_
Chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng là trách nhiệm của mỗi gia đình. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những suy nghĩ thiếu hiểu biết về tiêm chủng không chỉ ở các nước nghèo mà tại ngay cả những nước phát triển, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát, đặt ra những thách thức lớn về trách nhiệm cá nhân đối với sức khỏe cộng đồng. Vấn đề này đang được các nguyên thủ quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm.
Mỹ, Úc đẩy mạnh truyền thông về tiêm chủng
Đầu năm 2015, Tổng thống Mỹ, Barack Obama đã phát biểu khuyến khích các bậc phụ huynh nên cho con mình tiêm chủng phòng sởi. “Cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin”. - Tổng thống Obama khẳng định với người dân cả nước trên đài NBC - “Tôi hiểu rằng có những gia đình, trong một số trường hợp, lo lắng về tác dụng phụ của vắc xin. Nhưng khoa học chứng minh hiệu quả của vắc xin là điều không thể chối cãi. Chúng ta cứ nhìn lại mà xem, có mọi lý do để tiêm phòng vắc xin, nhưng không có bất cứ lý do nào để từ chối”.
Tổng thống Obama khẳng định tầm quan trọng của việc đưa trẻ đi tiêm vắc xin trên đài NBC đầu năm 2015
Ông Obama còn nhấn mạnh thêm: “Tiêm phòng tốt cho trẻ em. Sẽ trở thành vấn đề thách thức nếu bạn có đông con mà không đưa chúng tiêm chủng, và nhóm trẻ này đủ để tạo nên số phần trăm dân số không được tiêm phòng,… rồi bỗng chốc họ trở thành nhóm dễ tấn công nhất của dịch bệnh”.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ, bà Hilary Clinton cũng truyền đi một thông điệp với các phương tiện truyền thông: “Khoa học đã chứng minh, giống như Trái đất hình cầu, bầu trời màu xanh,tiêm chủng vắc xin hoàn toàn là một giải pháp phòng bệnh hữu hiệu”. Bà nhấn mạnh mình không chỉ là một nhà chính trị mà trên hết còn là một người bà trong gia đình, nên bà hiểu rõ những gì tốt nhất cho con cháu.
Tại Úc, lo ngại trước số lượng trẻ không được tiêm chủng tiếp tục tăng cao, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, Thủ tướng Úc, Tony Abbott đã công bố chính sách “Không tiêm chủng, không trả tiền” đối với những gia đình không tiêm chủng cho con họ.
Theo đó, các hộ gia đình ở nước này sẽ bị cắt nguồn trợ cấp hàng ngàn đô Úc cho dịch vụ chăm sóc trẻ em cũng như phúc lợi xã hội nếu không cho con cái đi tiêm phòng. Chính sách này được áp dụng từ tháng 1/2016, nếu cha mẹ không đưa trẻ trong độ tuổi quy định đi tiêm chủng đầy đủ (ngoại trừ những trường hợp đặc biệt), Chính phủ sẽ không chi trả các khoản tiền hỗ trợ chăm sóc trẻ em và giảm thuế thu nhập cuối năm cho họ, số tiền này có thể lên tới 15.000 đô la Úc/năm.
Bên cạnh đó, Chính phủ Úc cũng đã thông qua một khoản ngân sách bổ sung cho tháng 5/2015 trị giá 26 triệu đô la nhằm thúc đẩy tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em nước này. Bộ trưởng Y tế liên bang, bà Sussan Ley cho biết số tiền trên sẽ được chi trực tiếp cho chiến dịch truyền thông lớn nhằm nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ về sự cần thiết của tiêm chủng, giải quyết những lo lắng của họ trong quá trình đưa trẻ đi tiêm chủng.
Mục tiêu của chính phủ Úc hướng tới là nâng cao tỷ lệ trẻ được tiêm chủng và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em, đồng thời tiết kiệm được khoảng 50 triệu đô la Australia mỗi năm.
