​Ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H7N9) tại Trung Quốc

17/12/2015 In bài viết

_

 
Theo thông tin ngày 16/12/2015 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ủy ban quốc gia Y tế và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc thông báo thêm 06 trường hợp nhiễm vi rút cúm gia cầm trên người trong đó 04 trường hợp nhiễm cúm A(H9N2) và 02 trường hợp nhiễm cúm A(H7N9), cụ thể như sau:

1) Cúm A(H9N2):
a) Bé gái 4 tuổi sống tại huyện phát triển kinh tế, tỉnh An Huy. Khởi bệnh ngày 14/4/2015. Bé đã cùng gia đình đến chợ gần nhà.
b) Bé trai 2 tuổi ở huyện Trường Sa, tỉnh Hồ Nam. Khởi bệnh ngày 15/9/2015. Chưa rõ tiền sử tiếp xúc với gia cầm.
c) Sinh viên nữ 15 tuổi sống tại TP.Trường Sa, tỉnh Hồ Nam. Khởi bệnh ngày 15/9/2015. Không tiếp xúc với gia cầm sống.
d) Bé gái 1 tuổi ở TP. Sâm Châu, tỉnh Hồ Nam. Khởi bệnh ngày 27/10/2015. Chưa rõ tiền sử tiếp xúc với gia cầm.
Tại thời điểm báo cáo 4 trường hợp trên đang trong tình trạng nhẹ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, một số trường hợp mắc cúm A(H9N2) đã được ghi nhận từ năm 1999; một số trường hợp hoặc chùm ca bệnh nhỏ có thể xảy ra do sự lưu hành của vi rút cúm A(H9N2) trong quần thể gia cầm khu vực châu Á và Trung Đông. Hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền dễ dàng vi rút cúm A(H9N2) từ người sang người.

2) Cúm A(H7N9):
a) Bệnh nhân nam, 74 tuổi, là nông dân của TP. Mai Châu, tỉnh Quảng Đông. Khởi bệnh ngày 19/11/2015. Ông đã mua gia cầm từ chợ và nuôi gia cầm tại nhà.
b) Bệnh nhân nam, 60 tuổi, nông dân của TP. Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Khởi bệnh ngày 20/11/2015. Có tiền sử giết mổ gia cầm.
Cả 2 trường hợp trên tại thời điểm báo cáo đang trong tình trạng nguy kịch.
Chính phủ Trung Quốc triển khai các biện pháp giám sát và phòng chống bao gồm: Tăng cường giám sát, phân tích tình hình; củng cố hoạt động điều trị và truyền thông nguy cơ.
WHO đang đánh giá tình hình dịch tễ và tiến hành phân tích nguy cơ dựa trên thông tin cập nhật gần đây. Căn cứ các thông tin nhận đến thời điểm này, WHO cho biết nguy cơ cúm A(H7N9) đối với sức khỏe cộng đồng là không thay đổi.
Theo thông báo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), kể từ tháng 6/2015, vi rút cúm A(H7N9) tiếp tục được phát hiện trên gia cầm tại nhiều tỉnh của Trung Quốc và như vậy vi rút này vẫn tồn tại dai dẳng trên gia cầm. Nếu vẫn theo mô hình lây nhiễm như các năm trước đây, số trường hợp nhiễm cúm trên người sẽ gia tăng trong những tháng tới. Thêm vào đó, một số trường hợp nhiễm rải rác sẽ được ghi nhận tại các khu vực bị ảnh hưởng hoặc lân cận.
Đến nay toàn cầu ghi nhận 683 trường hợp dương tính với cúm A(H7N9) ở người trong đó Trung Quốc là quốc gia ghi nhận nhiều nhất (663 trường hợp), Đài Loan (4), Hồng Kông (13), Malaysia (1) và Canada (2). Riêng đối với trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) được báo cáo từ Malaysia và Canada đều có tiền sử là đi từ Trung Quốc về.
Tại Việt Nam hiện nay chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm cúm A(H7N9), cúm A(H9N2); tuy nhiên do có đường biên giới dài với Trung Quốc, giao lưu đi lại, làm ăn, buôn bán giữa Việt Nam và Trung Quốc rất lớn nên nguy cơ dịch xâm nhập là cao; đặc biệt trong thời gian tới, dịp đầu năm mới, nhu cầu sử dụng sản phẩm từ gia cầm gia tăng. Hiện Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh ở gia cầm và trên người nhằm phát hiện sớm dịch bệnh xâm nhập, kịp thời ngăn chặn, tránh lây lan.

Để chủ động phòng chống cúm A(H7N9) trên người, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
2. Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn thực phẩm.
3. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
4. Người trở về từ quốc gia có dịch bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.
5. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Đối với khách du lịch khi đến các quốc gia đang có dịch cúm A(H7N9), Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo như sau:
1. Không nên đến khu vực giết mổ gia cầm
2. Tránh xa trại nuôi gia cầm hoặc tránh tiếp xúc với gia cầm sống tại chợ bán gia cầm
3. Không nên tiếp xúc với vật dụng bị ô nhiễm bởi phân gia cầm hoặc vật nuôi
4. Thường xuyên rửa tay với xà phòng
5. Luôn tuân thủ an toàn vệ sinh thực phẩm và thực hành vệ sinh cá nhân tốt
6. Đối với người có biểu hiện triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính khi đi du lịch hoặc ngay sau khi trở về từ khu vực đang có dịch bệnh cúm cần nghĩ tới cúm A (H7N9).
 

 
Cơ quan đầu mối IHR – Cục Y tế dự phòng
 
 

Admin

Tin tức liên quan

Công văn đề nghị Đồng chí Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý tiêm chủng dịch vụ

Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp đưa các tin về việc sử dụng vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1 trong tiêm chủng dịch vụ không rõ nguồn gốc nhằm trục lợi từ tiêm chủng dịch vụ. Điều này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động tiêm chủng và lợi ích của người dân.

Xem chi tiết Next
Thong ke