​Kết quả Hội nghị dinh dưỡng TP. Hồ Chí Minh mở rộng lần thứ 7 với chủ đề “Dinh dưỡng và lão hóa”

09/01/2021 In bài viết

Nhờ những tiến bộ trong lĩnh vực y tế công cộng, tuổi thọ đã gia tăng đáng kể và Việt Nam nằm trong tốp 5 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Dự báo đến năm 2050, người cao tuổi ở nước ta sẽ chiếm 26% dân số đưa nước ta trở thành quốc gia “siêu già”. Nhiều bệnh lý đi song hành với người cao tuổi như các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, thoái hóa khớp loãng xương, sa sút trí tuệ ... Theo kết quả Điều tra Quốc gia năm 2011, hơn 60% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu hoặc rất yếu cần người chăm sóc. Trung bình mỗi người phải chịu 14 năm bệnh tật trong tổng số 73 năm trong cuộc sống; một người cao tuổi có ít nhất 3 bệnh cần điều trị. Vì vậy, dù người Việt có bảng xếp hạng tuổi thọ cao ở hạng 58/177 nước trên thế giới nhưng số năm trung bình khỏe mạnh của người dân chỉ xếp thứ 116/177. 

Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng tình trạng gia tăng và trẻ hóa bệnh không lây nhiễm, thừa cân béo phì, hoạt động thể lực đủ khuyến nghị, ăn mặn, sử dụng nhiều đồ uống có đường, tiêu thụ ít chất xơ đều là yếu tố đóng góp tăng nhanh tốc độ lão hóa. Ở chiều ngược lại, tỷ lệ suy dinh dưỡng bệnh viện cao hơn trung bình của thế giới có 49,7% người bệnh cao tuổi suy dinh dưỡng.

Hiện nay, Bộ Y tế đang nỗ lực trong việc hoàn thiện các cơ chế chính sách và nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở để dự phòng và quản lý các bệnh không lây nhiễm phù hợp với giai đoạn dân số già và gánh nặng bệnh tật ở người cao tuổi. Các Kế hoạch hành động quốc gia về dân số, dinh dưỡng, phòng chống bệnh không lây nhiễm được ban hành trong thời gian gần đây đều nhấn mạnh vai trò của “ phòng” hơn là “ chống” lão hóa.

Lão hóa là một tiến trình tự nhiên và xảy ra liên tục, tăng dần theo thời gian sống, đặc biệt mạnh sau tuổi 35, có liên quan đến những thay đổi trong hệ thống nội tiết, hệ tiêu hóa, cytokines và tâm lý xã hội. Can thiệp dinh dưỡng và hoạt động thể lực đều đặn với cường độ hợp lý được coi là phương pháp tiếp cận thực tế, hiệu quả để chống viêm và làm chậm quá trình lão hóa. Công thức cho “lão hóa khỏe mạnh” phải liên quan đến cả chế độ ăn uống lành mạnh và lối sống năng động về thể chất. Các giai đoạn can thiệp dinh dưỡng cần tập trung đặc biệt để giảm nhẹ tác động “tích tuổi” phải từ những ngày đầu đời.

Ngày 27-28/7/2018, Trung tâm Dinh dưỡng TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị Dinh dưỡng TP. HCM mở rộng lần thứ 7 với chủ đề “Dinh dưỡng và Lão hóa”. Tham dự Hội nghị có sự tham gia của TS. Trương Đình Bắc - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế; GS. TS. Nguyễn Công Khẩn - nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng; PGS.TS. Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng; GS.TS. Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam; Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cùng các nhà khoa học có uy tín, các giáo sư chuyên ngành dinh dưỡng, chuyển hóa, nhi khoa, dịch tễ, miễn dịch và khoa học thực phẩm đến từ Australia, Canada và Việt Nam. Hội nghị có 21 báo cáo khoa học và 720 đại biểu tham dự đến từ 95 đơn vị y tế của 21 tỉnh, thành phố trên cả nước, 13 trường Đại học từ các vùng miền và các vị khách quốc tế.