Bà Ley phát biểu: “Thông điệp chúng tôi muốn gửi đến tất cả phụ huynh về tính hiệu quả và tầm quan trọng của chương trình tiêm chủng quốc gia. Tôi tin rằng hầu hết các bậc cha mẹ đã thực sự lo lắng về mối nguy cơ lan truyền bệnh dịch trong khi một số người không tiêm chủng cho con cái họ".
Bộ trưởng Y tế Úc, Sussan Ley đẩy mạnh chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết
cho các bậc cha mẹ về tầm quan trọng của việc tiêm chủng
Tiêm chủng – Vấn đề cá nhân hay cộng đồng
Tiêm vắc xin được nhiều người dân hiện nay hiểu là sự lựa chọn cá nhân, đôi khi họ tự quyết định không đưa con đi tiêm, hoặc tiêm không theo lịch trình đã khuyến cáo của ngành y tế. Trong khi khoa học đã chỉ rõ rằng lựa chọn tiêm vắc xin hay không của các bậc cha mẹ có thể ảnh hưởng tới cả cộng đồng.
Chưa kể tới việc quyết định tiêm chủng cho trẻ theo cảm tính, lùi ngày tiêm theo lịch mà không hỏi ý kiến chuyên gia, chờ đợi vắc xin dịch vụ, tâm lý sính ngoại khi chọn vắc xin,… cũng gây khó khăn cho việc đảm bảo mọi trẻ em đều được tiêm đúng lịch và đầy đủ.
Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ đã xếp tiêm chủng mở rộng đứng thứ 4 trong 10 thành tựu lớn nhất về y tế công cộng của thế kỷ XX. “Việc lựa chọn không tiêm chủng cho con bạn cũng có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe của những đứa trẻ khác trong cộng đồng”, ông Tom Frieden, giám đốc Trung tâm cho biết.
Trẻ tiêm phòng vắc xin tại một cơ sở y tế tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam.
Quốc đảo Singapore đã có một bài học không nhỏ về sự lựa chọn tự do của phụ huynh trong việc đưa trẻ đi tiêm chủng năm 2014. Mặc dù Bộ Y tế Singapore đã đẩy mạnh công tác giáo dục cộng đồng về chính sách tiêm chủng, và Bộ Giáo dục Singapore yêu cầu phải có giấy chứng nhận tiêm chủng khi nộp hồ sơ đăng ký vào lớp 1, nhưng một nhóm dân cư mạng tại nước này đã khuyến khích các bậc phụ huynh coi thường luật, cho rằng họ sẽ không bị truy tố vì từ chối tiêm chủng bắt buộc chống bệnh sởi và bạch hầu. Việc này làm dấy lên một trào lưu “chống vắc xin” như đã từng diễn ra tại các nước phương Tây trước đây. Hậu quả là số ca mắc bệnh sởi của Singapore trong năm 2014 tăng cao gấp 2 lần năm trước.
Mỗi cá nhân là một phần của cộng đồng, mỗi gia đình là hạt nhân của xã hội. Tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe gia đình, đồng nghĩa với ngăn chặn dịch bệnh toàn xã hội. Đó là điều mà công dân mỗi quốc gia đều phải ý thức và tích cực thực hiện. Bên cạnh đó, chính phủ mỗi quốc gia đều nỗ lực quan tâm và cung cấp thông tin cần thiết, đảm bảo mỗi người dân đều có khả năng tiếp cận với các biện pháp bảo vệ sức khỏe ban đầu.
Những kinh nghiệm về tuyên truyền thông tin về tiêm chủng từ Singapore, Mỹ hay Úc đều là những bài học giá trị cho bất cứ quốc gia nào trên thế giới, nhằm chung tay ngăn chặn dịch bệnh, nâng cao sức khỏe người dân, hướng đến sự phát triển vững bền.
Ban biên tập Trang thông tin điện tử - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
(Nguồn: CNN, Politico, Huffingtonpost)
Admin