Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết làm ảnh hưởng đến quá trình sống, hoạt động và tăng trưởng bình thường của cơ thể. Suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là cân nặng so với tuổi thấp (dựa theo Z-Score của các chỉ số cân nặng theo tuổi).
Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết làm ảnh hưởng đến quá trình sống, hoạt động và tăng trưởng bình thường của cơ thể. Suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là cân nặng so với tuổi thấp (dựa theo Z-Score của các chỉ số cân nặng theo tuổi).
Một trẻ khỏe mạnh, phát triển bình thường khi được nuôi dưỡng đúng sẽ tăng cân đều hàng tháng, nếu trẻ không tăng cân hoặc đứng cân, nguyên nhân là do nuôi dưỡng chưa đúng. Trẻ được nuôi dưỡng đúng có nghĩa là trẻ được ăn đầy đủ số lượng thức ăn, đầy đủ các chất dinh dưỡng. Để đánh giá chính xác trẻ có được thường xuyên “ăn no đủ” hay không cần theo dõi cân mỗi tháng một lần, vì trong những năm đầu đời cơ thể trẻ phát triển rất nhanh.
Thông thường có 2 cách dùng để phát hiện, đánh giá trẻ có suy dinh dưỡng hay không. Cách phát hiện trẻ bị suy dinh dưỡng dựa vào biểu đồ tăng trưởng được sử dụng ở cộng đồng hoặc tại gia đình để phát hiện sớm trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng và cách đánh giá suy dinh dưỡng thể nhẹ cân theo chỉ số Z-Score dựa vào cân nặng theo tuổi dành cho những nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu về dinh dưỡng sử dụng, mà số liệu này được Viện Dinh dưỡng công bố hàng năm.
Để đánh giá chính xác trẻ có được thường xuyên “ăn no đủ” hay không cần theo dõi cân mỗi tháng một lần
Để đánh giá tình trạng dinh dưỡng, chúng ta cần biết sự phát triển bình thường về cân nặng của trẻ như sau:
Cân nặng của trẻ sơ sinh đủ tháng, khoẻ mạnh, lúc mới sinh trung bình khoảng 3.000g (3kg), nếu cân nặng dưới 2.500g (2,5kg) thường là trẻ bị thiếu tháng (đẻ non) hoặc bị suy dinh dưỡng bào thai (đẻ đủ tháng nhưng cân nặng dưới 2.500g). Trẻ một tuổi có cân nặng gấp 3 lần lúc mới sinh (khoảng 9 - 10kg). Trẻ từ 2 - 10 tuổi cân nặng tăng trung bình 2,4kg/năm và có thể tính cân nặng của trẻ theo công thức sau:
Xn = 9,5kg + 2,4kg x ( N-1).
- Xn là cân nặng hiện tại của trẻ (kg).
- 9,5 là cân nặng của trẻ lúc 1 tuổi.
- 2,4 là cân nặng tăng trung bình trong 1 năm.
- N là số tuổi của trẻ (tính theo năm).
Cách phát hiện sớm trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng tại gia đình (cộng đồng)?
Biện pháp đơn giản để nhận biết được đứa trẻ phát triển bình thường hay có nguy cơ bị suy dinh dưỡng bằng cách: cân trẻ đều đặn hàng tháng để theo dõi diễn biến cân nặng của trẻ, sau mỗi lần cân chấm lên biểu đồ tăng trưởng một điểm tương ứng với số cân nặng và tháng tuổi của trẻ, điểm chấm của tháng này nối với điểm chấm tháng trước và cứ nối như thế ta sẽ có “Con đường sức khỏe” của trẻ.
- Hàng tháng trẻ tăng cân (biểu đồ đi lên) đều đặn đó là dấu hiệu quan trọng của một đứa trẻ khoẻ mạnh, phát triển bình thường.
