​HƯỚNG DẪN Giám sát và phòng, chống bệnh liên cầu lợn ở người

17/12/2014 In bài viết

Ban hành kèm theo Quyết định số: 4665/QĐ-BYT Ngày 07 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế
I. ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA BỆNH
Bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn liên cầu lợn có tên khoa học là Streptococcus suis (S. suis) lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ lợn mắc bệnh. Bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng nhưng hay gặp nhất là hai thể viêm màng não và sốc nhiễm khuẩn. Thể viêm màng não thường kèm theo giảm thính lực, có thể gây điếc không hồi phục. Ở thể sốc nhiễm khuẩn, bệnh nhân thường có phát ban xuất huyết thành từng đám lan tỏa kèm theo rối loạn đông máu nội mạch rải rác dễ tiến triển nhanh thành suy đa phủ tạng, tỷ lệ tử vong từ 5% tới 20%, nếu khỏi thì thời gian hồi phục thường kéo dài. Bệnh thường xảy ra dưới dạng các trường hợp tản phát, tuy nhiên cũng có thể gây thành những vụ dịch trên động vật và người.
Lợn nhiễm vi khuẩn S. suis có thể không phát bệnh hoặc gây các chứng viêm nhiễm nhẹ đến viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm khớp nhiễm trùng, viêm phế quản phổi, viêm màng trong tim, viêm não, sẩy thai và các ổ áp xe…, gây chết ở lợn. Khi lợn bị mắc hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp (hay còn gọi là bệnh tai xanh), vi khuẩn S. suis có thể phát triển mạnh hơn và làm tăng nguy cơ lây bệnh sang người, các ổ dịch liên cầu lợn ở người thường liên quan đến việc bùng phát các ổ dịch tai xanh ở lợn. Hầu hết các týp vi khuẩn S. suis còn nhạy cảm cao với kháng sinh.
1. Tác nhân gây bệnh
Bệnh liên cầu lợn ở người do vi khuẩn S. suis gồm 35 týp huyết thanh khác nhau, trong đó  vi khuẩn S. suis týp 1 và 2 thường gây bệnh cho lợn và týp huyết thanh 2 có khả năng lây sang người là chủ yếu. Ngoài ra còn gặp týp huyết thanh 14.
Vi khuẩn S. suis có sức đề kháng kém, dễ bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn thông thường như xà phòng, cloramin, nước javen, nước vôi, nhiệt độ trên 60oC và ánh sáng mặt trời. Nước xà phòng nồng độ 1/500 có thể diệt vi khuẩn trong vòng 1 phút. Tuy nhiên, vi khuẩn có thể tồn tại lâu trong phân lợn ở nhiệt độ 0oC trên 100 ngày, khoảng 10 ngày ở 9oC, 8 ngày ở 22 - 25oC, vi khuẩn S. suis có thể sống trong xác lợn chết trong 6 tuần ở điều kiện nhiệt độ 40oC, đây cũng có thể là nguồn lây nhiễm cho người.

2. Nguồn bệnh, thời kỳ ủ bệnh
Lợn là ổ chứa chủ yếu, ngoài ra vi khuẩn S. suis cũng được phát hiện ở các động vật khác như trâu, bò, lợn rừng, ngựa, cừu, dê, chó, mèo, chim. Bình thường vi khuẩn S.suis thường cư trú ở đường hô hấp trên và ở hạch hầu họng của lợn; tuy nhiên khi bị mắc bệnh, có thể phát hiện vi khuẩn S. suis ở các phủ tạng, đường tiêu hóa, đường sinh dục hay trong máu của lợn bệnh.
Thời gian ủ bệnh trung bình từ khi phơi nhiễm đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên khoảng 2 ngày (dao động từ 3 giờ đến 14 ngày).
3. Đường lây truyền
Người bị nhiễm vi khuẩn S.suis thường do tiếp xúc trực tiếp (chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển) hoặc sử dụng các sản phẩm từ lợn như tiết canh, thịt, phủ tạng của lợn ốm, chết, lợn mang vi khuẩn chưa được nấu chín. Vi khuẩn S.suis xâm nhập qua các vùng tổn thương hở trên da hoặc niêm mạc, khu trú và phát triển tại chỗ, qua hạch bạch huyết vào máu và gây bệnh cho nhiều cơ quan, phủ tạng. Cho tới nay chưa ghi nhận sự lây truyền từ người sang người.
4. Tính cảm nhiễm
Mọi người đều có thể cảm nhiễm với vi khuẩn S. suis; những người làm việc ở trại chăn nuôi lợn, người giết mổ gia súc có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Bệnh liên cầu lợn ở người thường dưới dạng tản phát nhưng cũng có khi phát thành dịch.
II. HƯỚNG DẪN GIÁM SÁT BỆNH LIÊN CẦU LỢN
1. Các khái niệm
1.1. Định nghĩa trường hợp bệnh lâm sàng
Bệnh nhân có các triệu chứng và tiền sử dịch tễ:
          a) Các triệu chứng
- Dấu hiệu màng não: sốt cao, đau đầu, nôn/buồn nôn, ù tai, cứng gáy, có thể có rối loạn ý thức (trạng thái kích thích hoặc u ám);
          Và/hoặc:
- Giảm thính lực hoặc điếc.
- Sốc nhiễm khuẩn và/hoặc sốc nhiễm khuẩn huyết: sốt cao đột ngột, kèm rét run, đau đầu, ban xuất huyết đa dạng dưới da lan tỏa, tử ban, mỏi mệt toàn thân, có thể đi ngoài phân lỏng, trụy tim mạch.
b) Yếu tố dịch tễ
          Tiền sử tiếp xúc trực tiếp với lợn, giết mổ lợn mắc bệnh, chết hoặc sử dụng các sản phẩm như máu, thịt, phủ tạng lợn mắc bệnh, chết chưa nấu chín trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh. Tuy nhiên, cần lưu ý khai thác kỹ tiền sử dịch tễ vì có khoảng 30-40% bệnh nhân không có tiền sử dịch tễ rõ ràng.

