Hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch và tiêm chủng các tỉnh miền núi phía Bắc
07/10/2016 In bài viết
Đây là Hội nghị quan trọng nhằm mục tiêu đánh giá những thành tựu đã đạt được trong công tác phòng chống dịch bệnh và tiêm chủng tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nhìn nhận lại những khó khăn còn tồn tại và thảo luận các phương án tăng cường hiệu quả, nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Tham dự và chủ trì Hội nghị có GS.TS. Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế. Các đại biểu tham dự Hội nghị có: Đại diện Vụ, Cục, Viện trung ương thuộc Bộ Y tế; Đại diện Cục Quân y – Bộ Quốc phòng; Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng; Đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh; Lãnh đạo Sở Y tế; Trung tâm Y tế dự phòng và các cán bộ chuyên trách Tiêm chủng mở rộng của 11 tỉnh miền Bắc.
Phát biểu khai mạc, bà Hoàng Thị Hạnh – Phó trưởng ban Tây Bắc khẳng định sự gắn bó chặt chẽ giữa Bộ Y tế & Ban chỉ đạo Tây Bắc trong suốt thời gian qua, tiêu biểu là hai bên đã ký nội dung phối hợp về y tế dự phòng và tiêm chủng.
Bà Lê Kim Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang thay mặt chính quyền và nhân dân Tuyên Quang cám ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là Bộ Y tế trong nỗ lực chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhờ sự chỉ đạo sát sao và hỗ trợ cần thiết của Bộ Y tế, tỉnh Tuyên Quang đã có 100% xã, phường, thị trấn đạt chỉ tiêu về tiêm chủng.
Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng ThS. Đặng Quang Tấn, tình hình dịch bệnh các tỉnh miền núi phía Bắc còn có nhiều biến động, phức tạp, khó kiểm soát. Nguyên nhân chủ yếu là do: Vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân còn chưa tốt; Hủ tục nặng nề cản trở công tác phòng, chống dịch bệnh; Điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn,…
Ông Dương Chí Nam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế cũng cho biết thực trạng hệ thống nhà tiêu không đảm bảo và thói quen giữ vệ sinh của người dân còn yếu - Các giải pháp tăng cường công tác vệ sinh môi trường ở các tỉnh miền núi phía bắc. Thực trạng: hệ thống nhà tiêu không đảm bảo, nhận thức người dân chưa cao, chất lượng nước thấp,…
Bên cạnh đó, các tỉnh Tây Bắc còn phải đối mặt với tỷ lệ suy dinh dưỡng cao, thiếu sắt, thiếu kẽm, thiếu các vi chất thiết yếu trong bữa ăn hàng ngày để đảm bảo sức khỏe. Bà Lê Bạch Mai – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết: Sau 10 năm, thiếu máu ở trẻ em Việt Nam không hề được cải thiện. Sau 20 năm, cứ 1 năm 2 lần ngành y tế nỗ lực bổ sung vitamin A cho trẻ, tỷ lệ thiếu vitamin A từ 14,2% chỉ giảm xuống đến 13%.
Trước những thách thức lớn về chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân vùng Tây Bắc, các Vụ, Cục, Viện ngành y tế đi đến thống nhất đề xuất các giải pháp cải thiện trong Hội nghị, bao gồm:
1. Bộ Y tế và Ban chỉ đạo Tây Bắc tiếp tục phối hợp trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng chống dịch; Tham mưu với Chính phủ về cơ chế, chính sách cùng các giải pháp, chính sách cho các cán bộ y tế vùng núi.
2. Tăng cường sự phối hợp liên ngành, sự phối hợp quân dân y, sự phối hợp giữa các cơ quan thú y và đơn vị liên quan từ cấp Trung ương đến địa phương để phòng chống dịch, bệnh và ngăn chặn buôn lậu gia cầm qua biên giới.
