Tin tức

Tin tức

​Họp Văn phòng EOC đánh giá tình hình dịch bệnh do vi rút Zika

01/05/2016 In bài viết

_
 
Ngày 22/4/2016, Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh và tỉnh Khánh Hòa đều đã công bố hết dịch do vi rút Zika quy mô xã, phường tại Phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh và phường Phước Hòa, TP. Nha Trang sau 24 ngày thực hiện quyết liệt việc khoanh vùng, xử lý ổ dịch triển khai các biện pháp phòng bệnh tại các địa phương trên địa bàn tỉnh/thành phố. Như vậy, sau khi ghi nhận hai trường hợp nhiễm vi rút Zika tại hai địa bàn kể trên, nước ta chưa ghi nhận thêm trường hợp mắc mới kể từ ngày 04/4/2016.

Nhằm đánh giá thực trạng cũng như nguy cơ dịch bệnh do vi rút Zika lây lan tại cộng đồng để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika phù hợp với tình hình dịch, ngày 28/4/2016, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã họp Văn Phòng đáp ứng khẩn cấp (EOC) nhằm tăng cường việc chia sẻ thông tin và đánh giá nguy cơ dịch bệnh do vi rút Zika tại Việt Nam trong thời gian tới của các chuyên gia đến từ Cục Y tế dự phòng, Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Hà Nội, và đại diện từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hoa kỳ (CDC).

Tại cuộc họp, đại diện WHO thông báo đến ngày 28/4/2016, đã ghi nhận 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lưu hành hoặc có sự lây truyền vi rút Zika, trong đó có 55 quốc gia và vùng lãnh thổ  tiếp tục ghi nhận có sự lây truyền của vi rút Zika do muỗi truyền. Tại Việt Nam, theo báo cáo từ các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur, các địa phương, kết quả giám sát trọng điểm và tại cộng đồng chưa phát hiện thêm trường hợp mới nhiễm vi rút Zika. Tuy nhiên, sau khi phân tích các thông tin về tình hình dịch bệnh trên thế giới, đặc điểm sự phân bố, lưu hành muỗi Aedes, một loại muỗi vừa truyền bệnh sốt xuất huyết, vừa truyền bệnh do vi rút Zika, các chuyên gia nhận định có thể do đặc điểm vi rút Zika tại Việt Nam thuộc phân típ khu vực châu Á, không hoàn toàn giống với phân típ vi rút Zika khu vực châu Mỹ la tinh nên không bùng phát thành dịch lớn với mức độ lây lan nhanh song trong thời gian tới hoàn toàn có thể sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp bệnh mới rải rác tại một số địa phương nơi lưu hành dịch bệnh sốt xuất huyết cao, đặc biệt có thể gia tăng trùng với mùa dịch sốt xuất huyết sắp đến gần.

Hiện nay, cả nước đang áp dụng mức độ cảnh báo ở mức độ hai theo Kế hoạch hành động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika, nhằm tăng cường phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới, không chủ quan trước tình hình dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra bất kỳ thời điểm nào, cuộc họp kiến nghị các đơn vị liên quan thuộc Bộ Y tế tiếp tục đặt ở mức cảnh giác cao với dịch bệnh do vi rút Zika, tiếp tục đẩy mạnh việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm xác định vi rút Zika để phát hiện sớm, xử lý kịp thời ổ dịch; thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động truyền thông cho cộng đồng, thực hiện các chiến dịch diệt muỗi, loăng quăng (bọ gậy) để phòng bệnh; đặc biệt đối với phụ nữ mang thai hoặc chuẩn bị mang thai thực hiện các biện pháp tránh bị muỗi đốt chủ động theo dõi sức khỏe, khám thai định kỳ, nếu có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ở quan y tế để được khám, tư vấn và chẩn đoán điều trị kịp thời, không nên tự ý đi xét nghiệm xác định khi chưa có ý kiến tư vấn của cán bộ y tế.

Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO và các tổ chức quốc tế để tiếp tục hoàn thiện, cập nhật các tài liệu hướng dẫn chuyên môn trong giám sát, phòng chống, đáp ứng với dịch bệnh do vi rút Zika, đồng thời thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống để phổ biến tới các cán bộ y tế, người dân để chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.

 
Văn phòng EOC - Cục Y tế dự phòng

Admin

Thong ke