​Cúm A H5N1

01/07/2016 In bài viết

Bệnh cúm A/H5N1 thuộc nhóm A trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Bệnh cúm A/H5N1 thuộc nhóm A trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
1. Đặc điểm của bệnh:
1.1. Định nghĩa ca bệnh:
* Ca bệnh lâm sàng. Bệnh cúm A/H5N1 được chẩn đoán dựa các tiêu chuẩn sau:
- Tiền sử dịch tễ: đã từng tiếp xúc với bệnh nhân bị bệnh cúm gia cầm, gia cầm bị bệnh, hoặc đã từng ở khu vực đang lưu hành bệnh dịch cúm gia cầm trong vòng 7 ngày.
- Biểu hiện lâm sàng: Bệnh diễn biến cấp tính và có thể có các biểu hiện sau đây:
+ Sốt trên 380C, có thể rét run.
+ Ho, thường ho khan, đau ngực, ít gặp triệu chứng viêm long đường hô hấp trên... Khó thở, thở nhanh, tím tái.
+ Nghe phổi thấy có ran nổ, ran ẩm, nhịp tim nhanh, đôi khi có sốc.
+ Các triệu chứng khác: Đau đầu, đau cơ, tiêu chảy, rối loạn ý thức, suy đa tạng.
+ X quang phổi: Tổn thương thâm nhiễm lan toả một bên hoặc hai bên, tiến triểnnhanh.
+ Xét nghiệm công thức máu: Số lượng bạch cầu bình thường hoặc giảm.
* Ca bệnh xác định: Xét nghiệm dương tính với cúm A/H5N1
1.2. Chẩn đoán phân biệt : Các bệnh viêm phổi do vi khuẩn hay do các vi rút khác.
1.3. Xét nghiệm:
1.3.1. Loại bệnh phẩm.
- Các loại bệnh phẩm: Có nhiều loại bệnh phẩm có thể dùng cho việc chẩn đoán nhiễm vi rút đường hô hấp, bao gồm máu tĩnh mạch (lấy 2 lần: lần đầu ở giai đoạn cấp tính và lần thứ hai 2-4 tuần kể từ khi xuất hiện triệu chứng), dịch họng, dịch mũi, dịch mũi họng, dịch hút phế quản, dịch rửa phế quản - phế nang, mẫu sinh thiết phổi, mô phổi hoặc phế quản sau tử vong.
- Bảo quản, vận chuyển bệnh phẩm:
+ Mẫu bệnh phẩm ngay sau khi lấy phải được đưa ngay vào môi trường vận chuyển.
+ Mẫu bệnh phẩm sử dụng để phân lập vi rút cần phải được bảo quản tại 40C ngay sau khi thu thập và gây nhiễm trên tế bào cảm thụ càng sớm càng tốt. Nếu bệnh phẩm chưa được xử lý ngay trong vòng 48-72 giờ thì chuyển vào -700C bảo quản trong điều kiện đông băng.
+ Mẫu bệnh phẩm sử dụng cho phát hiện trực tiếp vi rút bằng kỹ thuật miễn dịch huỳnh quang cần được bảo quản trong môi trường lạnh và xử lý trong vòng 1-2 giờ sau khi thu thập mẫu.
+ Huyết thanh có thể giữ tại 40C trong vòng 1 tuần, sau đó nên giữ ở -200C.
1.3.2. Phương pháp xét nghiệm.
Các kỹ thuật chẩn đoán nhiễm vi rút H5N1 thông dụng hiện nay bao gồm:
- Kỹ thuật di truyền phân tử (RT-PCR)
- Kỹ thuật xác định trình tự chuỗi nucleotid (sequencing)
- Kỹ thuật ngăn ngưng kết hồng cầu (HI).
- Kỹ thuật miễn dịch hấp phụ gắn men (ELISA)
- Kỹ thuật phân lập vi rút.
- Kỹ thuật trung hoà vi lượng: Đây là kỹ thuật được đánh giá là nhạy, đặc hiệu nhấttrong các phương pháp chẩn đoán huyết thanh học. Nó có khả năng xác định chính xác từng phân týp (H1N1, H3N2, H5N1…) đồng thời có khả năng phát hiện sớm khi nồng độ kháng thể vẫn ở mức thấp mà chưa phát hiện được bằng các kỹ thuật khác. Tuy nhiên kỹ thuật này đòi hỏi có phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 3.
2. Tác nhân gây bệnh:
