,4% số người trưởng thành ăn ít rau và trái cây, trong đó tỷ lệ ăn ít rau ở nữ giới và nam giới tương đương nhau15. Mức tiêu thụ thịt tăng 7,6 lần với 11,1g/người/ngày (1981-1985) và lên tới 84g/người/ngày (năm 2010), đặc biệt vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ mức tiêu thụ là 108g/người/ngày và 104g/người/ngày. Mức tiêu thụ dầu, mỡ trung bình tăng 3 lần từ 11,6g/người/ngày năm 1981-1985 lên 37,7g/người/ngày năm 2010. Như vậy, tỷ lệ protid và lipid nguồn gốc động vật trong khẩu phần ăn của người dân tăng với tỷ lệ protid động vật/protid tổng số tăng từ 26,2% năm 1981-1985 lên 41,2% năm 2010 và lipid động vật/lipid tổng số tăng từ 53,3% năm 1981-1985 lên 61,5% năm 2010, cao hơn ở khu vực thành thị so với khu vực nông thôn, và có xu hướng cao hơn tỷ lệ khuyến cáo (40% đối với protid và 60% đối với lipid). Mức tiêu thụ gạo, lương thực chính trong bữa ăn của ngừơi Việt Nam, giảm từ 458g/người/ngày xuống 397g/người/ngày năm 2000 và 373g/người/ngày năm 2010. Với sự thay đổi như trên, năng lượng khẩu phần trung bình của người dân hầu như không thay đổi ở mức 1925Kcal/người/ngày nhưng tính cân đối khẩu phần đã được cải thiện rõ rệt (tỷ lệ năng lượng từ các chất sinh năng lượng P:L:G là 11,2:6,2:82,6 năm 1985 và năm 2010 là 15,9:17,8:66,3). Chất lượng khẩu phần của người dân Việt Nam hiện nay tương đối phù hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý được khuyến cáo. Tuy vậy nhìn vào xu hướng tăng nhanh mức tiêu thụ các nhóm thực phẩm và chất dinh dưỡng trong giai đoạn 30 năm qua thì có thể thấy nếu không có sự can thiệp kịp thời, khẩu phần của người dẫn sẽ nhanh chóng trở nên mất cân đối với sự dư thừa các chất béo bão hòa nguồn gốc động vật, thiếu các chất dinh dưỡng có lợi và yếu tố bảo vệ nguồn gốc thực vật, dư thừa năng lượng làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì, THA, tim mạch, ĐTĐ, ung thư và các bệnh mạn tính khác liên quan tới dinh dưỡng.

Một số điều tra nhỏ lẻ ở các quy mô và thời điểm khác nhau cho thấy mức tiêu thụ muối/người/ngày cao gấp 2-3 lần so với khuyến cáo, khoảng từ 10-15g/ngày Nguồn muối của khẩu phần chủ yếu từ các loại gia vị có chứa nhiều muối được cho thêm vào trong quá trình sơ chế, tẩm ướp và nấu nướng (chiếm khỏang 70-80%) và tiếp theo là các thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối .

4. Ít hoạt động thể lực

Kết quả Điều tra STEPS năm 2009-2010, tỷ lệ người trưởng thành ít vận động thể lực là 28,7% (nam giới 26,4%; nữ giới 30,8%); trong đó tỷ lệ ít hoạt động thể lực ở thành thị cao hơn ở nông thôn và tương ứng là 36,9% và 25,1%21.

Điều tra gần đây của tổ chức Heath Bridge Canada trên 3.600 người dân Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh cho thấy có đến 34% người không tham gia bất kỳ hoạt động thể thao nào với các nguyên nhân chủ yếu là không có thời gian (84%), ngại dậy sớm, ngại vận động(9%) và thiếu phương tiện, địa điểm tập luyện (2%). Theo kết quả của điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên lần thứ hai năm 2009, có đến 23% hiếm khi hay không bao giờ tập thể dục thể thao, 45% “thỉnh thoảng” mới tập .

Một nghiên cứu theo dõi 5 năm từ 2004–2009 ở thanh thiếu niên tại thành phố Hồ Chí Minh cho thấy thời gian dành cho hoạt động thể lực giảm có ý nghĩa thống kê từ 87 phút xuống còn 50 phút/ngày. Thời gian dành cho các hoạt động tĩnh trong 5 năm đã tăng từ 512 phút lên 600 phút mỗi ngày .

5. Tăng huyết áp

Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc THA đang gia tăng một cách nhanh chóng. Theo thống kê, năm 1960, tỷ lệ THA ở người trưởng thành phía bắc Việt Nam chỉ là 1% và hơn 30 năm sau (1992) theo điều tra trên toàn quốc của Trần Đỗ Trinh và cộng sự thì tỷ lệ này đã 11,2%, tăng lên hơn 11 lần. Theo kết quả điều tra năm 2008, tỷ lệ tăng huyết áp ở người độ tuổi 25-64 là 25,1% .

 

Hình 4. Huyết áp tâm thu trung bình của người Việt Nam từ 1980 đến 2008 

6. Thừa cân, béo phì

Ở Việt Nam, theo Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2000 và Tổng điều tra thừa cân béo phì ở người trưởng thành 25-64 tuổi năm 2005 do Viện Dinh dưỡng tiến hành cho thấy trong thời gian 5 năm, tỷ lệ thừa cân-béo phì (BMI ≥ 25kg/m2) và béo phì (BMI ≥ 30kg/m2) tăng gấp 2 lần tương ứng từ 3,5% và 0,2% (2000) lên 6,6% và 0,4% (2005).  Tỷ lệ thừa cân-béo phì năm 2005 cao hơn so với năm 2000 ở cả khu vực thành thị (15,3% so với 10,8%) và nông thôn (5,3% so với 3,0%), tỷ lệ này ở thành thị luôn cao hơn nông thôn ở cả hai thời điểm. Nếu xét theo vùng sinh thái thì tỷ lệ thừa cân-béo phì thấp nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng (1,9% lên 3,3%) và vùng núi Đông Bắc Bộ (0,9% lên 3,1%); cao nhất ở vùng Đông Nam Bộ (từ 8,7% lên 15,2%) và Đồng bằng sông Cửu Long (7,4% lên 10,3%). Nếu sử dụng ngưỡng phân loại BMI khuyến nghị cho người Châu Á (BMI ≥ 23kg/m2) thì tỷ lệ thừa cân-béo phì tăng từ 11,7% lên 16,3%, trong đó khu vực thành thị tăng từ 24,5% lên 32,4% và ở khu vực nông thôn tăng từ 9,3% lên 13,8% trong giai đoạn 2000-2005. Đến năm 2010, kết quả điều tra STEPS cho thấy tỷ lệ thừa cân-béo phì ở người độ tuổi 25-64 là 26,9%, trong đó tỷ lệ ở thành thị và nông thôn tương ứng là 35,7% và 23%15.

 

Hình 5. Chỉ số  BMI trung bình của người Việt Nam từ 1980 đến 2008 35

 

Tình trạng thừa cân-béo phì cũng đang gia tăng ở trẻ em dưới 5 tuổi. Theo số liệu Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2000 và 2010 và số liệu giám sát dinh dưỡng hàng năm của Viện Dinh dưỡng cho thấy ở trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ thừa cân-béo phì tăng liên tục qua các năm từ 0,62% (2000) lên 3,6% (2005), 4,8% (2008) và 5,6% (2010), trong đó ở khu vực thành thị tăng từ 5,7% lên 6,5% và khu vực nông thôn tăng từ 2,2% lên 4,2% trong giai đoạn 2005-2010. 

Ở trẻ 5-19 tuổi, tỷ lệ thừa cân-béo phì năm 2010 là 8,5%, ở thành thị là 18,2%, đặc biệt ở các thành phố trực thuộc trung ương là 34,5%, và ở nông thôn là 7,9%. Trong khi tỷ lệ trẻ thừa cân-béo phì không khác biệt giữa các vùng sinh thái (7-8%) thì riêng vùng Đông Nam Bộ tỷ lệ này cao gấp đôi (19%) và thấp nhất là vùng Tây Nguyên 4%. Tỷ lệ thừa cân-béo phì ở nhóm trẻ 5-19 tuổi có xu hướng giảm dần theo tuổi, cao nhất ở nhóm 5-7 tuổi (16,5%), 8-10 tuổi (13,9%) và 11-13 tuổi (8,4%) và chỉ có 2,4% ở nhóm 14-16 tuổi và 1,6% ở nhóm 17-19 tuổi. 

Tuy tình trạng thừa cân-béo phì gia tăng nhanh chóng ở cả người trưởng thành và trẻ em nhưng cũng cần lưu ý rằng Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển khác đang phải đương đầu với gánh nặng kép về dinh dưỡng thì tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em và thiếu năng lượng trường diễn người trưởng thành vẫn là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Ở trẻ dưới 5 tuổi, có 29,3% (2010) và 25,9% (2013) trẻ thấp còi, trong đó có 12 tỉnh tỉ lệ này trên 35%; 17,5% (2010) và 15,3% (2013) trẻ nhẹ cân. Ở trẻ 5-19 tuổi có 24,2% trẻ nhẹ cân, 23,4% thấp còi và 16,8% gầy còm (2010). Ở người trưởng thành tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn là 17,2% (2010). 

Như vậy tình trạng thừa cân-béo phì ở cả người trưởng thành và trẻ em đều đang gia tăng, đặc biệt là lứa tuổi tiểu học và cần có biện pháp kiểm soát cân nặng và phòng chống thừa cân-béo phì kịp thời và phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau. Các biện pháp phòng chống thừa cân-béo phì, nhất là dinh dưỡng hợp lý cần được triển khai ở giai đoạn sớm của chu kỳ vòng đời để giảm số trẻ thừa cân-béo phì khi còn nhỏ tiếp tục trở thành người trưởng thành thừa cân-béo phì, đồng thời giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở giai đọan đầu của cuộc đời cũng là góp phần giảm nguy cơ phát triển các bệnh mạn tính ở các giai đoạn sau của cuộc đời.  Bên cạnh đó, các can thiệp nhằm phòng chống thừa cân-béo phì khi triển khai rộng rãi ở cộng đồng cũng cần lưu ý tránh làm gia tăng tình trạng thiếu dinh dưỡng cũng đang tồn tại phổ biến trong cộng đồng.  

7. Tăng cholesterol máu

Ở người trưởng thành Việt Nam, theo kết quả điều tra STEPS 2009-2010, tỷ lệ tăng cholesterol (>5,0mmol/L) là 30,1%; trong đó tỷ lệ ở nam giới và nữ giới tương ứng là 27,8% và 32,3% 15. Điều tra năm 2007-2008 của Viện Dinh dưỡng  cũng cho thấy tỷ lệ người trưởng thành 25-74 tuổi có cholesterol máu cao là 29%, khu vực thành phố là 44,3%; tỷ lệ LDL-Cholesterol (còn gọi là Cholesterol xấu) cao là 26%, khu vực thành phố là 43,5%; tỷ lệ HDL-Cholesterol (còn gọi là Cholesterol có lợi) cao là 29,3%, khu vực thành phố 34,8%; tỷ lệ tryglycerid cao là 34,2%, khu vực thành phố là 49,3%. Như vậy tỷ lệ người trưởng thành có rối loạn lipid máu cao làm tăng tỷ lệ người có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây, đặc biệt là tim mạch, ĐTĐ.

 

Hình 6. Cholesterol toàn phần của người Việt Nam từ 1980 đến 200835

8. Tăng đường máu

Theo kết quả sơ bộ của Điều tra lập bản đồ dịch tễ học ĐTĐ toàn quốc năm 2012 do Bệnh viện Nội tiết Trung ương thực hiện, tỷ lệ rối loạn dung nạp đường huyết tăng cao so với điều tra Quốc gia năm 2002. Tỷ lệ rối loạn dung nạp đường huyết lứa tuổi 30-69 là 12,8%. Vùng có tỷ lệ rối loạn dung nạp đường huyết thấp nhất là miền núi phía Bắc và Tây Nguyên (10,7%), vùng có tỷ lệ cao nhất là Đông Nam Bộ (17,5%).  

 

Hình 7. Đường máu trung bình của  người Việt Nam từ 1980 đến 200835

IV. TÁC ĐỘNG CỦA BKLN VÀ CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI

Các BKLN (chủ yếu gồm bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi mạn tính) được coi là bệnh dịch gây ra những tác động trầm trọng và rộng lớn về kinh tế, xã hội và chính trị thông qua việc làm tăng chi phí y tế, giảm năng xuất lao động và sản phẩm xã hội. Theo WHO, BKLN gây tổn thất 2-5% GDP của mỗi nước. Chúng tác động đến mọi ngành và lĩnh vực, ảnh hưởng sâu sắc đến quần thể người nghèo và dễ bị tổn thương. Diễn đàn kinh tế thế giới xếp BKLN là một trong những đe dọa chủ yếu trên toàn cầu đối với phát triển kinh tế. Mặc dù vậy, nghiên cứu gần đây cho thấy trong tổng số 22 tỷ USD của các tổ chức trợ giúp quốc tế chi cho y tế ở các nước thu nhập trung bình và thấp thì chỉ có dưới 3% số tiền là chi cho phòng chống BKLN, trong khi đó BKLN chiếm tới trên 60% gánh nặng bệnh tật ở những nước này . Theo ước tính, tổng số chi phí trực tiếp và gián tiếp do 5 BKLN trong năm 2010 lên tới 6300 tỷ đô la Mỹ . Chính vì vậy, phòng chống BKLN là thực hiện xóa đói giảm nghèo và góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, là trách nhiệm của Chính phủ, của tất cả các Bộ/ngành liên quan và của toàn xã hội.

Tại Việt Nam, cho đến nay chưa có các đánh giá hoặc ước tính tổng thể gánh nặng kinh tế của các BKLN. Tuy nhiên, các nghiên cứu ở các góc độ khác nhau đã phần nào phản ánh được mức độ tổn thất về kinh tế, xã hội do BKLN gây ra. 

Ngay từ những năm 2005, tổn thất kinh tế do gánh nặng BKLN ước tính khoảng 20 triệu USD, chiếm 0,033% GDP hàng năm . Dự báo đến năm 2015 nếu không có sự can thiệp, tổn thất tích lũy từ năm 2006 đến năm 2015 sẽ là 270 triệu USD . 

Sự gia tăng của các BKLN gây ra sự gia tăng nhanh chóng chi phí khám chữa bệnh. Chi phí điều trị cho bệnh nhân không lây nhiễm cao trung bình gấp 40-50 lần so với điều trị các bệnh lây nhiễm do đòi hỏi kỹ thuật cao, thuốc đặc trị đắt tiền, thời gian điều trị lâu, dễ biến chứng. Theo một nghiên cứu, chi phí trực tiếp cho điều trị bệnh nhân bị ung thư vú trong vòng 5 năm khoảng 975 đô la Mỹ  . Theo báo cáo của Quỹ Đái tháo đường quốc tế, năm 2013 ước tính chi phí y tế cho 1 bệnh nhân ĐTĐ ở Việt Nam là khoảng 127,8 đô la Mỹ và Việt Nam có khoảng 3,3 triệu người mắc bệnh ĐTĐ , như vậy nếu chăm sóc điều trị cho toàn bộ số bệnh nhân này thì mỗi năm sẽ tiêu tốn khoảng 419 triệu đô la Mỹ, tương đương với khoảng 8.400 tỷ đồng.

Đối với thuốc lá, hiện nay còn thiếu các số liệu đánh giá cập nhật về tác động, ảnh hưởng đối với kinh tế, xã hội do thuốc lá gây ra. Ước tính số tiền chi cho thuốc lá tại Việt Nam năm 2007 là 14.000 tỉ đồng, các hộ nghèo tại Việt Nam phải tiêu tốn 5% thu nhập của gia đình vào thuốc lá . Theo nghiên cứu của Trường Đại học Y Hà Nội, ước tính chi phí chăm sóc và điều trị cho 3 căn bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra (bệnh ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và nhồi máu cơ tim) là hơn 2.304 tỷ đồng năm 200743.

Đối với rượu bia, theo số liệu của Bộ Công Thương, riêng trong năm 2013 Việt Nam tiêu thụ 3 tỷ lít bia (tương đương gần 3 tỷ USD) và gần 68 triệu lít rượu. Tỷ lệ tăng trưởng năm 2013 so với 2012 tăng 11,8% đối với tiêu thụ bia và 7% đối với tiêu thụ rượu.

V. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHỐNG BKLN TẠI VIỆT NAM

1. Công tác quản lý điều hành.

Ngày 17 tháng 6 năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 77/2002/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng chống một số BKLN giai đoạn 2002-2010 với mục tiêu chung là giảm tỷ lệ mắc và tử vong của các bệnh tim mạch, ung thư, ĐTĐ và rối loạn sức khỏe tâm thần (động kinh, trầm cảm). COPD chưa được đưa vào mục tiêu phòng chống của Chương trình.

Để điều phối hoạt động của Chương trình, ngày 28/01/2003 Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định số 449/2003/QĐ-BYT về việc “Thành lập Ban chỉ đạo Chương trình phòng chống một số BKLN giai đoạn 2002-2010”. Thành phần tham gia là đại diện của các vụ, cục, bệnh viện/viện chuyên khoa đầu ngành liên quan. Bộ Y tế cũng đã thành lập 4 Tiểu ban chỉ đạo chuyên môn về các lĩnh vực Tim mạch, Đái tháo đường, Ung thư và Sức khoẻ tâm thần hoạt động dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo. Các viện/bệnh viện đầu ngành liên quan là Viện Tim mạch, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện K, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I được giao làm đầu mối cho các Tiểu ban tương ứng.

 

Hình 8. Sơ đồ tổ chức chương trình phòng chống một số BKLN

Trong giai đoạn từ 2003 đến 2010, Ban chỉ đạo Chương trình phòng chống một số BKLN đã có một số lần được củng cố, kiện toàn, tuy nhiên về cơ bản thành phần của Ban chỉ đạo vẫn chủ yếu là các cơ quan đơn vị trong ngành y tế. Từ khi thành lập đến nay, Chương trình đã xây dựng một số chính sách và văn bản pháp quy về phòng chống BKLN như đề án bổ sung CTMTQG; xây dựng chương trình phòng chống ung thư, sức khỏe tâm thần, THA, ĐTĐ, COPD… vào CTMTQG.

Nhằm tiếp tục tăng cường cho hoạt động phòng, chống BKLN, từ năm 2001 cho đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã có các Quyết định ban hành Danh mục các CTMTQG trong đó có các dự án phòng chống BKLN theo các giai đoạn. Ngày 4 tháng 9 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1208/QĐ-TTg phê duyệt CTMTQG y tế giai đoạn 2012-2015 trong đó có 5 dự án phòng chống BKLN gồm dự án phòng chống THA, ĐTĐ, ung thư, COPD và hen phế quản, chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng. Trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ban quản lý của từng dự án được thành lập để điều hành các hoạt động. Đầu mối quản lý các dự án được đặt tại các Bệnh viện Trung ương tương ứng và thành viên các ban quản lý chỉ giới hạn trong ngành y tế:

- Ban chỉ đạo Dự án phòng chống ung thư đã được thành lập vào năm 2008. Đến năm 2013 đã có 37 tỉnh tham gia dự án và thành lập Tiểu ban điều hành dự án.  

