Ngày 1/8/2017, đoàn kiểm tra số 4 của Sở Y tế do ThS Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội làm trưởng đoàn đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn quận Thanh Xuân.
Ngày 1/8/2017, đoàn kiểm tra số 4 của Sở Y tế do ThS Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội làm trưởng đoàn đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn quận Thanh Xuân.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại phường Khương Trung,
quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Theo báo cáo, từ đầu năm đến ngày 31/7/2017, toàn quận Thanh Xuân ghi nhận 620 ca mắc sốt xuất huyết. Số ca mắc phân bố tại 11/11 phường, với 94 ổ dịch. Phường có số ca mắc cao là Khương Đình, Hạ Đình, Khương Trung, Nhân Chính, Phương Liệt, Khương Mai, Thanh Xuân Trung...
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, quận đã quyết liệt triển khai các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết; tổ chức tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế tại trung tâm, trạm y tế, phòng khám tư nhân về chẩn đoán, điều trị, chuyển tuyến theo đúng quy định; giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết cũ; giám sát chặt chẽ ca mắc tại bệnh viện, trạm y tế, phòng khám tư nhân và tại cộng đồng.
Cùng với đó, quận đã thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và dịch bệnh do vi rút Zika đợt I năm 2017 tại 11/11 phường, kiểm tra 25.037/26.274 hộ gia đình đạt 95,3%, xử lý 2.152/2.152 dụng cụ chứa nước có bọ gậy, phát 25.418 tờ rơi về phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và dịch bệnh do vi rút Zika; thả 4.500 con cá diệt bọ gậy, treo 38 khẩu hiệu, 107 poster; thực hiện phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại 23 điểm có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh sốt xuất huyết, đạt 80,5% hộ gia đình. Các phường đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với tổng số 386 người ra quân tổng vệ sinh môi trường trên tất cả các tuyến phố.
Quận đã tổ chức truyền thông lưu động tại 11/11 phường với tổng số 720 người tham dự để thông tin tình hình dịch bệnh, mức độ nguy hiểm và biện pháp phòng chống dịch bệnh, kỹ năng tìm diệt bọ gậy và tuyên truyền vận động người dân hợp tác và tích cực cùng chính quyền, y tế tham gia phòng chống dịch.
Luôn sẵn sàng công tác phòng chống dịch bệnh, quận đã kiện toàn 2 đội chống dịch cơ động. TTYT quận được trang bị 4 máy phun Fontal ULV, 1 máy phun tồn lưu, 1 bình phun tay và dự trù cơ số thuốc, hóa chất khử khuẩn, diệt côn trùng, trang bị phòng hộ… đáp ứng công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Đặc biệt, quận đã thành lập 1 đội diệt bọ gậy chuyên nghiệp với 41 nhân viên y tế, đã được tập huấn thành thạo kỹ năng tìm diệt bọ gậy và hướng dẫn cho cộng tác viên y tế tại các phường thực hiện giám sát, xử lý ổ dịch.
Đang chuẩn bị vào năm học mới, quận đã đề nghị các trường phối hợp với y tế tổ chức tổng vệ sinh môi trường, đảm bảo môi trường sạch sẽ, an toàn cho học sinh học tập.
Những vũng nước động chưa được xử lý tạo điều kiện môi trường cho loăng quăng/bọ gậy phát triển gây bệnh sốt xuất huyết tại công trường đang thi công
Qua kiểm tra thực tế tại phường Khương Trung, đoàn phát hiện nhiều ổ bọ gậy tại các công trường xây dựng đang hoạt động. ThS Nguyễn Văn Dung yêu cầu quận Thanh Xuân cần tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết; cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. TTYT quận cùng với phòng y tế cần tăng cường công tác giám sát ổ dịch, ca bệnh tại cộng đồng để kịp thời khoanh vùng, xử lý không để dịch bệnh lan rộng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền cho những đối tượng có nguy cơ cao như công nhân, học sinh, lao động nhập cư… Đặc biệt, quận cần thành lập ngay tổ xung kích diệt bọ gậy là những người trẻ, khỏe, nhiệt huyết, có năng lực để đi đến từng hộ dân, những nhà bỏ hoang, công trình xây dựng, nghĩa trang, nhà chùa… hướng dẫn người dân và trực tiếp diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết.
Đức Vân
Ban biên tập Trang thông tin điện tử - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
(Nguồn: Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội)
Admin