- Nếu trẻ không tăng cân (biểu đồ nằm ngang) là dấu hiệu báo động về sức khoẻ và nuôi dưỡng chưa tốt, cần xem xét. Nguyên nhân có thể là: ăn chưa đủ, thiếu chất (bú mẹ không đủ, ăn ít bữa, thức ăn của trẻ nghèo nàn,…); ăn tốt nhưng chơi đùa quá sức trở nên thiếu, cần ăn thêm; trẻ đang mắc một bệnh nào đó chưa nhận thấy; do trước đó bị sụt cân nay chưa hồi phục.
Nếu trẻ không tăng cân trong 3 tháng liên tục phải đưa trẻ đi khám ở cơ sở y tế.
- Nếu trẻ giảm sút cân (biểu đồ đi xuống) là dấu hiệu nguy hiểm, cần tìm nguyên nhân để có cách xử lý đúng, kịp thời và nhanh chóng. Thường trẻ sẽ phục hồi và tăng cân khi được nuôi dưỡng tốt hơn, chăm sóc chu đáo hơn, chữa bệnh ngay, hoặc trẻ được bồi dưỡng tốt sau khi bị bệnh.
Nuôi dưỡng trẻ bị suy dinh dưỡng
Trẻ bị suy dinh dưỡng thường kém ăn, hay bị rối loạn tiêu hoá hoặc mắc bệnh. Vì vậy phải cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa một ít để đảm bảo số lượng thức ăn cần thiết cho trẻ, đồng thời cung cấp năng lượng nhiều hơn so với trẻ bình thường.
- Trẻ dưới 6 tháng: tăng cường cho trẻ bú mẹ, trẻ lười bú nên vắt sữa mẹ đổ thìa, nếu không đủ sữa mẹ cho ăn sữa công thức cao năng lượng (1ml sữa cung cấp 1 kcalo).
- Trẻ 6 - 12 tháng: ngoài bú mẹ cần ăn thêm 2 - 3 bữa ăn dặm, nếu không đủ sữa mẹ cho ăn sữa công thức cao năng lượng. Mỗi ngày trẻ nên uống 400 - 500ml sữa nếu không có sữa mẹ thì dùng sữa cao năng lượng.
- Đối với trẻ từ 1 - 2 tuổi ngoài bú mẹ cần ăn thêm 4 bữa/ngày, mỗi ngày uống 400 - 500ml sữa nếu không có sữa mẹ dùng sữa cao năng lượng.
- Đối với trẻ từ 3 - 5 tuổi cần ăn 5 - 6 bữa/ngày và 500ml sữa.
Cần cho bé ra ngoài tắm nắng 15 - 20 phút buổi sáng
Trong chế độ ăn, ngoài gạo để nấu bột, cháo hoặc cơm cần phải thêm thịt hoặc cá, trứng, đậu đỗ, rau xanh và mỡ hoặc dầu. Cho ăn thêm hoa quả chin vào các bữa phụ xen kẽ các bữa chính.
Một số trẻ có chế độ ăn thiếu năng lượng. Vì vậy nên cho dầu mỡ quấy vào bột cháo hoặc cho dầu mỡ vào nước canh, rau xào nấu cho trẻ ăn… để tăng đậm độ nhiệt trong bữa ăn của trẻ. Ngoài ra có thể hóa lỏng thức ăn bằng enzyme trong các hạt nảy mầm (giá đỗ, mạch nha) để tăng đậm độ năng lượng trong bữa ăn, giảm số lượng ăn trong 1 bữa.
Với trẻ trên 6 tháng nên cho ăn thêm sữa chua với lượng vừa phải (từ 1/2 đến 1 hộp) mỗi ngày sau bữa ăn chính đều đặn.
Cách chế biến bữa ăn phải phù hợp với khẩu vị của trẻ, luôn thay đổi món ăn để trẻ ăn ngon miệng.
Cần cho bé ra ngoài tắm nắng 15 - 20 phút buổi sáng (khoảng 8 - 9h) những ngày có nắng. Quần áo mặc cho trẻ chọn đồ cotton, dễ thấm và không chật. Nơi ở của bé cần sạch sẽ, thoáng mát, sáng.
Ban biên tập Cổng Thông tin điện tử Cục y tế dự phòng
Admin