- Ban điều hành Dự án phòng chống THA được thành lập vào năm 2009 bao gồm 25 thành viên đặt văn phòng thường trực tại Viện Tim mạch, bệnh viện Bạch Mai. Đã thành lập Ban chủ nhiệm chương trình phòng, chống THA tại 63 tỉnh/thành phố, thành lập đơn vị phòng chống THA đặt tại các bệnh viện tỉnh/thành phố của 63 tỉnh/thành phố và các đơn vị phòng chống THA tuyến quận/huyện. 

- Ban điều hành Dự án ĐTĐ được thành lập, cơ quan đầu mối là Bệnh viện Nội tiết Trung ương, ngoài nhiệm vụ quản lý và điều phối dự án còn có nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật và cơ sở vật chất cho các đơn vị khác. Mạng lưới phòng chống ĐTĐ được xây dựng trên cơ sở hệ thống dự phòng phòng chống các rối loạn thiếu iốt trước đây. Tuy nhiên cho tới thời điểm hiện tại, mô hình phòng chống các rối loạn thiếu iốt - ĐTĐ và các bệnh nội tiết tại các tỉnh vẫn chưa được thống nhất. 

- Ban điều hành dự án Phòng chống COPD được thành lập theo Quyết định số 483/QĐ-BVBM ngày 30 tháng 5 năm 2011 với đầu mối là Bệnh viện Bạch Mai tổ chức, điều hành việc triển khai dự án. Đến hết năm 2013 đã triển khai dự án tại 25 tỉnh, thành phố.

Một số khó khăn tồn tại trong công tác quản lý điều hành:

- Quyết định số 77/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phòng chống một số BKLN giai đoạn 2002 – 2010 đến nay đã hết hiệu lực; các dự án phòng chống BKLN thuộc CTMTQG giai đoạn 2012-2015 sắp kết thúc, vì vậy cần có một văn bản chỉ đạo tổng thể của Chính phủ cho giai đoạn tiếp theo. 

- Ban chỉ đạo phòng chống BKLN mới chỉ trong phạm vi Bộ Y tế, còn chưa có sự phối hợp, chỉ đạo liên ngành trong phòng, chống BKLN (ngoại trừ Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá) nên hoạt động chủ yếu giới hạn trong ngành y tế. Cơ cấu ban chỉ đạo gồm 4 tiểu ban điều trị, còn thiếu các cấu phần về dự phòng, giám sát BKLN và yếu tố nguy cơ. 

- Các chương trình, dự án hiện nay còn phân tán, chưa được thống nhất quản lý, điều phối. Các dự án CTMTQG triển khai theo ngành dọc, riêng lẻ cho từng bệnh và có đầu mối điều phối là các bệnh viện Trung ương, vì vậy có xu hướng tập trung cho phát hiện, quản lý điều trị bệnh.

2. Xây dựng và thực thi các chính sách phòng chống yếu tố nguy cơ 

a) Phòng chống tác hại thuốc lá

Hoạt động PCTHTL bắt đầu được đưa vào chính sách quốc gia ở Việt Nam từ năm 2000 với Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP của Chính phủ phê duyệt “Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá giai đoạn 2000 -2010”. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của WHO vào năm 2004. Hoạt động PCTHTL ở Việt Nam bước sang một giai đoạn mới khi Luật PCTHTL được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012 và bắt đầu có hiệu lực từ 01/5/2013. Đây là văn bản có tính chất pháp lý cao nhất đối với hoạt động PCTHTL ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và trình phê duyệt các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật PCTHTL theo thẩm quyền quy định.

Các chính sách, chiến lược về PCTHTL tại Việt Nam trong thời gian qua về cơ bản đã bao gồm các nhóm can thiệp theo khuyến cáo của WHO gồm: 

- Các chính sách nhằm giảm cầu sử dụng thuốc lá: Áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá; bảo vệ người dân trước khói thuốc lá, cấm hút thuốc lá nơi công cộng; cấm quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị và tài trợ thuốc lá; cảnh báo tác hại của thuốc lá; thông tin, giáo dục, truyền thông phòng chống tác hại của thuốc lá; chính sách về cai nghiện thuốc lá. 

- Các chính sách liên quan đến việc quản lý cung cấp thuốc lá: Quản lý sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc lá; quản lý bán lẻ thuốc lá; quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật của thuốc lá.

-  Chính sách bảo đảm thực hiện các hoạt động PCTHTL: Quy định về việc xử phạt vi phạm pháp luật về PCTHTL; cơ chế tài chính cho hoạt động PCTHTL.

Để điều phối hoạt động, Ban chủ nhiệm Chương trình PCTHTL (VINACOSH) được thành lập từ năm 1989 và cơ cấu lại vào năm 2001 theo Quyết định số 467/QĐ-TTg ngày 17/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ. Văn phòng thường trực VINACOSH đặt tại Bộ Y tế, có nhiệm vụ tham mưu giúp việc cho Ban Điều hành Chương trình. Thành viên Ban chủ nhiệm gồm Lãnh đạo của 13 Bộ, ngành và Chủ nhiệm chương trình là Bộ trưởng Bộ Y tế. Có 6 Bộ, ngành, 36 tỉnh, thành phố và 10 tổ chức đoàn thể đã xây dựng Kế hoạch triển khai PCTHTL, thành lập Ban chỉ đạo ngành, địa phương.

Về thông tin, giáo dục, truyền thông, Chương trình đã tổ chức các hội thảo, hội nghị, nói chuyện phổ biến Luật PCTHTL, mít tinh hưởng ứng ngày thế giới không thuốc lá, tuần lễ quốc gia không thuốc lá. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như: VTV1, O2TV, Thông tấn xã Việt Nam, VOV giao thông, báo viết và báo mạng. Cung cấp hàng chục ngàn cuốn sách giới thiệu, hỏi đáp về Luật PCTHTL, hàng trăm ngàn tờ rơi, tranh áp phích, hàng trăm đĩa DVD tuyên truyền. Phát động chiến dịch truyền thông: nhắn tin qua điện thoại và truy cập website tuyên truyền; thi sáng tác cổ động “Cuộc sống không khói thuốc lá”… 

Để thực hiện môi trường không khói thuốc, các mô hình thí điểm đã được xây dựng và triển khai như xây dựng thành phố không khói thuốc tại một số tỉnh gồm Hạ Long, Thái Nguyên, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang và Tiền Giang; xây dựng môi trường công sở không khói thuốc trong các ngành Y tế, Giáo dục, Công an,...; tổ chức cuộc vận động xây dựng “trường học thân thiện” của ngành Giáo dục.

Việt Nam đã thực hiện in cảnh báo hình ảnh trên vỏ bao bì thuốc từ 01/8/2013. Thực hiện cấm quảng cáo thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng, cấm tài trợ thuốc lá tại các sự kiện văn hoá, thể thao. Việt Nam được đánh giá là một trong 7 nước đạt kết quả cao nhất trong cấm toàn diện việc quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại và tài trợ thuốc lá.

Nhằm góp phần kiểm soát nguồn cung thuốc lá, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 2332/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch mạng lưới kinh doanh bán buôn sản phẩm thuốc lá trên phạm vi toàn quốc giai đoạn đến năm 2020; đồng thời tăng cường phối hợp phòng chống buôn lậu thuốc lá, nhất là ở các cửa khẩu biên giới. 

Một số khó khăn, tồn tại: 

- Thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá vẫn chưa hợp lý, chiếm chưa tới 45% giá bán lẻ sau thuế (WHO khuyến cáo 65-80%). Chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe, chồng chéo nhiệm vụ và khó khả thi. Quy hoạch mạng lưới kinh doanh bán buôn thuốc lá giai đoạn đến năm 2020 do Bộ Công thương phê duyệt chưa gắn với các mục tiêu PCTHTL. 

- Phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ và hiệu quả. Các địa phương chủ yếu ban hành văn bản và tổ chức một số hoạt động bề nổi…Chính quyền các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chưa chú trọng triển khai Luật. Tuyên truyền về Luật PCTHTL ở các địa phương vẫn còn hạn chế. Nhận thức về Luật và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa cao. Thanh tra, kiểm tra, giám sát thực thi Luật PCTHTL, nhất là với quy định cấm hút thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc chưa nghiêm.

- Các vi phạm pháp luật PCTHTL vẫn diễn ra thường xuyên: Vi phạm trong quảng cáo tại các điểm bán thuốc lá vẫn còn phổ biến. Kiểm soát mua bán thuốc lá chưa chặt chẽ, không kiểm soát được việc bán thuốc cho người dưới 18 tuổi, thuốc lá lậu trôi nổi và mua dễ dàng. Hút thuốc lá tại các trụ sở, cơ quan, địa điểm công cộng vẫn diễn ra phổ biến mà không bị xử phạt; chưa bảo đảm khu vực riêng cho người hút thuốc lá.

- Tỷ lệ hút thuốc lá vẫn còn ở mức cao. Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Tỷ lệ hút thuốc lá của thanh thiếu niên vẫn cao với độ tuổi bắt đầu hút ngày càng trẻ. Hút thuốc lá thụ động vẫn còn rất phổ biến tại các cơ quan, trường học, điểm giao thông công cộng và tại nhà.

- Việc tổ chức triển khai các biện pháp tư vấn, cai nghiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Chưa xây dựng được các mô hình tư vấn, cai nghiện thuốc lá có hiệu quả.

b) Phòng chống sử dụng dượu bia ở mức có hại

Từ năm 1954, Việt Nam đã ban hành Sắc lệnh kiểm soát sản xuất và sử dụng rượu. Đã có hơn 40 văn bản quy phạm pháp luật  liên qua trong đó có một số Luật quy định về sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ và sử dụng rượu, bia (Luật Thanh niên, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật Thương mại, Luật Quảng cáo..). Nhiều Nghị định, Thông tư đã được ban hành như Nghị định 94/2012/NĐ-CP quy định về sản xuất, kinh doanh rượu; Thông tư 39/2012/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu; Thông tư số 160/2013/TT-BTC Hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem đối với sản phẩm rượu nhập khẩu và rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước. 

Gần đây nhất, ngày 12/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 244/QĐ-TTg về “Chính sách quốc gia phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia và  đồ uống có cồn khác đến năm 2020”, trong đó nêu rõ quan điểm “Nhà nước không khuyến khích người tiêu dùng sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác”. Chính sách Quốc gia xác định những định hướng chung nhằm tạo nên sự đồng bộ trong các quy định thuộc mọi lĩnh vực thuộc đời sống xã hội về phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.  Dự thảo Luật về vấn đề này cũng đang được xây dựng, dự kiến trình Quốc hội trong thời gian tới.

Các chính sách, chiến lược trong lĩnh vực phòng chống lạm dụng rượu, bia có thể được phân chia thành các nhóm sau: 

- Chính sách giảm cầu rượu, bia: Áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia (thuế cho rượu dưới 20 độ là 25%; rượu trên 20 độ và bia chai là 45% (trước ngày 1/1/2013) và 50% kể từ ngày 01/01/2013); cấm quảng cáo sản phẩm rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên. 

- Chính sách về kiểm soát cung rượu, bia: Hạn chế sự sẵn có của rượu, bia bán lẻ; cấm bán sản phẩm rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu bằng máy tự động và bán rượu qua internet; về quản lý sản xuất, nhập khẩu, kinh doanhrượu, bia, đặc biệt chú trọng đến vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất rượu bia. 

- Chính sách liên quan đến giảm tác hại của sử dụng rượu, bia: Truyền thông phòng chống tác hại của sử dụng rượu, bia; cấm uống rượu,bia trong giờ làm việc và say rượu nơi công cộng… Cai nghiện, phục hồi chức năng cho người nghiện rượu.

- Quy định về xử phạt hành chính các hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh rượu, an toàn giao thông.

Để tổ chức, chỉ đạo, triển khai thực hiện các chính sách liên quan đến phòng chống tác hại rượu, bia, các ngành, đoàn thể, địa phương đã tăng cường tuyên truyền phòng chống tác hại của rượu, bia qua các kênh truyền thông với nhiều hình thức khác nhau. Ngành Công thương thực hiện việc cấp phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu với các cơ sở bán buôn; kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu. Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) triển khai 8 trung tâm trên toàn quốc để giám sát các sản phẩm rượu đang lưu thông trên thị trường.

Một số địa phương, ban ngành thực hiện việc cấm uống rượu, bia trong giờ hành chính (Hải Phòng, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Long An,…). Xây dựng mô hình tư vấn phòng chống rượu bia khi lái xe tại 3 bệnh viện, xây dựng cộng đồng an toàn, phòng chống rượu bia khi lái xe tại 2 xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Ngành Công an tăng cường việc kiểm tra vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Một số khó khăn tồn tại:

- Chưa có đầu mối thống nhất quản lý các hoạt động, thông tin và giám sát, đánh giá còn hạn chế.

- Các văn bản chính sách về phòng chống tác hại của rượu, bia vẫn chưa hoàn thiện, chưa phù hợp hoặc thiếu hướng dẫn thực hiện, khó áp dụng trên thực tế. Chưa có Luật phòng chống tác hại của rượu, bia. Các chính sách mới chú trọng nhiều hơn vào các tác hại cấp tính, trật tự trị an, chưa chú trọng đến phòng chống các BKLN. 

- Việc triển khai, giám sát thực hiện các chính sách chưa đồng bộ ở các cấp, thiếu kinh phí thực hiện các hoạt động phòng chống tác hại rượu, bia.

- Phối hợp liên ngành trong kiểm soát sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ rượu, bia còn gặp nhiều khó khăn. Chưa kiểm soát được nguồn cung và chất lượng rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh. Chưa kiểm soát được nhu cầu và hành vi tiêu thụ rượu, bia. Mua bán, tiêu thụ rượu ở người dưới 18 tuổi còn phổ biến.

- Nhận thức về tác hại của rượu, bia và ý thức tuân thủ pháp luật về phòng chống tác hại của rượu, bia còn rất hạn chế trong khi việc thông tin, giáo dục, truyền thông hạn chế sử dụng rượu, bia vẫn còn mang tính chất chung chung, chưa hiệu quả; 

- Việc tổ chức tư vấn cai nghiện, điều trị nghiện rượu, phục hồi chức năng cho người nghiện chưa được quan tâm đúng mức: chưa có hướng dẫn đầy đủ về sàng lọc, tư vấn hỗ trợ, mô hình cai nghiện tại cộng đồng; thiếu nguồn lực và các chính sách hỗ trợ.

c) Tăng cường dinh dưỡng hợp lý

Việt Nam đã xây dựng Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng cho từng giai đoạn: Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2001-2010 theo Quyết định số 21/2001/QĐ-TTG ngày 22 tháng 2 năm 2001. Quyết định 226/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030.

Bộ Y tế đã ban hành các hướng dẫn, khuyến nghị về dinh dưỡng hợp lý: Quyết định 05/2007/QĐ-BYT năm 2007 về “Mười lời khuyên dinh dưỡng hợp lý giai đoạn 2006-2010”; Quyết định 189/QĐ-BYT năm 2013 về “Mười lời khuyên dinh dưỡng hợp lý đến năm 2020”.

Một số chính sách liên ngành có liên quan: Nghị định 21/2006/NĐ-CP; Thông tư 10/2006/TTLT/BYT-BTM-BVHTT-UBDSGĐTE về kinh doanh, sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Quyết định số 149/2006/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2006 - 2015" và Quyết định số 239/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010-2015”. Quyết định 01/2012/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. 

Để chỉ đạo, tổ chức thực hiện đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa nội dung giáo dục dinh dưỡng sức khỏe vào chương trình chăm sóc giáo dục trẻ ở nhà trẻ mẫu giáo; Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có gas; Bộ Y tế phát động “Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ”; “Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển”; tham gia sáng kiến bệnh viện thân thiện và thực hiện hướng dẫn “Mười bước cho con bú thành công”; tuyên truyền “Mười lời khuyên dinh dưỡng hợp lý”; thành lập Khoa dinh dưỡng lâm sàng tại các bệnh viện; Viện Dinh dưỡng đào tạo Dinh dưỡng học đường bậc học mầm non; Trường Đại học Y Hà Nội triển khai đào tạo cử nhân dinh dưỡng cộng đồng; Các địa phương ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng trong từng giai đoạn 2001-2005, 2006-2010 và 2011-2015; tổ chức mít tinh tuyên truyền hưởng ứng tuần lễ “Dinh dưỡng và phát triển”; Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh triển khai các đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn . 

Một số khó khăn, tồn tại:

- Việc tuyên truyền dinh dưỡng chưa tập trung vào trọng tâm giảm tiêu thụ muối, đường và thực phẩm nhiều chất béo chuyển hoá. Nội dung tuyên truyền còn chung chung. Người dân chưa có kiến thức về tác hại của chất béo chuyển hoá, các loại thực phẩm nhiều chất béo chuyển hoá và cách sử dụng các loại thực phẩm để bảo đảm lượng muối theo khuyến cáo

- Chưa có chính sách và giải pháp kỹ thuật nhằm kiểm soát hàm lượng muối và chất béo chuyển hoá trong thực phẩm và hỗ trợ các cơ sở sản xuất thay thế chất béo chuyển hoá. 

- Thiếu các chính sách và chế tài đồng bộ về kinh tế, xã hội để khuyến khích, hỗ trợ việc sản xuất, kinh doanh, phân phối các loại thực phẩm lành mạnh, có lợi cho sức khoẻ ví dụ giảm thuế, trợ giá cho sản xuất kinh doanh rau quả, thực phẩm sạch;

- Tình trạng sử dụng tràn lan các hoá chất độc hại trong sản xuất, chế biến thực phẩm đang ở mức báo động, khó kiểm soát

d) Tăng cường hoạt động thể lực

Trong thời gian qua đã có ít nhất 6 văn bản luật đề cập đến việc phát triển thể dục thể thao nâng cao thể lực và sức khoẻ của người dân: Luật Thể dục, thể thao năm 2006; Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân năm 1989; Luật Giáo dục năm 1998, năm 2005 và năm 2009; Luật Bảo vệ và chăm sóc, giáo dục trẻ em năm 1991 và năm 2004; Luật Thanh niên năm 2005; Luật Người cao tuổi năm 2009.

Một số văn bản, chính sách phát triển TDTT đã được ban hành như: Quy hoạch phát triển ngành TDTT giai đoạn 2001-2010; các chương trình phát triển TDTT quần chúng và phát triển TDTT xã phường; Chiến lược phát triển ngành TDTT giai đoạn 2011-2020; Quy hoạch phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020; Chiến lược giáo dục giai đoạn 2001-2010 và 2011-2020; Thông tư 15/2013/TT-BLĐTBXH về tổ chức hoạt động TDTT cho học sinh, sinh viên ở các cơ sở dạy nghề; Quyết định số 641/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030.

