Hội nghị trực tuyến công tác tiêm chủng và phòng, chống dịch COVID-19
22/09/2022 In bài viết
Hiện nay, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm vẫn đang diễn biến phức tạp; ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt và các vấn đến khác như đô thị hóa, di dân…là nguyên nhân của sự xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm mới hay sự tiến hóa, biến chủng của các vi rút gây bệnh dẫn đến nguy cơ dịch bùng phát gia tăng, xu hướng dịch bệnh phức tạp, khó lường. Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, WHO vẫn cảnh báo tình trạng đại dịch toàn cầu; vi rút SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, khó dự báo, nhất là về mức độ nguy hiểm, khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin và nguy cơ tăng bệnh nặng, tử vong.
Ngày 14/9, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 tuần qua trên thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Tổng giám đốc WHO kêu gọi các quốc gia nên nắm bắt cơ hội này để chấm dứt đại dịch, duy trì nỗ lực và tận dụng những công cụ sẵn có như vaccine, thuốc điều trị để ngăn chặn sự lây lan, tử vong một cách chủ động ngay cả khi có sự xuất hiện của các biến thể mới và làn sóng lây nhiễm trong tương lai. WHO đã công bố 6 bản tóm tắt chính sách về các hành động mà các quốc gia có thể áp dụng nhằm đối phó với COVID-19 trong tình hình mới, trong đó WHO kêu gọi các quốc gia tập trung bao phủ 100% vaccine cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, bao gồm nhân viên y tế và người lớn tuổi, coi đó là ưu tiên cao nhất trên lộ trình đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin 70%; tiếp tục xét nghiệm và giải trình tự gene đối với vi rút SARS-CoV-2, đồng thời tích hợp các dịch vụ giám sát và xét nghiệm với các dịch vụ về các bệnh đường hô hấp khác, bao gồm cả bệnh cúm.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cùng các cấp, các ngành, các địa phương đã rất nỗ lực, quyết tâm, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục có các công điện, chỉ thị để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, công tác tiêm chủng vắc xin và mới nhất là Công điện 755/CĐ-TTg ngày 25/8/2022 về việc đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, Công điện 778/CĐ-TTg ngày 05/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh; ý kiến chỉ đạo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp thứ 17 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ngày 13/9/2022 và các văn bản chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan.
Đến nay, mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát, đưa các hoạt động kinh tế-xã hội trở lại bình thường; tuy nhiên số ca mắc mới, nhập viện, ca nặng đang có chiều hướng gia tăng; thời gian gần đây, cả nước ghi nhận trung bình hơn 2.700 ca mắc mới mỗi ngày; nhiều địa phương đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74, BA.2.12.1 với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc; tỷ lệ tiêm vắc xin cho các nhóm đối tượng đã tăng sau một thời gian chững lại nhưng vẫn chưa bảo đảm yêu cầu tại một số nơi, tiến độ tiêm chủng còn chậm, tỷ lệ tiêm vắc xin nhất là cho trẻ em còn thấp. Cùng với đó là nguy cơ xâm nhập từ nước ngoài của các dịch bệnh như đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...
Mặc dù vậy, công tác phòng chống dịch thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu. Trong khi đó, vẫn có tình trạng chủ quan, lơ là trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; một số nơi chưa quyết liệt, chưa có sự vào cuộc hoặc phối hợp chưa đồng bộ của các cấp, các ngành cùng với ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, tốc độ tiêm vắc xin COVID-19 ở một số địa phương hiện nay vẫn chưa đạt tiến độ theo yêu cầu, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; thậm chí là có tình trạng né tránh tiêm vắc xin ở một bộ phận người dân; công tác truyền thông, vận động, khuyến khích người dân tham gia công tác phòng, chống dịch, nhất là công tác tiêm chủng vắc xin chưa hiệu quả; nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch chưa được đảm bảo; tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.
Thực hiện hiệu quả mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không để bùng phát trở lại và chủ động, sẵn sàng đáp ứng các tình huống dịch có thể xảy ra, không để bất ngờ, bị động, góp phần tạo điều kiện cho việc phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương nhằm tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch; đẩy mạnh tiến độ công tác tiêm chủng; đồng thời đưa ra giải pháp giải quyết các khó khăn, thách thức đang ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch. Với các nội dung chính sau:
- Đánh giá các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, tiến độ thực hiện công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; những tồn tại, khó khăn và đề xuất các giải pháp khắc phục.
- Các nội dung liên quan khác đến công tác phòng chống dịch, bao gồm: công tác tài chính, hậu cần; đảm bảo thuốc, vật tư, trang thiết bị và các chế độ, chính sách trong phòng chống dịch.
Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng