Tin tức

Tin tức

​Hội nghị khoa học chuyên đề về phòng, chống bệnh không lây nhiễm năm 2021

17/12/2021 In bài viết

Ngày 14/12/2021, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội nghị khoa học chuyên đề về phòng, chống bệnh không lây nhiễm năm 2021.

Tham dự Hội nghị có GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, TS.Nguyễn Minh Hằng - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế,  TS. Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam,  GS.TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, PGS.TS Đặng Văn Chính - Viện trưởng Viện Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh, GS.TS Đặng Tuấn Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Buôn Ma Thuột, các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học và đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế và trong nước, các Viện, Trường đại học, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện và các cơ quan, đơn vị liên quan.

GS.TS Phan Trọng Lân phát biểu khai mạc tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, GS.TS Phan Trọng Lân cho biết, Việt Nam đang phải giải quyết gánh nặng bệnh tật kép. Trong khi các bệnh truyền nhiễm như COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp thì nước ta cũng phải đối mặt với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm chủ yếu là các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh hô hấp mạn tính, là những bệnh đang gây gánh nặng bệnh tật và tử vong hàng đầu. Kết quả Điều tra yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2021 cũng cho thấy tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn cao, chiếm 41%; có gần 30% nam giới trưởng thành uống rượu, bia ở mức nguy hại; hơn một nửa người trưởng thành ăn thiếu rau và trái cây và người dân ăn muối nhiều gần gấp hai lần so với khuyến nghị; khoảng 1/5 dân số thiếu hoạt động thể lực và tỷ lệ thừa cân béo phì chiếm gần 20% dân số trưởng thành. Chính vì vậy, cùng với kiểm soát dịch bệnh thì phòng, chống bệnh không lây nhiễm đang là một ưu tiên trong chính sách y tế của Việt Nam, trong đó nghiên cứu khoa học đóng vai trò quan trọng nhằm cung cấp thông tin, bằng chứng cho việc xây dựng chính sách, tìm ra các biện pháp, các can thiệp hiệu quả nhất để giải quyết những bệnh này.

GS. Phan Trọng Lân cũng nhấn mạnh một lĩnh vực nghiên cứu khoa học cần quan tâm đó là nghiên cứu về bệnh không lây nhiễm trong bối cảnh COVID-19 do các bằng chứng, số liệu cho thấy đa số những người tử vong do COVID-19 đều có bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư…. Ngược lại bệnh dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội, từ đó làm thay đổi các hành vi, lối sống của người dân, nhất là các hành vi nguy cơ bệnh không lây nhiễm như chế độ ăn uống không lành mạnh, ăn đồ ăn nhanh, chế biến sẵn, lười vận động thể lực, lạm dụng đồ uống có cồn, hút thuốc, thừa cân béo phì và bên cạnh đó là nguy cơ gia tăng các rối loạn sức khỏe tâm thần.

Đại biểu tham dự Hội nghị khoa học

Đây là Hội nghị khoa học đầu tiên trong lĩnh vực y tế dự phòng chuyên đề về phòng, chống bệnh không lây nhiễm. Tổng cộng đã có 38 công trình nghiên cứu khoa học được công bố và đăng tải trong ấn phẩm số đặc biệt năm 2021 của Tạp chí Y học dự phòng. Tại Hội nghị, ngoài phiên toàn thể, các nhà khoa học đã tiến hành thảo luận tập trung  vào ba chuyên đề gồm: thực trạng một số bệnh không lây nhiễm, quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm, dinh dưỡng và bệnh không lây nhiễm với 20 báo cáo khoa học được trình bày.

Các kết quả nghiên cứu công bố tại Hội nghị là những đóng góp quan trọng cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học về bệnh không lây nhiễm. Hội nghị cũng là nơi chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm giữa các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các tổ chức quốc tế và trong nước, các Viện, Trường đại học, các tổ chức sức khoẻ và các cơ quan, đơn vị liên quan.

Ban biên tập Trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Admin

Thong ke