Để chỉ đạo và tổ chức thực hiện chính sách tăng cường hoạt động thể lực, một số hoạt động đã được triển khai như thành lập Văn phòng Ban điều phối Đề án 641 điều phối các hoạt động của Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030; Xây dựng kế hoạch, đề án tăng cường công tác rèn luyện thể chất, luyện tập TDTT trong các ngành, đoàn thể: giáo dục, thanh niên,…Các nội dung phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các ban ngành; Vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2012-2020, lồng ghép phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “CTMTQG xây dựng nông thôn mới 2010-2020”; 5 thành phố trực thuộc Trung ương đang nghiên cứu triển khai đề án thí điểm cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng.

Một số khó khăn tồn tại:

- Chưa có một đầu mối tổ chức thống nhất để điều phối, huy động sự tham gia của liên ngành trong thúc đẩy hoạt động thể lực phòng chống BKLN và thiếu một hệ thống thông tin theo dõi, giám sát và đánh giá các hoạt động.

- Truyền thông, giáo dục về tăng cường hoạt động thể lực phòng chống BKLN chưa hiệu quả, ý thức của người dân trong tham gia rèn luyện thể lực nâng cao sức khoẻ chưa cao. Chưa quan tâm tổ chức, hướng dẫn các hình thức hoạt động thể lực đa dạng phù hợp với điều kiện của từng đối tượng.

- Phối hợp liên ngành còn rất hạn chế trong việc khuyến khích hoạt động thể chất nâng cao sức khoẻ, tuyên truyền, giáo dục; công tác quy hoạch, lập kế hoạch xây dựng. Phong trào TDTT quần chúng chưa được phát triển sâu rộng và bền vững.

- Thiếu môi trường thuận tiện và các điều kiện cơ sở vật chất hỗ trợ người dân tăng cường rèn luyện thể lực nâng cao sức khoẻ, nhất là trong trường học các cấp, trong các cơ quan, công sở và tại các địa điểm công cộng. 

3. Phòng chống các bệnh THA, ĐTĐ, ung thư và COPD 

Hoạt động phòng chống BKLN được thực hiện chủ yếu thông qua 4 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế gồm dự án phòng chống THA, phòng chống ĐTĐ, phòng chống ung thư, phòng chống COPD và hen phế quản. 

a) Đánh giá dựa trên mục tiêu của các dự án

Mục tiêu cụ thể 2012-2015 Tình hình thực hiện đến 2013

Phòng chống THA

1. Nâng cao nhận thức của nhân dân về phòng chống và kiểm soát bệnh THA. Phấn đấu đạt chỉ tiêu 50% người dân hiểu đúng về bệnh THA và các biện pháp phòng, chống bệnh THA;

2. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực làm công tác dự phòng và quản lý bệnh THA tại tuyến cơ sở. Phấn đấu đạt chỉ tiêu 80% cán bộ y tế hoạt động trong phạm vi Dự án được đào tạo về các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và quản lý bệnh THA;

3. Xây dựng, triển khai và duy trì bền vững mô hình quản lý bệnh THA tại tuyến cơ sở;

4. Phấn đấu đạt chỉ tiêu 50% số bệnh nhân THA được phát hiện sẽ được điều trị đúng theo phác đồ do Bộ Y tế quy định.

1. 50% người dân trong cộng đồng có hiểu biết đúng về bệnh THA và cách phòng chống bệnh THA 

 

 

2. 80% cán bộ y tế hoạt động trong phạm vi Dự án được đào tạo về các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và quản lý bệnh THA.

 

 

 

3. Chương trình quản lý bệnh THA tại cơ sở được triển khai tại 1.116 xã, phường của 63 tỉnh thành.

4. 50% số bệnh nhân THA được phát hiện  được điều trị đúng theo phác đồ do Bộ Y tế quy định.

Phòng chống ung thư

1. Nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng và phát hiện sớm bệnh ung thư

2. Tăng 5-10% tỷ lệ bệnh nhân ung thư được phát hiện sớm đồng thời giảm tỷ lệ tử vong của một số loại ung thư: vú, cổ tử cung, khoang miệng, đại trực tràng.

 

1. Năm 2013 điều tra tại 12 tỉnh: 

- Tỷ lệ hiểu biết cơ bản đúng về phòng chống ung thư là 30,9%; thấp hơn so với điều tra năm 2009 (35%).

- 79% người bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn muộn.

2. Sử dụng dữ liệu từ 135 bệnh viện ở 5 tỉnh thành lớn (năm 2010): trong số 22,7% các trường hợp ung thư vú có thể được chẩn đoán được giai đoạn mắc, 64,2% trường hợp ở giai đoạn muộn (giai đoạn> III). Không có dữ liệu thể hiện sự thay đổi tỷ lệ bệnh nhân đến muộn theo thời gian.

3. Không có đủ thông tin để đánh giá sự thay đổi về tỷ lệ tử vong.

Phòng chống ĐTĐ

1. Phấn đấu đạt chỉ tiêu 50% người dân trong cộng đồng hiểu biết về bệnh ĐTĐ và các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe do bệnh ĐTĐ gây ra;

 

 

2. Giảm tỷ lệ người mắc bệnh ĐTĐ không được phát hiện trong cộng đồng xuống dưới 60%;

 

3. Xây dựng, triển khai và duy trì mô hình quản lý bệnh ĐTĐ trên phạm vi cả nước;

 

 

4. Theo dõi và điều trị có hệ thống 50% số người mắc bệnh ĐTĐ đã được phát hiện theo phác đồ Bộ Y tế quy định.

1. Kết quả điều tra 2012 ở đối tượng 30-70 tuổi: chỉ 3,9% có kiến thức trung bình trở lên về sự nguy hiểm và biến chứng của bệnh; 0,6% có kiến thức về các yếu tố nguy cơ; 21,9% có kiến thức về phòng và điều trị ĐTĐ.

2. Kết quả điều tra 2012 ở đối tượng 30-70 tuổi: Tỷ lệ người bệnh mắc ĐTĐ trong cộng đồng không được phát hiện là 63,6%.

3. Trên 90% các đơn vị thuộc dự án có phòng khám, tư vấn về đái tháo đường; 95,4% số tỉnh/thành phố có bệnh viện nội tiết, trung tâm nội tiết hoặc khoa nội tiết thuộc bệnh viện đa khoa tỉnh.

4. Chưa có số liệu.

Phòng chống COPD và hen phế quản

1. Phấn đấu đào tạo được 70% số bác sỹ tham gia khám, chẩn đoán và điều trị COPD và hen phế quản ở các tỉnh tham gia dự án.

2. Phấn đấu xây dựng được Phòng quản lý COPD ở 70% số tỉnh tham gia dự án.

3. Phấn đấu 50% số bệnh nhân ở các tỉnh tham gia dự án, có chẩn đoán COPD và hen phế quản được kê đơn đúng theo hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế.

1. 70% số bác sỹ tham gia khám, chẩn đoán và điều trị COPD và hen phế quản ở các tỉnh tham gia dự án được đào tạo.

 

2. Xây dựng Phòng quản lý COPD ở 25/25 tỉnh tham gia dự án.

3. 50% số bệnh nhân ở các tỉnh tham gia dự án, có chẩn đoán COPD và hen phế quản được kê đơn đúng theo hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế.

b) Hoạt động truyền thông 

Các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu dự phòng ung thư bao gồm các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá, tuyên truyền chế độ dinh dưỡng, nâng cao nhận thức của cộng đồng về ung thư, giáo dục sức khoẻ sinh sản, phòng chống ung thư do yếu tố nghề nghiệp và môi trường và phòng chống nhiễm trùng liên quan tới ung thư. Giáo dục sức khỏe được tăng cường nhằm cung cấp cho cộng đồng những kiến thức cần thiết về bệnh ung thư, các dấu hiệu sớm của ung thư. Hoạt động giáo dục sức khỏe cho người dân về phòng chống và kiểm soát bệnh ung thư chủ yếu thông qua qua tờ rơi, truyền hình, phát thanh và tạp chí. Qua khảo sát đánh giá về kiến thức PCUT của người dân tại một số tỉnh thành năm 2012 của Viện K đã cho thấy 55% người dân có hiều biết cơ bản về PCUT.

Để đạt được mục tiêu “50% người dân hiểu đúng về bệnh THA và cách phòng, chống bệnh THA”, Dự án THA đã tiến hành hoàn thiện và cập nhật nội dung các chương trình truyền thông giáo dục phổ biến kiến thức trên các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương (VTV1, VTV2, VTV3, O2TV, VOV…). Thiết kế hoàn chỉnh bộ tài liệu truyền thông (panô, áp phích, tờ rơi, tranh gấp, tranh lật). Hoàn thiện và cung cấp các TV Spot về THA cho các tỉnh/thành phố thống nhất phát trên đài truyền hình địa phương. Hàng năm tổ chức hưởng ứng sự kiện “Ngày Tim mạch thế giới” và “Ngày THA thế giới”, thành lập các Câu lạc bộ THA, tổ chức tư vấn và trao đổi trực tiếp giữa bệnh nhân và các chuyên gia tim mạch về dự phòng và điều trị đúng bệnh THA.

Hoạt động truyền thông giáo dục sức khoẻ phòng chống ĐTĐ cho cộng động được thực hiện trên cả 63 tỉnh thành với nhiều hình thức phong phú: tranh lật, apphíc, tờ rơi, băng hình, nói chuyện chuyên đề phòng chống ĐTĐ và chế độ dinh dưỡng hợp lý, tạp chí (báo Sức khoẻ-Đời sống), tư vấn về dự phòng ĐTĐ tại tuyến cơ sở...Tổ chức khám miễn phí và đẩy mạnh hoạt động truyền thông ngày phòng chống ĐTĐ thế giới. Lấy ngày ĐTĐ thế giới là ngày vận động các tầng lớp xã hội và cộng đồng chung tay phòng chống ĐTĐ. Ngoài ra, năm 2011-2012, mô hình truyền thông thay đổi hành vi dựa vào cộng đồng đã được triển khai thí điểm tại 05 tỉnh: Thanh Hóa, Ninh Bình, Hải Phòng, Tiền Giang, Lâm đồng.

Đối với phòng chống COPD, các hoạt động truyền thông giáo dục sức khoẻ cho cộng đồng đa số qua các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, phát thanh, tờ rơi, poster, pano, băng rôn, báo chí. Ngoài ra, công tác truyền thông còn thông qua các hoạt động sự kiện như: tổ chức hoạt động chào mừng ngày Hen toàn cầu và COPD toàn cầu; tổ chức chương trình sự kiện truyền hình trực tiếp nhân ngày thế giới không hút thuốc là và tuần lễ quốc gia không hút thuốc lá…

c) Khám sàng lọc, phát hiện sớm và quản lý điều trị

Trong giai đoạn 2011 – 2013 Dự án phòng chống ung thư đã tiến hành khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú, cổ tử cung cho trên 142.000 phụ nữ thuộc nhóm nguy cơ cao, khám sàng lọc và phát hiện sớm ung thư khoang miệng và đại trực tràng cho trên 31.000 đối tại một số tỉnh. Các trường hợp qua sàng lọc có những tổn thương nghi ngờ đã được chuyển đến cơ sở y tế chuyên khoa để chẩn đoán xác định và điều trị. Năm 2013, tỷ lệ phát hiện ung thư vú là 58,5/100.000 dân (trong khi tỷ lệ mới mắc qua số liệu của ghi nhận ung thư cho kết quả 29,9/100.000 dân); tỷ lệ phát hiện ung thư cổ tử cung là 36,5/100.000 dân trong khi tỷ lệ mới mắc qua số liệu của ghi nhận ung thư cho kết quả 13,5/100.000 dân). Việc phát hiện sớm các trường hợp ung thư đã giúp cho công tác điều trị đơn giản hơn và chi phí chỉ bằng 20% so với điều trị muộn. Công tác chẩn đoán điều trị đã đạt được nhiều tiến bộ. Từ năm 2008 Bộ Y tế đã phê duyệt đề án phát triển mạng lưới phòng, chống ung thư giai đoạn 2009-2020. Đồng thời đề án 1816 và đề án bệnh viện vệ tinh về phòng chống ung thư đã phát huy được hiệu quả cao.

Đối với  dự án phòng chống THA, tính đến hết năm 2014, hoạt động khám sàng lọc và quản lý bệnh nhân THA được triển khai trên địa bàn 1.179 xã/phường trong toàn quốc, trong đó khám sàng lọc cho 2.203.893.000 người từ 40 tuổi trở lên (phát hiện 365.182 người mắc tăng huyết áp, trong đó 181.861 người lần đầu tiên được phát hiện tăng huyết áp chiếm 49,8%). Bệnh nhân THA được phát hiện sau sàng lọc đều được tư vấn quản lý tại các cơ sở y tế. Từ năm 2010, Bộ Y tế đã ban hành “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị THA” được phổ biến rộng rãi trên cả nước. 

Từ năm 2011 đến hết 6 tháng đầu năm 2014 đã khám sàng lọc cho 872.993 đối tượng có yếu tố nguy cơ, phát hiện 66.051 người ĐTĐ (7,5%) và 131.757 tiền ĐTĐ (15,1%). Ngoài tổ chức các đợt khám sàng lọc, dự án còn tiến hành khám sàng lọc cơ hội tại các phòng khám bệnh cho người đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Theo số liệu thống kê báo cáo tại các đơn vị triển khai dự án phòng chống ĐTĐ trên toàn quốc tỉ lệ đối tượng được quản lý là 39,5% tại thời điểm 6 tháng đầu năm 2014. Dự án cũng đã hướng dẫn thành lập các phòng khám, tư vấn tại các Trung tâm Nội tiết, Trung tâm YTDP tuyến tỉnh, huyện. Năm 2012 đã khám tư vấn cho 111.743 lượt; năm 2013 khám tư vấn cho 119.896 lượt đối tượng. Phối hợp với WHO và IDF khu vực xây dựng triển khai mô hình quản lí và điều trị ĐTĐ tại tuyến tỉnh: Thái Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk và Bình Thuận. Năm 2011, Bộ Y tế đã ban hành Tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh ĐTĐ tuýp II (Quyết định 3280/QĐ-BYT).

Dự án phòng chống COPD và hen phế quản đang được triển khai tại 25 tỉnh, thành phố với 42 phòng quản lý COPD và hen phế quản. Tiến hành khám sàng lọc phát hiện COPD và hen phế quản tại bệnh viện Bạch Mai và tại các địa phương. Tất cả các bệnh nhân được phát hiện bệnh sau khám sàng lọc đều được đưa vào danh sách quản lý điều trị tại phòng Quản lý COPD và hen phế quản của bệnh viện Bạch Mai và tại các địa phương thực hiện dự án. Trong giai đoạn 2011-2013 đã khám sàng lọc phát hiện bệnh cho 93.451 người, trong đó phát hiện và quản lý 2521 bệnh nhân hen phế quản (2,69%) và 1941 bệnh nhân COPD (2,07%).

d) Chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng

Chăm sóc giảm nhẹ là hoạt động không thể thiếu nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư, đây cũng là một trong năm mục tiêu của Dự án phòng chống ung thư. Các hoạt động chăm sóc giảm nhẹ đã thực hiện bao gồm: tư vấn và giúp đỡ thành lập đơn nguyên chăm sóc giảm nhẹ tại một số tỉnh đã có khoa Ung bướu, tập huấn Chăm sóc giảm nhẹ cho cán bộ y tế làm việc tại các khoa ung bướu. Bước đầu dự án đã hoàn thiện xây dựng mô hình chăm sóc bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối tại cộng đồng; xây dựng văn bản về quản lý thuốc gây nghiện và triển khai việc cung cấp thuốc giảm đau theo bậc thang thuốc chống đau của TCYTTG tại tuyến cơ sở.

đ) Phát triển mạng lưới 

Tính đến năm 2013 dự án phòng chống ung thư đã triển khai tại 37 tỉnh, thành phố, thành lập 37 khoa ung bướu. Trong giai đoạn 2002-2011, ngành ung thư Việt Nam kết hợp với Chương trình phòng chống ung thư quốc gia đã xây dựng và đưa vào hoạt động thêm 2 bệnh viện Ung buớu.

Mạng lưới phòng chống THA được triển khai với việc thành lập Ban chủ nhiệm chương trình tại 63 tỉnh, thành phố; thiết lập các đơn vị phòng chống THA đặt tại các bệnh viện tỉnh, thành phố. Hiện tại đầu mối lập kế hoạch và tổ chức triển khai tại tuyến tỉnh được giao cho nhiều đơn vị khác nhau tùy theo từng tỉnh: Sở Y tế (25), Trung tâm phòng chống bệnh xã hội (2), Trung tâm Y tế dự phòng (29), Trung tâm Nội tiết (5), và Bệnh viện đa khoa tỉnh (2).

Mạng lưới phòng chống ĐTĐ hiện nay được thiết lập tại 6 bệnh viện Nội tiết, 6 Trung tâm Nội tiết, 4 Trung tâm Sốt rét-Nội tiết, 2 Trung tâm Phòng chống các bệnh xã hội, 1 Trung tâm Dinh dưỡng và 45 Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Ngoài ra tại tuyến huyện, bệnh viện Nội tiết Trung ương đã đề xuất với các tỉnh thành lập đơn vị, phòng tư vấn thuộc bệnh viện huyện hoặc thuộc TTYT huyện, đảm bảo cho người bệnh và các đối tượng có yếu tố nguy cơ có thể tiếp cận. 

Trong năm 2011, dự án Phòng chống COPD được triển khai trên 4 tỉnh thành (Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định và Hưng Yên), năm 2012 mở rộng thành 10 tỉnh và đến năm 2013 đã triển khai tại 25 tỉnh/thành phố. Tại các tỉnh đều thành lập các Ban điều hành dự án tỉnh nhằm thực hiện đồng bộ các hoạt động của dự án từ Trung ương xuống địa phương và thành lập các Phòng Quản lý COPD nhằm thực hiện tốt hơn việc quản lý và điều trị bệnh nhân COPD và hen phế quản.

e) Nâng cao năng lực của mạng lưới

Tính đến năm 2011, cả nước chỉ có hai trường đại học y khoa (Đại học Y Hà Nội và Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh) có giảng dạy về môn ung thư trong chương trình đại học, số bác sỹ tốt nghiệp tại hai trường đại học này khoảng 2.000 bác sĩ mỗi năm. Số bác sỹ tốt nghiệp này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người dân về dịch vụ điều trị ung thư. Dự án phòng chống ung thư quốc gia đã cung cấp và hỗ trợ đào tạo nhằm nâng cao năng lực của cán bộ y tế các cấp trong công tác phòng chống và kiểm soát ung thư. Hoạt động đào tạo bao gồm đào tạo liên tục, đào tạo lại, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ.

Hoạt động đào tạo tập huấn về phòng chống THA được thực hiện nhằm nâng cao năng lực của nhân viên y tế các cấp từ trung ương đến địa phương, bao gồm: đào tạo giảng viên về khám sàng lọc, quản lý và điều trị bệnh nhân THA; quản lý giám sát dự án; truyền thông giáo dục sức khỏe cho các cán bộ quản lý và bác sĩ lâm sàng tim mạch tại 63 tỉnh/thành phố; tập huấn cho nhân viên y tế xã về cách đo huyết áp đúng; các biện pháp thay đổi lối sống để dự phòng và điều trị bệnh THA; các biện pháp điều trị bệnh THA bằng thuốc; mô hình dự phòng và quản lý bệnh THA ở cộng đồng; tập huấn các hoạt động giám sát dự phòng và quản lý bệnh THA ở cộng đồng. Tổng cộng đã có 84.136 lượt cán bộ y tế ở tất cả các tuyến được đào tạo, tập huấn các loại.

Dự án phòng chống ĐTĐ đã tổ chức đào tạo, tập huấn về chẩn đoán, điều trị truyền thông cán bộ tuyến tỉnh, huyện. Hàng năm Dự án cũng phối hợp với Hội Nội tiết- ĐTĐ, các Trường đại học và các địa phương mở các lớp chuyên khoa định hướng, đào tạo tập huấn ngắn hạn cho cán bộ y tế. 100% các đơn vị phòng chống ĐTĐ tuyến tỉnh đã cử cán bộ tham dự đầy đủ các khóa tập huấn theo yêu cầu. Toàn bộ cán bộ chuyên trách công tác phòng chống bệnh ĐTĐ tuyến huyện. Tính tới năm 2014 toàn bộ nhân viên y tế chuyên trách của tuyến xã  đã được tham gia tập huấn phòng chống bệnh ĐTĐ.

Trong ba năm từ 2011 đến 2013, Dự án phòng chống COPD đã tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho các cán bộ y tế của bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện lao và bệnh phổi của tỉnh, các cán bộ y tế tuyến huyện/xã về chẩn đoán, điều trị COPD và hen phế quản; cách phòng tránh các yếu tố nguy cơ của COPD và hen phế quản; tập huấn về cách đo chức năng hô hấp và hướng dẫn dùng thuốc điều trị COPD và hen phế quản. Tổng số đã đào tạo 439 giảng viên nguồn cho tuyến tỉnh, trên 10.000 học viên cho các địa phương

Đánh giá các khó khăn tồn tại 

- Chưa có sự phối hợp lồng ghép trong việc triển khai các dự án mục tiêu phòng chống BKLN. Mô hình các đơn vị thực hiện phòng chống đái tháo đường, tăng huyết áp không thống nhất, đặc biệt ở tuyến tỉnh, huyện

- Thiếu kinh phí triển khai Chương trình mục tiêu: Năm 2014, kinh phí bị cắt giảm 65% đối với các dự án thuộc CTMTQG. Hầu hết không có nguồn kinh phí đối ứng của địa phương. Chậm trong việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch hoạt động

- Tỷ lệ bao phủ của Chương trình mục tiêu phòng chống BKLN còn thấp: Quy mô triển khai còn nhỏ, dự án COPD mới triển khai tại 25 tỉnh, dự án tăng huyết áp mới triển khai quản lý bệnh <10% số xã phường. Một số hoạt động chỉ giới hạn chủ yếu tại các cơ sở khám chữa bệnh (COPD, ung thư). Hệ thống ghi nhận ung thư mới bao phủ 20% dân số, toàn quốc chỉ có 5 cơ sở có thực hiện chăm sóc giảm nhẹ.

- Tỷ lệ phát hiện, can thiệp, quản lý, điều trị các BKLN còn rất thấp: Thông qua các chương trình sàng lọc, các dự án mới góp phần phát hiện khoảng gần 400.000 người tăng huyết áp (chiếm 3% trong tổng số khoảng 13 triệu người hiện mắc THA), phát hiện 66.000 người mắc ĐTĐ,  khoảng 5000 bệnh nhân mắc COPD và hen phế quản. Trong số được phát hiện, tỷ lệ được quản lý điều trị cũng đạt thấp.

- Sàng lọc phát hiện sớm là một nội dung trọng tâm của các dự án tuy nhiên còn nhiều bất cập: Chưa có hướng dẫn quốc gia về sàng lọc phát hiện sớm ung thư, BHYT chưa sẵn sàng và chưa có cơ chế chi cho khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư. Việc sàng lọc phát hiện sớm THA theo phương pháp chủ động đòi hỏi chi phí lớn và không khả thi. Tỷ lệ tiền ĐTĐ và ĐTĐ được phát hiện qua sàng lọc chủ động còn rất thấp.

- Dự phòng đóng vai trò quan trọng tuy nhiên mạng lưới y tế dự phòng chưa tham gia tích cực và chủ động vào hoạt động của một số dự án. Một số hoạt động dự án mới chỉ tập trung vào phát hiện và quản lý điều trị bệnh, chưa triển khai xuống cộng đồng, chưa có sự tham gia của YTDP và y tế xã (COPD, ung thư). Chưa có can thiệp dự phòng cho người có nguy cơ cao bị ung thư sau khi được phát hiện qua sàng lọc. Mức độ bao phủ dịch vụ tư vấn về ĐTĐ còn thấp.

- Nguồn nhân lực đáp ứng tại các tuyến y tế vừa thiếu vừa yếu: Cán bộ kiêm nhiệm/chuyên trách còn rất thiếu và không ổn định tại tuyến tỉnh, huyện và xã. Năng lực chuyên môn về quản lý điều trị THA, ĐTĐ, COPD, chăm sóc dự phòng ung thư còn yếu ở các tuyến, nhất là y tế cơ sở. 

- Thiếu thuốc điều trị và trang thiết bị: Thuốc thiết yếu cho hen phế quản và COPD, ĐTĐ không có sẵn tại y tế cơ sở. Tiếp cận thuốc điều trị THA còn bất cập trong việc xây dựng danh mục và lựa chọn thuốc, quy định về thời gian cấp thuốc định kỳ. BHYT không chi trả một số thuốc điều trị theo khuyến cáo; thiếu điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và thiếu cơ chế khuyến khích cho cán bộ trạm y tế xã.

4. Phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nhân lực trong lĩnh vực phòng chống BKLN nằm trong bối cảnh chung về phát triển nhân lực y tế Việt nam. 

Trong những năm qua, các hoạt động phòng, chống BKLN chủ yếu được triển khai thông qua các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Vì vậy nhân lực thực hiện các hoạt động hầu hết dựa vào nguồn nhân lực sẵn có của mạng lưới khám chữa bệnh các chuyên khoa tim mạch, ung bướu, nội tiết và hô hấp của các tuyến Trung ương và tuyến tỉnh. Cán bộ kiêm nhiệm/chuyên trách còn rất thiếu và không ổn định tại tuyến tỉnh, huyện và xã. Năng lực chuyên môn về quản lý điều trị THA, ĐTĐ, COPD, chăm sóc dự phòng ung thư còn yếu ở các tuyến, nhất là y tế cơ sở. Đặc biệt đội ngũ cán bộ thuộc lĩnh vực y tế dự phòng còn tham gia chưa tích cực và chủ động vào các hoạt động dự phòng BKLN.

Các chương trình đào tạo cấp bằng sau đại học, đại học, cao đẳng, trung cấp trong lĩnh vực y đã bao gồm các nội dung thiết yếu liên quan đến BKLN, tuy nhiên  một số chương trình chưa đảm bảo chất lượng, chưa được chuẩn hóa dựa trên năng lực đầu ra.

Hoạt động đào tạo liên tục còn nhiều hạn chế, một số lớp tập huấn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Việc đào tạo liên tục cho tuyến dưới chưa có sự lồng ghép. Do nguồn kinh phí hạn hẹp nên số lượng cán bộ y tế được qua tập huấn còn ít.

5. Tài chính

Từ năm 2002 đến nay, hoạt động phòng, chống BKLN đã từng bước được Nhà nước quan tâm đầu tư. Các dự án phòng chống bệnh THA, ĐTĐ, ung thư và COPD đã lần lượt được Chính phủ phê duyệt đưa vào CTMTQG về y tế và được phân bổ ngân sách hàng năm. Chỉ riêng trong 2 năm 2012 và 2013, tổng kinh phí cho các dự án tương đối ổn định, khoảng 200 tỷ đồng/năm (bao gồm cả dự án CSSK tâm thần tại cộng đồng). Đây là nguồn tài chính chủ yếu để bảo đảm các hoạt động phòng chống BKLN, để chi cho nâng cao năng lực, sàng lọc, quản lý điều trị, truyền thông và theo dõi đánh giá chương trình. Ngoài nguồn ngân sách nhà nước cấp cho chi thường xuyên, còn có ngân sách đầu tư cho xây dựng cơ bản (xây dựng các trung tâm ung bướu) và nguồn kinh phí huy động từ các nguồn vốn viện trợ, BHYT và viện phí.

Tuy nhiên so với nhu cầu hoạt động, đầu tư tài chính cho phòng, chống BKLN còn rất hạn hẹp. Trong giai đoạn 2005-2011, tỷ lệ chi cho phòng chống BKLN trong tổng chi y tế quốc gia háng năm chỉ chiếm 2,5%-3,5%, trong khi đó gánh nặng BKLN đang gia tăng và chiếm tới trên 70% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong. Đối với nguồn CTMTQG, ngân sách cho cho BKLN trong tổng kinh phí CTMTQG y tế chiếm tỷ lệ thấp 12,7% (2013) giảm so với năm 2012 (15,6%). Năm 2014, nguồn tài chính cho các chương trình mục tiêu y tế bị cắt giảm 50-70%.

Việc phân bổ kinh phí chia cắt theo các chương trình dọc, không có sự phối hợp, lồng ghép và điều phối chung giữa các chương trình. Kinh phí cho hoạt động điều trị bao gồm các nguồn từ ngân sách Nhà nước, BHYT và viện phí. Kinh phí cho hoạt động dự phòng chủ yếu tư nguồn ngân sách nhà nước thông qua chi thường xuyên cấp cho các đơn vị dự phòng và CTMTQG. 

Diện bao phủ BHYT mới đạt 70% dân số, trong khi ngân sách từ BHYT hạn hẹp, phạm vi chi trả bị giới hạn, chủ yếu cho các dịch vụ khám chữa bệnh. BHYT không chi trả một số dịch vụ phòng chống BKLN. Chưa có hướng dẫn thanh toán BHYT cho sàng lọc một số bệnh theo Luật BHYT, không thanh toán chi phí tư vấn. Vướng mắc trong thanh toán BHYTđối với các chi phí thuốc khi nguồn từ ngân sách nhà nước bị cắt giảm.

Ngân sách cho phòng chống BKLN chưa được phân bổ phù hợp, không khuyến khích sàng lọc phát hiện sớm, dự phòng và kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Kinh phí chủ yếu vẫn tập trung cho lĩnh vực điều trị và tập trung cho tuyến trên. Số liệu khám chữa bệnh BHYT cho thấy 2/3 kinh phí từ BHYT chi trả cho các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương, tuyến y tế cơ sở gồm bệnh huyện và trạm y tế xã với trên 80% số người có BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu chỉ được sử dụng hơn 30% kinh phí BHYT. Các hoạt động dự phòng và nâng cao sức khỏe chưa được chú trọng đầu tư đúng mức. Tổng kinh phí cho dự phòng và nâng cao sức khỏe nói chung chỉ chiếm khoảng 30% tổng chi y tế toàn xã hội, và tỷ lệ này còn thấp hơn nhiều nếu tách riêng cho lĩnh vực dự phòng BKLN, trong khi 10 can thiệp lựa chọn hàng đầu theo khuyến cáo của WHO đều là các can thiệp dự phòng yếu tố nguy cơ và thực hiện ở cộng đồng. 

6. Dược, vắc xin và trang thiết bị y tế 

Hiện nay Việt nam đã có danh mục thuốc thiết yếu và thuốc được BHYT chi trả dã bao phủ hầu hết các thuốc điều trị BKLN. Bên cạnh đố Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị một số BKLN như THA, ĐTĐ, hen phế quản… trong đó hướng dẫn việc sử dụng các thuốc thiết yếu cho điều trị. Hầu hết các trang thiết bị thiết yếu cho chẩn đoán, điều trị BKLN đã được Bộ Y tế quy định trong danh mục của các cơ sở y tế công. 

Mặc dù đã có trong danh mục quy định nhưng một số thuốc điều trị BKLN thường không sẵn có tại các cơ sở y tế công, đặc biệt tại các trạm y tế xã, phường, ví dụ như thuốc điều trị COPD và hen phế quản. Không có thuốc nào thuộc nhóm thuốc điều trị ung thư được quy định sử dụng tại trạm y tế. Một nghiên cứu tại 176 trạm y tế xã có bác sỹ cho thấy tỷ lệ thuốc thiết yếu theo danh mục chỉ đạt 12,5-20%.

Người BKLN khó tiếp cận thuốc còn do các thuốc điều trị/kiểm soát bệnh tăng huyết áp và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính chưa có trong danh mục thuốc mạn tính nên bị giới hạn số ngày kê đơn thuốc. 

Đa số các trạm y tế xã cũng đang thiếu trang thiết bị thiết yếu phục vụ cho xét nghiệm, theo dõi, chẩn đoán một số BKLN (ví dụ glucometer mao mạch).

Giá thuốc, chất lượng thuốc: Quy chế đấu thầu thuốc hiện nay dựa trên tiêu chí về giá có thể dẫn tới thuốc có chất lượng tốt hơn, nhưng chi phí cao hơn sẽ không đủ điều kiện thắng thầu. Giá một số thuốc điều trị cao hơn giá tham chiếu trong khu vực. Sử dụng vắc xin phòng HPV chưa được đánh giá đầy đủ để áp dụng rộng rãi

7. Hoạt động giám sát BKLN

a) Mạng lưới giám sát 

Hiện tại Việt Nam chưa có mạng lưới giám sát để đảm bảo thu thập số liệu một cách chuẩn hóa, thống nhất, toàn diện và mang tính hệ thống. Chưa thiết lập các điểm giám sát và đầu mối giám sát tại Trung ương, các khu vực và tại các tỉnh. Hiện tại các hoạt động thu thập thông tin chủ yếu dựa vào các dự án BKLN cho từng bệnh riêng lẻ, chưa có sự kết nối với nhau.

Trước đây, Chương trình phòng chống BKLN của Bộ Y tế đã bước đầu triển khai mạng lưới giám sát thông qua Dự án Thiết lập hệ thống giám sát quốc gia một số BKLN 2007-2010 (do Cục Quản lý khám chữa bệnh triển khai với sự tài trợ của Tổ chức Atlantic Philanthropy thông qua Viện Nghiên cứu Menzies, Úc). Trong phạm vi dự án này đã thành lập mạng lưới giám sát tại 8 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Thái Nguyên, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Định, TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đăk Lăk. Tại mỗi tỉnh/thành phố có một nhóm cán bộ (nòng cốt là Sở Y tế) chịu trách nhiệm làm đầu mối triển khai các hoạt động liên quan đến dự án. Khi dự án kết thúc thì mạng lưới giám sát này cũng không còn tiếp tục được duy trì.

b) Giám sát yếu tố nguy cơ:

Để giám sát yếu tố nguy cơ BKLN, WHO đã xây dựng bộ công cụ STEPwise sử dụng cho điều tra, thu thập, giám sát và khuyến nghị các quốc gia áp dụng để bảo đảm thống nhất, chuẩn hóa về phương pháp, có thể lồng ghép thu thập thông tin về tất cả các các yếu tố nguy cơ phổ biến. 

Trong thời gian qua đã có một số điều tra, nghiên cứu cung cấp một số thông tin cơ bản về thực trạng một số BKLN và các yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên các điều tra này thường riêng lẻ, không lồng ghép, do các chương trình dự án khác nhau thực hiện ở những thời điểm khác nhau. Một số điều tra nghiên cứu có phương pháp không thống nhất, chuẩn hóa theo phương pháp STEPwise của WHO. Một số điều tra quan trọng gồm:

- Điều tra các yếu tố nguy cơ BKLN tại 8 tỉnh/thành phố năm 2009-2010 theo phương pháp STEPwise (Dự án Thiết lập hệ thống giám sát quốc gia một số BKLN).

- Điều tra Thuốc lá toàn cầu ở người trưởng thành năm 2010 (Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá).

- Điều tra dịch tễ học THA và các yếu tố nguy cơ tại Việt Nam năm 2003-2008 (Viện Tim mạch).

- Điều tra quốc gia đái tháo đường và các yếu tố nguy cơ năm 2002 và năm 2012 (Bệnh viện Nội tiết Trung ương)

- Tổng điều tra về về thực trạng thừa cân béo phì ở người độ tuổi 25-64 tiến hành năm 2005 (Viện Dinh dưỡng)

- Điều tra về thực trạng phòng chống ung thư năm 2008 (Bệnh viện K).

c) Giám sát mắc bệnh và tử vong

Các số liệu mắc và tử vong do các BKLN hiện nay còn rất hạn chế, chủ yếu dựa vào báo cáo bệnh viện, ghi nhận ung thư và qua một số điều tra quy mô nhỏ tại cộng đồng. Vì vậy Việt nam còn thiếu các số liệu định kỳ về tình hình mắc và tử vong do các bệnh tim mạch, ĐTĐ, COPD…

Đối với hoạt động giám sát tại bệnh viện: Hệ thống báo cáo thống kê bệnh viện phân loại bệnh tật theo ICD 10 định kỳ cung cấp các thông tin về tình hình mắc, chết của một số BKLN tại các bệnh viện trong toàn quốc. Trên cơ sở báo cáo, hằng năm Niên giám thống kê y tế đã công bố số liệu tình hình mắc và tử vong trong bệnh viện.

Các trung tâm ghi nhận ung thư được thiết lập và triển khai tại 9 tỉnh/thành phố là Hà Nội, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng, TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Kiên Giang (Dự án phòng chống ung thư) định kỳ cung cấp các số liệu ước tính về mắc mới do một số loại ung thư, tuy nhiên quy mô bao phủ của ghi nhận còn nhỏ (khoảng 20%).

Hiện tại chưa giám sát tử vong tại cộng đồng do chưa triển khai thu thập thông qua thống kê tại trạm y tế xã và qua sổ chứng tử của xã. Mới chỉ có một số nghiên cứu quy mô nhỏ để ước tính gánh nặng và tử vong do một số BKLN. Chính vì vậy Việt Nam cò thiếu các số liệu một cách hệ thống về mô hình bệnh tật và tử vong do BKLN.

d) Giám sát năng lực và đáp ứng của hệ thống y tế

Hiện tại mới chỉ thực hiện thống kê báo cáo kết quả thực hiện các hoạt động phòng chống BKLN theo quy định của các dự án BKLN thuộc CTMTQG về y tế.

Khó khăn tồn tại

- Việt Nam chưa thiết lập hệ thống giám sát sát BKLN quốc gia, các hoạt động giám sát BKLN phần lớn là những hoạt động độc lập, được triển khai ở những quy mô khác nhau và chưa có sự điều phối chung.

- Chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin về BKLN và các yếu tố nguy cơ, còn thiếu các số liệu chuẩn hóa mang tính hệ thống để theo dõi quy mô và xu hướng của yếu tố nguy cơ và BKLN, phục vụ cho xây dựng chính sách và đánh giá hiệu quả can thiệp.

- Hoạt động giám sát chủ yếu dựa vào hệ thống báo cáo bệnh viện và một số điều tra nghiên cứu ở các quy mô khác nhau. Hoạt động ghi nhận ung thư có diện bao phủ chưa rộng. Chưa triển khai giám sát tử vong tại cộng đồng. Các điều tra nghiên cứu cộng đồng được tiến hành bởi các viện chuyên ngành, chưa có sự điều phối chung, và chưa áp dụng phương pháp thống nhất trong giám sát BKLN theo khuyến cáo của WHO.

