​KẾT QUẢ HỘI THẢO TỔNG KẾT DỰ ÁN CHĂM SÓC MẮT HỌC ĐƯỜNG GIAI ĐOẠN 2016 -2020

27/07/2020 In bài viết

KẾT QUẢ HỘI THẢO TỔNG KẾT DỰ ÁN CHĂM SÓC MẮT HỌC ĐƯỜNG GIAI ĐOẠN 2016 -2020

Ngày 23/5/2016, Lãnh đạo Bộ Y tế đã ký Quyết định số 1973/QĐ-BYT về việc phê duyệt Dự án “Chăm sóc mắt học đường” do ngân hàng Standard Chartered (SCB) và Quỹ Fred Hollows (FHF) tài trợ, triển khai tại 3 tỉnh thí điểm là Hải Dương, Đà Nẵng và Tiền Giang giai đoạn 2016-2020 với các mục tiêu và hoạt động chính như sau:
Mục tiêu chính: (1) Tăng cường chính sách phối hợp giữa ngành giáo dục và ngành y tế nhằm hỗ trợ cho hoạt động chăm sóc mắt học đường; (2) Nâng cao năng lực cho cán bộ nhà trường (nhân viên y tế, giáo viên và tổng phụ trách Đoàn/Đội) và cán bộ nhãn khoa (tuyến huyện và xã) nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc mắt cho học sinh; (3) Cải thiện chất lượng dịch vụ và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc mắt cho học sinh; (4) Nâng cao nhận thức về chăm sóc mắt cho học sinh, cha mẹ học sinh và giáo viên.
Các hoạt động chính của Dự án:
- Phát hiện sớm các bệnh về mắt và giảm thị lực bằng bảng thị lực thu nhỏ.
- Lập danh sách học sinh giảm thị lực và có bệnh về mắt.
- Thành lập đoàn khám chuyên khoa Mắt để khám, chẩn đoán, kê đơn kính hoặc chuyển tuyến phù hợp.
- Theo dõi, quản lý sau khi cấp kính hoặc điều trị.
- Phối hợp tốt giữa ngành y tế và giáo dục trong lồng ghép hoạt động chăm sóc mắt vào các hoạt động y tế trường học.
- Nâng cao năng lực chăm sóc mắt cho cán bộ y tế, nhân viên y tế trường học và giáo viên.
- Truyền thông nâng cao kiến thức về chăm sóc mắt cho học sinh, gia đình và cộng đồng.
Ngày 12/6/2020, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế phối hợp với Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục tổ chức Hội thảo Tổng kết Dự án Chăm sóc mắt học đường giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng cho giai đoạn mới tại Quy Nhơn, Bình Định. Hội thảo có sự tham gia của TS. Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Giám đốc dự án;
PGS. TS. Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ông Phạm Quốc Ánh, Giám đốc Quỹ FHF Việt Nam; thành viên Ban Quản lý Dự án Trung ương và Ban Quản lý Dự án 3 tỉnh/thành phố Hải Dương, Đà Nẵng, Tiền Giang. Bên cạnh đó Hội thảo mời 13 tỉnh Hải Dương, Đà Nẵng, Tiền Giang; mời Bắc Giang, Ninh Bình, Thái Nguyên, Hưng Yên, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Phú Yên, Đắc Lắc, Bình Định tham dự Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe các kết quả đạt được của Dự án và đóng góp ý kiến cho các hoạt động cần duy trì và phát triển để triển khai nhân rộng mô hình tại tỉnh dự án và các địa phương khác về chăm sóc mắt học sinh thành công, cụ thể như sau:
Một số kết quả nổi bật đạt được của Dự án:
- Tổ chức khám sàng lọc thị lực và các bệnh về mắt cho khoảng 327.000 học sinh (đạt 100%) tại các trường Dự án.
- Khám mắt chuyên sâu và cấp kính miễn phí cho 17.996 học sinh mắc tật khúc xạ (đạt 100%).
- Tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông về chăm sóc mắt cho tất cả học sinh, cha mẹ học sinh các trường Dự án qua nhiều hình thức.
- Ban hành Hướng dẫn Chăm sóc mắt học đường do Lãnh đạo Bộ Y tế ký ban hành.
- Đào tạo 18 giảng viên nguồn cấp tỉnh, huyện về chăm sóc mắt trẻ em và kỹ năng tư vấn cho 3 tỉnh Dự án.
- Tập huấn 169 cán bộ y tế xã về kiến thức chăm sóc mắt ban đầu, các bệnh gây mù ở trẻ em và kỹ năng phục hồi chức năng tại các xã Dự án.
- Tập huấn cho 100% nhân viên y tế trường học, giáo viên chủ nhiệm, Tổng phụ trách Đội về chăm sóc mắt học sinh cho các trường Dự án.
- Đào tạo cấp chứng chỉ cho 26 nhân viên các quầy kính tư nhân về mài lắp kính và kỹ năng tư vấn.
Các hoạt động cần triển khai để đảm bảo tính bền vững của mô hình khi duy trì và nhân rộng tại địa phương:
- Chuẩn hóa các tài liệu, hướng dẫn về chăm sóc mắt học sinh và được Bộ Y tế,
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành để địa phương có cơ sở triển khai. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy định bổ sung nội dung chăm sóc mắt trong chương trình chính khóa và ngoại khóa.
- Tự sàng lọc giảm thị lực tại trường học là một giải pháp đơn giản, ít tốn kém nhưng mang lại hiệu quả cao trong việc phát hiện sớm tật khúc xạ và các bệnh về mắt ở học sinh. Các trường học cần đẩy mạnh triển khai phương pháp tự sàng lọc giảm thị lực thông qua bảng thị lực rút gọn, xem đó là giải pháp quan trọng và cần thiết.
- Đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên nguồn cấp tỉnh để đảm bảo tính thống nhất trong hướng dẫn triển khai cho cấp huyện, xã, trường học.
- Đẩy mạnh truyền thông giáo dục, nâng cao nhận thức về chăm sóc mắt học sinh đến học sinh, phụ huynh, giáo viên, cộng đồng thông qua các hình thức truyền thông.
- Đảm bảo đầy đủ các điều kiện vệ sinh trường học theo quy định.
- Ưu tiên cấp kính miễn phí, hỗ trợ điều trị cho học sinh nghèo mắc tật khúc xạ và các bệnh về mắt.

Ban biên tập Trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Tin tức liên quan

Chỉ thị số 19/CT-BYT về việc tăng cường thực thi các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia trong ngành y tế

Chỉ thị số 19/CT-BYT về việc tăng cường thực thi các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia trong ngành y tế.

Xem chi tiết Next

Hội nghị triển khai các văn bản pháp luật, hướng dẫn luật phòng, chống tác hại của rượu, bia

Hội nghị triển khai các văn bản pháp luật, hướng dẫn luật phòng, chống tác hại của rượu, bia

Xem chi tiết Next

Hướng dẫn sàng lọc và can thiệp giảm tác hại cho người có nguy cơ sức khỏe do uống rượu, bia tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu và tại cộng đồng

Hướng dẫn sàng lọc và can thiệp giảm tác hại cho người có nguy cơ sức khỏe do uống rượu, bia tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu và tại cộng đồng

Xem chi tiết Next
Thong ke