Ảnh: Tiến sĩ Trương Đinh Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế đã nhấn mạnh vai trò của việc xây dựng các chính sách y tế phù hợp với dân số già và gánh nặng bệnh tật ở người cao tuổi, ghi nhận những nỗ lực của TP. HCM trong việc xây dựng và phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học, huấn luyện đào tạo, hợp tác quốc tế về dinh dưỡng và dinh dưỡng tiết chế, đặc biệt hỗ trợ xây dựng các khoa Dinh dưỡng Tiết chế tại các bệnh viện, tập hợp các chuyên gia xây dựng các tiêu chí kỹ thuật và hỗ trợ các tỉnh khu vực phía Nam về dinh dưỡng và dinh dưỡng tiết chế. BS CKII. Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. HCM đánh giá cao nỗ lực và thành công của Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM đạt được trong thời gian qua.

BS. CK 2 Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP. HCM  (đứng giữa) cùng các Lãnh đạo Vụ/Cục/Viện thuộc Bộ Y tế và các báo cáo viên Australia, Việt Nam

Hội nghị có các phiên chuyên đề về Lão hóa-Tích tuổi; Dinh dưỡng cho người cao tuổi; Dinh dưỡng phòng chống lão hóa; Vận động, Dinh dưỡng cho vận động viên và Đào tạo nhân lực dinh dưỡng.

Hội nghị đã kết thúc thành công tốt đẹp, các đại biểu đánh giá cao nội dung, đặc biệt là các kiến thức câp nhật bằng chứng về cơ chế của tình trạng lão hóa, giải pháp kỹ thuật trong can thiệp dinh dưỡng, tiết chế, vận động, các phương pháp hỗ trợ chẩn đoán, điều trị cải thiện tình trạng dinh dưỡng, rút ngắn thời gian phục hồi, giảm tỉ lệ biến chứng và tử vong trong điều trị các bệnh lý liên quan đến dinh dưỡng và lão hóa được cập nhật chia sẻ tại Hội nghị thông qua các báo cáo của các báo cáo viên đến từ Australia, Canada, Singapore và Việt Nam. Các nghiên cứu khoa học báo cáo tại hội nghị cho thấy sự nhiệt tình và tâm huyết của các cán bộ ngành dinh dưỡng TP. Hồ Chí Minh đối với sự phát triển của ngành dinh dưỡng.

PGS.TS. Huỳnh Hạnh - Giảng viên khoa Y trường Đại học British Columbia, Canada

Tóm tắt một số thông tin khoa học được đề cập trong hội nghị:

- Lão hóa là một tiến trình tự nhiên và xảy ra liên tục, tăng dần theo thời gian sống, đặc biệt mạnh sau tuổi 35, có liên quan đến những thay đổi trong hệ thống nội tiết, hệ tiêu hóa, cytokines và tâm lý xã hội.

- "Lão hóa do viêm" lần đầu tiên được đặt tên bởi Franceschi và cộng sự vào năm 2000 là sự gia tăng tình trạng tiền viêm của cơ thể khi tuổi ngày càng cao khi có sự mất cân bằng chuyển đổi từ trạng thái kháng viêm sang tình trạng viêm. Các marker tiền viêm như IL-6, TNF-, CRP, SAA và một loạt các yếu tố viêm khác được nghiên cứu và chứng minh tăng cao trong lão hóa. 

- Can thiệp dinh dưỡng và hoạt động thể lực đều đặn với cường độ hợp lý vẫn được coi là phương pháp tiếp cận thực tế, hiệu quả về chi phí để cải thiện chức năng miễn dịch, chống viêm và làm chậm quá trình lão hóa. Công thức cho “lão hóa khỏe mạnh” phải liên quan đến cả chế độ ăn uống lành mạnh và lối sống năng động về thể chất. Các giai đoạn can thiệp dinh dưỡng cần tập trung đặc biệt để giảm nhẹ tác động “tích tuổi” bao gồm giai đoạn 1.000 ngày đầu đời, trẻ em 3-5 tuổi, trẻ em trong tuổi dậy thì, người trưởng thành.