Cúm chim (avian influenza hay bird flu) hay cúm gia cầm là một loại bệnh cúm do virút gây ra cho các loài chim và có thể xâm nhiễm một số loài động vật có vú. Vi rút này được phát hiện lần đầu tiên tại Ý cách đây hơn 100 năm và giờ đây phát hiện ở hầu hết các nơi trên thế giới. Vi rút cúm gia cầm thuộc nhóm vi rút cúm A của họOrthomyxoviridae. Vỏ của vi rút cúm A bản chất là glycoprotein bao gồm 2 kháng nguyên: Kháng nguyên ngưng kết hồng cầu H (Hemagglutinin) và kháng nguyên trung hoà N (Neuraminidase). Có 15 loại kháng nguyên H (H1-H15) và 9 loại kháng nguyên N (N1-N9). Những cách tổ hợp khác nhau của hai loại kháng nguyên này tạo nên các phân týp khác nhau của vi rút cúm A.
Điều kiện thuận lợi làm tăng tính thay đổi kháng nguyên của vi rút cúm là do người sống gần các loại gia cầm nuôi và lợn. Vì lợn có cảm thụ cao với cả vi rút  cúm chim và vi rút cúm của các loài động vật có vú, bao gồm các chủng vi rút ở người, nó có thể  đóng vai trò như là động vật trộn lẫn các vật liệu di truyền của các vi rút cúm chim và cúm người tạo nên vi rút cúm mới. Trong số 15 phân týp cúm, H5N1 được quan tâm với nhiều lý do:
- Nó biến dị nhanh và cho thấy nó chứa các gen của các vi rút nhiễm từ các loài động vật khác nhau.
- Nó có tính sinh bệnh cao, có khả năng gây bệnh nặng ở người. Vi rút cúm A/H5N1 được chia làm 2 nhóm theo độc lực của vi rút: vi rút cúm gia cầm có độc lực thấp (LPAI) và vi rút cúm gia cầm có độc lực cao (HPAI). Hiện nay chỉ có các týp H5, H7 và H9 là có độc lực cao.
- Chim có thể đào thải vi rút ít nhất là 10 ngày theo đường miệng và phân do đó làm tăng lan truyền theo các đàn chim di cư.
- Nó có khả năng truyền trực tiếp từ chim, gà sang người.
- Nếu có nhiều người mắc bệnh thì làm tăng khả năng là người bệnh trở thành nơi trộn lẫn các vi rút cúm người và động vật tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái tổ hợp hình thành vi rút mới với gen vi rút cúm người và làm cho dịch dễ lan truyền từ người sang người, gây nên đại dịch ở người.
     Khả năng tồn tại ở môi trường bên ngoài:
- Vi rút  bị giết chết ở 560C trong 3 giờ và 600C trong 30 phút và các chất tẩy uế thông thường như formalin, iodin.
- Các týp vi rút có độc lực cao có thể tồn tại lâu ở môi trường, đặc biệt ở nhiệt độ thấp, có thể sống ít nhất trong 35 ngày ở nhiệt độ 40C. Nếu ở đông băng, chúng có thể sống trong nhiều năm. Ở nhiệt độ 370C nó có thể sống đến 6 ngày trong phân của gia cầm. 
3. Đặc điểm dịch tễ học:
3.1. Tình hình dịch trên thế giới: Từ 1997, sự bùng phát của vi rút  H5N1 đã làm nhiễm bệnh và chết hàng chục triệu gia cầm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, từ tháng 12/2003 đến 19/6/2008 đã có 243 người tử vong do cúm gia cầm trong số 385 ca nhiễm H5N1tại 15 nước, chủ yếu ở Châu Á. Indonesia là nước có nhiều ca tử vong nhất do H5N1với 110 người chết trong 135 ca nhiễm. Từ năm 1997, các phân týp vi rút cúm gia cầm khác cũng đã phát hiện ở người như H7N2, H7N3, H7N7, H9N2
3.2. Tình hình dịch ở Việt Nam: Kể từ khi xuất hiện cuối năm 2003, tính đến ngày 10/9/2008 tại Việt Nam đã có 106 trường hợp được xác định nhiễm cúm A/H5N1, 52 ca tử vong (tỷ lệ chết/mắc chung là 49%). Các vụ dịch trên người này gồm 4 đợt cụ thể như sau:
- Đợt 1: Từ 26/12/2003 đến 10/3/2004, 23 trường hợp mắc, 16 tử vong (tỷ lệ chết/mắc 69%).