1.2. Định nghĩa ca bệnh xác định
Ca bệnh lâm sàng được chẩn đoán xác định khi:
- Phân lập được vi khuẩn S.suis trong bệnh phẩm dịch não tủy hoặc/và máu ngoại vi của bệnh nhân;
- Xét nghiệm bằng phản ứng khuếch đại chuỗi gen (PCR) dương tính với S.suis.  
Sơ đồ chẩn đoán ca bệnh liên cầu lợn
 
            Ghi chú: * Ca bệnh xác định và ca bệnh nghi ngờ đều được đưa vào số liệu giám sát và báo cáo theo quy định.
1.3. Ổ dịch
Một ổ dịch bệnh liên cầu lợn trên người khi có ít nhất 1 trường hợp xác định mắc bệnh liên cầu lợn hoặc 2 trường hợp bệnh lâm sàng điển hình không có kết quả xét nghiệm và không nghĩ đến bệnh khác trên một địa bàn nhất định (thôn, ấp, bản, tổ dân phố...).
Ổ dịch được coi là chấm dứt khi không ghi nhận trường hợp mắc mới trong vòng 14 ngày.
2. Thu thập, vận chuyển và bảo quản bệnh phẩm (chi tiết tại Phụ lục 1)
2.1. Đối tượng lấy mẫu
Tất cả các ca bệnh lâm sàng.
2.2. Loại bệnh phẩm
Tùy theo từng thể bệnh mà cần thu thập 1 hoặc cả 2 loại bệnh phẩm là máu và dịch não tủy để nuôi cấy phân lập và xét nghiệm PCR.
a) Dịch não tủy: khi bệnh nhân có các dấu hiệu nghi ngờ viêm não - màng não.
b) Mẫu máu: Tất cả các bệnh nhân nghi nhiễm liên cầu lợn.
2.3. Kỹ thuật lấy mẫu
- Thực hiện kỹ thuật lấy dịch não tủy và lấy máu tĩnh mạch theo đúng quy trình kỹ thuật tại Quyết định số 2017/QĐ-BYT ngày 09/6/2014 của Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu “Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Huyết học - Truyền máu - Miễn dịch - Di truyền - Sinh học phân tử”.
- Thời điểm lấy càng sớm càng tốt, ngay khi bệnh nhân nhập viện và tốt nhất là trước khi dùng kháng sinh điều trị cho bệnh nhân.
+ Dịch não tủy: 0,5 ml - 2,0 ml.
+ Máu (sử dụng ống nghiệm có chứa chất chống đông EDTA): 3 - 5 ml
+ Huyết tương: Lấy 5ml máu và ly tâm tốc độ thấp trong thời gian ngắn (2000 vòng trong 5 phút) và tách huyết tương để gửi đến phòng xét nghiệm.
Nên để máu toàn phần gửi đến phòng xét nghiệm.
2.4. Bảo quản và vận chuyển mẫu
a) Dịch não tủy:
- Bệnh phẩm dùng để nuôi cấy: nên giữ ở nhiệt độ từ 25oC - 35oC và cần gửi ngay lên tuyến trên trong vòng 24 giờ, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong quá trình vận chuyển bệnh phẩm.
- Bệnh phẩm dùng để xét nghiệm PCR: Dịch não tủy đựng trong ống nghiệm vô trùng (nút xoáy ngoài), bảo quản ở 4oC nếu chuyển được ngay trong ngày, nếu không chuyển được ngay trong ngày bảo quản ở -20oC đến -80oC.
Chú ý: nếu mẫu dịch não tủy đã đông băng cần tiếp tục duy trì độ lạnh sao cho mẫu không bị tan chảy trong quá trình vận chuyển để đảm bảo chất lượng của mẫu.
b) Bệnh phẩm máu:
- Với mục đích nuôi cấy: cấy ngay vào môi trường với tỷ lệ 1 phần máu và 9 phần canh thang nuôi cấy (1/10), hoặc theo chỉ dẫn của nhà sản xuất (3ml máu cho 1 lọ nuôi cấy đối với người lớn, 1ml đối với trẻ em). Lắc xoay đều vài lần, ủ qua đêm ở tủ ấm 35-37oC, có bổ sung 5% CO2. Bệnh phẩm sau khi cấy có thể vận chuyển ngay về phòng xét nghiệm trong vòng 12 đến 18 giờ.
- Để làm xét nghiệm PCR: Lấy vào ống chống đông (EDTA), ly tâm loại bỏ lớp hồng cầu, lấy lớp huyết tương bên trên, đựng trong ống nghiệm vô trùng có nút xoáy ngoài, bảo quản ở nhiệt độ từ +2 đến +8oC và vận chuyển đến phòng xét nghiệm.
3. Thông tin báo cáo
Bệnh do liên cầu lợn ở người thường có diễn biến nặng và được đưa vào cơ sở điều trị các tuyến. Chính vì vậy cơ sở giám sát phát hiện ca bệnh chủ yếu là bệnh viện các tuyến.