- Chế độ ăn giàu các chất chống oxy hóa như các carotenoids, tocophenols và flavonoids có trong các trái cây và rau củ xậm màu; polyphenol có trong trà, cà phê, rượu vang và nước trái cây; acid béo omega-3; resveratrol có trong vỏ quả nho, curcumin có trong nghệ; không hút thuốc lá; hạn chế đường, muối và transfat là biện pháp dinh dưỡng quan trọng là các yếu tố quan trọng giúp chậm quá trình lão hóa. 

- Những loại hình vận động, môn thể thao được khuyến nghị cho người cao tuổi là thiền, yoga, chơi cờ, đi bộ, chạy bộ ngắt quãng, khí công dưỡng sinh, tập tạ với trọng lượng vừa phải, tập bơi, đạp xe với tốc độ nhẹ nhàng. 

- Một số nghiên cứu do Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM, bệnh viện Ung bướu TP. HCM thực hiện cho thấy  bức tranh về nguyên nhân, hậu quả lão hóa: Nghiên cứu ở nhóm người làm việc văn phòng cho thấy tỉ lệ béo phì là 29,8%. Chỉ có 4,8% hoạt động thể lực đủ khuyến nghị, 49,4% đối tượng không tập thể dục. Lượng chất xơ trung bình chỉ  7,9g trong khi khuyến nghị cần đạt 20 g/ngày. Thói quen ăn mặn chiếm tới 61,3%. Trung bình mỗi người tiêu thụ 1,2 ± 1,2 gói mì ăn liền/tuần trong khi lượng muối trung bình trong mỗi gói mì ăn liền là 4,3 gam, gần tương đương nhu cầu khuyến nghị lượng muối một ngày của người trưởng thành. Nghiên cứu 10 bệnh ung thư thường gặp nhất tại Bệnh viện Ung bướu TP. HCM cho thấy tại thời điểm nhập viện có 34,8% bệnh nhân bị suy dinh dưỡng; hơn 50% bệnh nhân tiếp tục sụt cân trong quá trình điều trị, chỉ có 5,6% ăn đủ nhu cầu, 39% ăn không đến 75% nhu cầu năng lượng mỗi ngày; chỉ có 12,6% bệnh nhân suy dinh dưỡng được hội chẩn và tư vấn dinh dưỡng, 6% bệnh nhân trì hoãn hoặc ngừng điều trị vì suy dinh dưỡng. Nghiên cứu của Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM cho thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng bệnh viện là 34,1% ở người bệnh nội trú trong đó có 49,7% người bệnh cao tuổi, 43,6% bệnh hô hấp suy dinh dưỡng. Thời gian can thiệp dinh dưỡng cần thực hiện sớm 24-48 giờ sau khi nhập viện. Phương pháp nuôi dưỡng qua đường tiêu hóa là lựa chọn ưu tiên.

- Khuyến nghị về dinh dưỡng cho người cao tuổi phải giúp duy trì khối cơ, khối xương để hạn chế tàn phế, gãy xương, giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, làm chậm quá trình lão hóa và kéo dài tuổi thọ. Nhu cầu năng lượng, lipid, carbohydrate, sodium, đường tự do giảm, trong khi nhu cầu protein và hầu hết các vitamin, chất khoáng, chất xơ và nước tăng lên ở người cao tuổi. Việc cân đối các chất dinh dưỡng có nguồn gốc động vật và thực vật; duy trì tính điều độ và chọn thực phẩm thay thế cần được ưu tiên khi thiết kế chế độ ăn cho người cao tuổi. Sử dụng thực phẩm bổ sung và nuôi ăn đường ruột nên được xem xét ở người cao tuổi có nguy cơ cao hoặc không thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị hàng ngày. 

