​Đưa con đi tiêm chủng phòng bệnh sởi và các bệnh truyền nhiễm khác trong chương trình TCMR là trách nhiệm, nghĩa vụ và tình thương của cha mẹ

05/02/2015 In bài viết

_


Đưa con đi tiêm chủng phòng bệnh sởi và các bệnh truyền nhiễm khác trong chương trình TCMR là trách nhiệm, nghĩa vụ và tình thương của cha mẹ” là lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đối với trách nhiệm của cha mẹ trong việc chủ động phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ, tại Hội nghị trực tuyến sáng ngày 05/2/2015 với 651 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố và các quận, huyện, thị xã về triển khai công tác phòng chống dịch, an toàn thực phẩm và đảm bảo hoạt động y tế Tết Ất Mùi. Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế, GS. TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế, GS. TS Lê Quang Cường – Thứ trưởng Bộ Y tế. Tham dự hội nghị có: Vụ Khoa giáo Văn xã – Văn phòng chính phủ, Ban Tuyên giáo TW, các Bộ: Tài chính, Kế hoạch đầu tư, Giáo dục – Đào tạo, Công thương, Công An; lãnh đạo các Vụ/ Cục/Tổng cục đơn vị trực thuộc Bộ Y tế tại Hà Nội và 651 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố và các quận, huyện, thị xã. 
 

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và các đồng chí Thứ trưởng chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đánh giá tình hình dịch bệnh mùa đông xuân, đặc biệt tập trung về bệnh sởi, ho gà và bệnh cúm trên toàn quốc. Hiện nay nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao trong mùa đông xuân Trong khi tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp: bệnh sởi bùng phát tại Mỹ, sau hơn 14 năm Mỹ công bố thanh toán (từ năm 2000). Theo báo cáo giám sát từ các tỉnh, thành phố trong tháng 1/2015 ghi nhận số trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 13 tỉnh, thành phố giảm 80,1% so cùng kỳ năm 2014 (133 trường hợp); 16 trường hợp mắc ho gà, trong đó có 6 trường hợp bệnh nhân xét nghiệm dương tính ho gà rải rác tại 6 tỉnh, thành phố, không có trường hợp tử vong. Đặc biệt lưu ý Phần lớn các trường hợp này đều chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh, có trẻ mắc bệnh sớm như bệnh ho gà ở trẻ 2-3 tháng tuổi, bệnh sởi khi trẻ 9 tháng -12 tháng tuổi. Đây là độ tuổi trẻ cần được đưa đi tiêm chủng phòng bệnh theo lịch đầy đủ nhưng chưa được tiêm chủng. Dự báo có thể số trường hợp mắc sởi và ho gà tiếp tục ghi nhận trong thời gian tới, có thể xảy ra một số ổ dịch nhỏ do những nguyên nhân sau: 1) Bệnh sởi và ho gà là các bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp, đặc biệt trong điều kiện thời tiết thuận lợi như mùa đông xuân. 2) Trẻ mắc sởi trước khi bước vào tuổi tiêm chủng (sởi < 9 tháng tuổi, ho gà <2 tháng tuổi). 3) Nhiều gia đình không đưa con đi tiêm vắc xin do không nắm được lịch tiêm chủng, thiếu quan tâm tới sức khoẻ của con, hoặc do tâm lý sợ phản ứng sau tiêm chủng. 4)Tâm lý chờ đợi vắc xin dịch vụ: Vắc xin dịch vụ MR, MMR tiêm vào lúc trẻ 1 tuổi nên nguy cơ trẻ mắc sởi trước khi tiêm chủng, vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1 dịch vụ trong thời điểm chưa cung cấp kịp thời vắc xin không thể tiêm đúng lịch song không cho trẻ đi tiêm vắc xin tiêm chủng mở rộng.
Đối với tình hình bệnh cúm PGS.TS Trần Đắc Phu cũng nhận định: Năm 2014, Việt Nam ghi nhận 2 trường hợp mắc và tử vong cúm A(H5N1) tại Bình Phước, Đồng Tháp vào tháng 2/2014, có tiền sử tiếp xúc và sử dụng thịt gia cầm ốm. Đây cũng là thời điểm mùa đông xuân, dịp lễ tết nhu cầu tiệu thu gia cầm trên cả nước là rất lớn do vậy nguy cơ xâm nhập các trường hợp nhiễm cúm gia cầm vào Việt Nam là rất lớn do các nguyên nhân sau: 1) Tình hình dịch cúm A(H7N9) tại Trung Quốc diễn biến phức tạp năm 2015, đã ghi nhận ở một số tỉnh gần với Việt Nam. 2) Vi rút cúm A(H7N9) lưu hành ở các đàn gia cầm, không có biểu hiện triệu chứng nên khó khăn trong việc kiểm soát dịch. Tiếp tục xuất hiện các chủng vi rút mới A(H5N8, H5N6, H5N2) ở một số nước. 3) Giao lưu đi lại của Việt Nam với Trung Quốc rất lớn nên có thể có những người Việt Nam bị mắc cúm A(H7N9) khi sang du lịch, buôn bán tại Trung Quốc. 4) An toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh trong giết mổ chưa được người dân chú trọng, nhu cầu thực phẩm tăng cao làm tăng nguy cơ dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán, trong khi đó hoạt động vận chuyển, giết mổ gia cầm và di chuyển của người dân gia tăng trong dịp Tết, mùa lễ hội. 5) Tập tục chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, điều kiện kinh tế, vệ sinh thấp kém ở một số bộ phận dân cư cũng làm cho khó kiểm soát dịch bệnh.


PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng báo cáo công tác phòng chống dịch bệnh tại Hội nghị


Hội nghị đã nghe báo cáo của: TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An thực phẩm báo cáo công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015; PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh báo cáo về việc đảm bảo công tác khám chữa bệnh trong dịp tết; Ông Nguyễn Đình Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông –Thi đua Khen thưởng về công tác truyền thông trong dịp tết; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ, Quảng Ninh, Nghệ An…về đảm bảo công tác y tế trong dịp tết.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị: Các đơn vị triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch trong mùa đông xuân, thực hiện đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế: Chỉ thị số 02/CT-BYT ngày 26/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc đảm bảo công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015; Công văn số 43/BYT-DP ngày 16/01/2015 về việc tăng cường giám sát phòng chống dịch bệnh lan truyền qua biên giới trong mùa đông - xuân và dịp Tết Nguyên đán; Công văn số 598/BYT-DP ngày 26/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về phòng chống cúm gia cầm lây sang người; Công văn số 53/BYT-DP ngày 22/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về phòng chống dịch sởi; Công văn số 726/BYT-DP ngày 30/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh ho gà; Công văn số 7540/BYT-DP ngày 24/10/2014 về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh mùa đông - xuân.

 

TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An thực phẩm báo cáo
 

Đối với vấn đề tiêm chủng, Bộ trưởng đề nghị tăng cường công tác tuyên tuyền để người dân chủ động đưa con, em đi tiêm chủng đúng lịch, tránh tình trạng nhiều trẻ không được tiêm phòng sởi trong dịch sởi đầu năm 2014. Bộ trưởng nhấn mạnh, những cán bộ chưa được tập huấn tiêm chủng kiên quyết không được thực hiện tiêm chủng, kể cả Trạm trưởng trạm y tế. Tăng cường công tác giám sát, thực hiện quyết liệt công tác tiêm chủng chiến dịch và tiêm chủng trong chương trình tiêm chủng mở rộng ở vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp và vùng có xuất hiện các ca bệnh, kiên quyết không để trẻ không được tiêm chủng đầy đủ hoặc tiêm chủng không đầy đủ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi; trẻ hoãn tiêm phải được tiêm vét ngay trong tháng. Các đơn vị tăng cường truyền thông bằng nhiều phương thức nhằm nâng cao nhận thức của cha mẹ trẻ về lợi ích tiêm chủng, an toàn của vắc xin, đồng thời nhấn mạnh “Đưa con đi tiêm chủng phòng bệnh sởi và các bệnh truyền nhiễm khác trong chương trình TCMR là trách nhiệm, nghĩa vụ và tình thương của cha mẹ”; đồng thời để chủ động phòng bệnh mọi người dân cần tăng cường vệ sinh cá nhân, đảm bảo an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng là các biện pháp cơ bản và hiểu quả. Đối với cac tỉnh phía Nam phải chú trọng trong công tác phòng chống bệnh cúm mùa, cúm gia cầm A(H5N1) lây sang người.

Bộ trưởng cũng đề nghị toàn ngành chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, truyền thông để cùng đồng hành giữa báo chí, người nhà để giải quyết các sự việc tránh kiện tụng làm giảm uy tín của ngành y.

 
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Admin

Thong ke