3. Rà soát, quản lý đối tượng thuộc diện tiêm chủng tại các địa điểm khó khăn, xóa “vùng trắng” về tiêm chủng; Nâng cao năng lực quản lý và triển khai phần mềm báo cáo tiêm chủng.
4. Giải quyết vấn đề nước sạch, tăng tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh, nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân, đảm bảo vệ sinh thực phẩm cho người dân.
5. Tăng cường triển khai các chương trình dinh dưỡng
6. Về công tác giám sát, tăng cường giám sát dịch bệnh tại địa phương, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc sinh sống; Tăng cường giám sát khu vực cửa khẩu, cư dân biên giới và báo cáo kịp thời các ổ dịch; Duy trì đội chống dịch, đội cấp cứu lưu động ở các tuyến, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ; Đối với các xã vùng sâu, vùng xa, thiếu cán bộ y tế, Bộ Y tế sẽ cử cán bộ tăng cường hỗ trợ tuyến dưới, phối hợp quân dân y.
7. Các Vụ, Cục, Viện, Bệnh viện tổ chức đào tạo thường xuyên, liên tục cho cán bộ y tế tuyến dưới về công tác giám sát, xử lý ổ dịch, điều trị bệnh truyền nhiễm bao gồm cả các bệnh có vắc xin phòng bệnh.
8. Về công tác truyền thông, Bộ Y tế sẽ cập nhật các khuyến cáo phòng chống dịch, lợi ích của tiêm chủng, phối hợp với các cơ quan báo chí để cung cấp mọi thông tin cần thiết đến với mỗi người dân; Tập trung thay đổi hành vi. nâng ca nhận thức và ý thức chủ động vệ sinh, phòng chống dịch của cộng đồng.
Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá cao sự nỗ lực của các tỉnh Tây Bắc đã có các thành tựu đáng kể trong việc phòng chống dịch, vệ sinh phòng dịch, chống suy dinh dưỡng dù bối cảnh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Theo Thứ trưởng, vùng Tây Bắc là nơi phức tạp, dịch bệnh với đường biên giới dài, dễ dẫn đến nguy cơ xâm nhập dịch bệnh lớn, ý thức của người dân còn chưa cao, điều kiện sống còn nhiều khó khăn. Cần phải làm sao để toàn bộ khu vực phía bắc trở thành “lá chắn” ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ các quốc gia. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh quan trọng nhất là nâng cao ý thức người dân để chủ động phòng, chống dịch. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, và cần có sự quyết liệt, đồng lòng của chính quyền địa phương.
Trong Hội nghị, Đại diện công ty Vinamilk đã chia sẻ về mục tiêu chương trình Sữa học đường nhằm góp phần công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em Việt Nam. Trong chương trình lần này, Vinamilk trao tặng 14 tỉ đồng cho học sinh của 14 tỉnh khó khăn ở Việt Nam gồm Tuyên Quang, Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Cao Bằng, Kon Tum, Hòa Bình, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Yên Bái, Gia Lai và Ninh Thuận.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
Admin
Tin tức liên quan
Thông tin về trường hợp công dân Việt Nam nhiễm vi rút Zika tại Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh
Ngay sau khi Hệ thống giám sát ghi nhận 02 trường hợp kể trên, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế tỉnh Bình Dương triển điều tra ca bệnh và khai giám sát chặt chẽ những trường hợp nghi ngờ nơi bệnh nhân sinh sống và tại cộng đồng. Trước đó, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành xử lý véc tơ bằng phun hóa chất và diệt lăng quăng xung quanh hộ gia đình bệnh nhân theo quy trình. Đối với trường hợp bệnh nhân đang mang thai đã được tư vấn, giải thích để bệnh nhân yên tâm và tiếp tục có các theo dõi về chuyên môn trong quá trình thai nghén. Hiện tại sức khoẻ của các trường hợp này đều ổn định.
Khuyến cáo phòng chống bệnh tay chân miệng
Bệnh Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút thuộc nhóm Enterovirus gây ra, bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh lưu hành quanh năm nhưng tập trung vào giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12.
Xem chi tiết