- Mạng lưới y tế dự phòng bao gồm Trung tâm y tế dự phòng tỉnh/thành phố và các viện khu vực có nhiều kinh nghiệm, nhân lực và năng lực giám sát nhưng chưa tham gia vào hoạt động giám sát BKLN. Giám sát BKLN chưa được tích hợp vào hệ thống giám sát sẵn có của hệ thống YTDP.

VI. ĐÁNH GIÁ CÁC KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC TRONG HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG BKLN TẠI VIỆT NAM

1. Các chính sách còn chưa đầy đủ, toàn diện và việc tuân thủ chưa tốt

- Chưa có một kế hoạch, chiến lược quốc gia toàn diện phòng chống BKLN; 

- Đã có một số chính sách kiểm soát yếu tố nguy cơ nhưng chưa đầy đủ (thiếu luật phòng chống tác hại rượu bia…). Vận động chính sách gặp khó khăn, khó huy động nguồn tài chính cho các hoạt động.

- Thiếu một số chính sách đa ngành trong kiểm soát yếu tố nguy cơ: giảm sử dụng muối ăn, kiểm soát chất béo bão hoà trong chính sách về dinh dưỡng; chính sách tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho tăng cường hoạt động thể lực, thể thao quần chúng; chính sách khuyến khích các thực phẩm có lợi cho sức khỏe, hạn chế các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe; chính sách rượu bia chưa chú trọng đến phòng chống BKLN; bất cập trong chính sách thuế đối với thuốc lá và rượu bia…

 - Thực thi các chính sách, pháp luật chưa được tuân thủ tốt. Việc thực thi Luật PCTHTL chưa nghiêm, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Khó kiểm soát việc kinh doanh, tiêu thụ rượu, bia. Hạn chế trong kiểm soát việc sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất, chế biến thực phẩm…

2. Ưu tiên đầu tư và phối hợp liên ngành phòng chống BKLN còn hạn chế

- Chưa có sự ưu tiên và cam kết chính trị cho phòng chống BKLN, gánh nặng bệnh tật và gánh nặng kinh tế của BKLN chưa được nhận thức đầy đủ. Không đề cập tới phòng chống BKLN trong Văn kiện Đại hội Đảng XI. Nguồn tài chính cho các chương trình phòng chống BKLN bị cắt giảm. 

- Chưa có một đầu mối tổ chức thống nhất để điều phối, huy động sự tham gia liên ngành trong kiểm soát các yếu tố nguy cơ BKLN. Ban chỉ đạo Chương trình Phòng, chống BKLN chưa đảm bảo sự tham gia đa ngành, mới chỉ giới hạn trong ngành y tế.

- Nhiệm vụ phòng chống các yếu tố nguy cơ BKLN chủ yếu vẫn do ngành y tế đảm nhận. Các Bộ, ngành liên quan chưa phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm trong thực thi các chính sách của các Bộ, ngành mình để kiểm soát rượu bia, thuốc lá, khuyến khích dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực…

- Các tổ chức chính trị xã hội lớn chưa chủ động, tích cực vào cuộc để phòng chống BKLN (Mặt trận Tổ quốc và các đơn vị thành viên…)

- Chưa có cơ chế phối hợp liên ngành, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách của các Bộ, ngành.

3. Công tác thông tin, giáo dục truyền thông chưa hiệu quả

- Gánh nặng bệnh tật và gánh nặng kinh tế của BKLN còn chưa được các cấp, các ngành nhận thức đầy đủ. Vận động chính sách gặp khó khăn, khó huy động nguồn lực cho các hoạt động.

- Ý thức chấp hành pháp luật về PCTHTL, phòng chống tác hại rượu bia của người dân còn chưa cao. Nhận thức của cộng đồng về nâng cao sức khỏe, phòng chống yếu tố nguy cơ còn chưa đầy đủ. Tỷ lệ người dân có kiến thức đúng về tự theo dõi phát hiện sớm bệnh, chăm sóc, theo dõi và tuân thủ điều trị còn thấp. 

- Thông tin, giáo dục, truyền thông còn chung chung, chưa hiệu quả, đặc biệt trong truyền thông phòng chống tác hại của rượu, bia, khuyến khích hoạt động thể lực, hướng dẫn về dinh dưỡng hợp lý. Truyền thông về dinh dưỡng chưa chú trọng đến nội dung giảm ăn mặn, kiểm soát chất béo chuyển hóa và hướng dẫn sử dụng thực phẩm.

4. Hệ thống cung ứng các dịch vụ y tế chưa đáp ứng yêu cầu

- Tổ chức phòng chống BKLN chưa có sự lồng ghép. Các dự án phòng chống BKLN thuộc CTMTQG về y tế được triển khai theo chiều dọc, thiếu sự lồng ghép giữa các chương trình, giữa các cơ sở y tế dự phòng và khám chữa bệnh từ trung ương đến địa phương. 

- Hoạt động phòng chống BKLN thiên về tiếp cận cá nhân mà chưa đảm bảo sự cân đối giữa tiếp cận dựa trên cộng đồng và tiếp cận cá nhân. Các chương trình đều có đề cập tới kiểm soát các yếu tố nguy cơ nhưng tập trung chủ yếu vào quản lý và điều trị người bệnh, chưa chú trọng tới dự phòng, phục hồi chức năng và giám sát theo dõi. Chưa tiếp cận toàn diện theo cả chu trình vòng đời.

- Dự phòng đóng vai trò quan trọng tuy nhiên mạng lưới y tế dự phòng chưa tham gia tích cực và chủ động vào hoạt động phòng chống BKLN. Nhiệm vụ phòng chống BKLN chưa được đưa vào chức năng nhiệm vụ của Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố. Y tế cơ sở (huyện, xã) tuy được nâng cấp về trang thiết bị và nhân lực, nhưng chưa đủ năng lực sàng lọc, phát hiện sớm BKLN, cung ứng các dịch vụ chăm sóc, quản lý người BKLN, dẫn tới quá tải ở các bệnh viện tuyến trên và không đảm bảo công bằng trong CSSK.

- Các giải pháp có tính chi phí hiệu quả cao mới bước đầu triển khai tại y tế cơ sở ở diện hẹp, chưa được lồng ghép trong hoạt động thường quy của y tế cơ sở, đặc biệt là y tế xã phường. 

- Một số mục tiêu cụ thể của Kế hoạch chiến lược toàn cầu dự phòng và kiểm soát BKLN của WHO không có trong chính sách, chương trình phòng chống BKLN của Việt Nam. Ví dụ như không đề cập tới mục tiêu giảm muối, đảm bảo sự sẵn có đối với kỹ thuật cơ bản và thuốc thiết yếu cần dùng để điều trị các BKLN chính.

5. Mức độ bao phủ các dịch vụ thiết yếu về phát hiện, dự phòng, quản lý điều trị BKLN còn chưa cao

- Tỷ lệ bao phủ của các dự án phòng chống BKLN còn thấp: Quy mô triển khai của dự án còn nhỏ, dự án phòng chống COPD mới triển khai tại một số ít tỉnh, dự án THA mới triển khai quản lý bệnh <10% số xã phường. Một số hoạt động dự án mới chỉ giới hạn chủ yếu tại các cơ sở khám chữa bệnh (COPD, ung thư). Hệ thống ghi nhận ung thư mới bao phủ 20% dân số, toàn quốc chỉ có 5 cơ sở có thực hiện chăm sóc giảm nhẹ.

- Hoạt động phát hiện sớm, quản lý, tư vấn và dự phòng cho người nguy cơ cao còn chưa triển khai một cách hệ thống, rộng khắp. Các can thiệp giảm ăn mặn, can thiệp sàng lọc giảm tác hại rượu bia, cai nghiện rượu, cai nghiện thuốc lá mới triển khai ở quy mô nhỏ. 

- Sàng lọc phát hiện sớm BKLN còn nhiều bất cập. BHYT chưa có cơ chế chi cho khám sàng lọc phát hiện sớm. Tỷ lệ bệnh nhân THA, tim mạch, đái tháo đường, ung thư, COPD được phát hiện sớm qua sàng lọc chủ động còn thấp.

- Tỷ lệ người mắc BKLN được tiếp cận với các dịch vụ quản lý điều trị và chăm sóc lâu dài tại cộng đồng còn rất thấp.

6. Nhân lực y tế còn chưa đảm bảo về chất lượng và số lượng

- Nhân lực y tế công tác trong lĩnh vực BKLN được đánh giá là còn yếu, thiếu và không đồng bộ. Hạn chế về năng lực chủ yếu tập trung ở tuyến tỉnh và huyện, xã. Nhiều tài liệu hướng dẫn chuyên môn chưa được chuẩn hóa, thống nhất áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

- Các nội dung đào tạo về phòng chống BKLN trong các chương trình đào tạo của các trường trung cấp, cao đẳng và đại học y còn thiếu cập nhật; đặc biệt đối với các chương trình đào tạo bác sỹ y học dự phòng, cử nhân y tế công cộng và cử nhân dinh dưỡng.

- Chiến lược đào tạo liên tục chưa phù hợp, không cải thiện được nhiều về số lượng và năng lực cho cán bộ y tế. Hiệu quả của các hoạt động đào tạo liên tục chưa được đánh giá rõ ràng. 

7. Tài chính y tế còn rất hạn chế

- Mặc dù BKLN chiếm 70% gánh nặng bệnh tật và tử vong nhưng phòng chống BKLN vẫn chưa được xác định ưu tiên thỏa đáng trong phân bổ kinh phí, chỉ chiếm 2,5% tổng chi y tế năm 2009. Ngân sách cho các chương trình chủ yếu từ ngân sách nhà nước, không đáp ứng đủ nhu cầu và đang bị cắt giảm rất nhiều. Trung bình ngân sách cho cho BKLN trong tổng kinh phí CTMTQG y tế chỉ từ 13-17%, năm 2014 bị cắt giảm tới 50-70%.

- Phân bổ kinh phí chia cắt theo các chương trình dọc, được sử dụng phần lớn cho điều trị, trong khi 10 can thiệp lựa chọn hàng đầu theo khuyến cáo của WHO đều là các can thiệp dự phòng yếu tố nguy cơ và thực hiện trên quy mô dân số. Chưa sử dụng các bằng chứng chi phí hiệu quả trong xác định ưu tiên phân bổ ngân sách.

- Chưa tạo đủ cơ chế tài chính bền vững cho phòng chống BKLN. Diện bao phủ BHYT mới đạt 70% dân số trong khi BHYT không chi trả một số dịch vụ phòng chống BKLN. 

8. Cung ứng dược, vắc xin và trang thiết bị y tế còn bất cập

- Mặc dù nhiều thuốc thiết yếu điều trị BKLN đã có trong danh mục thuốc chủ yếu được bảo hiểm y tế thanh toán, nhưng một số thuốc điều trị BKLN thường không sẵn có tại các cơ sở y tế công, đặc biệt tại các trạm y tế xã, phường. Thuốc thiết yếu cho hen phế quản và COPD, ĐTĐ không có sẵn tại y tế cơ sở. Tiếp cận thuốc điều trị THA còn bất cập trong việc xây dựng danh mục và lựa chọn thuốc, quy định về thời gian cấp thuốc định kỳ. BHYT không chi trả một số thuốc điều trị theo khuyến cáo, thiếu điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và thiếu cơ chế khuyến khích cho cán bộ trạm y tế xã.

- Sử dụng vắc xin phòng HPV chưa được đánh giá đầy đủ để áp dụng rộng rãi.

9. Chưa thiết lập hệ thống giám sát BKLN quốc gia 

- Việt Nam chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin về BKLN và các yếu tố nguy cơ, còn thiếu các số liệu chuẩn hóa mang tính hệ thống. Còn rất thiếu thông tin, số liệu quốc gia để theo dõi xu hướng, quy mô và sự phân bố của BKLN và các yếu tố nguy cơ. Các chỉ số giám sát chưa sử dụng trong thực tế, nhiều chỉ số chưa phù hợp với bộ chỉ số giám sát toàn cầu. Các số liệu, quy trình thống kê báo cáo thường quy chưa hợp nhất, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu các chương trình.

- Hoạt động giám sát chưa mang tính hệ thống. Chưa thực hiện định kỳ điều tra các yếu tố nguy cơ, còn nhiều nghiên cứu riêng lẻ theo nhu cầu từng chương trình, dẫn đến lãng phí về nguồn lực, không thống nhất, chuẩn hóa về phương pháp. Hoạt động ghi nhận ung thư có diện bao phủ chưa rộng. Chưa triển khai hệ thống giám sát tử vong tại cộng đồng. 

- Chưa tổ chức theo dõi đánh giá hoạt động quốc gia về phòng chống BKLN để báo cáo quốc tế năm 2016 theo cam kết.

VII. KINH NGHIỆM THẾ GIỚI VỀ PHÒNG CHỐNG BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM VÀ CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ 

1. Các văn kiện toàn cầu và khu vực về phòng chống BKLN

Dự phòng và kiểm soát các BKLN luôn là một nội dung ưu tiên trong các chính sách, chiến lược toàn cầu và khu vực của các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức y tế thế giới…Từ năm 2000 đến nay đã có nhiều văn kiện, chính sách quan trọng được ban hành để định hướng cho các quốc gia trong hoạch định chính sách và áp dụng các can thiệp phòng chống BKLN, trong đó ưu tiên kiểm soát các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và COPD.

Các văn kiện quan trọng của WHO về phòng chống BKLN từ năm 2000:

2000 Chiến lược toàn cầu về phòng chống và kiểm soát các BKLN năm 2000

2003 Công ước khung về kiểm soát thuốc lá năm 2003

2004 Chiến lược toàn cầu về chế độ dinh dưỡng, hoạt động thể lực và sức khỏe năm 2004

2007 Nghị quyết về thực hiện chiến lược toàn cầu phòng chống BKLN

2008 Chiến lược toàn cầu phòng chống BKLN 2008-2013

Chiến lược khu vực Tây Thái bình dương phòng chống bBKLN giai đoạn 2008-2013

2009 Chiến lược toàn cầu về giảm sử dụng đồ uống có cồn ở mức có hại

2010 Bộ khuyến cáo của WHO về kiểm soát quảng bá các thực phẩm và đồ uống không cồn cho trẻ em 

Báo cáo toàn cầu về bệnh không lây nhiễm năm 2010

2011 Tuyên bố chính trị của Tổ chức Liên hợp quốc về các BKLN tại Hội nghị cấp cao Đại Hội đồng Liên hợp quốc năm 2011

Hội nghị Bộ trưởng y tế lần thứ nhất về lối sống lành mạnh và phòng chống BKLN: Tuyên bố Moscow

2013 Kế hoạch hành động toàn cầu về phòng chống và kiểm soát các BKLN giai đoạn 2013-2020

Tuyên bố Bandar Seri Begawan về các BKLN tại ASEAN

2014 Kế hoạch hành động khu vực Tây TBD về phòng chống và kiểm soát các BKLN giai đoạn 2014-2020

Báo cáo toàn cầu về sử dụng rượu bia

a) Tuyên bố chính trị tại Hội nghị cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2011 về phòng chống BKLN

Trong tháng 9/2011, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã triệu tập các quốc gia thành viên tham dự Hội nghị cấp cao về phòng chống BKLN. Hội nghị đã thông qua “Tuyên bố chính trị của Đại hội đồng về phòng chống BKLN”, trong đó đưa ra các cam kết về một số nội dung trọng tâm gồm: 1) tiếp cận với cấp độ chính phủ và toàn xã hội trong phòng chống BKLN; 2) giảm thiểu yếu tố nguy cơ và xây dựng môi trường lành mạnh; 3) tăng cường chính sách quốc gia và hệ thống y tế; 4) theo dõi giám sát BKLN; và 5) nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong phòng chống BKLN. 

Tuyên bố chính trị về phòng chống BKLN đã khẳng định vai trò lãnh đạo của ngành y tế và các Bộ/ngành chủ chốt liên quan, đồng thời cam kết liên minh hành động, giảm thiểu yếu tố nguy cơ BKLN và tạo môi trường nâng cao sức khỏe, thúc đẩy các chính sách quốc gia và hệ thống y tế thực hiện dự phòng và kiểm soát BKLN. Những công cụ cho hành động chính phủ liên ngành gồm: luật, quy định, chính sách, phân bổ ngân sách, đánh giá tác động và những công cụ chính sách khác.

Các quốc gia thành viên thừa nhận để dự phòng và kiểm soát BKLN một cách hiệu quả phải tiếp cận liên ngành ở cấp độ chính phủ, bao gồm tiếp cận toàn bộ Chính phủ với sự tham gia của các lĩnh vực như y tế, giáo dục, năng lượng, nông nghiệp, thể thao, vận tải, truyền thông, quy hoạch đô thị, môi trường, lao động, nhân công, công nghiệp và thương mại, tài chính và phát triển kinh tế xã hội.

 

 

b) Tuyên bố Moscow năm 2011

Hội nghị các Bộ trưởng Bộ Y tế toàn cầu về lối sống lành mạnh và BKLN được tổ chức tại Moscow vào tháng 4/2011 với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Y tế đến từ 162 quốc gia đã đưa ra Tuyên bố Moscow trong đó khẳng định những tác động trầm trọng và ngày càng gia tăng của BKLN và các yếu tố nguy cơ đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và sức khỏe con người trên toàn cầu, đồng thời cam kết thực hiện các hành động phòng chống BKLN của Bộ Y tế, quốc gia và của quốc tế, tập trung vào: 1) xây dựng các chính sách liên ngành phòng chống BKLN và yếu tố nguy cơ; 2) tăng cường hệ thống y tế lồng ghép các dịch vụ phòng chống BKLN vào chăm sóc sức khỏe ban đầu, đẩy mạnh dự phòng và nâng cao sức khỏe dựa vào cộng đồng; và 3) giám sát BKLN, yếu tố nguy cơ và hiệu quả các hoạt động can thiệp.

c) Kế hoạch hành động toàn cầu về phòng ngừa và kiểm soát các BKLN giai đoạn 2013 – 2020

Tiếp theo kế hoạch giai đoạn 2008-2013, trong năm 2013 Tổ chức y tế thế giới đã tiếp tục thông qua kế hoạch hành động toàn cầu về phòng ngừa và kiểm soát các BKLN giai đoạn 2013 – 2020, đồng thời khuyến nghị các quốc gia thành viên xây dựng kế hoạch/chiến lược quốc gia để triển khai thực hiện kế hoạch toàn cầu. Những nội dung chính của kế hoạch toàn cầu bao gồm:

Tầm nhìn: Một thế giới không có gánh nặng các bệnh không lây nhiễm có thể phòng tránh được.

Mục tiêu chung: Giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, tử vong và tàn tật có thể phòng và tránh được do các BKLN bằng các biện pháp phối hợp liên ngành và hợp tác ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu, để người dân đạt được tiêu chuẩn cao nhất về sức khỏe và khả năng sản xuất ở mọi lứa tuổi và những bệnh này không còn là một rào cản đối với hạnh phúc hoặc sự phát triển kinh tế xã hội.