- Đợt 2: Từ 19/7/2004 đến 28/8/2004, 4 trường hợp mắc, tất cả đều tử vong (tỷ lệ chết/mắc 100%).
- Đợt 3: Từ 16/12/2004 đến tháng 11/2005, 65 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 trong đó có 3 trường hợp nhiễm không triệu chứng, 62 bệnh nhân, 22 ca tử vong (tỷ lệ chết/mắc 33,8%).
- Đợt 4: Từ 7/5/2007 đến 4/3/2008 có 13 trường hợp mắc bệnh, 10 tử vong, tỷ lệ chết/mắc là 77%.
3.3. Đặc điểm dịch tễ học. Dịch cúm A/H5N1 trên người ở Việt Nam có những đặc điểm sau:
- Dịch cúm gia cầm liên quan tới hai hệ thống sông lớn là sông Hồng và sông Mê Kông, là nơi có mật độ chăn nuôi vịt cao hơn các vùng khác. Trong đợt dịch 2 và 3, phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh xảy ra ở các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ.
- Đa số các trường hợp nhiễm cúm ở người có liên quan tới cúm gia cầm.
- Dịch chủ yếu tập trung vào các tháng mùa đông - xuân (khi thời tiết lạnh, ẩm). Tuy nhiên, vẫn có các ca bệnh xảy ra vào các thời gian khác trong năm (phụ thuộc vào tình hình dịch trên đàn gia cầm tại địa phương).
- Bệnh xảy ra ở tất cả các lứa tuổi từ 4 tháng đến trên 80 tuổi, tuy nhiên dịch tập trung ở các lứa tuổi dưới 40, cao nhất ở nhóm 10-19 tuổi. 
- Chưa thấy có sự khác biệt giữa nam và nữ về tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.
- Việc xuất hiện một số chùm bệnh gia đình gợi ý là có thể yếu tố di truyền cũng đóng vai trò trong sự nhạy cảm với vi rút cúm gia cầm. Tuy nhiên, cho tới nay chưa tìm thấy những bằng chứng rõ ràng về sự lan truyền giữa người và người.
3.4. Nguy cơ xảy ra đại dịch cúm ở người: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo trong thời gian tới có thể xảy ra đại dịch cúm, ước tính hàng triệu người mắc bệnh và 2 - 7 triệu người tử vong, do có khả năng xuất hiện một chủng vi rút cúm mới có độc lực cao và lây truyền mạnh từ người sang người, trong khi chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Các nghiên cứu cho thấy rằng có 3 điều kiện cần thiết để xuất hiện đại dịch. Thứ nhất là chủng vi rút cúm hoang dại có thể truyền sang cho người. Thứ hai là vi rút mới có khả năng nhân lên ở người và gây bệnh. Thứ ba là vi rút mới có khả năng truyền từ người sang người và gây ra các vụ đại dịch lớn. Kể từ năm 1997, hai điều kiện đầu tiên đã xảy ra ở Hồng Kông năm 1997 và năm 2003 (H5N1), ở Hà Lan năm 2003 (H7N7), ở Việt Nam và Thái Lan năm 2004-2005 (H5N1). WHO đã phân loại và định nghĩa các giai đoạn của đại dịch như sau:
- Thời kỳ trước đại dịch
+ Giai đoạn 1: Không có chủng vi rút cúm mới phát hiện trên người. Chủng vi rút cúm gây bệnh trên người có thể xuất hiện trên động vật. Nếu xuất hiện trên động vật, nguy cơ nhiễm bệnh trên người được cho là thấp.
+ Giai đoạn 2: Không có chủng vi rút cúm mới phát hiện trên người. Tuy nhiên, sự lưu hành của vi rút cúm trên động vật dẫn tới nguy cơ đáng kể khả năng nhiễm bệnh trên người.
- Thời kỳ cảnh báo đại dịch
+ Giai đoạn 3: Có chủng vi rút cúm mới trên người, nhưng không có sự truyền lây giữa người với người, hầu như không có trường hợp lây lan do tiếp xúc gần.
