Tin tức

Tin tức

​PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng trả lời phỏng vấn Báo người đưa tin về dịch bệnh sốt xuất huyết

12/09/2015 In bài viết

_

Ngày 12 tháng 9 năm 2015, Báo điện tử người đưa tin đã có cuộc phỏng vấn PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết và chủ động các biện pháp phòng chống, nội dung cuộc phỏng vấn:

Thưa PGS. TS. Trần Đắc Phu, xin ông cho biết tình hình chung sốt xuất huyết hiện nay? 

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây nên. Bệnh lây truyền từ người sang người qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Bệnh lưu hành trên 100 quốc gia thuộc các khu vực có khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới như vùng Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, châu Mỹ, châu Phi với khoảng 3,5 tỷ người sống trong vùng nguy cơ. Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có khoảng 100 triệu trường hợp mắc, phần lớn là trẻ em dưới 15 tuổi, tỷ lệ tử vong trung bình do sốt xuất huyết khoảng 2,5-5%. Đến nay, sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.​

Tại Việt Nam, sốt xuất huyết là bệnh lưu hành tại hầu hết các tỉnh, thành phố, có nguy cơ tăng cao vào các tháng mùa mưa, bệnh ghi nhận chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam. Bệnh Sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, bùng phát 4-5 năm/lần. Để ứng phó với bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế đã chủ động kiểm soát, chuẩn bị và sẵn sàng  đáp ứng với các tình huống của bệnh. Bộ Y tế kêu gọi người dân chủ động và tích cực thực hiện triệt để các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống sốt xuất huyết.

Số mắc năm 2015 mặc dù có xu hướng tăng hơn cùng kỳ năm 2014 (là năm có số mắc thấp nhất trong vòng 10 năm qua) nhưng so với giai đoạn 2009-2013 vẫn thấp hơn. Các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết (18 trường hợp) ghi nhận tại 10 tỉnh, chủ yếu tập trung tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

 
Thưa ông, ông có thể cho biết tại sao năm nay dịch bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng như vậy ?
Thực tế sốt xuất huyết ở Việt Nam là bệnh lưu hành, bệnh chưa có vắc-xinvà chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Theo thống kê, thường có từ 50.000 đến 100.000 trường hợp nhiễm bệnh mỗi năm. Đến thời điểm này của năm 2015, chúng tôi đã ghi nhận là có khoảng 30.000 trường hợp nhiễm, so với năm 2014 thì có cao hơn bởi năm 2014 là năm có số ca mắc sốt xuất huyết thấp nhất trước tới nay nhưng nếu so với giai đoạn của năm 2010 – 2014 thì số mắc năm nay vẫn thấp hơn.

Tất nhiên không phải dựa trên con số thấp hơn đó mà chúng ta chủ quan. Do vậy chúng tôi vẫn nhận định là diễn biến xuất huyết năm nay có những cái xu hướng tăng. Nguyên nhân thứ nhất là do mỗi bệnh có một chu kỳ, ở đây sau khi số lượng mắc của các năm giảm đi thì đã tạo ra một quần thể miễn dịch không có, do vậy dẫn đến số lượng người mắc tăng lên.

Thứ hai, do hiện nay chúng ta cũng đang phải đối mặt với một số khó khăn như vấn đề đô thị hoá, vấn đề biến đổi khí hậu, đặc biệt là vấn đề về tập quán của người dân và vệ sinh môi trường hoặc các dụng cụ phế thải mà chúng ta chưa giải quyết được.

Trong thời gian tới, khi thời tiết miền Bắc trở lạnh khả năng mắc sốt xuất huyết cũng có thể giảm đi nhưng việc quan trọng là trong thời điểm chờ đến lúc đấy chúng ta cần quyết liệt trong các hoạt động và cần có sự can thiệp của con người nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ dịch bệnh.