Các nguyên tắc chung: 

- Tiếp cận toàn diện cả vòng đời, 

- Trao quyền cho người dân và cộng đồng, 

- Chiến lược dựa trên bằng chứng, 

- Bao phủ y tế toàn dân, 

- Kiểm soát xung đột lợi ích thực tế, cảm nhận hay ở dạng tiềm năng,

- Phương pháp tiếp cận trên cơ sở nhân quyền, 

- Tiếp cận trên cơ sở sự công bằng, 

- Hành động quốc gia, hợp tác và đoàn kết quốc tế, 

- Hành động đa ngành/lĩnh vực.

Các mục tiêu cụ thể của kế hoạch

(1) Nâng cao ưu tiên cho phòng ngừa và kiểm soát các BKLN trong các chương trình nghị sự toàn cầu, khu vực và quốc gia và mục tiêu phát triển đã được quốc tế đồng thuận, thông qua tăng cường hợp tác và vận động quốc tế.

(2) Tăng cường năng lực, sự lãnh đạo, quản trị, hành động đa ngành và quan hệ đối tác quốc gia nhằm tăng cường phản ứng quốc gia để phòng ngừa và kiểm soát các BKLN.

(3) Giảm thiểu các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được của BKLN và các yếu tố xã hội quyết định thông qua kiến tạo môi trường nâng cao sức khỏe.

(4) Củng cố và định hướng hệ thống y tế để phòng ngừa và kiểm soát các BKLN và các yếu tố xã hội quyết định thông qua chăm sóc sức khỏe ban đầu lấy con người làm trung tâm và bao phủ y tế toàn dân.

(5) Thúc đẩy và hỗ trợ năng lực quốc gia về nghiên cứu chất lượng cao và phát triển để phòng ngừa và kiểm soát các BKLN.

(6) Theo dõi các xu hướng và các yếu tố quyết định của các BKLN và đánh giá tiến độ hoạt động phòng ngừa và kiểm soát các bệnh này.

2. Khuyến nghị các giải pháp trong phòng chống BKLN

Để đạt được hiệu quả trong phòng chống BKLN, WHO đã khuyến nghị các tiếp cận toàn diện và đồng thời ở 3 cấp độ:

- Ở cấp độ môi trường: thông qua các giải pháp về quy định, chính sách

- Ở cấp độ yếu tố nguy cơ trung gian và yếu tố nguy cơ chung: thông qua các can thiệp thay đổi lối sống dựa vào cộng đồng; và

- Ở cấp độ giai đoạn sớm và hình thành bệnh: thông qua các can thiệp lâm sàng hướng tới toàn bộ quần thể (sàng lọc), những người nguy cơ cao (thay đổi nguy cơ) và người đã mắc bệnh (quản lý lâm sàng).

Để hỗ trợ cho các thay đổi ở 3 cấp độ này, cần có thêm những hoạt động trong các lĩnh vực: Vận động; Nghiên cứu, giám sát và đánh giá; Lãnh đạo, Hợp tác liên ngành và huy động cộng đồng; Tăng cường hệ thống y tế.

Các giải pháp phòng chống BKLN cần bao trùm 7 lĩnh vực hoạt động chiến lược cùng với các can thiệp tương ứng với các giai đoạn phát triển của bệnh. 

Quần thể khỏe mạnh Người có nguy cơ Người mắc bệnh

Tiền bệnh Nhẹ Nặng

 

1. CAN THIỆP MÔI TRƯỜNG

(Thay đổi chính sách và kinh tế vĩ mô) 2. CAN THIỆP LỐI SỐNG 3. CAN THIỆP LÂM SÀNG

• Chỉ đạo

• Chính sách và luật

• Tạo môi trường hỗ trợ • Thay đổi hành vi

• Nâng cao sức khỏe

• Truyền thông giáo dục

• Cải thiện môi trường • Dịch vụ dự phòng lâm sàng

• Phát hiện (sàng lọc) và kiểm soát yếu tố nguy cơ 

• Quản lý điều trị cấp tính, mạn tính và phục hồi chức năng

• Chăm sóc giảm nhẹ

 

 

4. VẬN ĐỘNG

 

5. NGHIÊN CỨU, GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ

 

 

7. ĐÁP ỨNG CỦA 

LĨNH VỰC Y TẾ

 Chăm sóc sức khỏe ban đầu 

 Quản lý chăm sóc mạn tính 

 Tăng cường hệ thống y tế

6 ĐÁP ỨNG TOÀN XÃ HỘI VÀ TOÀN BỘ CHÍNH PHỦ •

 

 Lãnh đạo

 Hợp tác liên ngành

 Huy động cộng đồng

 

 

 

Hình 9. Các tiếp cận trong phòng chống BKLN (WHO- Kế hoạch hành động khu vực Tây Thái Bình Dương 2008-2013)

3. Khuyến nghị các mục tiêu tự nguyện toàn cầu trong phòng chống BKLN

Trong tháng 5 năm 2013, Đại Hội đồng Tổ chức Y tế thế giới đã ra Nghị quyết WHA66.10 thông qua Khung giám sát toàn cầu và chín mục tiêu tự nguyện toàn cầu cần đạt đến năm 2025 đối với phòng ngừa và kiểm soát các BKLN để định hướng cho các quốc gia thành viên trong xây dựng các chiến lược và can thiệp quốc gia. 9 mục tiêu tự nguyện toàn cầu gồm: 

(1) Giảm 25% tổng tỷ lệ tử vong sớm do các bệnh tim mạch, ung thư, ĐTĐ hoặc bệnh phổi mạn tính.

(2 ) Giảm ít nhất 10 % việc sử dụng đồ uống có cồn ở mức có hại, nếu thích hợp, phù hợp với hoàn cảnh quốc gia

(3) Giảm 10% tỷ lệ thiếu hoạt động thể lực

(4) Giảm 30% lượng muối/natri trung bình mà người dân sử dụng

(5) Giảm 30% tỷ lệ hiện hút thuốc ở người từ 15 năm tuổi trở lên

(6) Giảm 25% tỷ lệ tăng huyết áp hoặc kiểm soát số đo huyết áp, tùy theo hoàn cảnh quốc gia

(7) Ngăn chặn sự gia tăng bệnh ĐTĐ và béo phì.

(8) Ít nhất 50% số người có nguy cơ tim mạch được điều trị bằng thuốc và tư vấn (bao gồm cả kiểm soát đường huyết) để ngăn chặn cơn đau tim và đột quỵ

(9) 80% các cơ sở y tế công và tư nhân có sẵn các công nghệ cơ bản và thuốc thiết yếu có thể chi trả được để điều trị các BKLN chính, bao gồm cả thuốc generic.

4. Khuyến nghị các can thiệp tốt nhất và các can thiệp kinh tế hiệu quả cao

Tổ chức y tế thế giới cũng đã đề xuất một nhóm các can thiệp tốt nhất (best buy) dựa trên bằng chứng. Đây là những can thiệp được chứng minh có tính khả thi, chi phí thấp và phù hợp với hệ thống y tế địa phương. Các nhà hoạch định chính sách cần coi best buys là những can thiệp cốt lõi trong phòng chống BKLN và cẩn ưu tiên mở rộng.

Bảng liệt kê các can thiệp tốt nhất (best buy) trong phòng chống BKLN 

Những can thiệp tốt nhất (best buy)

Can thiệp quần thể tập trung vào yếu tố nguy cơ BKLN Thuốc lá • Tăng thuế thuốc lá

• Cấm hút thuốc nơi làm việc và nơi công cộng

• Thông tin về sức khỏe và cảnh báo về thuốc lá  

• Cấm quảng cáo, khuyến mại

Rượu, bia • Tăng thuế rượu, bia

• Hạn chế quảng cáo và cấm tiếp thị rượu, bia

• Hạn chế về sự sẵn có của rượu, bia bán lẻ

• Thực thi nghiêm chính sách kiểm soát lái xe uống rượu, bia

Dinh dưỡng không hợp lý và thiếu hoạt động thể lực • Giảm tiêu thụ muối thông qua các chiến dịch truyền thông đại chúng và giảm lượng muối trong thực phẩm chế biến sẵn

• Thay thế chất béo chuyển hóa (trans-fats) bằng chất béo đa không bão hòa (polyunsaturated fats)

• Chương trình nâng cao nhận thức công chúng về dinh dưỡng và vận động

Can thiệp với cá nhân tập trung vào chăm sóc ban đầu với BKLN

Ung thư • Dự phòng ung thư gan bằng tiêm phòng viêm gan B

• Dự phòng ung thư cổ tử cung bằng sàng lọc (soi cổ tử cung - nhuộm màu VIA) và điều trị các tổn thương tiền ung thư

Bệnh tim mạch và ĐTĐ • Liệu pháp đa thuốc (gồm cả kiểm soát đường huyết trong đái tháo đường) cho những người bị đột quỵ hoặc đau tim, và cho người có nguy cơ cao (>30%) bị các biến cố tim mạch trong vòng 10 năm tới

• Cung cấp aspirin cho người có cơn đau tim cấp

 

5. Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới trong phòng chống BKLN

Nhận thức được tầm quan trọng của phòng chống BKLN, nhiều  quốc gia đã có những chính sách nhằm bảo vệ người dân trước nạn dịch này. Những ví dụ thành công trên thế giới có thể cung cấp những ý tưởng cũng như bài học kinh nghiệm quý báu đối với Việt Nam.

a) Nhật Bản: Kế hoạch vì sức khỏe người Nhật

Từ năm 1978 Nhật Bản đã phát động và thực hiện các kế hoạch 10 năm về nâng cao sức khỏe. Đến nay, kế hoạch này trải qua 3 chu kỳ. Chu kỳ thứ nhất từ năm 1978 với chủ đề “Nâng cao sức khỏe tiếp cận chu kỳ vòng đời”, chu kỳ 2 bắt đầu từ 1988 với khẩu hiệu “Năng động tuổi 80”. Chu kỳ thứ 3 bắt đầu từ năm 2000 với tiêu đề “Vì sức khỏe người Nhật thế kỷ 21”.

Kế hoạch quốc gia vì sức khỏe người Nhật đề ra 70 chỉ tiêu trong 9 lĩnh vực (dinh dưỡng hợp lý, hoạt động thể lực, phòng chống tác hại thuốc lá, đồ uống có cồn, nghỉ ngơi và sức khỏe tâm thần, sức khỏe răng miệng, phòng chống bệnh tim mạch,đái tháo đường, ung thư). Kế hoạch tập trung vào thiết lập môi trường hỗ trợ nâng cao sức khỏe có sự tham gia của tất cả các ban ngành đoàn thể và mỗi cá nhân với sự cam kết mạnh mẽ của chính phủ nhằm đạt được các mục tiêu về sức khỏe cho mọi công dân.

Việc lập kế hoạch triển khai được thực hiện từ chính quyền trung ương đến các địa phương. Trên cơ sở kế hoạch của chính quyền trung ương, chính quyền các cấp xây dựng và triển khai kế hoạch phù hợp với đặc điểm của địa phương. Cách tiếp cận tập trung vào 4 nhóm giải pháp: Vận động tăng nhận thức và sự ủng hộ; thiết lập mạng lưới triển khai và hỗ trợ kế hoạch các cấp; tăng cường phối hợp, điều phối các hoạt động nâng cao sức khỏe để đảm bảo tính hiệu quả; và thúc đẩy nghiên cứu, giám sát, xây dựng chính sách dựa vào bằng chứng. Sự vào cuộc của chính quyền các cấp, từ trung ương tới các địa phương chính là điểm nhấn cơ bản, và là mấu chốt cho sự bền vững cũng như những thành công của các kế hoạch nâng cao sức khỏe của Nhật Bản.

b) Hoa Kỳ: Kế hoạch vì sức khỏe nhân dân 

Từ trước năm 1990 Hoa Kỳ cũng đã có nhiều hoạt động nâng cao sức khỏe, tuy nhiên chưa có một kế hoạch tổng thể, có tính phối hợp ở cấp quốc gia. Bản kế hoạch “Vì sức khỏe nhân dân” với các chu kỳ 10 năm bắt đầu từ năm 1990 đã khắc phục được các yếu điểm của các hoạt động đơn lẻ trước đó. Tới nay, Hòa kỳ đang thực hiện chu kỳ thứ 3 bản kế hoạch này, với tên gọi “Vì sức khỏe nhân dân năm 2020”.

Kế hoạch vì sức khỏe nhân dân có phạm vi rộng, tuy nhiên cũng có trọng tâm gồm 10 chỉ số y tế quan trọng liên quan đến hoạt động thể lực, thừa cân béo phì, sử dụng thuốc lá, lạm dụng chất gây nghiện, hành vi tình dục có trách nhiệm, sức khỏe tâm thần, thương tích và bạo lực, chất lượng môi trường, tiêm chủng, và tiếp cận với dịch vụ y tế. Báo cáo đánh giá sau 20 năm thực hiện (tính đến năm 2010) đã thu được những kết quả khả quan như: tỷ lệ sử dụng rượu ở học sinh trung học giảm từ 32% xuống 25%, tỷ lệ người hút thuốc lá trong nhóm người trưởng thành giảm từ 24% xuống còn 21%, còn trong nhóm học sinh trung học tỷ lệ này giảm từ 40% (1999) xuống 26% (2009), tỷ lệ tử vong do tim mạch và đột quỵ giảm 30% sau 10 năm, tử vong do ung thư cũng giảm đáng kể.

c) Thái Lan: Mô hình Quỹ Nâng cao sức khỏe 

Thái Lan đã thành công trong việc thiết lập một cơ chế tài chính bền vững cho hoạt động nâng cao sức khỏe nhân dân, đó chính là Quỹ Nâng cao sức khỏe Thái Lan, với tên gọi ThaiHealth. Quỹ này được ra đời từ năm 2001, thông qua một đạo luật cùng tên. Nguồn tài chính của Quỹ được hình thành từ khoản phụ thu được tính bằng 2% giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với 2 sản phẩm có ảnh hưởng đến sức khỏe là thuốc lá và rượu, bia.

Quỹ nâng cao sức khỏe của Thái Lan được điều phối bởi Ban quản lý gồm đại diện của 8 bộ ngành và 8 chuyên gia độc lập. Các bộ ngành trong ban quản lý gồm: Ủy ban phát triển kinh tế xã hội quốc gia, Thư ký thường trực của Văn phòng Thủ tướng, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải và truyền thông, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội, Bộ Giáo dục, Bộ Y tế.

Kết quả đến năm 2010, Thái Lan đã đạt được những thành tựu: xây dựng 21 văn bản chính sách công (Chiến lược quốc gia về kiểm soát thuốc lá 2010 - 2014, Chiến lược kiểm soát rượu, Luật kiểm soát đồ uống có cồn; Nghị quyết về quản lý thừa cân béo phì, Luật bình đẳng giới…), 10 văn bản cấp tỉnh/địa phương, 2 tổ chức mới (Bệnh viện NCSK cấp huyện)…và góp phần giúp Thái Lan đạt được nhiều kết quả cụ thể như giảm tỉ lệ hút thuốc chung ở người trưởng thành từ 35% (1991) xuống 19% (2009), từ năm 1999 đến năm 2009 số tử vong do tai nạn giao thông giảm từ 11.267 xuống còn 10.717 ca, tỷ lệ lạm dụng rượu bia ở nhóm trên 15 tuổi giảm 19,8% khi so sánh giai đoạn 2003-2004 với giai đoạn 2008-2009. Mô hình này được đánh giá là rất hiệu quả và bền vững do đảm bảo được nguồn tài chính lâu dài và huy động được các ngành, các cấp và đông đảo các tổ chức xã hội và các cá nhân tham gia xây dựng và thực hiện các sáng kiến nâng cao sức khỏe trên toàn quốc.

d) Australia: Chiến lược quốc gia vì người Australia khỏe mạnh đến năm 2020

Năm 2006 Chính phủ Australia đã đề ra “Sáng kiến người Australia khỏe mạnh hơn”. Mục đích của sáng kiến để định hướng hệ thống y tế tập trung ưu tiên cho nâng cao sức khỏe và giảm gánh nặng BKLN. Đến năm 2008, Bộ trưởng Bộ y tế và già hóa dân số đã quyết thành lập một nhóm công tác về Y tế dự phòng quốc gia với nhiệm vụ phát triển Chiến lược quốc gia về Y tế dự phòng, tập trung vào các yếu tố nguy cơ hàng đầu đó là béo phì, thuốc lá và rượu bia. Tháng 9 năm 2009, Chính phủ Australia đã thông qua Chiến lược y tế dự phòng quốc gia với tầm nhìn “Australia, quốc gia khỏe mạnh nhất năm 2020”. Để thực hiện chiến lược được hiệu quả, Chính phủ Australia nhận định công tác phòng ngừa bệnh tật và nâng cao sức khỏe là nhiệm vụ của chính quyền các cấp, của các ban ngành, các tổ chức xã hội, các đơn vị và của từng người dân. 

Chính phủ Australia xác định đây là một chương trình cần có sự tham gia của các ban ngành ngoài lĩnh vực y tế, vì vậy đã thành lập Cơ quan Phòng bệnh và Nâng cao sức khỏe quốc gia với chức năng điều phối đa ngành ở cấp quốc gia, địa phương, tư vấn xây dựng chính sách của chính phủ (kể cả chiến lược của các ban ngành khác), xây dựng các bằng chứng, phát triển nguồn nhân lực, điều tra, giám sát, và hỗ trợ triển khai các can thiệp nâng cao sức khỏe. Về nguồn lực, Chính phủ Australia đã quyết định dành riêng một khoản ngân sách đáng kể khoảng 100 triệu đô-la Australia mỗi năm cho công tác này.

Kết quả mong đợi sẽ đạt được vào năm 2020 bao gồm giảm 1 triệu người hút thuốc, ngăn chặn 300.000 ca tử vong sớm bởi các bệnh do hút thuốc lá, ngăn chặn 7.400 ca tử vong và làm giảm 94.000 người-năm mất sớm (DALYs) do lạm dụng bia rượu, giảm 330.000 người mắc bệnh phải nhập viện, ngăn ngừa 500.000 trường hợp tử vong do sinh non vì béo phì và tiết kiệm chi phí dự tính gần 2 tỷ Australia đô la cho chăm sóc y tế vào năm 2020. Chiến lược này đã mở ra một cách tiếp cận mới với y tế đó là cách tiếp cận “toàn chính phủ” với phương châm phòng bệnh là trách nhiệm của chính phủ và tất cả mọi người dân

Từ bài học kinh nghiệm của các nước trên thế giới, để hoạt động phòng chống BKLN hiệu quả cần có sự cam kết của chính phủ và sự phối hợp liên ngành để điều phối triển khai các hoạt động, có sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội và của mỗi người dân. Một yếu tố quyết định cho sự thành công là cần có nguồn tài chính bền vững cho hoạt động phòng chống BKLN. Chính phủ cần đầu tư thích đáng cho công tác nâng cao sức khỏe và y học dự phòng vì đây là đầu tư chi phí thấp - hiệu quả cao. Bên cạnh đó, việc xây dựng Quỹ nâng cao sức khỏe như của Thái Lan cũng là một kinh nghiệm quý báu giúp đảm bảo kinh phí bền vững cho hoạt động phòng chống BKLN, giảm gánh nặng tài chính cho ngân sách quốc gia.