+ Giai đoạn 4: Có sự lây lan từ người sang người nhưng ở diện hẹp, mang tính địa phương, khả năng thích ứng và lây lan của vi rút trên người còn thấp.
+ Giai đoạn 5: Có sự lây lan từ người sang người ở diện rộng, nhưng vẫn mang tính địa phương, khả năng thích ứng của vi rút trên người tăng lên, nhưng chưa có khả năng lây truyền thành đại dịch.
- Thời kỳ đại dịch
+ Giai đoạn 6: Là giai đoạn xảy ra đại dịch, vi rút có khả năng lây lan trên diện rộng.
4. Nguồn truyền nhiễm:
- Ổ chứa: Chim nước di trú, mà hầu hết là các loài vịt, là ổ chứa tự nhiên của vi rút  cúm gia cầm và chúng thường đề kháng với nhiễm vi rút, có nghĩa là chúng mang vi rút mà không bị bệnh. Các gia cầm nuôi đặc biệt cảm thụ với vi rút cúm chim. Tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với loài chim nước di cư là nguyên nhân phổ biến của dịch. Những chợ chim sống cũng đóng vai trò quan trọng làm lan truyền dịch. Các vi rút cúm chim bình thường không gây nhiễm cho các loài khác ngoài chim và lợn. Nhiễm vi rút cúm gia cầm ở người xảy ra đồng thời với dịch cúm gia cầm có độc lực cao ở các loài gia cầm. Các điều tra cho thấy người bệnh có tiếp xúc mật thiết với gia cầm nhiễm bệnh. Các nghiên cứu về di truyền xác định rằng vi rút đã lây truyền trực tiếp từ gia cầm sang người.
- Thời kỳ ủ bệnh: Thời kỳ ủ bệnh của cúm A/H5N1 dài hơn thời kỳ ủ bệnh của cúm theo mùa, từ 2-8 ngày và có thể dài đến 17 ngày. Tuy nhiên, việc phơi nhiễm nhiều lần với vi rút dẫn đến việc khó xác định chính xác thời kỳ ủ bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới đề nghị đến thời kỳ ủ bệnh là 7 ngày áp dụng cho điều tra và theo dõi những người tiếp xúc với bệnh nhân.
- Thời kỳ lây bệnh:  Như cúm theo mùa, người bệnh đào thải vi rút khoảng 1-2 ngày trước khi khởi phát và 3-5 ngày sau khi có triệu chứng lâm sàng, tuy nhiên có thể dài hơn, từ 7-10 ngày.
5. Phương thức lây truyềnCác chủng của vi rút cúm gia cầm có thể lây nhiễm cho nhiều loại động vật khác nhau như chim, lợn, ngựa, hải cẩu, cá voi, hổ và người.  Vi rút  cúm có thể lan truyền nhanh từ trại chăn nuôi này này sang trại chăn nuôi khác bằng các cơ chế cơ học qua các phương tiện vận chuyển, quần áo, giày dép... Vi rút có nhiều trong chất bài tiết như dịch mũi họng, phân gia cầm bệnh, bụi và đất. Tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh hoặc đồ dùng, vật dụng bị nhiễm bởi phân gia cầm là đường lây truyền chính. Vi rút có thể lây truyền qua không khí (qua các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp của gia cầm bệnh hoặc hít phải không khí có chứa bụi từ phân gia cầm) hay qua ăn uống (nước, thực phẩm nhiễm vi rút...) và tiếp xúc với dụng cụ và đồ vật nhiễm vi rút. Người có thể bị lây bệnh do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh qua chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn gia cầm và sản phẩm của gia cầm bệnh chưa được nấu chín hoặc chế biến không hợp vệ sinh.
