Trong thế kỷ 20, Tiêm chủng mở rộng được xếp thứ 4 trong 10 thành tựu lớn nhất về Y tế công cộng, theo đánh giá xếp hạng của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ. WHO đánh giá: “Tiêm vắc xin phòng bệnh là một trong những biện pháp can thiệp y tế có hiệu quả nhất”. Theo thống kê, mỗi 20 giây có 1 trẻ chết vì căn bệnh có thể dự phòng bằng vắc xin. Như vậy, vắc xin giúp trẻ phòng bệnh, giảm chi phí gánh nặng bệnh tật cho gia đình và cả xã hội, ngăn chặn các nguy cơ dịch bệnh lây lan, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Bộ Y tế mạnh mẽ khuyến cáo phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng thay vì đợi chờ vắc xin dịch vụ.
Trong thế kỷ 20, Tiêm chủng mở rộng được xếp thứ 4 trong 10 thành tựu lớn nhất về Y tế công cộng, theo đánh giá xếp hạng của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ. WHO đánh giá: “Tiêm vắc xin phòng bệnh là một trong những biện pháp can thiệp y tế có hiệu quả nhất”. Theo thống kê, mỗi 20 giây có 1 trẻ chết vì căn bệnh có thể dự phòng bằng vắc xin. Như vậy, vắc xin giúp trẻ phòng bệnh, giảm chi phí gánh nặng bệnh tật cho gia đình và cả xã hội, ngăn chặn các nguy cơ dịch bệnh lây lan, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, một bộ phận người dân chưa tin tưởng vào lợi ích của vắc xin, từ chối tiêm cho trẻ theo khuyến cáo của ngành y tế vì những lý do khác nhau. Điều này đã gây nên những hậu quả nặng nề cho xã hội.
Điển hình như tại Anh năm 1974, tranh cãi về các phản ứng phụ của vắc xin khiến việc tiêm chủng bị tạm dừng, kết quả dịch bệnh đã xảy ra trên 100.000 trẻ, gây ra cái chết cho 31 trẻ. Năm 1975 tại Nhật, khi tạm ngưng tiêm vắc xin ho gà toàn tế bào để điều tra trường hợp tử vong, dịch bệnh đã xảy ra trên 13.000 trẻ, trong đó 113 trẻ tử vong. Gần đây, dịch sởi tại Mỹ, dịch bạch hầu tại Lào bùng phát cũng vì nguyên nhân phụ huynh chủ quan không đưa trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh.
Tại Việt Nam, trong thời gian vừa qua, do lo ngại về phản ứng sau tiêm chủng nên một số gia đình ở Hà Nội đã không đưa trẻ đi tiêm, khiến dịch ho gà xuất hiện tại thành phố, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Còn những bài học khác như sởi năm 2014, dịch bạch hầu làm chết 3 người ở Quảng Nam năm 2015 đều do không tiêm chủng. Trong khi đó, khi dịch bệnh bùng phát trở lại thì tất cả những ai chưa có miễn dịch do chưa từng nhiễm bệnh này trước đó hoặc chưa được tiêm chủng đầy đủ đều có thể nhiễm bệnh, người lớn ở bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể mắc bệnh chứ không chỉ trẻ em chưa tiêm phòng mới ngã bệnh.
Hình - Phân bố ca sởi theo tuần từ tháng 1/2014 đến 10/2015 cho thấy nhờ triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin sởi và rubella cho trẻ em từ 1-14 tuổi đạt trên 95% trên cả nước, dịch sởi bùng phát năm 2014 đã được kiểm soát vào năm 2015.
Trong thời điểm hiện nay, trước thực trạng khan hiếm vắc xin dịch vụ 5 trong 1 và 6 trong 1 (phòng ngừa các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não do Hib, viêm gan B), Bộ Y tế quan ngại một số bà mẹ không đưa con em đi tiêm chủng do đợi chờ vắc xin, nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại là rất lớn, đặc biệt là những bệnh như bạch hầu, ho gà,... Hậu quả đắt giá của dịch bệnh sẽ là tính mạng của những người dân.
Do đó, Bộ Y tế mạnh mẽ khuyến cáo:
- Phụ huynh hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván,... vào lúc trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi bởi đây là thời điểm “vàng” để vắc xin phát huy tối đa tác dụng bảo vệ sức khỏe trẻ.
- Lịch tiêm chủng 3 mũi vắc xin Quinvaxem là 2,3 và 4 tháng tuổi, nếu liều vắc xin nào bị bỏ lỡ hoặc tiêm muộn thì cần được tiêm lại vào thời gian sau đó. Khoảng các giữa các mũi tiêm tối thiểu là 1 tháng.
- Trẻ đã tiêm mũi 1, mũi 2 của vắc xin dịch vụ mà chưa tiêm đủ liều thì có thể quay trở lại tiêm vắc xin Quinvaxem.
- Hiện vắc xin Quinvaxem cung cấp đầy đủ tại khoảng 12.000 điểm tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ trên cả nước.
Phụ huynh tuyệt đối không nên vì chờ đợi vắc xin dịch vụ mà bỏ lỡ cơ hội tiêm phòng cho trẻ, gây nguy hiểm tới tính mạng trẻ, đe dọa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch cho trẻ là trách nhiệm xã hội của mỗi người dân./.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
Admin