Việc báo cáo giám sát bệnh liên cầu lợn ở người thực hiện theo quy định của Bộ Y tế về việc hướng dẫn chế độ khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm và theo Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT về việc hướng dẫn phối hợp phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người của Bộ Y tế  và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đối với ca bệnh lâm sàng điển hình, nếu không có xét nghiệm loại trừ hoặc không nghĩ tới bệnh khác thì phải được báo cáo như một trường hợp mắc liên cầu lợn ở người.
III. CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH
1. Tuyên truyền rộng rãi cho người dân về bệnh liên cầu lợn để chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống, tập trung vào nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao như người chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ lợn, bán thịt lợn tươi, sống và những người nội trợ trực tiếp chế biến sản phẩm tươi, sống từ lợn ...
2. Không giết mổ hay tiêu thụ lợn mắc bệnh, lợn chết. Thực hiện vệ sinh ăn uống, không ăn thịt hoặc phủ tạng lợn chưa nấu kỹ; không ăn tiết canh lợn và các loại thịt, sản phẩm tái, sống được chế biến từ lợn không đảm bảo an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng chỉ nên mua thịt lợn đã được cơ quan thú y kiểm dịch. 
3. Sử dụng các phương tiện phòng hộ như găng tay, ủng, kính bảo vệ mắt; rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc, giết mổ, chế biến thịt lợn, đặc biệt khi phải xử lý lợn mắc bệnh hoặc lợn chết.
4. Khi có vết thương hở, hoặc có các vùng da bị tổn thương không nên giết mổ lợn hoặc chế biến thịt lợn tươi sống; hoặc nếu có thì cần băng kín vết thương trước khi tiếp xúc và dùng chất khử trùng sau khi làm việc.
5. Dùng xà phòng sạch rửa sạch sẽ các đồ dùng chăm sóc, giết mổ hay dụng cụ nhà bếp ngay sau khi sử dụng.
6. Thực hiện tốt vệ sinh thú y, đảm bảo môi trường khu vực chăn nuôi lợn và các loại gia súc sạch sẽ, thoáng khí, ủ phân để diệt mầm bệnh; không mua bán, vận chuyển lợn nhiễm bệnh từ các khu vực có lưu hành bệnh tới khu vực khác. 
7. Người khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăm sóc, giết mổ lợn mắc bệnh, chết hoặc ăn sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần phải đến khám ngay tại các cơ sở y tế để được khám, điều trị và xử lý kịp thời.
8. Vi khuẩn S. suis có thể phát triển và gây bệnh cho lợn tại các ổ dịch lợn tai xanh, do đó người dân cần báo cho cơ quan thú y ngay khi phát hiện tình trạng lợn ốm, chết, lợn sẩy thai bất thường để xác định nguồn bệnh và có biện pháp xử lý tiêu hủy đúng quy định của ngành thú y.
9. Thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi lợn và gia súc, đảm bảo vệ sinh khu vực giết, mổ, buôn bán lợn đặc biệt là các chợ đầu mối, chợ khu vực, các cơ sở giết mổ lợn tập trung. Tổ chức việc phun định kỳ dung dịch cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử trùng tiêu độc khác.
IV. CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ Ổ DỊCH
1. Các biện pháp chung
- Ngành y tế phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp trong việc chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh và phối hợp trong điều tra, xử lý ổ dịch trên động vật và trên người; giám sát thường xuyên kết hợp với giám sát tích cực ca bệnh liên cầu lợn để phát hiện kịp thời bệnh dịch ở đàn lợn và trên người, làm cơ sở cho việc chủ động phòng chống dịch tại địa phương.
- Tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố chỉ đạo, huy động các nguồn lực, các ban, ngành, đoàn thể triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như sau:
+ Quản lý các trường hợp mắc bệnh trên người, theo dõi sức khỏe các trường hợp có yếu tố dịch tễ trong khu vực ghi nhận trường hợp mắc bệnh để phát hiện sớm ca bệnh.
+ Tăng cường kiểm dịch động vật, phát hiện, tiêu huỷ lợn ốm hoặc chết, phun hóa chất sát khuẩn, khử khuẩn chuồng trại và môi trường chăn nuôi khi có lợn ốm, chết.
+ Kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ và buôn bán vận chuyển lợn giữa các vùng có dịch sang các khu vực khác.
+ Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng bệnh nêu trong mục III.
2. Xử lý tại hộ gia đình
- Hướng dẫn mọi người trong gia đình các biện pháp phòng bệnh lây truyền từ lợn sang người.
- Lập danh sách những người ăn cùng thực phẩm, chế biến các sản phẩm tái hoặc sống từ lợn không đảm bảo vệ sinh hoặc có tiếp xúc với lợn/sản phẩm từ lợn, chăn nuôi, giết mổ lợn từ nguồn bệnh nghi ngờ để theo dõi sức khỏe, xử lý kịp thời.
- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y các tuyến tiến hành các biện pháp chống dịch trên đàn lợn, phát hiện, tiêu hủy lợn ốm, chết.
- Tiến hành biện pháp khử trùng môi trường, đặc biệt ở khu vực chăn nuôi gia súc bằng phun ẩm dung dịch cloramin B (2% clo hoạt tính, liều phun 0,3 - 0,5 lít/m2) và các hoá chất khử trùng khác theo lịch phun 2 lần trong 1 tuần. Kết hợp thực hiện các biện pháp vệ sinh chuồng trại khác một cách thường xuyên.
3. Xử lý tại cộng đồng, cơ sở y tế
- Tăng cường việc tuyên truyền giáo dục cộng đồng về các biện pháp phòng, chống bệnh do liên cầu lợn.
- Giám sát, phát hiện sớm ca bệnh; lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu bệnh phẩm đến phòng thí nghiệm; thực hiện các biện pháp xử lý tại các hộ gia đình có trường hợp nghi mắc bệnh lâm sàng.
- Báo cáo kịp thời ca bệnh theo quy định theo phương thức báo cáo nhanh, duy trì báo cáo dịch hàng ngày cho đến khi hết dịch.
- Điều tra ca bệnh, xác định các yếu tố dịch tễ liên quan.
- Tổ chức việc tiếp nhận và điều trị bệnh nhân tại các cơ sở y tế theo đúng quy trình xử lý trường hợp bệnh liên cầu lợn của Bộ Y tế.
- Phối hợp với các cơ quan thú y:
+ Thực hiện kiểm dịch, phát hiện, tiêu huỷ lợn ốm, chết, chuồng trại và môi trường chăn nuôi có lợn ốm, chết phải được phun thuốc sát khuẩn, khử khuẩn.
+ Kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ và buôn bán vận chuyển lợn giữa các vùng có dịch sang các khu vực khác.
 
 
  KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
 
 
(đã ký, đóng dấu)
 
 
Nguyễn Thanh Long

Admin

Tin tức liên quan

HƯỚNG DẪN GIÁM SÁT VÀ PHÒNG CHỐNG BỆNH SỞI, RUBELLA

Ban hành kèm theo Quyết định số 4845/QĐ-BYT ngày 05/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế

Xem chi tiết Next

Cách phòng chống bệnh tay chân miệng

Tờ rơi phổ biến kiến thức về "cách phòng bệnh tay chân miệng"

Xem chi tiết Next

When Caring for Suspect or Confirmed Patients with Ebola

Think Ebola when you approach a patient. Start the steps for basic infection control before assessing the patient for risks.

Xem chi tiết Next

Ebola Outbreaks 2000-2014

On August 24, 2014, the Democratic Republic of the Congo (DRC) Ministry of Health notified the World Health Organization (WHO) of an outbreak of Ebola virus disease (EVD) in Equateur Province. The index case was a pregnant woman from Ikanamongo Village

Xem chi tiết Next
Thong ke