6. Tính cảm nhiễm và miễn dịch: Về lý thuyết, mọi người đều có khả năng cảm nhiễm với vi rút cúm A/H5N1. Tuy nhiên, vì là vi rút của loài chim và gia cầm nên khả năng gây bệnh, lan truyền ở người là rất thấp. Trong hàng trăm týp vi rút cúm gia cầm, hiện chỉ có 4 chủng được biết là gây bệnh ở người, đó là H5N1, H7N3, H7N7 và H9N2. Nhìn chung, người thường mắc thể nhẹ, rất ít khi bị nặng trừ khi nhiễm H5N1.Trên thực tế, khả năng lây nhiễm vi rút cúm A/H5N1 là rất khác nhau. Nhiều người cùng bị phơi nhiễm với vi rút cúm A/H5N1 nhưng chỉ có một số rất ít người mắc bệnh. Hiện nay, người ta chưa biết rõ yếu tố nào làm tăng cảm nhiễm với vi rút. Một số người cho rằng yếu tố cơ địa hay yếu tố kháng nguyên phù hợp tổ chức đóng vai trò quan trọng đến tính cảm nhiễm với bệnh.
7. Các biện pháp phòng, chống dịch:
7.1. Các biện pháp phòng dịch:
7.1.1. Biện pháp tổ chức.
- Thành lập Ban chỉ đạo chống dịch viêm đường hô hấp cấp và cúm trên người ở các cấp xã, huyện, tỉnh và trung ương.
- Xây dựng, triển khai “Kế hoạch quốc gia phòng chống dịch cúm”  nhằm chuẩn bị cơ sở vật chất và các nguồn lực cho công tác phòng chống dịch khi dịch xảy ra.
7.1.2. Tuyên truyền giáo dục sức khoẻ. Tăng cường truyền thông giáo dục sức khoẻ về đặc điểm của bệnh dịch cúm gia cầm, những cách nhận biết, khai báo bệnh, các biện pháp phòng chống cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
- Cần phát hiện sớm hiện tượng gia cầm chết hàng loạt và thông báo ngay cho chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn dịch lây lan.
- Tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng gia cầm nghi bị bệnh cúm.
- Khi có người bị sốt cao có liên quan đến gia cầm bị bệnh phải đến ngay cơ quan y tế để điều trị kịp thời.
- Dùng Chloramin B, các chất khử khuẩn mạnh để diệt khuẩn, tẩy uế chuồng trại thường xuyên trong từng hộ gia đình và các khu vực có dịch cúm gia cầm.
7.1.3. Giám sát, phát hiện bệnh nhân, người tiếp xúc, tổ chức cách ly và điều trị kịp thời.
- Tiến hành giám sát hội chứng viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút.
- Cách ly bệnh nhân nghi ngờ hoặc đã xác định mắc bệnh cúm A/H5N1.
- Lập danh sách và quản lý, theo dõi sức khoẻ tại gia đình những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cúm A/H5N1 hoặc gia cầm bị bệnh trong vòng 10 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối đối với người lớn và 21 ngày đối với trẻ em dưới 15 tuổi.
- Thực hiện khai báo bệnh và báo cáo dịch khẩn cấp theo Quy chế Thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm gây dịch do Bộ Y tế ban hành.
7.1.4. Các biện pháp phòng chống đại dịch cúm ở người.
Không ai có thể dự đoán chính xác khi nào thì đại dịch xảy ra. Cách phòng chống đại dịch tốt nhất là hạn chế sự lây truyền của vi rút H5N1. Để chuẩn bị đối phó với nguy cơ đại dịch, các quốc gia phải lập kế hoạch chi tiết phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người.
- Phải ưu tiên ngăn chặn ngay lập tức sự lan truyền dịch ở gia cầm bao gồm  thực hiện an toàn sinh học trong phương pháp chăn nuôi, tiêu huỷ và tiêm vắc xin đối với gia cầm, thay đổi thực hành trong chăn nuôi... Điều này sẽ làm giảm cơ hội làm con người tiếp xúc với  vi rút.
- Tiêm vắc xin  cúm  cho những người có nguy cơ cao có thể làm giảm khả năng đồng nhiễm vi rút cúm người và cúm gia cầm từ đó làm giảm nguy cơ thay đổi và đột biến gen.
- Tăng cường giám sát, nghiên cứu về sự lưu hành các chủng vi rút cúm gia cầm và cúm ở người. Những thông tin về mức độ nhiễm vi rút cúm ở người cũng như ở động vật, sự lưu hành các chủng vi rút cúm là rất cần thiết để giúp cho việc đánh giá nguy cơ về y tế công cộng và đề xuất các biện pháp dự phòng có hiệu qủa nhất, bao gồm cả việc nghiên cứu phát triển vắc xin.
7.2. Biện pháp chống dịch:
7.2.1. Điều tra, giám sát, phát hiện bệnh nhân và người tiếp xúc.
a. Đối với bệnh nhõn.
- Những người đã được xác định hoặc nghi ngờ mắc cúm A/H5N1 phải được cách ly tại bệnh viện. Các chất thải của bệnh nhân nhất là chất nôn, đờm rãi... phải chứa trong bô có nắp đậy kín và khử khuẩn triệt để bằng Chloramin B.
- Hạn chế tối đa việc vận chuyển bệnh nhân ra khỏi buồng bệnh và khu vực cách ly.  Người bệnh phải luôn mang khẩu trang y tế trong thời gian điều trị cũng như khi di chuyển trong bệnh viện. Trường hợp đặc biệt phải chuyển bệnh nhân ra khỏi khu vực cách ly cần sử dụng xe cứu thương chuyên dụng. Người bệnh và nhân viên hộ tống, lái xe phải có trang bị phòng hộ. Phương tiện vận chuyển và xe sau đó phải được khử khuẩn trước khi sử dụng lại.
- Các chất thải trong quá trình điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng bệnh nhân cúm A/H5N1phải được xử lý như các chất thải y tế nguy hại.
b. Đối với người tiếp xúc.
- Những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cúm A/H5N1 hoặc gia cầm bị bệnh được lập danh sách theo dõi 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối đối với người lớn, 21 ngày đối với trẻ em dưới 15 tuổi và phải được đo nhiệt độ hàng ngày. Nếu nhiệt độ trên 380C hoặc có các biểu hiện lâm sàng của bệnh viêm đường hô hấp cấp phải đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra.
- Những người được cách ly theo dõi nên bố trí nơi ăn ngủ riêng, hạn chế đi lại, tiếp xúc, thường xuyên mang khẩu trang y tế và sử dụng thuốc sát khuẩn mũi họng hàng ngày.
- Tại gia đình, nơi tạm trú hoặc khu vực ổ dịch cần thực hiện triệt để việc khử khuẩn bề mặt bằng Chloramin B 2% hoặc xử lý không khí bị ô nhiễm bằng fomaline.
- Người tiếp xúc hoặc giết mổ gia cầm phải được trang bị phòng hộ.
- Những người có tiếp xúc với nguồn lây nhiễm trong khu dịch thực hiện tốt phòng hộ cá nhân hàng ngày, đặc biệt đeo mang khẩu trang và rửa tay thường xuyên.
7.2.2. Triển khai ngay các biện pháp xử lý khu vực ổ dịch.
a. Đối với gia cầm bị bệnh.
- Tổ chức giám sát đàn gia cầm để phát hiện sớm ổ dịch gia cầm để thông báo kịp thời cho chính quyền, cơ quan thú y và y tế xử lý kịp thời.
- Tiêu huỷ toàn bộ số gia cầm bị bệnh bằng 2 biện pháp:
+ Đốt: Đào hố, đốt dưới hố với củi, rơm, rạ hoặc dầu, sau đó lấp đất lại hoặc đốt bằng lò đốt chuyên dụng
+ Chôn: Đào hố sâu, rộng tuỳ thuộc vào số lượng gia cầm nhiều hay ít, tối thiểu cách mặt đất 1 mét, đáy và thành hố được lót bằng ni lông chống thấm. Gia cầm chôn phải đựng trong bao, bên trong có hoá chất khử khuẩn. Việc chôn, đốt phải đảm không ô nhiễm môi trường. Những người thực hiện việc tiêu huỷ gia cầm phải có trang bị bảo hộ phòng lây nhiễm.
- Cấm giết mổ, buôn bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm bị bệnh từ nơi này sang nơi khác.