 

Phần 2

DỰ BÁO TÌNH HÌNH BKLN VÀ CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ 

 

I. DỰ BÁO TÌNH HÌNH BKLN

Tổ chức Y tế thế giới dự báo trên toàn cầu, tỷ lệ tử vong do BKLN sẽ tăng 15% trong giai đoạn 2010-2020 (khoảng 44 triệu trường hợp tử vong). Khu vực có số tử vong do BKLN cao nhất vào năm 2020 là Đông Nam Á (10,4 triệu ca)9. Tổn thất tích lũy về kinh tế toàn cầu do BKLN trong giai đoạn 2011-2025 có thể lên tới 7 ngàn tỷ USD, trung bình mỗi năm là 500 tỷ USD tương ứng với 4% thu nhập quốc nội năm 2010 của các nước đang phát triển.

Tại Việt Nam, trong khoảng 10 năm trở lại đây, số người mắc mới ung thư được phát hiện tăng 50%. Mỗi ngày có 350 trường hợp mắc mới ung thu được phát hiện và có 190 người tử vong do ung thư. Sau 10 năm, từ 2002 đến 2012, tỷ lệ bệnh ĐTĐ tăng trên 2 lần, từ 2,7% lên 5,4%. 

Trong suốt 50 năm qua, tỷ lệ người bị THA ở người trưởng thành Việt Nam luôn tăng nhanh: tăng từ 1% (năm 1960); 1,9% (năm1976), 11,7%  (năm  1992),  16,3% (năm 2002) tăng lên  25,1% (năm 2008)

Trong thời gian 5 năm, tỷ lệ thừa cân-béo phì và béo phì tăng gấp 2 lần tương ứng từ 3,5% và 0,2% (2000) lên 6,6% và 0,4% (2005)

Với tốc độ già hóa dân số, tiến trình đô thị hóa ngày càng nhanh, môi trường sống bị ô nhiễm, các yếu tố nguy cơ gây BKLN vẫn chưa được kiểm soát thì số người mắc và tử vong do BKLN được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng, BKLN vẫn là gánh nặng bệnh tật và tử vong chủ yếu trong giai đoạn tới.

II. DỰ BÁO SỰ GIA TĂNG CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ GÂY BỆNH

1. Tình hình kinh tế - xã hội

Trong những năm qua, kinh tế Việt Nam không ngừng phát triển. Thu nhập quốc dân trên đầu người tăng từ 130USD (năm 1990) lên 1.010 USD (năm 2009) và năm 2013 là 1.960USD. Đây là điều kiện thuận lợi để tăng đầu tư cho y tế để bảo vệ và tăng cường sức khỏe nhân dân. Kinh tế phát triển cũng làm tăng nhu cầu ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân đối với dịch vụ y tế cũng như quyền được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế, khoảng cách giàu-nghèo giữa các địa phương, vùng miền, giữa các nhóm dân cư cũng có xu hướng gia tăng. Đây là yếu tố quan trọng tác động đến sự bất công bằng trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế, từ đó tác động đến sự khác nhau về tình trạng sức khỏe và bệnh tật giữa các nhóm dân cư.

Dân số 

Trong những năm gần đây, cơ cấu dân số nước ta vẫn có biến động mạnh, tỷ trọng dân số của nhóm tuổi dưới 15 tuổi giảm từ 33% năm 1999 xuống còn 25% năm 2009. Ngược lại, tỷ trọng dân số của nhóm 15-59 tuổi lại tăng từ 59%  năm 1999 lên 66% năm 2009 và nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên tăng từ 8% năm 1999 lên 9% năm 2009. Chỉ số già hóa dân số (tổng người >60 tuổi/người dưới 15 tuổi) tăng 11%, từ 24,5% năm 1999 lên 35,9% năm 2009. Do đó, các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và COPD cũng có chiều hướng gia tăng.

Đô thị hóa

Đô thị hóa cùng với đẩy mạnh công nghiệp hóa tạo ra thách thức lớn đối với công tác chăm sóc sức khỏe. Sự gia tăng của nhịp độ của cuộc sống là yếu tố nguy cơ cho các bệnh tâm thần, tim mạch và các BKLN khác. Công nghiệp hóa tăng nguy cơ tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích. 

 

Môi trường

Cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, vấn đề ô nhiễm môi trường đô thị, ô nhiễm không khí và nguồn nước khu dân cư ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Nhiều vấn đề có liên quan đến sức khỏe cấp tính và mãn tính nảy sinh do phơi nhiễm ngắn hạn và dài hạn với các chất gây ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí nguy hiểm nhất đối với những người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, người cao tuổi. 

2. Hành vi lối sống

a) Hút thuốc lá

Mặc dù đã có luật phòng chống tác hại thuốc lá nhưng tỷ lệ người hút thuốc lá vẫn ở mức cao và giảm chậm. Việt Nam là một trong 15 nước có số người sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới (khoảng 16 triệu người). Bên cạnh gánh nặng về bệnh tật và tử vong, hút thuốc còn tạo ra gánh nặng về tài chính. Hút thuốc lá làm phát sinh chi phí khổng lồ để điều trị những ca bệnh do hút thuốc gây ra. Đã có các quy định về cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng, nơi đông người, nhưng việc thực hiện và các chế tài xử lý không đủ mạnh nên kết quả còn rất hạn chế. Một số giải pháp về truyền thông, cấm quảng cáo, hạn chế lưu thông, tăng thuế…đã được triển khai, nhưng hiệu quả chưa cao. 

b) Sử dụng rượu, bia

Trong khi mức tiêu thụ của thế giới đang chững lại thì Việt Nam là một trong số ít quốc gia có xu hướng gia tăng nhanh về mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân đầu người. Việt Nam là quốc gia có mức tăng trưởng tiêu thụ bia năm 2011 so với năm 2010 cao nhất thế giới, với 14,8%. Mặc dù có nhiều chính sách để giảm thiểu tác hại của rượu, bia, nhưng chỉ tập trung vào tác hại đối với vấn đề an ninh trật tự và an toàn giao thông chứ chưa chú trọng đến giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe nói chung và phòng chống BKLN nói riêng; việc kiểm soát nguồn cung nhất là với các loại bia cỏ, rượu tự nấu thủ công còn gặp rất nhiều khó khăn; việc kiểm soát nhu cầu và hành vi tiêu dùng rượu bia hầu như đang bỏ ngỏ nên tiêu thụ rượu, bia ở Việt Nam sẽ vẫn ở mức cao và có xu hướng tăng nhanh, kể cả ở các đối tượng vị thành niên, thanh niên và phụ nữ. Theo ước tính của WHO, mức tiêu thụ bình quân đầu người 15 tuổi trở lên của Việt Nam quy lít rượu nguyên chất vào năm 2015, 2020 và 2025 tương ứng  có thể lên đến 8,7l, 10l và 11l .

c) Chế độ dinh dưỡng

Nói chung, chế độ ăn của người Việt Nam chứa nhiều rau, quả với lượng lipid thấp là một yếu tố mạnh để bảo vệ sức khỏe người dân. Nhưng những thay đổi của đời sống kinh tế-xã hội sẽ làm cho cách ăn uống truyền thống của người dân bị thay đổi theo. Người dân ngày càng sử dụng nhiều thực phẩm ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều chất béo và đường, ăn nhiều muối. Khẩu phần ăn không đầy đủ và mất cân đối tạo nên gánh nặng kép về dinh dưỡng. Bên cạnh tình trạng suy dinh dưỡng vẫn còn khá phổ biến thì tỷ lệ thừa cân-béo phì (yếu tố nguy cơ của các BKLN) ngày càng gia tăng.   

d) Hoạt động thể lực

Do quá trình đô thị hóa, cơ khí hóa và tự động hóa trong sản xuất, sự phát triển của các phương tiện giao thông cơ giới, các phương tiện nghe nhìn hiện đại, công nghệ thông tin, áp lực của công việc và học hành, người dân nói chung, đặc biệt là cư dân đô thị, nhân viên văn phòng, người lao động của một số ngành nghề, trẻ em, học sinh ngày càng ít có cơ hội vận động, thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe. Thiếu hoạt động thể lực là một trong những yếu tố nguy cơ chính tiếp tục làm gia tăng các BKLN. 

III. TỔNG HỢP THỰC TRẠNG VÀ DỰ BÁO XU HƯỚNG CỦA MỘT SỐ BKLN VÀ YẾU TỐ NGUY CƠ

Bệnh và yếu tố nguy cơ Thực trạng và dự báo

Hút thuốc • Theo điều tra GATS (Vinacosh) năm 2010, tỷ lệ nam ≥15 tuổi hút thuốc chiếm 47,4%. 

• Chỉ tiêu của Chiến lược thuốc lá đến năm 2020 giảm còn 39%, như vậy kỳ vọng nếu can thiệp hiệu quả mỗi năm trung bình giảm 0,7%

• Mục tiêu toàn cầu của WHO đến năm 2025 giảm 30% số người hút thuốc so với hiện tại

Sử dụng rượu bia ở mức có hại • Theo Điều tra STEPS năm 2010: 25,1% số nam giới trưởng thành có ít nhất 1 lần sử dụng rượu, bia ở mức có hại trong tuần qua (60g rượu nguyên chất).

• Mục tiêu toàn cầu của WHO đến 2025: giảm 10% tỷ lê sử dụng rượu, bia ở mức có hại so với hiện tại

Tiêu thụ muối trung bình /người/ngày • VN không có số liệu đại diện. Điều tra quy mô nhỏ của Viện Dinh dưỡng năm 2013: trung bình 1 người tiêu thụ 15g muối/ngày, cao gấp 3 lần so với khuyến cáo của WHO

• Mục tiêu toàn cầu của WHO đến năm 2025: giảm 3/10 của mức hiện có.

Người trưởng thành thiếu hoạt động thể lực • Theo Điều tra STEPS năm 2010, khoảng 30% người trưởng thành thiếu hoạt động thể lực kể cả ở nông thôn. Trong xu thế đô thị hóa và tăng sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới hiện nay, nếu không can thiệp thì chắc chắn tỷ lệ người thiếu hoạt động thể lực sẽ tăng cao.

• Mục tiêu toàn cầu của WHO đến 2025: giảm 10% số người thiếu hoạt động thể lực so với hiện tại.

Thừa cân-béo phì (BMI≥25) • Theo điều tra dinh dưỡng và điều tra STEPS: tỷ lệ thừa cân béo phì năm 2000 là 3,5%; năm 2005 là 6,6%; năm 2010 là 10,9%. Trung bình giai đoạn 2000-2010 tăng 0,7%/năm. Ước tính nếu tăng tương tự như giai đoạn trước, đến năm 2025 tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân béo phì là 21%

• Mục tiêu toàn cầu của WHO: khống chế  béo phì, không để gia tăng

Tiền ĐTĐ • Theo Điều tra của Bệnh viện Nội tiết: tỷ lệ tiền đái tháo đường năm 2002 là 7,7%; năm 2012 là 12,8%. Trung bình giai đoạn 2002-2012: mỗi năm tăng 0,5%, ước tính nếu tăng tương tự như giai đoạn trước, đến 2025 tỷ lệ tiền đái tháo đường là 19%

ĐTĐ • Theo Điều tra của Bệnh viện Nội tiết: tỷ lệ đái tháo đường năm 2002 là 2,7%; năm 2012 là 5,4%. Trung bình giai đoạn 2002-2012: mỗi năm tăng 0,27%; ước tính nếu tăng tương tự như giai đoạn trước, đến năm 2025 là 9%

• Mục tiêu toàn cầu WHO đến năm 2025: khống chế sự gia tăng bệnh ĐTĐ

THA • Theo Điều tra của Viện Tim mạch: Tỷ lệ THA năm 2002 là 16,9%; năm 2008 là 25,1%. Trung bình giai đoạn 2002-2008 mỗi năm tăng 1,3%; ước tính nếu tăng tương tự như giai đoạn trước, đến năm 2025 tỷ lệ người THA sẽ trên 35%.

• Mục tiêu toàn cầu của WHO đến 2025: giảm 25% số người tăng huyết áp so với hiện tại.

Tử vong sớm (trước 70 tuổi) do các bệnh tim mạch, ung thư, ĐTĐ và COPD • Theo báo cáo của WHO 2012: tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do các bệnh tim mạch, ung thư, ĐTĐ và COPD ở Việt Nam chiếm 40,7% tổng số tử vong do 4 bệnh này ở mọi độ tuổi.

• Mục tiêu toàn cầu của WHO đến 2025 giảm 25% số tử vong trước 70 tuổi so với hiện tại.

 

Phần 3

NỘI DUNG CHIẾN LƯỢC  PHÒNG CHỐNG BỆNH UNG THƯ, TIM MẠCH, ĐÁI THÁO ĐƯỜNG, BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH, HEN PHẾ QUẢN VÀ CÁC BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM KHÁC GIAI ĐOẠN 2015-2025 

 

I. QUAN ĐIỂM

1. Các bệnh ung thư, bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các BKLN khác (sau đây gọi chung là các BKLN) ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước do số người mắc bệnh nhiều, bệnh gây tàn tật và tử vong cao. Phòng, chống các BKLN hiệu quả sẽ hạn chế số người mắc bệnh này trong cộng đồng, ngăn chặn tàn tật, tử vong sớm và giảm quá tải tại các bệnh viện.

2. Phòng, chống các BKLN là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của mỗi người dân, trong đó các cấp chính quyền trực tiếp chỉ đạo, ngành Y tế là nòng cốt.

3. Kiểm soát nguy cơ gây bệnh như hút thuốc lá, lạm dụng đồ uống có cồn, dinh dưỡng không hợp lý, thực phẩm không an toàn, thiếu hoạt động thể lực, cùng với chủ động giám sát, phát hiện bệnh sớm, điều trị, quản lý liên tục và lâu dài tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu là yếu tố quyết định hiệu quả trong phòng, chống các BKLN. 

4. Nguồn lực đầu tư cho hoạt động phòng, chống các BKLN được huy động từ nhiều nguồn, trong đó ngân sách Nhà nước tập trung vào kiểm soát yếu tố nguy cơ, dự phòng, giám sát, phát hiện bệnh sớm. 

II. MỤC TIÊU 

1. Mục tiêu chung

Khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các BKLN, trong đó ưu tiên phòng, chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

2. Mục tiêu cụ thể và chỉ tiêu đến năm 2025

a) Mục tiêu 1: Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và hiểu biết của người dân trong phòng, chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.

Chỉ tiêu: 

- 100% Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kế hoạch và đầu tư kinh phí triển khai thực hiện Chiến lược tại địa phương;

- 70% người trưởng thành hiểu biết về bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, ảnh hưởng đối với sức khỏe cộng đồng, kinh tế, xã hội của đất nước, cũng như các nguyên tắc phòng, chống các bệnh này.

b) Mục tiêu 2: Giảm thiểu các hành vi nguy cơ chính gây mắc các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.

Chỉ tiêu: 

- Giảm 30% tỷ lệ hút thuốc ở người trưởng thành so với năm 2015; giảm tỷ lệ hút thuốc ở nhóm vị thành niên xuống còn 3,6%;

- Giảm 10% tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại ở người trưởng thành so với năm 2015; giảm tỷ lệ có uống rượu, bia ở nhóm vị thành niên xuống còn 20%;

- Giảm 30% mức tiêu thụ muối trung bình/người/ngày ở người trưởng thành so với năm 2015;

- Giảm 10% tỷ lệ thiếu hoạt động thể lực ở người trưởng thành so với năm 2015.

c) Mục tiêu 3: Hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm tại cộng đồng do các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản. 

Chỉ tiêu:

- Khống chế tỷ lệ bị thừa cân béo phì (BMI≥25) dưới 15% ở người trưởng thành; khống chế tỷ lệ thừa cân béo phì dưới 10% ở trẻ em;

- Khống chế tỷ lệ có cholesterol máu cao (>5,0 mmol/L) dưới 35% ở người trưởng thành; 

- Khống chế tỷ lệ bị tăng huyết áp dưới 30% ở người trưởng thành;

- 50% số người bị tăng huyết áp được phát hiện; 50% số người phát hiện bệnh được quản lý, điều trị theo hướng dẫn chuyên môn;

- Khống chế tỷ lệ bị tiền đái tháo đường dưới 16% ở người 30-69 tuổi;

- Khống chế tỷ lệ đái tháo đường dưới 8% ở người 30-69 tuổi;

- 50% số người bị bệnh đái tháo đường được phát hiện; 50% số người phát hiện bệnh được quản lý, điều trị theo hướng dẫn chuyên môn;

- 50% số người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được phát hiện ở giai đoạn sớm; 50% số người phát hiện bệnh được điều trị theo hướng dẫn chuyên môn;

- 50% số người bệnh hen phế quản được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm, 50% số người bệnh hen phế quản được điều trị đạt kiểm soát hen trong đó 20% đạt kiểm soát hoàn toàn;

- 40% số người mắc một số bệnh ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm (đối với những bệnh ung thư nếu được phát hiện sớm có giá trị nâng cao hiệu quả điều trị);

- Giảm 20% tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính so với năm 2015;

d) Mục tiêu 4: Nâng cao năng lực và hiệu quả trong dự phòng, giám sát, phát hiện, điều trị, quản lý bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản và các BKLN khác.

Chỉ tiêu:

- 90% cơ sở y tế dự phòng bảo đảm cung cấp các dịch vụ thiết yếu phòng chống bệnh không lây nhiễm theo quy định;

- 90% cán bộ y tế thực hiện công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm được đào tạo, tập huấn về dự phòng, giám sát, phát hiện, điều trị, quản lý theo quy định;

- 90% cơ sở y tế xã, phường, thị trấn và tương đương (sau đây gọi chung là y tế xã) có đủ trang thiết bị y tế cơ bản và thuốc thiết yếu theo quy định về chức năng, nhiệm vụ, phục vụ dự phòng, giám sát, phát hiện, điều trị, quản lý theo hệ thống đối với bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản phù hợp.

III. GIẢI PHÁP

1. Giải pháp về chính sách, pháp luật và phối hợp liên ngành

a) Tăng cường thực thi, bổ sung và hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật về kiểm soát yếu tố nguy cơ và thúc đẩy các yếu tố tăng cường sức khỏe để phòng, chống BKLN:

- Quán triệt, triển khai thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Luật Bảo vệ môi trường, Luật An toàn thực phẩm, Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác; xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống lạm dụng đồ uống có cồn; tăng cường quản lý, bổ sung hoàn thiện những quy định của pháp luật và cảnh báo những ảnh hưởng đến sức khỏe đối với các thực phẩm chế biến sẵn, nước ngọt, phụ gia thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm dành cho trẻ em.

- Nghiên cứu, đề xuất, bổ sung các quy định về kiểm soát quảng cáo, chính sách thuế phù hợp nhằm giảm sử dụng thuốc lá, đồ uống có cồn, nước ngọt, thực phẩm chế biến sẵn và một số sản phẩm khác có nguy cơ gây BKLN.

