Tin tức

Tin tức

​Hội nghị trực tuyến: “Tăng cường xử lý phản ứng sau tiêm chủng”

16/01/2019 In bài viết

Hội nghị trực tuyến tăng cường xử lý phản ứng sau tiêm chủng
Chiều ngày 16/01/2019, Bộ Y tế tổ chức “Hội nghị trực tuyến tăng cường xử lý phản ứng sau tiêm chủng”. PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì tại Hà Nội.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo và chuyên viên một số Vụ, Cục, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế. Tại 700 điểm cầu địa phương tuyến tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có đại diện lãnh đạo Sở Y tế; Trung Tâm kiểm soát bệnh tật; Trung tâm Y tế huyện; Trạm Y tế các xã/phường/ thị trấn/ các đơn vị thực hiện dịch vụ tiêm chủng và các đơn vị liên quan.
PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị
 
Phát biểu khai mại Hội nghị, PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến nhằm tập huấn cho các cán bộ trực tiếp làm công tác tiêm chủng.
Đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết thêm, ngoài những phản ứng thông thường như trẻ sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, khó chịu, quấy khóc cũng đã ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật ở một số địa phương, tỷ lệ khoảng 0,05%. Tuy nhiên các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi, điều trị. Mặc dù tỷ lệ các phản ứng trên nằm trong thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, song để bảo đảm tiêm chủng an toàn, đạt tỷ lệ cao và giảm thiểu tối đa các phản ứng sau tiêm chủng.
Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo, tổ chức tập huấn ngay cho cán bộ y tế của các cơ sở tiêm chủng cũng như cán bộ y tế tuyến huyện chưa được tập huấn hoặc đã được tập huấn nhưng chưa thuần thục về khám sàng lọc, đặc biệt xử trí cấp cứu phản ứng sau tiêm chủng. Đồng thời chỉ những cơ sở tiêm chủng có cán bộ y tế đã được tập huấn và có kỹ năng về xử trí, cấp cứu sau tiêm chủng mới được tiến hành tiêm chủng. Yêu cầu tất cả các cơ sở phải có phác đồ xử trí phản vệ và được treo tại điểm tiêm chủng.
Sở Y tế các Tỉnh, Thành phố cần nhanh chóng cử cán bộ có trình độ chuyên môn từ tuyến trên tăng cường cho các Trạm Y tế xã, phường trong việc khám sàng lọc, cấp cứu và xử trí sau tiêm chủng. Đặc biệt là những trạm không có bác sĩ hoặc những xã, phường khó khăn.
Bên cạnh đó cần tư vấn cho các bà mẹ biết cách theo dõi trẻ sau tiêm chủng, phát hiện các triệu chứng của trẻ như sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật, sưng đau tại chỗ tiêm... để đưa trẻ đến ngay bệnh viện gần nhất để được khám, xử trí cũng như cấp cứu kịp thời.
Ngoài ra, tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về lợi ích của việc tiêm chủng phòng bệnh; Những phản ứng có thể gặp sau khi tiêm và cách theo dõi, chăm sóc, xử trí khi trẻ có dấu hiệu bất thường sau  tiêm chủng. 

PGS.TS.Nguyễn Văn Đoàn, nguyên Giám đốc Trung tâm Miễn dịch-Dị ứng lâm sàng, bệnh viện Bạch Mai phổ biến Những điểm thay đổi của Thông tư 51/2017/TT-BYT có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2018 và thay thế Thông tư số 08/1999/TT-BYT ngày 04/5/1999 của Bộ Y tế hướng dẫn phòng và cấp cứu sốc phản vệ.
Thông tư số 51/2017/TT-BYTcó nhiều điểm thay đổi cơ bản so với Thông tư số 07/1999/TT-BYT như:
- Phân loại phản vệ theo quốc tế;
- Chẩn đoán phản vệ theo tiêu chuẩn của quốc tế
- Thay đổi đường tiêm của mũi adrenalin cấp cứu ban đầu từ tiêm dưới da sang tiêm bắp;
- Khoảng cách giữa các mũi tiêm nhắc lại của adrenalin là 15 phút;
- Đối tượng được phép tiêm adrenalin cấp cứu ban đầu được mở rộng khi không có bác sĩ tại nơi xảy ra phản vệ;
- Sửa đổi, bổ sung thành phần hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị y tế;
- Bổ sung hướng dẫn xử trí phản vệ với các trường hợp đặc biệt...

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến thảo luận của các đại biểu cũng được các chuyên gia giả đáp thắc mắc về công tác xử lý phản ứng sau tiêm chủng.
Ngày 14/5/2018 Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2912/QĐ-BYT ngày 14/5/2018 về việc triển khai vắc xin DPT-VGB-Hib (ComBE Five) do Công ty Biological E. Ltd Ấn Độ sản xuất, thay thế vắc xin Quinvaxem trong TCMR và được triển khai toàn quốc từ cuối tháng 12. Tính đến ngày 9.1.2019, đã có 28 tỉnh, thành triển khai tiêm vắc xin này. Số trẻ được tiêm là 131.171 trẻ.
 
Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Admin

Tin tức liên quan

Lễ công bố loại trừ bệnh giun chỉ Bạch huyết tại Việt Nam

Sáng 17/01/2019 tại Hà Nội, Viện Sốt rét ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương long trọng tổ chức Lễ công bố Loại trừ bệnh giun chỉ Bạch huyết tại Việt Nam.

Xem chi tiết Next

Hội nghị triển khai công tác dân số năm 2019

Sáng ngày 18/01/2019, tại Hà Nội, Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) tổ chức Hội nghị triển khai công tác dân số năm 2019.

Xem chi tiết Next
Thong ke