​Cục Y tế dự phòng tổ chức Hội thảo phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về tiêm chủng

12/06/2019 In bài viết

_
Trong những năm vừa qua, công tác tiêm chủng đã đạt được những bước tiến rõ rệt như sửa đổi và ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn chi tiết về sử dụng vắc xin...Người dân đã tin tưởng đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Hơn 30 năm qua, Chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Mỗi năm đã có hàng chục triệu liều vắc xin được tiêm miễn phí cho các đối tượng thuộc tiêm chủng mở rộng. Nhờ tỷ lệ tiêm chủng đạt ở mức cao trên 90%, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005 và đến nay tiếp tục duy trì bảo vệ các thành quả này, tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em đã giảm mạnh so với trước khi triển khai Chương trình này

Ngày 01/7/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 104/2016/NĐ-CP quy định về hoạt động tiêm chủng. Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/7/2016. Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, ngày 12/11/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 155/2018/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế trong đó có Nghị định số 104/2016/NĐ - CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng.
          Bộ Y tế cũng đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng hướng dẫn về công tác tiêm chủng như:
          - Thông tư số 38/2018/TT-BYT ngày 17/10/2018 ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc, thay thế Thông tư số 26/2011/TT-BYT ngày 24 tháng 6 năm 2011. 
          - Thông tư số 24/2018/TT-BYT ngày 18/9/2018 quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vắc xin, thay thế Thông tư số 21/2011/TT-BYT ngày 07/6/2011.
          - Thông tư số 34/2018/TT – BYT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ - CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng, thay thế Thông tư số 12/2014/TT - BYT ngày 20/3/2014.
Các văn bản này là hành lang pháp lý quan trọng việc quản lý hoạt động tiêm chủng đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Tại các địa phương, việc tiếp cận và tổ chức thực hiện các văn bản pháp quy nêu trên đã được thực hiện một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, do có sự đổi mới trong quy tắc quản lý cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng, quy định về điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực của cơ sở tiêm chủng...trong các văn bản nêu trên, vì vậy, trong thời gian qua Cục Y tế dự phòng đã nhận được một số ý kiến đề nghị hướng dẫn, giải đáp của một số địa phương về các nội dung liên quan. Mặc dù đã có các văn bản trả lời cho các địa phương và các đơn vị liên quan, tuy nhiên để thống nhất việc triển khai thực hiện, đồng thời hỗ trợ các cán bộ y tế hệ thống hóa các quy định mới liên quan đến hoạt động tiêm chủng. Tháng 3/2019, Cục Y tế dự phòng đã phối hợp với Vụ pháp chế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức 03 hội thảo phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về tiêm chủng  tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang cho tuyến khu vực và tuyến tỉnh. Mục đích của Hội thảo nhằm phổ biến, cập nhật các quy định về tiêm chủng các cán bộ quản lý, tại các tỉnh, thành phố, cũng như giải đáp các thắc mắc, làm rõ những vấn đề phát sinh trong công tác quản lý tiêm chủng tại địa phương. Tham dự tại các Hội thảo là đại diện Lãnh đạo, cán bộ đến từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur khu vực; Lãnh đạo và cán bộ của 63 Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh/thành phố.

       Thông qua Hội thảo, các cán bộ quản lý cũng như cán bộ kỹ thuật đã hiểu rõ các quy định của Nghị định 104/2016/NĐ-CP, Nghị định 155/2018/NĐ-CP và các Thông tư của Bộ Y tế về công tác tiêm chủng đặc biệt là các quy định về điều kiện của cơ sở tiêm chủng, các hoạt động tổ chức tiêm chủng, giám sát phản ứng sau tiêm chủng cũng như việc thực hiện chế độ báo cáo liên quan. Việc được cập nhật các quy định, hướng dẫn quy phạm pháp pháp luật cho các tỉnh, thành phố nhằm thống nhất việc triển khai thực hiện, đồng thời hỗ trợ các cán bộ y tế hệ thống hóa các quy định mới liên quan đến hoạt động tiêm chủng, góp phần đẩy mạnh công tác tiêm chủng ngày càng tốt hơn.

Ban biên tập Trang thông tin điện tử của Cục Y tế dự phòng

Admin

Tin tức liên quan

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo đối với hành khách quốc tế liên quan đến bệnh sởi (Tháng 6 năm 2019)

Trong những tháng đầu năm 2019, các trường hợp mắc sởi liên tục tăng cao trên thế giới, kể cả ở các quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc xin sởi cao do bệnh dịch lây lan nhanh ở các nhóm người chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh. Trước tình hình dịch bệnh sởi có xu hướng lây lan rộng trên phạm vi toàn cầu, Cục Y tế dự phòng lược dịch các nội dung chính khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới đối với hành khách quốc tế nhằm ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh sởi.

Xem chi tiết Next
Thong ke