- Cuộc cách mạng 4.0 là cơ hội cho lĩnh vực dinh dưỡng và thực phẩm để vận dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ thông minh xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa về dinh dưỡng, thực phẩm một cách hệ thống bao gồm: xây dựng cơ sở dữ liệu về thành phần dinh dưỡng của thực phẩm trong đó quan tâm đến xây dựng Thành phần dinh dưỡng của món ăn phổ cập trong bữa ăn gia đình và ngoài gia đình; hệ thống thị trường thực phẩm với đầy đủ thông tin dinh dưỡng; xây dựng và ban hành các quy định pháp luật về dinh dưỡng và thực phẩm,  quản lý chế độ ăn của bệnh nhân tích hợp trong chế độ điều trị; quản lý chế độ ăn phòng chống các bệnh mạn tính thực hiện tại gia đình và cộng đồng.

- Kết quả nghiên cứu thực phẩm thấp năng lượng ăn liền dạng cháo có mức năng lượng trung bình chỉ 250 kcal/ đơn vị và có chỉ số no cao do Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM thực hiện được mong đợi là một trong các giải pháp dự phòng lão hóa, điều trị béo phì hữu hiệu. 

- Đánh giá về chất lượng hoạt động dinh dưỡng, tiết chế, Bộ Y tế thúc giục các đơn vị tập trung hơn nữa trong xây dựng và chuẩn hóa hoạt động dinh dưỡng lâm sàng, cung cấp suất ăn trong bệnh viện... thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu từ các bệnh viện.

- Tình trạng thiếu hụt nhân lực chuyên môn về lão khoa, dinh dưỡng, tiết chế là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến việc thực hiện chăm sóc điều trị không đạt tiêu chí chất lượng do Bộ Y tế qui định và hiệu quả còn thấp. Nếu không có sự tham gia tích cực của các trường đại học thì không thể bù đắp tình trạng thiếu hụt nhân lực chuyên ngành này và gánh nặng sức khỏe, kinh tế trong phòng và điều trị cho người cao tuổi sẽ ngày càng gia tăng.

- Kinh nghiệm từ Australia, Nhật Bản là phải tổ chức hệ thống đào tạo cử nhân dinh dưỡng tiết chế, có qui định số lượng tối thiểu nhân viên dinh dưỡng tiết chế theo số giường bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế cho khám tư vấn dinh dưỡng và các suất ăn khi nằm viện, tổ chức hệ thống mạng lưới dinh dưỡng từ bệnh viện đến cộng đồng.

Admin

Tin tức liên quan

Giảm tiêu thụ muối để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác

Giảm tiêu thụ muối để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác

Xem chi tiết Next

Các khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới để kiểm soát tiêu thị đồ uống có đường nhằm phòng chông bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam

Ngày 22/6, tại Hà Nội, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG) tổ chức hội thảo “Công bố các khuyến nghị của TCYTTG về kiểm soát tiêu thụ đồ uống có đường để phòng, chống bệnh không lây nhiễm”

Xem chi tiết Next

Kết quả hội thảo chia sẻ kinh nghiệm mô hình chăm sóc mắt học sinh

Tại Việt Nam, trẻ em trong độ tuổi từ 6-15 tuổi có tỷ lệ mắc tật khúc xạ từ 20-40% ở khu vực thành thị, từ 10-15% tại khu vực nông thôn.

Xem chi tiết Next

Tập huấn sử dụng trang bị phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh Ebola

Dịch bệnh do vi rút Ebola hiện vẫn đang diễn biến phức tạp, thời gian gần đây vẫn tiếp tục ghi nhận nhiều trường hợp mắc mới và tử vong do vi rút Ebola.

Xem chi tiết Next
Thong ke