   Bộ Y tế lo ngại xu hướng gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết - Ảnh 1
Muỗi vằn Aedes aegypti là véctơ chủ yếu truyềnvirus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết. (ảnh minh họa: Werid)
 
Theo như ghi nhận, năm nào cũng có các hoạt truyền thông, vận động, hướng dẫn nhưng dường như công tác tuyên truyền chưa đến được với người dân và đem lại hiệu quả thực sự. Vậy theo ông, hiện nay vấn đề tuyên truyền cần được quan tâm như thế nào, đặc biệt là sự hợp tác giữa người dân và những cán bộ tuyên truyền phóng chống dịch bệnh ?

Theo tôi thì công tác tuyên truyền cũng có rất nhiếu yếu tố ảnh hưởng như nội dung tuyên truyền, kỹ năng tuyên truyền và cách thức truyền tải thông điệp. Làm sao để thông tin đến với người dân là việc hết sức quan trọng nhưng khi thông tin đến rồi thì người dân cũng cần phải thay đổi hành vi. Đây chính là việc mà chúng tôi đang gặp phải những khó khăn nhất định.

Chúng tôi nghĩ rằng đã có nhiều các hoạt động để thay đổi công tác truyền thông, ví dụ như trước kia chỉ phát trên loa, đài hoặc đi vận động nhưng hiện nay chúng tôi đã cho in ấn thành những bảng kiểm – liệt kê tất cả những loại ổ chứa sốt xuất huyết, những dụng cụ chứa nước nào mà muỗi có thể đẻ trong đó, những bảng kiểm đó sẽ được phát cho người dân để về kiểm tra các dụng cụ trong gia đình mình.

Tuy nhiên, có thể có địa phương này làm tốt nhưng địa phương khác chưa làm tốt và kể cả có những nơi mà người dân cũng chưa hưởng ứng. Ví dụ như Hà Nội, chúng tôi tổng kết là chỉ có hơn 60% người dân hưởng ứng với việc phun hoá chất hoặc có những chỗ tuyên truyền, người dân biết mà không thay đổi được hành vi.

Đặc biệt trong thời gian tới chúng tôi muốn tăng cường vai trò chủ đạo của UBND các cấp, Ngành Y tế cũng đưa ra những khuyến cáo, nội dung tuyên truyền hướng dẫn và đề nghị các việc phải được triển khai tới tận người dân thông qua chính quyền các cấp, thông qua các ban ngành đoàn thể. Sau tuyên truyền là phải kiểm tra, giám sát thật chặt chẽ.
Còn rõ ràng nếu công tác truyền thông mà không tận tâm, nhiệt tình, không dành thời gian và con người cho nó thì chúng ta không thể triệt để được vấn đề.

   Bộ Y tế lo ngại xu hướng gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết - Ảnh 2
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, PGS.TS Trần Đắc Phu

Được biết, cách đây hơn 1 tháng, Cục Y tế dự phòng có đưa ra khuyến cáo cho người dân là không nên điều trị sốt xuất huyết tại nhà. Vậy ông có thể giải thích tại sao lại đưa ra khuyến cáo này ?

Như các bạn biết, sốt xuất huyết có triệu chứng thứ nhất chỉ là sốt. Triệu thứ hai là xuất huyết, có thể là xuất huyết dưới da, có thể là chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết nội tạng hoặc cũng có thể là xuất huyết dạ dày, xuất huyết đường tiêu hoá rồi có thể là xuất huyết cả não…

Tuy nhiên không phải tất cả những trường hợp sốt xuất huyết nào cũng đều có biểu hiện xuất huyết. Cũng có những trường hợp chỉ có sốt không, còn có những trường hợp sau đó gây ra hiện tượng sốc nhưng cũng có trường hợp biểu hiện như vậy.
Bởi vậy, vô hình chung có những trường hợp mắc những bệnh sốt khác ví dụ như cảm cúm thì có thể là nghĩ đến sốt xuất huyết nhưng có nhiều trường hợp sốt xuất huyết mà người ta lại nghĩ là cảm cúm. Lúc đó nếu điều trị theo cảm cúm mà không đến các cơ sở y tế để được điều trị, tư vấn và khám kịp thời thì sẽ rất nguy hiểm bởi bệnh sẽ có những diễn biến thay đổi nhanh chóng. Có thể sau 2-3 ngày sốt, bệnh nhân đi đến tình trạng sốc ngay và như vậy rất nguy hiểm nên chúng tôi mới khuyến cáo là trong thời điểm hiện nay - thời điểm của mùa dịch, cứ có dấu hiệu sốt thì chúng ta nên đến các cơ sở y tế để khám.

