​Tác động của dịch COVID-19 lên các dịch y tế thiết yếu

17/12/2020 In bài viết

Tác động của dịch COVID-19 lên các dịch y tế thiết yếu

Những thành tựu nhân loại có nguy cơ bị xóa sổ khi 90% quốc gia gián đoạn y tế vì Covid-19.

 WHO cảnh báo "Tác động của dịch Covid-19 tới các dịch vụ y tế thiết yếu rất đáng lo ngại", báo cáo công bố hồi tháng 8 của WHO lưu ý. "Những thành tựu trong lĩnh vực y tế đạt được trong hai thập kỷ qua có thể bị xóa sổ chỉ trong thời gian ngắn". Theo cuộc khảo sát thực hiện giữa tháng 5 và 7 tại hơn 100 quốc gia, các dịch vụ y tế quan trọng ở hầu hết các nước đều bị gián đoạn, đe dọa tính mạng cả những người không nhiễm nCoV. Các nước thu nhập thấp và trung bình chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. 70% dịch vụ tiêm chủng định kỳ ở các nước được khảo sát chịu tác động từ dịch Covid-19, theo sau là kế hoạch hóa gia đình (68%), chẩn đoán và điều trị ung thư (55%), dịch vụ cấp cứu (25%). "Sự chậm trễ đáng kể ở bất kỳ dịch vụ nào cũng có thể dẫn đến tác động tiêu cực lâu dài cho sức khỏe dân số", cơ quan y tế Liên Hợp Quốc trụ sở tại Geneva cảnh báo. "Các tác động có thể lớn hơn những gì cảm nhận khi đại dịch đang diễn ra, bởi trong nỗ lực đáp ứng dịch vụ, nguồn lực y tế ở các nước có thể bị quá tải". Thời điểm đầu dịch mới bùng phát, tình trạng khan hiếm vật tư y tế trở nên phổ biến. Các quốc gia trên thế giới tranh nhau mua kit xét nghiệm Covid-19. Cùng với đó, các mặt hàng được săn lùng nhất là thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE - Personal Protective Equipment) như bộ đồ bảo hộ, khẩu trang, máy thở và hóa chất dùng làm xét nghiệm. Nhu cầu về PPE gia tăng nhanh hơn tốc độ người bị lây nhiễm do số lượng và tần suất người sử dụng chúng rất cao. Covid-19 cũng thúc đẩy một cuộc đua chưa từng có trong nỗ lực phát triển vaccine và hàng loạt kết quả thử nghiệm tốt hơn mong đợi gần đây làm dấy lên hy vọng đại dịch sắp bị chặn đứng.

Để kiềm chế dịch bệnh lây lan, hàng loạt quốc gia đã áp dụng nhiều biện pháp hạn chế và phong tỏa nghiêm ngặt. Điều này làm thay đổi đáng kể cách con người tương tác và tạo ra không ít tranh cãi. Nhóm phản đối phong tỏa cho rằng bản thân biện pháp này đã trở thành một phần của vấn đề khi nó gây ra những tổn thất ngoài dự kiến, đặc biệt về kinh tế. Họ kêu gọi chính phủ các nước nên áp dụng cái mà họ gọi là biện pháp "bảo vệ tập trung" nhằm đạt "miễn dịch cộng đồng". Biện pháp hướng tới cô lập các nhóm được xác định là có nguy cơ cao nhất trước Covid-19, ví dụ như người già tại viện dưỡng lão hay những người có bệnh lý nền, trong khi vẫn cho phép những nhóm khác tiếp tục cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, nhóm phản đối cho rằng cách tiếp cận trên sẽ chỉ khiến Covid-19 lây lan mất kiểm soát. "Khi nhìn vào Anh hay các nước châu Âu khác, bạn không cần đến một biểu đồ bệnh truyền nhiễm phức tạp mới có thể nhìn thấy rằng dịch bệnh đang tăng gấp đôi quy mô sau mỗi 4 ngày", tiến sĩ Katharina Hauck từ Đại học Hoàng gia London cho hay. "Không mất quá nhiều thời gian để tính ra khi nào các phòng chăm sóc đặc biệt sẽ quá tải và đây là điều mà nhiều mô hình đã cho thấy. Vì thế, tôi nghĩ thực tế trên đã thuyết phục các nhà hoạch định chính sách rằng phong tỏa là biện pháp thay thế duy nhất", bà nhấn mạnh.

Ngoài việc kìm kẹp cuộc sống, thay đổi các mối quan hệ xã hội, Covid-19 còn tác động không nhỏ tới sức khỏe tâm thần của con người. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Oxford đăng trên tạp chí Lancet Psychiatry hồi tháng 11, khoảng 20% bệnh nhân Covid-19 gặp các rối loạn tâm thần sau ba tháng mắc bệnh. Lo âu, trầm cảm, mất ngủ là những tình trạng phổ biến nhất. Nỗi lo sợ bị nhiễm Covid-19 còn làm trầm trọng thêm các triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) ở những người đã được chẩn đoán mắc hội chứng này trước đó. Một nghiên cứu của Tạp chí Rối loạn Lo âu, Mỹ, trên 394 cá nhân mắc OCD cho thấy 72% số người tham gia bị gia tăng các triệu chứng giữa cuộc khủng hoảng Covid-19. Virus cũng tạo ra các triệu chứng OCD ở những người bị chẩn đoán mắc những hội chứng lo âu khác hoặc người dễ căng thẳng. Để giải tỏa căng thẳng, nhiều người tìm đến các chất kích thích như ma túy và rượu mạnh. Đây là một hệ lụy khác do Covid-19 gây ra. Tại Mỹ, từ tháng hai đến tháng ba, số đơn thuốc benzodiazepines, một loại thuốc có thể gây nghiện dùng để trị chứng lo âu, hồi hộp, đã tăng 34%.

 

Ban biên tập trang Thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Tin tức liên quan

Một năm Covid-19 khuynh đảo thế giới

Một năm Covid-19 khuynh đảo thế giới

Xem chi tiết Next

Xuất hiện biến chủng virus SARS-CoV-2 mới lây lan Covid-19 ở Anh

Xuất hiện biến chủng virus SARS-CoV-2 mới lây lan Covid-19 ở Anh

Xem chi tiết Next

Thế giới lần đầu tiên kỷ niệm Ngày quốc tế Phòng chống dịch bệnh

Thế giới lần đầu tiên kỷ niệm Ngày quốc tế Phòng chống dịch bệnh

Xem chi tiết Next

Việt Nam trao quà phòng chống dịch Covid-19 cho Myanmar

Việt Nam trao quà phòng chống dịch Covid-19 cho Myanmar lần thứ 4

Xem chi tiết Next
Thong ke