Có thể đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm vắc xin COVID-19 tại Việt Nam
Chiều 20/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã nghe lãnh đạo Bộ Y tế, đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng COVID-19, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) báo cáo tiến độ thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19 Nano Covax, được nghiên cứu và sản xuất bởi các nhà khoa học Việt Nam. Thông tin tại buổi làm việc cho biết có thể đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm vắc xin COVID-19 tại Việt Nam.
Trước khi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã tới thăm hỏi, trò chuyện, động viên 3 tình nguyện viên là những người đầu tiên tiêm thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVID-19 đang theo dõi sức khoẻ tại Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự (Học viện Quân y).Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Phạm Công Tạc.
Tại đây, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã trò chuyện, động viên và gửi lời cảm ơn các tình nguyện viên trước tinh thần và sự cống hiến tâm sức cho đợt thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVID-19, để góp phần ngăn chặn đại dịch COVID-19.
Nam tình nguyện viên ngoài 20 tuổi hiện đang là sinh viên – cũng là người đầu tiên tiêm vắc xin COVID-19 “made in” Việt Nam cho biết rất vui vì được lựa chọn là người tiêm vắc xin COVID-19 đầu tiên trong đợt thử hiện này.
Nam thanh niên cho biết, sau 3 ngày tiêm vắc xin sức khỏe anh hoàn toàn bình thường, ăn ngon và ngủ tốt. Đến chiều 20/12, nam thanh niên đã hết thời gian theo dõi sức khỏe tại nơi tiêm thử nghiệm và trong cùng ngày sẽ về nơi cư trú để tiếp tục theo dõi sức khỏe với sự hỗ trợ y tế tại nơi học tập và sinh sống.
Hai nữ tình nguyện viên khác cũng chia sẻ với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long về việc sức khoẻ bình thường sau tiêm.
Một nữ tình nguyện hiện là giáo viên cho biết, cô tham gia các hoạt động tình nguyện, hoạt động đoàn thể từ ngày còn học cấp 2 nên “sự cống hiến đã ngấm vào máu của em nên khi biết tin em đã đến đăng ký, và em rất vui vì đủ điều kiện sức khoẻ để được lựa chọn là đối tượng tiêm thử nghiệm vắc xin COVID-19 của Việt Nam”- nữ giáo viên nói.
28 ngày tiêm mũi thứ nhất, các tình nguyện viên sẽ quay lại Học viện Quân y để tiếp tục tiêm mũi thứ hai. Hiện Học viện Quân y cũng đang trình Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia về việc tiêm thử nghiệm vắc xin COVID-19 lần thứ hai.
Tại cuộc họp ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết để đẩy nhanh tiến độ sản xuất vắc xin COVID-19 tại Việt Nam, Bộ Y tế đã tạo mọi điều kiện tối đa để rút ngắn thời gian thực hiện các giai đoạn thử nghiệm so với điều kiện bình thường nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ các bước, an toàn, khoa học. Các đơn vị liên quan đã và đang chuẩn bị cho giai đoạn thử nghiệm 2 và 3.
Trên thế giới, hiện có 56 loại vắc xin COVID-19 đang thử nghiệm lâm sàng. Trong đó, có những loại vắc xin đã kết thúc thử nghiệm giai đoạn 3 như Pfizer, Moderna, Astrazeneca và loại vắc xin của Nga...
Đánh giá cao Học viện Quân y và Công ty Nanogen đã tích cực nghiên cứu, sản xuất, triển khai thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu thực hiện việc nghiên cứu, tiêm thử nghiệm trên tinh thần tuân thủ đầy đủ quy định của Bộ Y tế về yêu cầu an toàn, hiệu quả nhưng khẩn trương. Theo Phó Thủ tướng, vắc xin thành công không chỉ là niềm tự hào của giới khoa học, của ngành Y tế Việt Nam mà đây thực sự là công cụ chống dịch COVID-19 hữu hiệu.
Từ kinh nghiệm sản xuất các bộ sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2, Phó Thủ tướng đề nghị đơn vị nghiên cứu, sản xuất và cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Y tế, Bộ KH&CN cùng các đơn vị liên quan) cần bàn bạc, thảo luận kỹ trên tinh thần khoa học, cầu thị và "chạy đua với thời gian"; đồng thời cần tiếp tục chuẩn bị điều kiện cần thiết cho các bước tiếp theo khi thử nghiệm thành công. Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần tính đến cả trường hợp tốt lẫn tình huống xấu.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế tiếp tục liên hệ với các đối tác để có vắc xin phòng COVID-19 sớm nhất theo phương án hoặc mua hoặc sản xuất trong nước. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết hiện nay giá bán vắc xin trên thế giới rất cao, nguồn cung còn hạn chế, vì vậy, việc đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước là rất cần thiết.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, vắc xin vẫn là câu chuyện của tương lai. Ngay bây giờ chúng ta vẫn phải hết sức chú trọng các biện pháp phòng, chống dịch đã làm từ trước đến nay. Với sự nỗ lực của toàn thể nhân dân và xã hội, của cả lực lượng y tế và các lực lượng chức năng, dưới sự lãnh đạo điều hành của Đảng, Nhà nước chính quyền các cấp đến bây giờ, chúng ta có một thành quả chống dịch rất tốt. Trước hết phải duy trì tiếp và bảo vệ thành quả này.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ KH&CN chủ trì, Học viện Quân y phối hợp với Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) xây dựng đề án phát triển trung tâm nghiên cứu phát triển vắc xin phòng chống các dịch bệnh mới nổi, trong đó có hạng mục là có xây dựng phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 3 trở lên. Những trung tâm nghiên cứu này cùng với các viện nghiên cứu của Bộ Y tế sẽ hình thành mạng lưới sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh mới cũng như thảm họa liên quan đến sức khỏe con người trong tương lai.
Vắc xin COVID-19 do Việt Nam sản xuất sẽ trải qua 3 giai đoạn tiêm thử nghiệm lâm sàng trên người. Giai đoạn 1 tiêm cho khoảng 60 người, giai đoạn 2 có khoảng 400-600 người tham gia. Giai đoạn 3, phải cần ít nhất 3.000 người, có thể mở rộng diện tham gia ra tới 30.000 người, nghiên cứu đa trung tâm, đa vùng.
Dự kiến ngày 21/12, Học viện Quân y sẽ tiếp tục tiêm thử nghiệm cho những tình nguyện viên còn lại tham gia giai đoạn 1./.
Ban biên tập trang Thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng