Ngày 23/3/2019, tại Hà Nội đã diễn ra sự kiện hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống Lao 24/3/2019 và phát động chương trình hành động quốc gia chấm dứt bệnh Lao đến năm 2030. Tham dự hội nghị có đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế; đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, Ban, Ngành, đoàn thể Trung ương, Ủy ban nhân dân, Sở Y tế, Chương trình chống Lao các tỉnh/ thành phố thuộc Trung ương, các tổ chức quốc tế…
Ngày 23/3/2019, tại Hà Nội đã diễn ra sự kiện hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống Lao 24/3/2019 và phát động chương trình hành động quốc gia chấm dứt bệnh Lao đến năm 2030. Tham dự hội nghị có đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế; đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, Ban, Ngành, đoàn thể Trung ương, Ủy ban nhân dân, Sở Y tế, Chương trình chống Lao các tỉnh/ thành phố thuộc Trung ương, các tổ chức quốc tế…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát động hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chông Lao năm 2019
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chính thức phát động hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chông Lao năm 2019 và giao nhiệm vụ xây dựng Chiến lược và Chương trình hành động Quốc gia chấm dứt bệnh Lao đến năm 2030.
Đồng chí Phó Thủ tướng cho rằng việc phát hiện và phát hiện sớm bệnh lao là vô cùng quan trọng và có tính quyết định với tỷ lệ chữa khỏi khoảng 52% trên thế giới và 75% ở Việt Nam. Thậm chí, ở Việt Nam nếu người mắc lao lần đầu được phát hiện thì tỷ lệ chữa khỏi hoàn toàn trong vòng 4-6 tháng lên tới 90%.
Những kết quả của công tác phòng chống lao ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay rất đáng khích lệ. Một hệ thống phát hiện, điều trị bệnh nhân lao đã được hình thành với sự tham gia của Ngành Y tế, sự vào cuộc cộng đồng, nhiều tổ chức xã hội. Cùng với đó, một cơ chế tài chính cũng từng bước hình thành cơ bản bảo đảm cho công tác phòng chống và chữa trị bệnh lao từ nguồn ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế, tài trợ quốc tế, Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao… Nhưng điều quan trọng hàng đầu, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là sự chuyển biến nhận thức của cả cộng đồng đối với người mắc bệnh lao. Trước đây người bị bệnh lao thường giấu bệnh, nhiều đơn vị buộc người bị bệnh lao phải nghỉ việc nhưng đến nay sự e ngại, phân biệt đó đã bớt đi nhiều. Thực tế cho thấy ngoài vai trò của bác sĩ, nhân viên y tế thì sự hỗ trợ của gia đình, cộng đồng, nơi làm việc cũng rất quan trọng trong nhắc nhở, giúp đỡ người bệnh tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ, thời gian điều trị.
Khẳng định cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh trách nhiệm của Ngành Y tế cùng cả hệ thống làm sao để người dân nhận thức đầy đủ về bệnh lao. Đây là căn bệnh lây nhiễm nhưng không đáng sợ, thậm chí với tiến bộ của y học ngày hôm nay không còn là “bệnh nan y”. Bản thân người bệnh khi có triệu chứng thì chủ động đi kiểm tra để được phát hiện, điều trị theo đúng lộ trình, phác đồ.
Phát biểu tại Hội nghị, PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Trong 10 năm qua, bệnh lao ở Việt Nam đã giảm được 31%, trung bình là 3,8% một năm. Những năm gần đây tốc độ giảm tăng nhanh hơn, nhất là sau khi Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đây là một kết quả rất đáng khích lệ, nếu so sánh với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Điều này cho thấy hướng đi của Việt Nam hoàn toàn đúng và tiếp tục là mô hình điểm cho các nước có gánh nặng bệnh lao cao triển khai chiến lược chấm dứt bệnh lao của Tổ chức Y tế Thế giới.
Việt Nam hiện vẫn nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 15 gánh nặng lao kháng đa thuốc. Trong đó, 64% bệnh nhân lao thường và 98% bệnh nhân lao kháng thuốc phải chịu gánh nặng chi phí thảm họa, tức là phải tiêu tốn >20% thu nhập của cả hộ gia đình trong một năm do mắc lao. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Với chủ đề “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030” đã nêu rõ định hướng, mục tiêu cụ thể là cơ bản chấm dứt bệnh Lao tại Việt Nam vào năm 2030, tức là với dân số 100 triệu người thì cả nước chỉ còn 1.000 người mắc Lao một năm (hiện nay hàng năm ước tính Việt Nam vẫn có 124.000 mắc lao mới).
Để Việt Nam sớm hoàn thành sứ mệnh phòng, chống Lao, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung công tác phòng chống Lao vào Ủy ban Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm.
Việt Nam được đánh giá là nước mở đường và mô hình thành công triển khai chiến lược chấm dứt bệnh lao toàn cầu.Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định Việt Nam đang trên con đường chấm dứt bệnh lao. Chúng ta đã hội tụ gần đủ các yếu tố để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, TS. Kidong Park phát biểu tại hội nghị: WHO kêu gọi các cấp chính quyền, cộng đồng bị ảnh hưởng, các tổ chức xã hội dân sự, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các đối tác trong nước và quốc tế cùng hành động theo biểu ngữ “Tìm kiếm, điều trị cho tất cả bệnh nhân Lao” để không ai bị bỏ lại phía sau./.
Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng
Admin