Ngay sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội thông qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thay mặt Ban soạn thảo có lời cảm ơn tới Quốc hội, Chính phủ, các chuyên gia và cử tri đã ủng hộ.
Ngay sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội thông qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thay mặt Ban soạn thảo có lời cảm ơn tới Quốc hội, Chính phủ, các chuyên gia và cử tri đã ủng hộ.
Ngày 14/6, Quốc hội đã thông qua Luật phòng chống tác hại rượu, bia với tỷ lệ 84,30% đại biểu tán thành. Thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có lời cảm ơn gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các chuyên gia và cử tri đã ủng hộ để Luật đi vào thực tiễn. Đặc biệt tại Khoản 6, Điều 5 đã thống nhất nội dung trước đây còn nhiều ý kiến khác nhau, đó là: "Nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Sau khi Luật được thông qua, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã bày tỏ sự tin tưởng và đồng tình.
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Nguyễn Anh Trí cho biết: "Quy định “Nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn” đã được thông qua với 77,27% các đại biểu tán thành là điều thật tuyệt vời! Trong hội trường, lần đầu tiên tôi thấy các đại biểu (đã phá lệ) vỗ tay vang dậy khi trên bảng điện tử hiển thị tỷ lệ đồng ý vừa nhảy qua con số 50%, cho thấy sự ủng hộ đối với quy định này".
"Qua đây cũng cho thấy, ý kiến của dư luận xã hội, của những tiếng nói chân chính đã có tác động mạnh mẽ vào nghị trường. Vừa là một đại biểu Quốc hội, cũng là một người dân, tôi cảm nhận được Quốc hội đã rất dân chủ, biết lắng nghe ý kiến nhân dân. Nhận thấy Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, bám sát thực tiễn cuộc sống là rất đúng", đại biểu Nguyễn Anh Trí khẳng định.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng mong muốn đưa quy định cấm không được quảng cáo bia, rượu trên mạng internet; cấm dùng bia, rượu để khuyến mại dưới mọi hình thức vào Luật.
Trao đổi bên lề Quốc hội sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội thông qua, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, Phạm Khánh Phong Lan, chia sẻ: "Sau phản ứng của dư luận, và qua phiếu thăm dò cho thấy nhận thức của đại biểu Quốc hội ủng hộ như thế nào, Ban soạn thảo đã mạnh dạn khi đưa vào một trong những hành vi nghiêm cấm, đó là đã uống rượu bia thì không lái xe. Theo tôi, đây là sự tiếp thu hết sức cởi mở, vấn đề bây giờ là đưa Luật vào thực tiễn, vì nếu chỉ để đấy thì sẽ mất tác dụng. Trước mắt, bước đầu tiên sẽ phải sửa đổi Nghị định 46 của Luật giao thông đường bộ, theo hướng siết chặt hơn. Bất kỳ trường hợp nào điều khiển phương tiện giao thông, lực lượng chức năng không cần biết đo được nồng độ cồn là bao nhiêu, cứ thấy có trong hơi thở có nồng độ cồn là phạm luật, và sẽ có những hình thức phạt tương xứng".
Cũng theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, quy định này cũng dễ dàng hơn cho lực lượng cảnh sát giao thông khỏi “lích kích” máy móc đo hơi thở của người tham gia giao thông khi có nồng độ cồn. Khi phát hiện lái xe uống rượu, bia, chỉ cần thấy dương tính là vi phạm Luật.
Ban biên tập Trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
(Nguồn: TTXVN)
Admin