- Các trại chăn nuôi, các chuồng gia cầm gần ổ dịch phải được quản lý chặt chẽ:
+ Không được chăn thả tự do và phải thực hiện các biện pháp an toàn sinh học như cách ly chuồng trại bằng tường hoặc hàng rào, lưới bảo vệ nhằm ngăn chặn mầm bệnh từ các loài khác xâm nhập.
+ Các phương tiện, dụng cụ chăn nuôi nên riêng biệt và vệ sinh tiêu độc sau khi sử dụng.
+ Thường xuyên vệ sinh chuồng trại và phun thuốc sát khuẩn định kỳ 1-3 lần/tuần tuỳ theo mức độ và tính chất nguy cơ của dịch bệnh. Những người vào khu chăn nuôi phải thực hiện biện pháp khử khuẩn trước và sau khi ra vào chuồng nuôi.
b. Xử lý môi trường.
Tại khu vực có bệnh nhân hay người nghi ngờ mắc cúm A/H5N1, tổ chức ngay các biện pháp điều tra và xử lý như sau:
- Phun hoá chất khử khuẩn trong phạm vi ổ dịch bằng Chloramin B với nồng độ 2-5%. Thời gian thực hiện càng sớm càng tốt. Tiến hành phun 2-3 lần cách nhau 2-3 ngày.
- Tùy tình hình thực tế xác định bán kính phun khử khuẩn phù hợp về mặt dịch tễ học.
- Địa điểm phun là những nơi nghi có vi rút cúm A/H5N1.
c. Khử khuẩn đối với các phương tiện vận chuyển.
d. Xử lý người bệnh tử vong.
- Người bệnh tử vong phải được khâm niệm tại chỗ theo qui định của phòng chống dịch đối với các bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy  hiểm, phải được khử khuẩn bằng hoá chất Chloramin B 5%.
- Chuyển nguời bệnh tử vong đến nơi chôn cất hay hoả táng bằng xe riêng và đảm bảo đúng qui định trong phòng lây nhiễm. Trong khoảng thời gian 24 giờ sau khi tử vong phải được chôn cất hoặc hoả táng.
7.3. Nguyên tắc điều trị.
- Hiện có 2 loại thuốc kháng vi rút oseltamivir (Tamiflu) và zanamivir (Relenza) đang được sử dụng để điều trị bệnh H5N1 ở người. Cần phải điều trị càng sớm càng tốt trong vòng 48 giờ kể từ khi có triệu chứng đầu tiên. Tuy nhiên, hiện có ít bằng chứng về hiệu quả của thuốc và người ta đang tiến hành nhiên cứu hiệu quả của dùng liều cao gấp đôi liều đề nghị hiện nay và kéo dài ngày hơn (liều đề nghị hiện nay cho người lớn và trẻ em trên 13 tuổi: 75mg x 2 lần/ngày x 7 ngày).
- Dùng các thuốc hạ sốt, chống viêm corticosteroid, kháng sinh.
- Hồi sức hô hấp.
- Điều trị suy đa tạng (nếu có).
- Bảo đảm chế độ dinh dưỡng và chăm sóc.
- Tiêu chuẩn ra viện.
+ Hết sốt 7 ngày sau khi ngừng kháng sinh.
+ Xét nghiệm máu, X quang tim, phổi ổn định.
+ Xét nghiệm vi rút cúm A/H5N1 âm tính.
7.4. Kiểm dịch y tế biên giới: Theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới.

Admin

Tin tức liên quan

A-ĐÊ-NÔ Virút

Bệnh do vi rút A-đê-nô (Adeno) thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm

Xem chi tiết Next

Dịch hạch

Bệnh dịch hạch thuộc nhóm A trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Xem chi tiết Next

Bại liệt

Một khi bệnh đã phát ra, không có thuốc gì có thể làm hết liệt. Kháng sinh không có tác dụng. Châm cứu có thể giúp tình trạng khá hơn. Có thể dùng thuốc giảm đau non-steroid và đắp khăn nóng lên các cơ bị đau.

Xem chi tiết Next

Sốt xuất huyết do virút Ebola, Lassa, Marburg

Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola, Lassa hoặc Marburg thuộc nhóm A trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Xem chi tiết Next
Thong ke