- Đề xuất, bổ sung các chính sách nhằm khuyến khích sản xuất, cung cấp và tiêu thụ các thực phẩm an toàn, dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, sử dụng không gian công cộng, cơ sở luyện tập thể dục, thể thao; phát triển giao thông công cộng, giao thông phi cơ giới. 

b) Hoàn thiện, bổ sung cơ chế phối hợp liên ngành từ Trung ương đến địa phương cùng với đẩy mạnh huy động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia để triển khai thực hiện Chiến lược. 

c) Rà soát, bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật để hoạt động phòng, chống các BKLN được thực hiện thống nhất theo hệ thống từ Trung ương đến địa phương; bảo đảm thuốc và vật tư cho công tác dự phòng, khám sàng lọc, phát hiện sớm, điều trị, theo dõi và quản lý lâu dài người bệnh tại y tế cơ sở.

d) Nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích cung cấp dịch vụ dự phòng, quản lý điều trị BKLN tại cộng đồng thông qua y tế tư nhân, bác sỹ gia đình, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa. 

2. Giải pháp về truyền thông và vận động xã hội

a) Sử dụng mạng lưới thông tin truyền thông từ Trung ương tới địa phương để tuyên truyền, phổ biến, vận động các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, các hướng dẫn, khuyến cáo về phòng, chống BKLN. 

 b) Nghiên cứu, xây dựng và cung cấp các chương trình, tài liệu truyền thông về phòng chống BKLN phù hợp với phương thức truyền thông và các nhóm đối tượng. 

c) Vận động xây dựng cộng đồng nâng cao sức khỏe phù hợp với từng vùng miền và từng nhóm đối tượng, trong đó chú trọng trường học nâng cao sức khỏe, nơi làm việc vì sức khỏe và thành phố vì sức khỏe. 

d) Đề xuất phát động phong trào toàn dân thực hiện lối sống tăng cường sức khỏe gắn với phòng, chống các BKLN.

3. Giải pháp tăng cường hệ thống cung cấp dịch vụ và chuyên môn kỹ thuật y tế

a) Tổ chức hệ thống dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý các BKLN từ Trung ương đến cấp xã trong cả nước:

- Xây dựng, ban hành các hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho công tác dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản phù hợp với chức năng nhiệm vụ và phân tuyến kỹ thuật của các cơ sở y tế.

- Các cơ sở y tế dự phòng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (công lập và ngoài công lập) từ Trung ương đến cấp xã tổ chức các hoạt động dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản phù hợp chức năng, nhiệm vụ theo quy định.

- Phối hợp, lồng ghép khám phát hiện BKLN trong các hoạt động khám sức khỏe định kỳ, quản lý sức khỏe tại các trường học, cơ quan, xí nghiệp. 

b) Tăng cường phát hiện, điều trị, quản lý tại trạm y tế xã và cộng đồng cho người mắc bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các BKLN khác theo quy định, bảo đảm cung cấp dịch vụ quản lý, theo dõi và chăm sóc liên tục cho người bệnh.

- Nghiên cứu tổ chức các hình thức phát hiện, điều trị, quản lý bệnh không lây nhiễm phù hợp tại tuyến xã, trước mắt triển khai phát hiện, điều trị dự phòng và  điều trị duy trì theo chỉ định của tuyến trên, từng bước tiến tới tự quản lý điều trị được một số BKLN ở những trạm y tế đủ điều kiện.

- Cung cấp đủ thuốc thiết yếu cho điều trị bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và một số BKLN khác ở tuyến xã theo quy định. 

c) Tăng cường hiệu quả hoạt động của lĩnh vực y tế dự phòng trong kiểm soát yếu tố nguy cơ và các tình trạng tiền bệnh để dự phòng các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản. 

- Ban hành các hướng dẫn chuyên môn và triển khai các can thiệp phòng, chống tác hại của thuốc lá, lạm dụng đồ uống có cồn, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, giảm ăn muối, tăng cường hoạt động thể lực tại các cơ sở giáo dục, nơi làm việc và tại cộng đồng; phát hiện sớm, quản lý, tư vấn và điều trị dự phòng đối với người thừa cân béo phì, tăng huyết áp, tăng đường máu, rối loạn mỡ máu và có nguy cơ tim mạch; thực hiện mô hình nâng cao sức khỏe phòng, chống các BKLN.

- Triển khai thực hiện hiệu quả công tác tiêm vắc xin phòng ung thư; bảo đảm trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin viêm gan B, từng bước mở rộng triển khai dịch vụ tiêm phòng HPV để phòng ung thư cổ tử cung cho phụ nữ trong độ tuổi tiêm phòng và các loại vắc xin khác nếu có.

- Hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát hoạt động dự phòng, phát hiện sớm, điều trị, quản lý và tự quản lý điều trị bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản tại trạm y tế xã và cộng đồng theo quy định. Nâng cao năng lực cho Trung tâm y tế huyện để thực hiện việc quản lý, hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến xã.

- Tăng cường hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các hoạt động liên ngành có liên quan trong phòng, chống bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng.  

d) Củng cố hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để cung cấp các dịch vụ toàn diện, chuyên sâu và kỹ thuật cao cho chẩn đoán, điều trị bệnh nhân mắc BKLN, đồng thời hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới, bảo đảm việc phát hiện bệnh sớm, điều trị hiệu quả và quản lý bệnh nhân liên tục và lâu dài. 

- Nâng cấp, hoàn thiện các cơ sở chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.

- Triển khai các biện pháp sàng lọc phù hợp, hiệu quả để tăng cường phát hiện sớm và quản lý điều trị các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.

- Hoàn thiện và thực hiện gói dịch vụ cho mỗi tuyến bảo đảm hệ thống quản lý điều trị liên tục cho người mắc bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.

4. Giải pháp về nguồn lực

a) Phát triển nguồn nhân lực

- Sắp xếp, bố trí nhân lực các tuyến cho phòng, chống các BKLN.

- Bổ sung, cập nhật nội dung đào tạo về phòng chống BKLN trong các chương trình đào tạo của các trường trung cấp, cao đẳng và đại học y; chú trọng các chương trình đào tạo bác sỹ gia đình, cử nhân y tế công cộng, cử nhân điều dưỡng và dinh dưỡng tiết chế.

- Đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ trong các lĩnh vực liên quan đến kiểm soát các yếu tố nguy cơ BKLN của các Bộ, ngành.

- Tăng cường đào tạo nâng cao năng lực phòng chống BKLN cho đội ngũ cán bộ y tế phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng tuyến. Bảo đảm đào tạo và đào tạo liên tục để cập nhật kiến thức, kỹ năng phòng chống BKLN. 

- Ưu tiên đào tạo lại cán bộ y tế xã, y tế trường học, y tế cơ quan, xí nghiệp và y tế thôn bản thông qua chương trình đào tạo toàn diện và lồng ghép phòng chống các BKLN nhằm bảo đảm cung cấp dịch vụ trong dự phòng, quản lý điều trị và chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế và cộng đồng.

- Có cơ chế phù hợp để khuyến khích cán bộ y tế xã tham gia các hoạt động phát hiện sớm, giám sát và quản lý điều trị các BKLN tại cộng đồng.

b) Nguồn lực tài chính

Nguồn kinh phí thực hiện bao gồm:

- Nguồn ngân sách Nhà nước tập trung cho hoạt động kiểm soát yếu tố nguy cơ, dự phòng, giám sát và phát hiện sớm bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản;

- Nguồn bảo hiểm y tế;

- Nguồn xã hội hóa;

- Nguồn hợp pháp khác.

c) Thuốc và trang thiết bị

- Tăng cường đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất cho hoạt động giám sát, dự phòng, phát hiện, chẩn đoán sớm, quản lý điều trị các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.

- Bảo đảm cung ứng thuốc và vật tư thiết yếu cho chẩn đoán, điều trị các bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã được bảo hiểm y tế chi trả; 

- Bảo đảm cung ứng vắc xin, sinh phẩm cho dự phòng một số bệnh ung thư có vắc xin phòng bệnh.

5. Giải pháp về nghiên cứu, theo dõi và giám sát

a) Nâng cao năng lực, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực phòng, chống bệnh không lây nhiễm. Thiết lập mạng lưới các cơ sở đào tạo, nghiên cứu chuyên sâu về bệnh không lây nhiễm có sự tham gia của các trường, các viện. Tăng cường sử dụng thông tin và bằng chứng khoa học trong xây dựng chính sách, lập kế hoạch, chương trình, dự án về phòng chống bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là các can thiệp tại cộng đồng.

b) Xây dựng hệ thống giám sát bệnh không lây nhiễm lồng ghép trong hệ thống thông tin y tế quốc gia để theo dõi, dự báo, giám sát yếu tố nguy cơ, số mắc bệnh và tử vong, đáp ứng của hệ thống y tế và hiệu quả các biện pháp phòng, chống BKLN.

- Cập nhật và hoàn thiện bộ chỉ số quốc gia, quy trình, công cụ giám sát thống nhất áp dụng trên toàn quốc, kết hợp kiện toàn hệ thống thu thập thông tin báo cáo về BKLN.

- Định kỳ tổ chức điều tra quốc gia về yếu tố nguy cơ BKLN sử dụng quy trình và bộ công cụ chuẩn hóa để thu thập, theo dõi, giám sát mức độ và chiều hướng của các yếu tố nguy cơ BKLN trong cộng đồng.

- Nghiên cứu, đề xuất, triển khai giám sát tử vong tại cộng đồng trên cơ sở thu thập thông tin từ hệ thống thống kê tử vong của trạm y tế xã. Tăng cường chất lượng và mức độ bao phủ của mạng lưới ghi nhận ung thư, nghiên cứu triển khai hệ thống ghi nhận đột quỵ. Thu thập đầy đủ các thông tin về mắc và tử vong do BKLN từ hệ thống báo cáo thống kê bệnh viện.

- Tăng cường tổ chức giám sát, đánh giá các hoạt động trong phòng chống BKLN, tiến độ thực hiện Chiến lược và các chính sách liên quan của các Bộ, ngành.

- Đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BKLN, thống nhất đầu mối để quản lý và công bố các thông tin, dữ liệu về BKLN. Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kết nối giữa các tuyến để hỗ trợ chăm sóc, theo dõi bệnh nhân liên tục và lâu dài.

6. Giải pháp tăng cường hợp tác quốc tế

a) Chủ động tích cực hợp tác với các quốc gia, các viện, trường và các hiệp hội trong khu vực và trên thế giới trong nghiên cứu, đào tạo để phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho công tác phòng, chống BKLN.

b) Tăng cường hợp tác toàn diện với Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức quốc tế khác để hỗ trợ, thúc đẩy triển khai thực hiện Chiến lược; lồng ghép các dự án hợp tác quốc tế với hoạt động của Chiến lược nhằm thực hiện được các mục tiêu.

IV. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC 

Xây dựng chương trình, dự án giai đoạn 2015-2020 triển khai thực hiện Chiến lược trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm:

1. Dự án truyền thông, vận động xã hội phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các BKLN khác, giai đoạn 2015-2020.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Y tế.

- Cơ quan phối hợp: Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Dự án chủ động dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, giai đoạn 2015-2020.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Y tế.

- Cơ quan phối hợp: các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Dự án quản lý, giám sát hàm lượng muối, đường, chất béo, phụ gia trong các thực phẩm chế biến sẵn và can thiệp giảm sử dụng muối tại cộng đồng để phòng chống bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường giai đoạn 2015-2020.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Công Thương.

- Cơ quan phối hợp: Bộ Y tế, các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

4. Dự án bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2015-2020. 

- Cơ quan chủ trì: Bộ Giáo dục và Đào tạo

- Cơ quan phối hợp: Bộ Y tế, các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

5. Dự án tăng cường hoạt động thể lực phòng chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2015-2020.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 

- Cơ quan phối hợp: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế và các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đến năm 2020, tổ chức tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện các chương trình, dự án giai đoạn 2015-2020 và xây dựng chương trình, dự án giai đoạn 2021-2025 thực hiện Chiến lược trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Căn cứ Chiến lược, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được phân công và định kỳ gửi báo cáo cho Bộ Y tế tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

1. Bộ Y tế

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức để xây dựng kế hoạch, dự án, tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược trên phạm vi cả nước. 

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới phòng, chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.

c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để xây dựng Dự án số 1, 2 của Chiến lược trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện.

d) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chiến lược. Định kỳ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình triển khai và kết quả thực hiện Chiến lược.

đ) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe cộng đồng (trên cơ sở lồng ghép với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá) để trực tiếp hỗ trợ cho hoạt động phòng, chống BKLN.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

a) Bố trí kinh phí đầu tư để triển khai các Dự án thực hiện Chiến lược.

b) Vận động, huy động các nguồn tài trợ trong và ngoài nước cho thực hiện Chiến lược.

3. Bộ Tài chính 

a) Bố trí kinh phí hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm thực hiện Chiến lược; hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chiến lược theo quy định.

b) Nghiên cứu đề xuất mức thuế phù hợp đối với các sản phẩm kinh doanh có điều kiện để hạn chế sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, đồng thời có chính sách tài chính khuyến khích sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm có lợi cho sức khỏe.

4. Bộ Công Thương

a) Tăng cường quản lý về kinh doanh thuốc lá, đồ uống có cồn và các sản phẩm khác nhằm ngăn chặn tối đa yếu tố nguy cơ gây mắc bệnh không lây nhiễm từ các sản phẩm này. 

b) Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi, ban hành theo thẩm quyền các văn bản pháp luật quy định về dán nhãn minh bạch sản phẩm, in thông tin cảnh báo sức khỏe trên các sản phẩm thuốc lá, đồ uống có cồn và các sản phẩm khác có yếu tố nguy cơ gây BKLN. 

c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan để xây dựng dự án số 03 của Chiến lược trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường 

a) Phối hợp với Bộ Y tế tổng hợp, theo dõi và đánh giá các yếu tố môi trường có tác động đến sức khỏe và bệnh tật của con người, trong đó có bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản; đề xuất và tổ chức thực hiện các giải pháp giám sát, giảm thiểu các yếu tố này.

b) Đẩy mạnh thực thi Luật Bảo vệ môi trường, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm giảm thiểu tối đa các yếu tố nguy hại đến sức khỏe nhân dân nói chung và gây BKLN nói riêng theo thẩm quyền, để thực hiện mục tiêu của Chiến lược.

6. Bộ Giáo dục và Đào tạo 

a) Triển khai các hoạt động truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi về dinh dưỡng phù hợp với từng lứa tuổi và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để dự phòng các BKLN; lồng ghép nội dung phòng, chống các yếu tố nguy cơ gây BKLN trong hoạt động ở các cấp học.

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan để xây dựng Dự án số 4 của Chiến lược, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện.

7. Bộ Giao thông vận tải

Tăng cường quản lý, kiểm soát các phương tiện giao thông cơ giới thải ra môi trường các chất có nguy cơ gây BKLN theo quy định; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển giao thông công cộng và hạ tầng cơ sở cho giao thông phi cơ giới.

 8. Bộ Xây dựng 

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, bổ sung các quy định pháp luật, các đồ án quy hoạch cũng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác phát triển đô thị nhằm bảo đảm không gian sống và cơ sở vật chất cho các hoạt động thể lực, nâng cao chất lượng sống cho cư dân đô thị;

b) Có cơ chế chính sách phù hợp nhằm khuyến khích việc sử dụng vật liệu an toàn, thân thiện với môi trường trong các dự án xây dựng.

9. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 

a) Chủ trì xây dựng và ban hành các quy định pháp luật nhằm tăng cường cơ sở vật chất cho thể dục, thể thao quần chúng; phát động các chương trình, phong trào rèn luyện thể dục thể thao trong cộng đồng; 

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để xây dựng Dự án số 5 của Chiến lược trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện.

10. Bộ Thông tin và Truyền thông 

a) Phối hợp với Bộ Y tế, chỉ đạo và tổ chức các hoạt động thông tin, truyền thông về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm và các yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản;

b) Phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan để xây dựng Dự án số 1 của Chiến lược, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện.

11. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 

Chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tăng cường quản lý, thanh tra, giám sát bảo đảm thực phẩm sạch, nước sạch nông thôn; kiểm soát dư lượng phân bón, các chất tăng trưởng, chất kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm nông nghiệp.

12. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

a) Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tăng cường quản lý, thanh tra, giám sát bảo đảm môi trường làm việc nâng cao sức khỏe cho người lao động, giảm thiểu các yếu tố nguy cơ gây BKLN.

b) Phối hợp với Bộ Y tế trong việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc, nhằm phát hiện sớm, quản lý điều trị và phục hồi chức năng cho người lao động mắc BKLN.

13. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch và chỉ đạo triển khai Chiến lược tại địa phương.

b) Bố trí đủ ngân sách, nhân lực, cơ sở vật chất để triển khai thực hiện Chiến lược tại địa phương.

c) Kiểm tra, giám sát và báo cáo tiến độ và kết quả việc thực hiện Chiến lược

14. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ 

Triển khai thực hiện các nội dung của Chiến lược liên quan đến lĩnh vực phụ trách.

15. Thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống BKLN trên cơ sở hợp nhất các ban chỉ đạo hiện có của các chương trình, hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống BKLN để thống nhất tập trung đầu mối chỉ đạo. Ban chỉ đạo quốc gia do Bộ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng ban với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội liên quan, có trách nhiệm xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược này. Văn phòng thường trực giúp việc Ban chỉ đạo đặt tại Bộ Y tế. 

Ban biên tập Trang thông tin điện tử - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

 

Admin

Tin tức liên quan

Nguyên nhân ban đầu về chùm bệnh nhân tử vong tại Liberia

Tiếp theo thông tin ngày 07/5/2017 của Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo về một chùm ca tử vong đột ngột không rõ nguyên nhân tại tỉnh Sinoe, Liberia sau khi tham dự một đám tang, đến ngày 10/5/2017, WHO thông báo đã xác định được nguyên nhân ban đầu của chùm ca tử vong này là do viêm màng não do não mô cầu nhóm C.

Xem chi tiết Next

Phát hiện sự biến đổi từ độc lực thấp sang độc lực cao của chủng vi rút cúm A(H7N9) tại Trung Quốc

Dịch cúm A(H7N9) bắt đầu được ghi nhận tại Trung Quốc từ 3/2013 với 5 đợt dịch, trong đó đợt dịch thứ 5 diễn ra từ tháng 10/2016 tới nay là đợt dịch lớn nhất từ trước tới nay cả về quy mô, số lượng mắc và tốc độ lây lan tạo thành đợt dịch thứ 5 với 541 trường hợp mắc

Xem chi tiết Next

Báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ

Ở Việt Nam, khu vực miền Trung-Tây Nguyên (MT-TN) là vùng có sốt rét lưu hành cao nhất toàn quốc: hàng năm số bệnh nhân sốt rét (BNSR) chiếm gần 50%, ký sinh trùng sốt rét (KSTSR) chiếm 75%, số bệnh nhân sốt rét ác tính và tử vong do sốt rét chiếm trên 80% tổng số của cả nước.

Xem chi tiết Next
Thong ke