Vậy 18 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết tính từ đầu năm đến nay có phải là do đến cơ sở y tế muộn hoặc do điều trị tại nhà không ? Và nếu dịch bùng phát, theo Cục nhận định sẽ gây thiệt hại thế nào về mặt kinh tế ?
Về việc này, chúng tôi cũng đang phân tích nhưng vừa qua có những trường hợp do người bệnh không đến cơ sở y tế một cách kịp thời và cũng có những trường hợp do bệnh nặng lên.

Tuy nhiên, năm nào bệnh sốt xuất huyết cũng có những vấn đề như vậy bởi một năm chúng ta có hàng chục nghìn người mắc bệnh. Tôi muốn nói, những ca tử vong chắc chắn phải là những ca nặng nhưng cũng do yếu tố như là bản thân ca bệnh nặng hoặc yếu tố do đến cơ sơ y tế chậm nên các bác sỹ không giải quyết kịp.

Còn về thiệt hại kinh tế khi dịch xảy ra, các bạn biết, một người ốm thì sẽ phải điều trị như thế nào, bên cạnh đó là người nuôi dưỡng, chăm sóc phải bỏ công việc, đấy cũng là một sự tốn kém. Đối với những ca bệnh tử vong lại càng là sự tốn kém lớn. Kể cả dịch nếu ở quy mô nhỏ, số ca tử vong thấp vẫn chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới kinh tế.

Hiện nay, quốc tế cũng nhận định sốt xuất huyết là một vấn đề y tế cộng đồng quan trọng do có số ca mắc lớn, phạm vi rộng với gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ nên rất ảnh hưởng tới nền kinh tế. Nếu như chúng ta làm không tốt, như trước đây có những nhà tử vong đến 2-3 người thì cũng là một vấn đề lớn liên quan đến xã hội.

Việc hình thành dịch bệnh do chưa có vắc-xin đặc hiệu thì có thể xảy ra nhưng năm nay chúng tôi cố gắng và quyết tâm giải quyết vấn đề một cách quyết liệt nhất, Bộ Y tế cũng đã có những chỉ đạo liên quan.
Dựa trên kinh nghiệm hàng năm, chúng tôi tăng cường triển khai công tác phòng dịch trong thời điểm này. Đặc biệt là sự quan trọng, cần thiết khi có thêm sự vào cuộc của chính quyền các cấp thì lúc đấy chúng ta mới có thể giải quyết bệnh một cách hiệu quả.

Xin trân trọng cám ơn ông về cuộc phỏng vấn!

 
Ban biên tập Trang thông tin điện tử vncdc.gov.vn
(Tổng hợp nguồn tin báo điện tử người đưa tin:
http://www.nguoiduatin.vn/)
 

Admin

Tin tức liên quan

Hội nghị vận động thành lập liên minh phòng chống bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam

Nhằm mục đích vận động cho việc thành lập Liên minh và tăng cường sự quan tâm của các tổ chức xã hội dân sự vào hoạt động này, ngày 27/8/2015 hội nghị thành viên của “Liên minh Phòng chống bệnh không lây nhiễm Việt Nam” đã được tổ chức tại khách sạn Sofitel Plaza, Hà Nội.

Xem chi tiết Next

Công điện gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long về tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người

Theo thông báo ngày 14/9/2015 của Cơ quan Thú y vùng VII - Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 06-11/9/2015 đã phát hiện ổ dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm tại xã Mỹ Thuận, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Để chủ động phòng chống lây nhiễm cúm gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng đề nghị Đồng chí Giám đốc Sở Y tế khẩn trương chỉ đạo triển khai ngay một số nội dung công tác sau

Xem chi tiết Next
Thong ke